Lc 6:27-38
1. Lời Nguyện Mở Đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Thánh Luca cho chúng ta biết (Lc 6:17-19) rằng khi Chúa Giêsu từ trên núi đi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người thấy đoàn lũ dân chúng tìm đến để lắng nghe Lời Người và tìm cách chạm vào Người, bởi vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người. Chúa Giêsu chào đón đám đông và nói Lời của Người với họ. Bài Tin Mừng phụng vụ cho Chúa Nhật tuần này đặt trước chúng ta một phần của bài giảng mà Chúa Giêsu đã nói vào dịp đó. Trong sách Tin Mừng của thánh Luca, bài giảng được nói cho những người là “các môn đệ” và “đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđêa, từ Giêrusalem và từ miền duyên hải Tia và Siđon” (Lc 6:17). Có lẽ đây là những người Do Thái (miền Giuđêa và Giêrusalem) và dân ngoại (duyên hải tia và Siđon). Trong sách Tin Mừng của Mátthêu, bài giảng tương tự được trình bày như là Lề Luật Mới của Thiên Chúa, giống như Lề Luật Cổ đã được công bố từ đỉnh núi (Mt 5:1).
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 6:27-28: Những lời khuyên chung
Lc 6:29-30: Những ví dụ cụ thể về việc thực hành những lời khuyên này
Lc 6:31: Tóm tắt về giáo huấn của Chúa Giêsu
Lc 6:32-34: Ai mà muốn theo Chúa Giêsu thì phải vượt trội hơn đức hạnh bình thường của dân ngoại
Lc 6:35-36: Căn nguyên của phẩm hạnh mới: nên giống như lòng nhân từ của Chúa Cha
Lc 6:36-38: Những ví dụ cụ thể về cách nên giống như Chúa Cha
c) Phúc Âm:
Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như cha anh em là Đấng Nhân Từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào của bài Tin Mừng bạn thích nhất hoặc điểm nào đánh động bạn nhất? Tại sao?
b) Tại sao Chúa Giêsu lại giảng bài giảng này? Hãy quan sát kỹ những chi tiết trong văn bản và cố gắng rút ra kết luận của riêng bạn?
c) Theo bạn, cốt lõi và cội rễ của giáo huấn của Chúa Giêsu là gì?
d) Ngày nay, trong xã hội hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân của chúng ta, chúng ta có thể thực hành nhân đức được Chúa Giêsu đưa ra bằng cách nào? Hay là, ngày nay, “anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” có ý nghĩa gì?
e) Bạn có tìm thấy bất cứ điều gì trong văn bản có thể là lý do cho sự hy vọng và lòng can đảm không?
5. Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng
Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a) Bối cảnh bài giảng của Chúa Giêsu:
Thánh Sử Luca trình bày giáo huấn của Chúa Giêsu trong một mặc khải lũy tiến. Nhiều lần, từ trang đầu sách Tin Mừng của ông cho đến câu 6:16, thánh Luca cho độc giả biết rằng Chúa Giêsu giảng dạy, nhưng không hề nói gì về nội dung của các giáo huấn (Lc 4:15,31-32,44; 5:1,3,15,17; 6:6). Tuy nhiên, giờ đây, sau khi cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã nhìn thấy vô số người muốn nghe Lời của Chúa, thánh Luca giới thiệu về bài giảng tuyệt vời đầu tiên bắt đầu bằng các câu cảm thán: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!” (Lc 6:20),Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” (Lc 6:24).
Có một số người gọi bài giảng này là “Bài Giảng trên Đất Bằng”, bởi vì theo thánh Luca, Chúa Giêsu từ trên núi xuống và dừng lại ở một chỗ đất bằng nơi Người đã giảng Bài Giảng của Người (Lc 6:17). Trong sách Tin Mừng của Mátthêu, bài giảng tương tự này xảy ra trên núi (Mt 5:1) và được gọi là “Bài Giảng Trên Núi”. Trong sách Mátthêu, có chín mối phúc trong bài giảng, trình bày lối sống cho các cộng đoàn Kitô hữu gốc người Do Thái. Trong sách Luca, bài giảng thì ngắn hơn, triệt để hơn và nhắm đến các cộng đoàn người Hy Lạp gồm cả người nghèo lẫn người giàu. Các câu trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ bảy mùa Thường Niên cho thấy cốt lõi của giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến cách đối xử của những ai muốn trở thành môn đệ của Người.
b) Lời bình giải về bài Tin Mừng:
Lc 6:27a: Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người
Từ lúc bắt đầu bài giảng cho đến bây giờ, Chúa Giêsu đã nói với “các môn đệ” của Người (Lc 6:20). Ở đây, trong câu 6:27a của thánh Luca, số người đến nghe đông đảo thêm và Chúa nói với “những người muốn nghe”, đó là, các môn đệ của Người và đoàn lũ dân chúng, người nghèo khó và đau khổ, đến từ khắp miền (Lc 617-19), và nói với tất cả chúng ta, tôi và bạn, những người tại thời điểm này đã “nghe” thấy lời của Chúa Giêsu.
Lc 6:27b-28: Những lời khuyên chung định nghĩa giáo huấn mới
Những lời mà Chúa Giêsu hướng đến đám đông dân chúng nghèo khó và đau khổ thì khe khắt và khó khăn: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” Những lời khuyên răn này của Chúa Giêsu đi xa hơn những đòi hỏi, vào thời ấy, người ta đã được dạy dỗ từ thời thơ ấu từ các kinh sư và người Biệt Phái trong các buổi họp hằng tuần tại hội đường, đó là “Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù” (Mt 5:43). Điều răn mới của Đức Giêsu vượt ra ngoài khuôn khổ và đạo đức chung này, thậm chí cho đến ngày nay, và mặc khải một khía cạnh của “nền công lý vĩ đại hơn” mà Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn đi theo Người (Mt 5:20).
Lc 6:29-30: Những ví dụ cụ thể về việc thực hành giáo huấn mới của Chúa Giêsu!
Chúa Giêsu đòi hỏi tôi phải giơ má phía bên kia cho những kẻ vả vào một bên má của tôi, và Người đòi hỏi rằng tôi không đòi lại khi người ta lấy đi cái gì của tôi. Chúng ta những lời này như thế nào? Những người nghèo khó có nên chấp nhận khi người giàu có đánh họ, khi người giàu có đánh cắp hoặc lợi dụng họ không? Nếu chúng ta hiểu những lời này theo nghĩa đen, thì những lời khuyên bảo này dường như thiên tư tây vị kẻ giàu có. Nhưng ngay chính Chúa Giêsu cũng đã không tuân thủ những lời này theo nghĩa đen. Khi người lính vả vào mặt Chúa Giêsu, Người đã không giơ má bên kia ra, mà Người đã phản ứng cách mạnh mẽ: “Nếu Ta nói sai, ngươi chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu Ta nói phải, sao ngươi lại đánh Ta?” (Ga 18:22-23). Những gì Chúa Giêsu đã làm khi ấy, nói cho chúng ta biết đừng nên hiểu những lời này theo nghĩa đen. Thêm vào đó, những lời tiếp theo trong cùng bài giảng giúp chúng ta hiểu được Chúa Giêsu muốn giảng dạy điều gì (Lc 6:31).
Lc 6:31: Tóm tắt về giáo huấn của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu công bố câu cách mạng này: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” Những lời bình luận giá trị nhất về giáo huấn này là một số bình luận được trích ra từ các tôn giáo khác. Từ Hồi giáo: “Không ai có thể là một tín đồ trừ phi anh ta yêu anh em mình như chính mình.” Từ Phật giáo: “Có năm cách mà một nhà lãnh đạo thực thụ phải đối xử vời bạn bè và người thân thuộc của mình: với lòng độ lượng, lịch sự, thiện chí, dành cho họ những gì họ mong đợi và trung tín với lời nói của mình.” Từ Lão giáo: “Hãy xem sự thành công của người hàng xóm như là thành công của riêng bạn, và sự bất hạnh của người đó như thể của chính mình.” Từ Ấn Độ giáo: Đừng làm cho người khác những gì mà nếu nó xảy ra cho bạn sẽ khiến bạn đau khổ.” Trong giáo huấn của Người, Chúa Giêsu đã thành công trong việc nói lên những ước muốn sâu xa và phổ quát nhất của loài người, lòng khát khao tình huynh đệ, được nảy sinh từ ý chí muốn người khác hoàn toàn xả kỷ, không cố tìm bất kỳ một lợi lộc, công đức hay phần thưởng nào. Chính trong tình huynh đệ chân thành, sống tử tế, là khuôn mặt của Thiên Chúa được mặc khải.
Lc 6:32-34: Những ai muốn đi theo Chúa Giêsu phải vượt trội hơn đức hạnh bình thường của dân ngoại
Chúng ta nghĩ gì về những người chỉ yêu thương kẻ yêu thương họ? Chúng ta có chỉ làm ơn cho những ai làm ơn cho chúng ta không? Chúng ta chỉ cho vay mượn với những người mà họ sẽ trả lại sòng phẳng cho chúng ta không? Trong mọi xã hội, các thành viên của cùng một gia đình luôn tìm cách giúp đỡ nhau. Chúa Giêsu nói về điều thực hành phổ quát này: “Ngay cả kẻ tội lỗi cũng làm được như thế!” Nhưng việc thực hành phổ quát này thì chưa đủ cho những ai muốn theo Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu thì nói khá rõ ràng về điểm này. Như thế thì chưa đủ! Thật là cần thiết phải bước xa hơn nữa. Bước nào? Câu trả lời nằm ở trong những điều sau đây.
Lc 6:35-36: Căn nguyên của phẩm hạnh mới: nên giống như lòng nhân từ của Chúa Cha
Bằng lời rao giảng của Người, Chúa Giêsu cố gắng thay đổi và hoán cải người ta. Sự thay đổi mà Chúa mong muốn thì không chỉ giới hạn ở một sự đảo ngược tình huống cách đơn giản để cho những ai đang ở dưới tận cùng thì sẽ lên trên cùng và những ai đang ở trên cùng thì xuống phía dưới cùng. Việc này sẽ không thay đổi điều gì và hệ thống xã hội tiếp tục xoay vần không đổi. Chúa Giêsu muốn thay đổi cách sống. Người muốn các môn đệ của Người có một thái độ trái ngược: “Yêu thương kẻ thù của mình!” Phương cách mới mà Người muốn xây dựng xuất phát từ kinh nghiệm mới mẻ về Thiên Chúa, Chúa Cha Tình Yêu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta hoán toàn nhưng không. Nó không tùy thuộc vào bất cứ điều gì chúng ta làm. Vì thế, tình yêu đích thực mong ước sự tốt đẹp cho người khác, không tùy thuộc vào bất cứ điều gì người ấy đã làm cho tôi. Theo cách này, chúng ta noi theo lòng thương xót của Chúa Cha và chúng ta trở thành con cái của Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Chúng ta sẽ trở thành người “có lòng nhân hậu như Chúa Cha là Đấng nhân hậu.” Những lời này của Chúa Giêsu gợi lên kinh nghiệm về Thiên Chúa mà ông Môisen đã trải qua trên núi Sinai: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:6).
Lc 6:36-38: Những ví dụ cụ thể về cách nên giống như Chúa Cha
Đừng xét đoán, đừng lên án, hãy tha thứ, hãy cho đi không cần suy tính! Những lời khuyên răn này Chúa Giêsu dành cho những ai đang lắng nghe Người vào ngày ấy. Những điều này làm rõ ràng và cụ thể hóa các giáo huấn của Chúa Giêsu trong câu trên về lòng nhân hậu đối với kẻ thù và về sự cư xử như con cái của Đấng Tối Cao. Chính lòng nhân hậu được cho thấy trong những dụ ngôn người Samaritanô tốt lành và người con hoang đàng và được mặc khải trong cuộc đời của Chúa Giêsu: “Ai trông thấy Ta, là nhìn thấy Cha.”
c) Phần phụ chú để giúp chúng ta hiểu bài văn bản rõ hơn
i) Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em:
Hai câu nói trong cùng một bài giảng: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!” (Lc 6:20) và “Khốn cho các người là những kẻ giàu có!” (Lc 6:24) đưa ra cho người nghe một chọn lựa, lựa chọn thiên về người nghèo khó. Trong Cựu Ước, nhiều lúc, Thiên Chúa đặt để loài người trước việc chọn lựa giữa được chúc phúc và bị nguyền rủa. Loài người được ban cho khả năng chọn lựa: “tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống” (Đnl 30:9). Thiên Chúa không lên án. Chính loài người, những kẻ chọn được sống hay phải chết, đã có thái độ của họ trước Thiên Chúa và những người lân cận. Những khoảnh khắc chọn lựa này là những khoảnh khắc Thiên Chúa đến thăm dân Người (St 21:1; 50:24-25; Xh 3:16; 32:34; Gr 29:10; Tv 59:6; Tv 65:10; Tv 80:15, Tv 106:4). Luca là Thánh Sử duy nhất sử dụng hình ảnh này về việc Thiên Chúa viếng thăm (Lc 1:68,78; 7:16; 19:44; Cv 15:16). Đối với thánh Luca, Chúa Giêsu là sự viếng thăm của Thiên Chúa Đấng đã cho dân Người sự chọn lựa được chúc phúc hay bị nguyền rủa: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó!” nhưng “Khốn cho anh em là những kẻ giàu có!” vì ngươi đã không nhận biết được thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm (Lc 19:44). Và ngày nay, trong thế giới của chúng ta, những người có thành tựu vĩ đại nhất là sự nghèo đói ngày càng gia tăng của nhiều người, liệu chúng ta có thể nhận ra được sự viếng thăm của Thiên Chúa không?
ii) Những người mà bài giảng của Chúa Giêsu được nói tới
Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng của Người bằng cách dùng ngôi thứ hai số nhiều: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!” – “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” Tuy nhiên, đứng trước mặt Chúa Giêsu tại chỗ đất bằng ấy, không có kẻ giàu có! Chỉ có những người nghèo khó và đau khổ đến từ khắp miền ở đó (Lc 6:17-19). Nhưng văn bản lại nói rằng: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” Trong việc truyền lại những lời của Chúa Giêsu, thánh Luca cũng đã nghĩ về cộng đoàn theo văn hóa Hy Lạp tại Hy Lạp và tại Tiểu Á vào thập niên 80, 50 năm sau thời Chúa Giêsu. Trong số những người này, có sự phân biệt giữa kẻ nghèo và người giàu (xem Kh 3:15-17; Gb 2:1-4; 5:1-6; 1Cr 11:20-21), cùng sự kỳ thị tương tự như hệ thống của Đế chế La Mã. Chúa Giêsu phê phán những kẻ giàu có một cách nghiêm khắc và thẳng thừng: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi! Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than!” Điều này cho thấy rằng, đối với Chúa Giêsu, nghèo đói không phải là vì số phận, mà là kết quả của sự tích lũy của cải cách bất công của những kẻ khác. Điều tương tự cũng có thể nói cho câu nói này: “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng! Vì các ngôn sứ giả cũng đã được cha ông họ đối xử như thế!” Lời cảnh báo thứ tư này đề cập đến những người Do Thái cải đạo, nghĩa là con cháu của những người xưa kia đã ca tụng các tiên tri giả. Khi trích dẫn lời này của Chúa Giêsu, thánh Luca đã nghĩ đến những người Do Thái cải đạo thời của ông là những kẻ đã dùng uy tín và quyền lực của họ để công khai chỉ trích các dân ngoại.
6. Lời Nguyện Thánh Vịnh 34 (33)
“Lòng biết ơn xuất phát từ cách nhìn khác”
Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người!
Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!
Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.
Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì.
Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ CHÚA.
Ai là người thiết tha được sống,
ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan?
Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa;
hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà.
CHÚA đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời,
nhưng để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi.
Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn,
dầu một khúc cũng không giập gãy.
Quân gian ác chết vì tội ác,
kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân.
CHÚA cứu mạng các người tôi tớ,
ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.