Việc chữa lành mẹ vợ ông Phêrô và công bố Nước Trời tại Galilêa
Gặp gỡ Đức Kitô, Đấng Chữa Lành giàu lòng thương xót
Mc 1:29-39
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, không phải vì các thảo mộc hay là dược thuốc có thể chữa lành các vết thương và bệnh tật của linh hồn chúng con, nhưng mà Lời Chúa, đã duy trì mọi sự, tạo ra tất cả mọi vật làm đổi mới mỗi ngày. Xin Chúa hãy đến, xin cánh tay mạnh mẽ của Ngài vươn tới trên chúng con và nâng đỡ chúng con để chúng con có thể để cho mình được nâng lên, trở dậy và bắt đầu trở thành môn đệ Chúa, tôi tớ của Ngài. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Cánh Cổng của đoàn chiên, Cánh Cổng mở đến thiên đàng, chúng con đến với Chúa với tất cả thân xác chúng con và tất cả tâm tình của tâm hồn chúng con. Xin Chúa hãy đem chúng con đi với Chúa, trong thinh lặng, vào trong hoang địa nở hoa và ở đó Chúa dạy chúng con cầu nguyện với tiếng nói của Chúa, với lời của Chúa, để chúng con cũng có thể trở thành sứ giả của Nước Trời. Xin Chúa hãy ban Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trên chúng con để chúng con có thể lắng nghe Chúa với tất cả lòng trí chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Bối cảnh của đoạn Tin Mừng:
Tiếp theo những câu trước (21-28), đoạn Tin Mừng này mô tả lại chiều tối một ngày điển hình với Chúa Giêsu. Người đang ở Cápharnaum, trong ngày Sabbát, và sau khi tham dự vào việc phụng vụ trong hội đường, Đức Giêsu tiếp tục việc phụng vụ tại nhà của ông Phêrô, trong một bầu không khí thân mật.
Khi hoàng hôn xuống và sau khi nghỉ ngơi, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ của Người qua khắp miền Galilêa. Sách Tin Mừng giới thiệu với tôi ba trình tự thuộc về lịch sử và cho tôi biết Chúa Giêsu đã làm gì ở Cápharnaum, nhưng cũng cho thấy mầu nhiệm tuyệt vời ơn cứu rỗi của Chúa Kitô đã thay đổi cuộc đời tôi. Những sự kiện này có thể giúp giữ cho sự chú tâm của tôi trên cuộc hành trình Chúa Giêsu đã đi qua: từ hội đường đến nhà, đến miền hoang địa và tất cả các thôn làng trong miền Galilêa. Tác giả Tin Mừng cũng nhấn mạnh đến thời gian rảnh rỗi, thời gian đêm đến, đó là, hoàng hôn và sau đó buổi bình minh vẫn còn đắm mình trong bóng tối.
b) Một vài trợ giúp trong việc đọc đoạn Tin Mừng:
Mc 1:29-31: Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô và chấp nhận lời thỉnh cầu của môn đệ. Người đã chữa cho nhạc mẫu của ông Phêrô là người đang sốt ốm trên giường.
Mc 1:32-34: Sau ngày Sabbát, Chúa Giêsu chữa lành nhiều bệnh nhân và nhiều người bị quỷ ám được mang đến với Người.
Mc 1:35-39: Đức Giêsu thức dậy trước lúc rạng đông và đi cầu nguyện ở nơi vắng vẻ, nhưng nhiều người đã đi tìm và cuối cùng đã tìm thấy Người. Chúa hướng dẫn họ đến một sứ vụ rộng lớn hơn bao trùm toàn khắp xứ Galilêa.
c) Phúc Âm:
29-30: Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
32-34: Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
35-39: Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy.” Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa.” Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Tôi tiến vào sự im lặng mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho tôi với việc chữa lành sâu xa của Người, với lời cầu nguyện của Người để vượt qua được đêm đen. Vì thế, tôi sẵn sàng để đi tìm kiếm Chúa Giêsu không ngừng nghỉ và theo Người đến bất cứ nơi nào Người dẫn tôi đi.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để có thể giúp cho đôi tai tâm linh của tôi biết nghe thấu kỹ hơn và đôi mắt tâm hồn tôi biết chiêm niệm cho đến lúc tôi gặp được ánh mắt của Chúa Giêsu.
a) Chúa Giêsu ra khỏi hội đường và đến nhà Phêrô, nơi trở thành trung tâm sáng chói cho sinh hoạt cứu độ của Người. Tôi cố gắng đi theo cuộc hành trình của Chúa Giêsu: Chúa tiến vào nơi riêng tư nhất của ngôi nhà, đó là phòng ngủ. Tôi ngẫm nghĩ, mưu cầu và tìm kiếm “con đường” ở trong tôi, nhà của Thiên Chúa. Tôi có để cho Chúa đi vào phần sâu thẳm nhất trong tôi, thậm chí đến trái tim tôi không? Tôi quan sát và lưu ý các cử chỉ của Chúa Giêsu. Người đi vào cách nhanh chóng, Người tiến tới, cầm lấy bàn tay, đỡ dậy. Đây là những lời lẽ điển hình của sự sống lại. Tôi có nghe thấy Chúa cũng đang nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, đứng lên, hãy sinh ra lần nữa!” không? Tôi ghi nhớ sự nhấn mạnh vào bóng tối: hoàng hôn, vẫn còn tối. Tại sao? Điều này có ý nghĩa gì? Những từ ngữ khác tôi có thể liên tưởng đến sự diễn tả này là gì? Tất cả đã tụ tập tại cửa nhà của Chúa Giêsu. Tôi có ở trong số những người này không? Lời của Chúa Giêsu vang vọng trong tim tôi: “Hãy gõ và nó sẽ được mở ra cho con”. Tôi cố gắng tưởng tượng ra khung cảnh, tôi giơ tay và gõ cửa nhà Chúa Giêsu. Người mở cửa. Tôi sẽ nói gì với Chúa đây? Và Người sẽ trả lời tôi như thế nào? Họ đã biết Chúa. Tôi tự vấn mình về mối quan hệ với Chúa. Tôi đã thực sự biết Ngài chưa? Hay là tôi chỉ nghe vào những lời đồn thổi, như ông Gióp đã nói chăng? Tôi nhìn lại bản thân mình và cầu xin Chúa Giêsu giúp tôi với sự khám phá của mối quan hệ này, của sự thân thiết, hiệp thông và chia sẻ với Người. Tôi cố gắng ghi nhớ một vài câu Kinh Thánh có thể giúp tôi: “Lạy Chúa, xin làm cho con biết cách của Chúa”, “Xin hãy tỏ cho con biết Thiên Nhan Ngài”. Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi thanh vắng. Tôi có lo ngại phải đi với Người vào đó mà cầu nguyện suốt đêm cho đến lúc bình minh không? Tôi có sợ hãi những khoảnh khắc im lặng và riêng tư với Người hay không? Và đã đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Chúa đang cầu nguyện. Điều này nói với tôi về một hoạt động bình an, lâu dài và sâu xa. Liệu tôi có sẽ trốn chạy và không muốn dừng lại không? Hãy bắt đầu việc tìm kiếm Người … trong bước chân của Chúa Giêsu. Đây là lời bày tỏ đẹp đẽ, nó nhắc nhở tôi về một tác phẩm của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu trong đó bà nói rằng những bước chân sáng ngời của Chúa Giêsu được trải rộng khắp các trang của Tin Mừng. Tôi suy gẫm. Tôi đã có bao giờ tự cam kết sẽ đi theo những bước chân này, đôi khi được xác định rõ ràng, những lúc khác thì hầu như không thể cảm thấy chưa? Tôi có biết cách để nhận ra những bước chân này, thậm chí dọc theo lối thời gian và lịch sử của từng ngày, của tôi và của người khác không? Có một dấu vết đặc biệt của Chúa Giêsu, một dấu chân không thể xóa nhòa mà Người đã để lại trên thế gian của trái tim tôi, của đời tôi không?
b) Tôi tạm dừng trên những câu cuối và lưu ý đến những động từ của chuyển động, của động tác: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa. Và Người đi rao giảng.” Tôi biết rằng tôi cũng được gọi đi rao giảng tình yêu và ơn cứu độ trong Chúa Giêsu. Tôi đã sẵn sàng, với ân sủng và sức mạnh đến từ Lời này mà tôi đã suy gẫm, để bây giờ làm một lời cam kết cụ thể, rõ ràng, thậm chí nhỏ bé là đi rao giảng và phúc âm hóa chưa? Tôi sẽ đi đến với ai đây? Những bước nào tôi mong ước sẽ thực hiện đây?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Tôi có thể dùng những lối khác nhau để đi sâu hơn vào trong văn bản, những lối có thể giúp tôi nhập vào cuộc đối thoại với Chúa hơn và lắng nghe Lời Ngài hơn.
- Đoạn đường từ Hội Đường đến Giáo Hội:
Hội đường là người mẹ, nhưng Giáo Hội là người phối ngẫu. Chúa Giêsu, là Người Phối Ngẫu, đã mặc khải Giáo Hội cho chúng ta và cho chúng ta biết được vẻ đẹp và sự lộng lẫy lan tỏa từ Giáo Hội cho chúng ta. Nếu chúng ta cố gắng đi theo Người, trong Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu đang dẫn dắt chúng ta trên cuộc hành trình cứu độ từ hội đường đến Giáo Hội. Thánh Máccô, cũng như Luca, nhấn mạnh nhiều vào sự liên kết mà Chúa Giêsu thiết lập một cách nhanh chóng với hội đường mà đã trở thành nơi đặc biệt và thiêng liêng cho việc mặc khải của Người, nơi dành cho việc giảng dạy. Ví dụ, tôi đọc Mc 1:21 và Mc 6:2; hay Lc 4:16 và Lc 6:6 cũng như Ga 6:59; trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đứng trước Philatô nói rằng Người luôn luôn giảng dạy công khai trong hội đường và trong đền thờ (Ga 18:20). Nơi chữa lành cho người đau ốm bệnh tật cũng là nơi Chúa Giêsu tỏ mình như Đấng chữa lành đầy quyền uy, Đấng chữa lành và cứu độ: xem Mc 1:23 và 3:1. Hoạt động đôi này của Chúa Giêsu đã trở thành cầu nối cho người ta đi đến ngôi nhà mới của Thiên Chúa, nơi cầu nguyện cho tất cả mọi người, đó là Giáo Hội; ngôi nhà với cửa rộng mở để không có ai phải đứng bên ngoài. Tất cả chúng ta đều được mời vào trong, với Chúa Giêsu, nơi của sự hòa giải, hiệp thông và cứu rỗi. Đức Kitô yêu thương Hội Thánh (Êp 5:25), bởi vì Người là đầu Hội Thánh (Êp 1:22; 5:23), Người đã mua bằng máu của chính mình (Cv 20:28), không ngừng nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh (Êp 5:29). Hội Thánh là ngôi Đền Thờ thiêng liêng được kiến tạo bằng các viên đá sống động, đó là chính chúng ta, như đã viết trong thư của Thánh Phêrô (1 Pr 2:4). Tuy nhiên, sự sống tuôn tràn ra khỏi chúng ta như nước bắn vọt ra khỏi đá nếu chúng ta từ bỏ thân xác mình mà gắn bó với Chúa (Êp 5:24) như một món quà tình yêu và tin tưởng lẫn nhau, và nếu chúng ta kiên trì trong lời cầu nguyện liên lỉ và cho tất cả mọi người (Cv 12:5) và nếu chia sẻ trong cuộc thương khó của Chúa cho nhân loại (Cl 1:24). Hội Thánh là cột trụ và là điểm tựa của chân lý (1 Tm 3:15). Thật là tuyệt mỹ được bước đi trong Hội Thánh, hiệp nhất với Đức Kitô Chúa chúng ta.
- Cơn sốt như một dấu hiệu của tội lỗi
Như nguồn gốc từ chữ Hy Lạp cho biết, cơn sốt giống như ngọn lửa đang cháy bùng lên trong người chúng ta và thiêu đốt chúng ta một cách tiêu cực, nó tấn công sức lực tinh thần và trong thâm tâm chúng ta khiến chúng ta mất khả năng làm những việc tốt lành. Lấy ví dụ, trong Thánh Vịnh 31 chúng ta thấy một lời nói rất hùng hồn có thể mô tả rõ tác dụng của cơn sốt tội lỗi trong chúng ta: “Tâm hồn con đã trở nên khô cằn trong mùa hè hạn hán. Cuối cùng con đã thú tội với Chúa… (Tv 31:4). Cách duy nhất để được chữa lành là như những gì chúng ta đã đọc thấy trong Tin Mừng, đó là, việc xưng tội, đặt để sự dữ của chúng ta trước Chúa (Kn 16:16). Trong sách Đệ Nhị Luật, cơn sốt cũng được xem như là hệ quả của việc lìa xa khỏi Thiên Chúa, của trái tim khô cằn sẽ không còn lắng nghe tiếng Chúa và đi theo đường lối của Người (Đnl 28:15, 22; 32:24).
- Đức Giêsu Đấng chữa lành đầy lòng thương xót
Đoạn Tin Mừng này, cũng như nhiều đoạn khác, đã cho phép chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu, là Đấng chữa lành thực sự và là thày thuốc thực sự, đến với chúng ta để đụng chạm các vết thương đau đớn nhất, những căn bệnh ghê gớm nhất của chúng ta và chữa lành chúng ta, việc chữa lành đó là sự cứu rỗi đời đời. Chúa là người Samaritanô nhân hậu, Đấng mà trong suốt cuộc lữ hành của cuộc đời chúng ta nhìn chúng ta với sự vững tin, ánh mắt tha thiết và yêu thương, không lảng tránh nhưng tiến gần đến chúng ta, cúi xuống, băng bó các vết thương và đắp vào những vết thương ấy với những toa thuốc hảo hạng đến từ trái tim của Người. Có rất nhiều đoạn trong Tin Mừng cho chúng ta biết về việc chữa lành bởi Chúa Giêsu. Chỉ riêng Tin Mừng của Máccô, ta có thể tìm thấy các đoạn Mc 2:1-12; 3:1-6; 5:25-34; 6:54-56; 7:24-30; 7:31-37; 8:22-26; 10:46-52. Trước những đoạn Phúc Âm này và hiểu rõ giá trị ý nghĩa sâu xa của chúng có thể giúp tôi hấp thụ nhiều hơn các đặc tính của Chúa Giêsu, Người đã chữa lành và vì thế bằng vào việc lắng nghe Lời Chúa một cách sâu xa thì tôi cũng có thể được chữa lành tâm hồn tôi và cả con người tôi. Lấy ví dụ, tôi có thể dừng lại các động từ hay các cử chỉ đặc thù của Chúa Giêsu được lặp lại nhiều lần trong những câu chuyện này và như thế Lời Người công bố càng được khám phá ra nhiều hơn. Tôi nhận ra rằng nó không hẳn là các cử chỉ của Chúa Giêsu đem đến sự chữa lành, mà là chính Lời của Chúa: “Hãy chỗi dậy và đi; hãy ra đi trong bình; hãy đi; hãy đi, vì đức tin của con đã cứu chữa con”. Chúa rất hiếm khi xử dụng những cử chỉ riêng biệt để tạo sự chú ý và bối rối. Một số những cử chỉ này là: “cầm lấy tay anh ta; dẫn anh ta đến bên Người; Người đã đặt; Người đặt tay của mình”. Những câu chuyện này vang lại lời của sách Thánh Vịnh nói rằng: “Sai Lời Người đến và chữa cho lành mạnh” (Tv 106:20). Đức Giêsu là Chúa, Người là đấng chữa lành, như sách Xuất Hành đã công bố (Xh 15:26), và chính Người đã mang vào thân thể các thương tật của chúng ta, tội lỗi chúng ta. Người là Đấng chữa lành bị tổn thương, Đấng phải mang lấy những vết thương mà chúng ta đã được chữa lành (1 Pr 2:24-25).
- Đêm đen, bóng tối được biến đổi bởi ánh sáng của Chúa Giêsu
Chủ đề về đêm đen và bóng tối được nhắc đến trong một phần đáng kể của Kinh Thánh, từ những câu Kinh Thánh đầu tiên khi ánh sáng xuất hiện như là sự biểu lộ đầu tiên sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và cứu rỗi. Ánh sáng tiếp theo bóng tối, ngày tiếp nối đêm và song song Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng bóng tối nội tâm, có thể xâm nhập loài người, được tiếp nối bằng ánh sáng mới của ơn cứu rỗi và của sự gặp gỡ với Thiên Chúa, của sự bao phủ bởi ánh mắt rực rỡ trìu mến. Thánh Vịnh 138 câu 12 nói rằng: “Đối với Chúa, đêm đen sáng tỏ như ban ngày” và đúng như thế, bởi vì chính Chúa là ánh sáng; Thánh Vịnh 26 câu 1 đã viết: “Chúa là nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ của tôi”. Trong Tin Mừng theo Gioan, Chúa Giêsu nói chính Người là ánh sáng cho thế gian (Ga 9:5), để cho chúng ta biết rằng bất cứ ai đi theo Người sẽ không đi trong bóng tối; thật vậy, chính Chúa Giêsu, là Ngôi Lời Thiên Chúa, đã trở nên ánh sáng cho bước đi của chúng ta trong thế gian này (Tv 118:105). Sự tối tăm thường đi kèm theo với hình bóng của cõi chết, để nói rõ hơn là chốn tối tăm tinh thần cũng giống như sự chết. Hãy đọc Thánh Vịnh 87:7; 106:10, 14. Cánh tay mạnh mẽ của Chúa đã đánh bại bóng tối, Người giải thoát chúng ta khỏi nanh vuốt của nó, phá tan xiềng xích đã trói buộc chúng ta. “Hãy có ánh sáng” là lời hằng sống mà Thiên Chúa công bố không ngừng nghỉ và vang vọng tới mỗi con người trong mọi tình huống.
“Xin Chúa hãy ở lại với chúng con. Ngày sắp tàn và đêm đã xuống” (Lc 24:29) là lời cầu nguyện của hai môn đệ ở Emmau, nhưng đó cũng là lời cầu nguyện của tất cả chúng ta. Lời của tân nương trong Ca Vịnh được vang lên trên môi của chúng ta: “Trước khi bóng chiều buông xuống, hãy quay về, hỡi người yêu của em!” (Dc 2:17).
Thánh Phaolô giúp chúng ta đi qua một cuộc hành trình nội tâm rất mạnh mẽ, mang chúng ta đến gần với Chúa Kitô và cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Ông mời gọi chúng ta: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến – vậy chúng ta hãy từ bỏ tất cả những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí để chiến đấu trong sự sáng (Rm 13:12). “Tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày; chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối (1Tx: 5:5). Trong nhiều cách, Lời Chúa mời gọi chúng ta trở nên con cái của ánh sáng và đưa chúng ta vào ánh sáng Mặt Trời thiêng liêng chính là Đức Giêsu, phương Đông, được soi sáng và biến đổi. Chúng ta càng dâng mình cho ánh sáng Đức Kitô, thì lời của sách Khải Huyền càng trở thành sự thật đối với chúng ta: “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng của mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ. Họ sẽ hiển trị đế muôn thuở muôn đời” (Kh 22:5).
6. Cầu nguyện với Thánh Vịnh 29
Bài thánh ca tạ ơn Chúa đã cứu khỏi chết.
Đáp ca: Lạy Chúa, trong tay Ngài, con phó thác đời con.
Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Đáp ca: Lạy Chúa, trong tay Ngài, con phó thác đời con.
Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA,
cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!
Lạy CHÚA, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Đáp ca: Lạy Chúa, trong tay Ngài, con phó thác đời con.
Lạy CHÚA, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con.
Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài.
Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.
Đáp ca: Lạy Chúa, trong tay Ngài, con phó thác đời con.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa, con muốn ngợi khen Chúa, tán dương và cảm tạ Chúa với tất cả tâm tình về những Lời này của Chúa, đã viết cho con, hôm nay, được công bố bởi tình yêu của Chúa dành cho con, bởi vì Chúa thật sự yêu thương con. Con xin cảm tạ Chúa, bởi vì Chúa đã đến, Chúa đã xuống thế, Chúa ngự vào trong nhà con và đã động chạm vào nơi con đang đau yếu, nơi con bị thiêu đốt với cơn sốt khủng khiếp. Chúa đã động chạm con khi con đang lưu lạc và cô đơn. Và Chúa đã nắm lấy con. Chúa đã cầm lấy tay con và dìu con gượng dậy, phục hồi con trở lại cuộc sống thật sự và đầy đủ đến bởi Chúa, cho con sống gần Chúa. Lạy Chúa, vì thế mà giờ đây con đang hạnh phúc.
Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã bỏ qua bóng tối của con, bởi vì Chúa đã đánh bại đêm tối với lời cầu nguyện mạnh mẽ, riêng tư và yêu thương của Chúa. Chúa đã giải chiếu ánh sáng của Ngài trong con, trong mắt con, và giờ đây con cũng nhìn thấy sự đổi mới và cũng được chiếu soi từ nội tâm. Con cầu nguyện với Chúa và con lớn lên, một cách chính xác bởi vì con cầu nguyện với Chúa. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã hối thúc con hướng về người khác, hướng về thế giới mới, những phương cách mới, bên ngoài khung cửa nhà con. Con biết rằng con không thuộc về thế gian, nhưng con vẫn còn ở lại trong thế gian để tiếp tục yêu thương nó và phúc âm hóa. Lạy Chúa, Lời Chúa có thể biến thế gian thành một nơi thật sự tráng lệ. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Amen.