Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật X Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật X Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 9 Tháng Sáu, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Bài Giảng về Sứ Mệnh Truyền Giáo

Mc 3:20-35 

 

  1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa nhân lành và yêu thương, Đấng cai trị vạn vật trên trời và dưới đất, xin Chúa hãy lắng nghe lời nguyện xin của dân Chúa và ban cho chúng con sự bình an của Chúa trong ngày của chúng con.

Chúng con nguyện xin điều này nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Hợp Nhất, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

  1. Bài Đọc Tin Mừng – Mc 3:20-35

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà và đám đông lại kéo đến, đến nỗi Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng: “Ngài đã mất trí”. Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Bê-endêbun ám”, và nói thêm rằng: “Chính dựa thế quỷ vương mà ông ấy trừ quỷ”. Chúa Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Và nếu một nhà mà tự phân tán, thì nhà đó không thể đứng vững được. Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khỏe mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y.

Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ nói: “Người bị thần ô uế ám”.

Và mẹ cùng anh em Người đến, đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

  1. Suy Niệm

Chúa Giêsu không còn sống cùng với thân nhân của Người ở Nagiarét nữa.  Nhà của Người bây giờ ở Cápharnaum (Mc 2:1).  Gia đình Người phải đi một quãng đường khoảng 40 cây số để tìm Người ở đó và tìm cách giữ Người lại vì họ cho rằng Người bị “mất trí”.  Có lẽ họ đã nghe kể lại rằng Chúa Giêsu đã hành xử không bình thường.  Có thể họ đã nghĩ rằng Người đang gây nguy hại cho danh dự của gia tộc.  Rõ ràng là mối quan hệ của Chúa Giêsu với người thân của Người là sự chịu đựng.  Tại Israel thời xưa, gia tộc (đại gia đình của một người) là phương thức bảo đảm việc che chở lẫn nhau, phát huy truyền thống và đề cao bản sắc người Do Thái.

Tại miền Galilêa vào thời Chúa Giêsu, vì hệ thống đế chế La Mã được du nhập và bị áp đặt dưới sự cai trị của vua Hêrôđê Cả (năm 37 TCN đến năm 4 TCN) và con ông ta là vua Herôđê Antipát (năm 4 TCN đến năm 39 sau Công nguyên), tất cả những điều này đã không còn hiện hữu hoặc dần mờ nhạt đi.  Gia tộc (cộng đoàn) đang suy tàn.  Các khoản thuế phải nộp cho chính phủ và cho Đền Thờ, việc nợ nần cá nhân ngày càng tăng, tâm lý chủ nghĩa cá nhân của văn hóa Hy Lạp, các đe dọa áp bức thô bạo thường xuyên từ phía người La Mã, bổn phận phải đón nhận binh lính La Mã và cung cấp chỗ ở cho họ, điều thách thức hơn bao giờ hết là phải sinh tồn – tất cả những yếu tố này đã khiến cho các gia đình sống xa cách với người khác và tập trung vào các nhu cầu riêng của họ.  Lòng hiếu khách không còn được thực hành nữa, không còn việc chia sẻ, cũng không còn việc quây quần quanh bàn ăn, cũng như việc đón nhận những kẻ bị hắt hủi.  Sự tập trung vào gia đình trực hệ này được củng cố bởi các tập tục tôn giáo của thời ấy.  Việc tuân giữ các chuẩn mực về luật thanh khiết là một yếu tố cho việc gạt bỏ nhiều người:  phụ nữ, trẻ nhỏ, người Samaritanô, khách ngoại kiều, người phong cùi, người bệnh, kẻ tật nguyền, người thu thuế, người bại liệt.  Những chuẩn mực này, thay vì thiên về đón nhận và chia sẻ, đã tạo cớ cho sự tách biệt và loại trừ.

Các kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay tố cáo Chúa Giêsu bị quỷ ám; “dựa thế quỷ vương mà Ông ấy trừ quỷ.”  Họ đã có thành kiến và sẽ không để cho bất cứ điều gì – bất kể việc làm bác ái, bất kể sứ điệp mang lại sự sống, bất kể niềm vui mừng – thấm nhập vào lương tâm và thay đổi chủ kiến của họ.  Chúa Giêsu gọi thái độ đó là sự xúc phạm đến Chúa Thánh Thần. Đó là một hình thức tôn thờ ngẫu tượng mà qua đó chúng ta thần thánh hóa giáo điều hay quan điểm riêng của mình, không để cho Chúa hoặc bất cứ ai có thể bước vào để mở rộng tầm mắt của chúng ta.  Tội này không thể tha được (“tội muôn đời”) bởi vì người ta sẵn lòng nhốt mình trong bức tường ý thức hệ, ngăn cách với ân sủng và tạo ra nấm mồ cho riêng họ.  Lời lên án của Chúa Giêsu đối với thái độ ấy là lời phê bình gay gắt nhất mà Người lên tiếng trong các sách Tin Mừng.  Người nói về những kẻ đã tự quá giam hãm mình đến nỗi mà họ chỉ có thể đi từ chỗ tệ đến tệ hơn, cuối cùng là dẫn đến âm mưu đóng đinh Người.

Nhóm còn lại là những người có lẽ bị đánh giá sai lạc mà chúng ta nghe tới là thân nhân của Chúa.  Chúa Giêsu bỗng nhiên trở thành người của công chúng và đã làm cho giới chức thẩm quyền tức giận.  Có lẽ họ đã có một cuộc họp nào đó trong vòng gia tộc, rồi quyết định cử một nhóm đại diện đi tìm Chúa Giêsu và giúp Người tỉnh trí trở về nhà.  Có lẽ họ đã có ý tưởng rằng Chúa phải là một thành viên như thế nào trong vòng gia tộc, và Người đã không tuân theo.  Hoặc có thể họ đã đến để xem chuyện ồn ào đó là gì, để điều tra về các lời cáo buộc.  Chúa Giêsu tuyên bố rằng mối quan hệ thân thiết nhất của Người không được hình thành bởi huyết thống hoặc gia tộc.  Đối với Chúa Giêsu, thân nhân thực sự của Người là những ai liên kết với Thiên Chúa trong tình yêu thương như Người (“Ai làm theo ý của Thiên Chúa…”).  Đây là những người mà Chúa sẽ bảo vệ như Người bảo vệ thân mẫu Người và các anh em Người, những người mà Chúa sẽ đối xử như những người đồng thừa tự với Người mọi điều mà Chúa Cha đã hứa.  Thay vì sống thu hẹp trong vòng gia đình nhỏ bé của mình, Chúa Giêsu mở rộng ranh giới gia đình và tạo ra cộng đoàn.  Người hiểu được ý nghĩa sâu xa của gia đình, dòng tộc, cộng đoàn như một biểu hiện của sự nhập thể của tình yêu Thiên Chúa trong tình yêu đối với người lân cận.

  1. Một vài câu hỏi riêng:

–  Đời sống gia đình đã giúp ích hay ngăn trở việc tham gia vào đời sống cộng đoàn Kitô hữu bằng những cách nào?

–  Bạn có chấp nhận Chúa Giêsu theo những điều kiện của Người, hay bạn sẽ chỉ chấp nhận một Đấng Thiên Sai đáp ứng theo sự mong chờ của bạn thôi?

–  Bạn hoặc các thành viên trong cộng đoàn của bạn đã bao giờ theo đuổi một ai đó mà bạn nghĩ là “mất trí” chưa?  Bạn đã phán đoán việc này dựa theo những tiêu chuẩn nào?  Nếu đó là Chúa Giêsu, các tiêu chuẩn của bạn có thay đổi không?

–  Lời vu khống (chẳng hạn như lời cáo buộc của các kinh sư nhắm vào Chúa Giêsu rằng:  “Ông ấy bị quỷ Bê-endêbun ám”) là vũ khí của kẻ yếu thế.  Bạn đã có bao giờ đặt lời vu khống cho ai đó hoặc bị vu khống chưa?

–  Để trở thành một phần tử trong vòng thân cận của Chúa Giêsu sẽ đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mọi đòi hỏi quan trọng dựa trên chủng tộc, giới tính, sắc tộc, của cải, địa vị tôn giáo, v.v.  Bạn có sẵn sàng làm những điều đó chưa?

  1. Lời nguyện kết

Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

Biết cả khi con đứng con ngồi,

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét.

Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác

Thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.  Amen.

(Dựa theo Thánh Vịnh 139)

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …