Giới răn trọng nhất
Yêu mến Thiên Chúa là yêu mến người khác
Mt 22:34-40
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba mươi thường niên, các người Biệt Phái muốn biết điều răn nào của lề luật mà Chúa Giêsu cho là cao trọng nhất. Chủ đề này đã được bàn cãi giữa những người Do Thái thời bấy giờ. Đó là cuộc tranh luận thường xuyên. Ngày nay cũng vậy, người ta muốn biết định nghĩa của một Kitô hữu ngoan đạo là gì. Có người cho rằng điều này gồm có việc đã được rửa tội, cầu nguyện và tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Một số người khác thì nói nó bao gồm cả việc thực thi sự công bằng và sống trong tình huynh đệ. Mỗi người có ý kiến riêng của mình. Theo bạn, điều quan trọng nhất trong giáo lý và đời sống của Giáo Hội là gì? Khi đọc bài Tin Mừng này, bạn hãy cố gắng để tâm chú ý đến cách thức Chúa Giêsu trả lời câu hỏi.
b) Phúc Âm:
34 Khi ấy, những người Biệt Phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. 35 Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong Lề Luật, giới răn nào trọng nhất?” 37 Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. 39 Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. 40 Toàn thể Lề Luật và sách các Tiên Tri đều tóm lại trong hai giới răn đó.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Phần nào của bài dụ ngôn bạn thích nhất hoặc động chạm bạn nhất? Tại sao?
b) Những người Biệt Phái thời bấy giờ là ai? Những người Biệt Phái thời nay là ai?
c) Làm thế nào mà một câu hỏi của người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu lại có thể là thử thách Người?
d) Sự tương quan giữa các giới răn thứ nhất và thứ hai là gì?
e) Tại sao sự yêu mến Thiên Chúa và lòng thương yêu tha nhân là một bản tóm tắt của Lề Luật và sách các tiên tri?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a) Bối cảnh đoạn Phúc Âm này trong Tin Mừng Mátthêu:
Đây là một trong nhiều cuộc thảo luận của Chúa Giêsu đã có với các chức sắc tôn giáo vào thời bấy giờ. Lần này thì bàn luận với các người Biệt Phái. Trước hết, những người Biệt Phái đã cố gắng làm mất uy tín Đức Giêsu với dân chúng bằng cách vu cáo Người nói rằng Người đã bị ám bởi quỷ vương Bê-en-giê-bun mà đã bị Người đuổi trừ (Mt 12:24). Giờ đây, tại Giêrusalem, một lần nữa họ lại tham dự vào một cuộc thảo luận với Chúa Giêsu liên quan đến việc giải thích lề luật của Thiên Chúa.
b) Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
Mt 22:34-36: Câu hỏi được đặt để bởi người Biệt Phái.
Trước tiên, để thử Chúa Giêsu, những người Sađốc đã hỏi Người về niềm tin vào sự phục sinh và đã bị Chúa Giêsu khiến họ im miệng (Mt 22:23-33). Bây giờ, đến phiên người Biệt Phái nhập cuộc. Các người Biệt Phái và Sađốc là kẻ thù của nhau, nhưng họ trở thành bạn hữu trong việc chỉ trích Chúa Giêsu. Người Biệt Phái tụ tập nhau lại và một người trong bọn họ đại diện đứng ra đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Vào thời ấy, người Do Thái có rất nhiều quy tắc, truyền thống và lề luật, lớn và nhỏ, để cai quản việc tuân giữ Mười Điều Răn. Một điểm liên quan đến hai giới răn của lề luật Thiên Chúa là một đề tài thảo luận gay go giữa những người Biệt Phái. Một số người nói: “Tất cả lề luật, lớn hay nhỏ, có giá trị như nhau bởi vì chúng đều xuất phát từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể xếp loại những gì thuộc về Thiên Chúa”. Những người khác lại nói: “Có một số giới răn quan trọng hơn những điều khác và vì thế chúng đáng được xem trọng hơn!” Người Biệt Phái muốn biết quan điểm của Chúa Giêsu thuộc về phe nào trong cuộc tranh luận này.
Mt 22:37-40: Câu trả lời của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn lời trong Kinh Thánh: Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi!” (xem Đnl 6:4-5). Trong thời Chúa Giêsu, người Do Thái sùng đạo lập lại câu kinh này mỗi ngày ba lần, buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. Đó là lời cầu nguyện quen thuộc trong dân giống như kinh Lạy Cha của chúng ta ngày nay. Và Chúa Giêsu tiếp tục trích dẫn Cựu Ước: “Đây là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn ấy là: Ngươi phải yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Lv 19:18). Và Người kết luận: “Toàn thể Lề Luật và sách các Tiên Tri đều tóm lại trong hai giới răn này”. Nói cách khác, đây là con đường dẫn tới Thiên Chúa và tha nhân. Không có đường nào khác. Sự cám dỗ lớn lao nhất của loài người là cố gắng tách rời hai tình yêu này, bởi vì theo cách này, sự nghèo khổ của người khác sẽ không làm lương tâm họ cắn rứt.
c) Phần đào sâu hơn:
i) Người Biệt Phái:
Chữ “người Pharisêu” có nghĩa là “tách biệt” bởi vì cung cách tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa cứng ngắc của họ đã tách biệt họ khỏi những người khác. Với nhau, họ gọi nhau là bạn đồng hành bởi vì họ đã tạo nên một cộng đoàn mà lý tưởng là tuân giữ tuyệt đối các quy tắc và tất cả các giới răn của lề luật Thiên Chúa. Cách sống của hầu hết các người này là nhân chứng cho người ta bởi vì họ dùng sức lao động mà mưu sinh và sự tận tụy của họ dành nhiều giờ mỗi ngày để tra cứu học hỏi và suy gẫm lề luật Thiên Chúa. Nhưng có điều gì đó rất tiêu cực: họ đã đi tìm sự an toàn của họ không phải dựa vào Thiên Chúa mà dựa vào việc tuân giữ nghiêm ngặt Lề Luật của Thiên Chúa. Họ đã tin vào những gì họ làm cho Thiên Chúa hơn là vào những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Họ đã đánh mất đi khái niệm về ân sủng, đó chính là nguồn mạch và hoa trái của tình yêu. Trước một thái độ sai lạc về Thiên Chúa như thế, Đức Giêsu đã phản ứng một cách vững chắc và khẳng định về việc thực thi tình yêu thương khiến cho việc tuân giữ lề luật và ý nghĩa thực sự của nó thành tương đối. Trong một thời đại của thay đổi và bất định, chẳng hạn như bây giờ, sự cám dỗ ấy lại xuất hiện, đó là tìm kiếm sự yên thân trước khi tìm kiếm Thiên Chúa, không phải trong sự tốt lành của Thiên Chúa dành cho chúng ta, mà trong việc nghiêm ngặt tuân giữ Lề Luật. Nếu chúng ta không chống nổi sự cám dỗ như thế, thì chúng ta cũng đáng bị Chúa quở trách như vậy.
ii) Một sự tương đồng giữa Tin Mừng Máccô và Mátthêu:
Trong Tin Mừng của Máccô, một người kinh sư đứng ra chất vấn (Mc 12:32-33). Sau khi nghe xong câu đối đáp của Chúa Giêsu, vị kinh sư này đồng ý với Người và đưa ra kết luận sau: “Thầy nói đúng, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân thì quý hơn nhiều so với bất kỳ lễ toàn thiêu hoặc hy lễ”. Nói cách khác, giới răn yêu thương là giới răn quan trọng nhất trong tất cả các giới răn liên quan đến lòng tôn sùng và các hy lễ của Đền Thờ và các sự tuân giữ bên ngoài. Lời tuyên bố này đã có trong Cựu Ước từ thời tiên tri Hôsê (Hs 6:6; Tv 40:6-8; Tv 51:16-17). Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng việc thực thi lòng bác ái thì quan trọng hơn là tuần cửu nhật, khấn hứa, ăn chay, cầu nguyện và rước kiệu. Chúa Giêsu chấp nhận lời kết luận của vị kinh sư và nói: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu!” Nước Thiên Chúa gồm có điều này: nhận biết rằng tình yêu Thiên Chúa thì ngang với tình yêu tha nhân. Chúng ta không thể đến được với Thiên Chúa mà không hy sinh thân mình cho tha nhân!
iii) Giới răn cao trọng nhất:
Giới răn đầu tiên và cao trọng nhất là: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mc 12:30; Mt 22:37). Cho đến ngày nay, trải qua nhiều thế kỷ, dân của Chúa đã hiểu được ý nghĩa của tình yêu này, cho đến độ họ đã ý thức được rằng tình yêu Thiên Chúa thì có thật và chỉ thực sự nếu nó được thực hiện cụ thể qua tình yêu tha nhân. Đó là lý do tại sao điều răn thứ hai tương đồng như điều răn thứ nhất (Mt 22:39; Mc 12:31). “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4:20). “Tất cả luật Môisen và sách các Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40). Bởi vì sự gắn bó của hai tình yêu này, đã có một sự tiến hóa trong ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: “Người đồng loại”, tương ứng với người cùng nòi giống
Cựu Ước đã dạy rằng chúng ta phải “yêu thương người đồng loại như chính mình!” (Lv 19:18). Nhưng sau đó, từ ngữ người đồng loại đã được chuyển thành đồng nghĩa với người thân thuộc bà con. Họ cảm thấy có nhiệm vụ phải yêu thương tất cả những người cùng chung huyết thống, chung gia tộc, chung nòi giống. Đối với những kẻ xa lạ, đó là, những kẻ không phải là dân Do Thái, sách Đệ Nhị Luật nói: “Đối với người nước ngoài, anh em có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh em mà ở trong nhà người bà con (thân nhân, hàng xóm) của anh em, thì phải tha không đòi!” (Đnl 15:3).
Giai đoạn thứ hai: “Người đồng loại” là người tôi tiếp cận hoặc người tiếp cận tôi
Khái niệm về người đồng loại được mở rộng. Vào thời Chúa Giêsu, có cả một cuộc thảo luận về “ai là người đồng loại của tôi?” Một số các luật sĩ nghĩ rằng khái niệm về người đồng loại phải được mở rộng ra khỏi giới hạn của chủng tộc. Những người khác lại không muốn nghe điều này. Vì vậy, một người thông luật tìm đến Chúa Giêsu và hỏi thử người câu hỏi: “Ai là người lân cận của tôi?” Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu (Lc 10:29-37), ở đó người lân cận không phải là một người thân thuộc cũng chẳng là bạn hữu, mà là tất cả những ai tiếp cận với chúng ta, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, giới tính hoặc ngôn ngữ! Bạn phải yêu thương họ!
Giai đoạn thứ ba: Tiêu chuẩn để đánh giá tình yêu của chúng ta với người lân cận là tình yêu mà Chúa Giêsu yêu thương chúng ta.
Đức Giêsu đã nói với người thông luật: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34). Người thông luật đã gần Nước Trời, vì trong thực tế, Nước Trời bao gồm kết hợp tình yêu Thiên Chúa với tình yêu tha nhân, như người thông luật đã trang trọng tuyên bố trước mặt Chúa Giêsu (Mc 12:33). Nhưng để được vào Nước Trời ông ta phải tiến thêm một bước nữa. Trong Cựu Ước, tiêu chuẩn của tình yêu đối với tha nhân như sau: “yêu thương người lân cận như chính mình”. Chúa Giêsu đã nới rộng tiêu chuẩn ấy xa hơn và phán: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em! Không có tình yêu nào cao cả hơn là tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình!” (Ga 15:12-13). Ngày nay, trong Tân Ước, tiêu chuẩn là: “Hãy yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta!” Đức Giêsu giải thích ý nghĩa chính xác của Lời Chúa và chỉ cho chúng ta đường lối đến một lối sống trong tình huynh đệ và công bằng hơn.
6. Thánh Vịnh 62
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi linh hồn tôi mới được nghỉ ngơi
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.
Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.
Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.
Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.
Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!
Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.
Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy,
con nghe được hai điều,
rằng: Ngài nắm quyền uy
và giàu lòng nhân hậu;
rằng: Ngài theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.