Bài Giảng về Sứ Mệnh Truyền Giáo
Mt 9:36-10:8
- Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha chúng con, Ngôi Lời của Cha ngự trong thế gian nhờ sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Con Cha. Người đã công bố điều đó cho chúng con bằng những giáo huấn của Người, nhưng hơn hết cả là bằng vào những việc làm của Người và món quà sự sống của Người. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm. Trước khi từ giã chúng con, Người đã hứa ban cho chúng con sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để chúng con có thể ghi nhớ tất cả những lời Người đã nói và hiểu được sâu xa hơn ý nghĩa ẩn chứa trong tâm hồn đã chai đá vì tội lỗi của chúng con. Nguyện xin cho tâm hồn chúng con được bừng cháy với sự hiện diện của Người và thế gian của Cha trở thành một khích lệ sống động và hữu hiệu để phục vụ Cha trong anh chị em chúng con với niềm hân hoan. Amen.
- Bài Đọc Tin Mừng – Mt 9:36-10:8
Bối cảnh của đoạn Tin Mừng:
Chúng ta đang ở phần đầu của bài thứ hai trong số năm “bài giảng” của thánh Mátthêu, về sứ mệnh truyền giáo. Chúa Giêsu, ông Môisen mới, tiếp tục việc kiện toàn (Mt 5:17) lề luật cũ bằng cách sai các công dân của Vương quốc mới ra đi không phải để luận phạt (Ga 3:17 và kế tiếp; Mt 11:4-5), mà để giải thoát dân Người khỏi tất cả bệnh hoạn tật nguyền như Người đã làm. Việc sai đi trong sứ vụ truyền giáo này xảy ra trong thời kỳ hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Sẽ có một lần sai đi khác, long trọng và phổ quát, sau khi Chúa phục sinh (Mt 28:18-20). Nhóm Mười hai tông đồ, trong sự tiếp nối và tách rời với mười hai chi tộc Israel, được mời gọi để quy tụ những niềm hy vọng của dân tộc Israel cũ giống như một dân tộc mất phương hướng, như một đàn chiên không có người chăn (Mt 9:36).
Phân đoạn bài Tin Mừng:
- Mátthêu 9:36-38: Giới thiệu câu chuyện
- Mátthêu 10:1: Trao truyền quyền năng
- Mátthêu 10:2-4: Tên của các ông trong Nhóm Mười Hai
- Mátthêu 10:5-8: Hướng dẫn và sai đi
Văn bản:
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa.”
Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Đây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philípphê và Bartôlômêô; Tôma và Mátthêu người thu thuế; Giacôbê con của ông Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng: “Các con đừng đi về phía dân ngoại, và cũng đừng vào các thành người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng các chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần.’ Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không.”
Giây phút thinh lặng:
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa vang vọng trong lòng chúng ta.
Một vài câu hỏi gợi ý:
– Có bao giờ cảnh người qua lại đã gợi lên trong lòng tôi một cảm xúc đặc biệt nào không?
– Tôi có nhớ đến một khoảnh khắc cảm thương nào đó mà tôi đã có không, trong hoàn cảnh nào? Tôi đã có bao giờ gặp một người có nỗi thống khổ lớn lao vì nhân loại chưa? Tôi có đã xin Chúa cho tôi được làm sứ giả của Người, làm tông đồ của Người chưa? Sứ vụ mà Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ là gì? Sứ vụ có bất khả thi, bởi vì nó đòi phải cho đi nhưng không không?
Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Chúa Giêsu, sau khi đã đề ra chương trình mới của Người để thay thế cho trạng thái tâm lý hiện tại (Mt 5), sau khi đã loan báo về việc hoàn thiện lề luật và tuân giữ lề luật với những đòi hỏi cao cả hơn với tình yêu thương (Mt 6-7), sau khi đã làm chứng với những cử chỉ giải thoát cụ thể về những gì Người đã loan báo (Mt 8-9), triệu tập các môn đệ của Người và sai các ông đi đến với dân chúng, trao cho các ông những quyền năng của Người (Mt 10). Cộng đoàn được kêu gọi vươn tới và mở rộng công việc phục hồi giải thoát và cứu độ của Người. Dân riêng mới của Thiên Chúa, trên nền tảng của mười hai tông đồ, là dân tư tế, vương giả, ngôn sứ (1 Pr 2:4-9) được mời gọi cộng tác với Chúa Giêsu.
Suy gẫm
Đi sâu hơn vào một số chi tiết
- Mt 9:36: Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn
Trong phần giới thiệu, bắt đầu từ câu 35, sứ vụ công khai của Chúa Giêsu được tóm tắt. Nó lặp lại một phần của đoạn Mt 4:23-25, phần mở đầu của Bài Giảng Trên Núi. Đoạn Tin Mừng của chúng ta bắt đầu từ việc nhận thấy đoàn lũ dân chúng đi theo Chúa. Đám đông tán loạn như chiên không người chăn (1V 22:17), chán nản vì họ chỉ nghe thấy những lời nói suông mà không có việc làm đích thực theo sau, thất vọng bởi vô số việc phải tuân giữ, bị áp chế bởi những người lãnh đạo áp đặt trên họ các luật lệ khó hiểu (Mt 23:1-4). Lòng trắc ẩn mà Chúa Giêsu trải qua (Mt 15:30; Lc 9:11; Ga 6:5) đối với những kẻ đói khát (Mc 6:34) ở đây hướng đến “những dân đen nghèo khó lam lũ” bị người Pharisêu nguyền rủa (Ga 7:49). Chẳng có ai yêu thương họ và đi tìm kiếm họ như người mục tử nhân lành (Ga 10).
- Mt 9:37: Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa.”
Sứ vụ truyền giáo được so sánh như việc gặt lúa (xem Lc 10”2-3; Ga 4:35-38). Có nhiều người sẵn sàng đáp trả lại Tin Mừng, nhiều người đang chờ đợi lời ban sự sống. Sứ giả hòa bình bao giờ cũng ít, đám đông thì nhiều vô số. Lời khuyến khích cầu nguyện có nghĩa là Thiên Chúa là nguồn gốc của sứ mạng, Người chịu trách nhiệm về việc thu gặt, chúng ta phải hướng về Người bằng lời cầu nguyện. Chúa Thánh Thần đã hoạt động, trên thực tế mùa gặt đã sẵn sàng. Mùa gặt là một thuật ngữ ban đầu được liên kết với cuộc phán xét sau cùng (Is 27:12; Hs 6:11; Ge 3:13). Ông Gioan Tẩy Giả tin rằng giờ phán xét đã đến (Mt 3:12). Nhưng ở đây không phải các thiên thần là những đấng được mời gọi để thi hành công việc này, mà là loài người để cứu những người khác khỏi sự phán xét chứ không phải để phán xét họ. Chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thương xót, giờ phán xét vẫn chưa đến.
- Mt 10:1: Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Việc triệu tập nhóm Mười Hai này trong sách Mátthêu thì không giống như trong sách Máccô 3:13-15 hay Luca 6:13. Đây không phải là kết quả của một sự tuyển chọn, mà là sứ mạng được trao phó cho họ. Đó là một nhóm đã được thành lập (Mt 4:18; 8:19-22) mà bây giờ nhận được mệnh lệnh. Con số mười hai chỉ về mười hai chi tộc Israel. Để công bố lề luật mới của Môisen mới, cần có một dân tộc mới đón nhận lời của Môisen mới (Chúa Giêsu). Hơn hết cả, trong Thánh Kinh con số mười hai chỉ về toàn thể dân Chúa. Trong bối cảnh dân của mười hai chi tộc, chúng ta phải gọi là “nhóm mười hai” (Mc 9:35; 10:32; Ga 6:70; 20:24; 1Cr 15:5 và những nơi khác) ở đoạn Chúa Giêsu trong thời gian đi rao giảng tại miền Galilê của Người.
Con số mười hai không nên được hiểu theo nghĩa hẹp, mà nên hiểu theo nghĩa rộng. Sứ vụ của các môn đệ được đặt song song với sứ vụ của Chúa Giêsu. Ý tưởng chủ yếu mà sứ vụ của các tông đồ là tiếp nối việc làm của Chúa Giêsu. Các môn đệ được ban cho cùng một quyền năng mà Chúa Giêsu đã có (9:6-8; 7:29; 8:9) và cùng một công việc chữa lành (4:23; 9:35). Điều đó không phải nói về một quyền lực để hướng dẫn, hoặc ra lệnh, mà là về những gì cần thiết để thi hành sứ vụ được trao phó cho các ông, để phục vụ nhân loại. Câu trả lời ở đây là trước khi Chúa sống lại. Từ ngữ “tông đồ” chỉ được tìm thấy trong sách Tin Mừng Mátthêu, ở những nơi khác thì chỉ nói về các môn đệ (Mt 11:1; 20:17, 26; 14:20; 20:47). Từ ngữ này không được dùng như trong sách Luca và các thư của thánh Phaolô để chỉ về nhiệm vụ, mà theo một ý nghĩa từ nguyên là “được truyền” “được sai đi”. Vì thế, nó có thể được hiểu như một lời mời gửi tới toàn thể dân Israel mới nhờ vào nhóm mười hai, các cột trụ của dân tộc mới của lề luật mới, đó là luật yêu thương. Cộng đoàn những người Do Thái cải đạo mà chính thánh Mátthêu đang ngỏ lời đã nhìn thấy ở đây sự khởi đầu của một dân Israel mới, đó là Giáo Hội.
Sự tiếp nối và đoạn giao với hội đường. Mt 10:2 Đây: là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philípphê và Bartôlômêô; Tôma và Mátthêu người thu thuế; Giacôbê con của ông Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người.
Các danh sách khác nhau về nhóm mười hai (Mc3:16-19; Lc 6:13-16; Cv 1-13) luôn luôn đặt ông Phêrô lên đầu tiên và Giuđa sau cùng. Những tên có vài chú thích khác nhau trong các danh sách khác nhau. Cần lưu ý là hai cặp anh em (Simon-Anrê và Giacôbê-Gioan) như cho thấy tình huynh đệ là nền tảng của cộng đoàn mới. Đa dạng: người thu thuế, người Canaan, người Iscariốt kẻ phản bội Chúa. Không có người vĩ đại, cũng không có người lừng lẫy, cũng chẳng đáng tin cậy. Lời mời gọi đến từ sự tự do lựa chọn của Chúa Giêsu chứ không phải từ những công trạng hay tầm quan trọng của họ, để cho quyền năng của Thiên Chúa được mặc khải trong sự yếu đuối của họ (1 Cr 1:27-29).
Mt 10:5: Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng: “Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng các chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần.’ Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không.”
Lời hướng dẫn cho việc truyền giáo, chỉ được trình bày ở đây một phần, được hoàn tất ở cuối câu 16. Các câu 5-8 là dành riêng cho Mátthêu, ngoại trừ mệnh lệnh loan báo rằng Nước Trời đã đến gần (Lc 10:9, 11). Giới hạn của sứ vụ truyền giáo đóng khung trong bối cảnh này trước việc Chúa phục sinh không mâu thuẫn với câu Mt 24:25, sau khi phục sinh, trong đó nói đến việc đi khắp thế gian. Nó nhấn mạnh ưu tiên dành cho nhà Israel. Một sự quan tâm dành cho ‘con chiên lạc” trước hết (Êd 34:1-16; Is 53:16) rồi mới đến những kẻ “không quen biết” (dân Ngoại). Thánh Mátthêu nêu bật tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel. Sứ mạng được trao phó cho các tông đồ thì rất tận tụy: chữa lành bệnh nhân, phục sinh kẻ chết, xua trừ ma quỷ. Điều này có nên được hiểu theo nghĩa bóng không? Chắc chắn là có những bệnh tật và cái chết tinh thần mà việc chữa trị và hồi sinh cũng không dễ dàng gì hơn so với phần thể xác; cũng có những người bị quỷ ám bởi những hệ thống tư tưởng và tâm lý hủy diệt. Chúng ta nên nhớ rằng khi chính Chúa Giêsu sai đi, thì không có gì là không thể đối với Người: “Hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm, và người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14:11-12). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp Sứ Vụ Cứu Chuộc (Redemptoris Mission): “Sự giải thoát và ơn cứu độ, những cánh cổng của Nước Thiên Chúa, đến với loài người trong thể xác lẫn tinh thần (Rm 14).
Do đó, việc truyền giáo bao gồm việc rao giảng và chữa lành, loan báo và thăng tiến con người, sự xuất hiện của Nước Trời cùng với việc đấu tranh cho công lý và hòa bình. Vì thế, sứ vụ không thể là gì khác ngoài việc cho đi nhưng không, nó không thuộc về những người được sai đi. Nó không thể được hưởng vì lợi ích vật chất của riêng ai, do đó hãy hành động theo tinh thần của các mối phúc thật (Mt 6:25-34).
- Cầu nguyện với Thánh Vịnh 100
Hãy tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
Phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ,
Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế,
Chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
Ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.
Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,
Tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,
Tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.
Bởi vì CHÚA nhân hậu,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
Qua bao thế kỷ, vẫn một niềm thành tín.
- Chiêm Niệm
Lạy Cha, Cha đã cho chúng con trở thành một dân tộc tư tế và tiên tri, được gọi để là dấu chỉ hữu hình cho thực tại mới của vương quốc Cha; xin Cha ban cho chúng con biết sống hiệp thông trọn vẹn với Cha trong hy tế ca ngợi và phục vụ anh chị em chúng con, để chúng con trở nên những nhà truyền giáo và nhân chứng cho Tin Mừng. Nguyện xin cho lòng trắc ẩn của Cha trở thành lòng trắc ẩn của chúng con, việc cấp thiết truyền giáo của Cha trở thành việc cấp thiết của chúng con. Vâng lạy Cha, xin hãy sai con!