Tin Mừng Nước Trời được mặc khải cho những kẻ bé mọn
Phúc Âm phản ảnh và giải thích những gì đang xảy ra hôm nay
Mt 11:25-30
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Người. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
Khi Chúa Giêsu nhận ra rằng những kẻ bé mọn đã hiểu thấu Tin Mừng về Nước Trời, Người rất vui mừng. Cùng một lúc, Người hướng về Chúa Cha với lời cầu nguyện tạ ơn và mở rộng lời mời quảng đại đến tất cả những ai đang đau khổ và bị áp bức bởi gánh nặng của cuộc sống. Đoạn Tin Mừng mặc khải về lòng nhân ái của Chúa Giêsu trong việc chào đón những kẻ bé mọn và sự tốt lành của Người trong việc hiến mình cho người nghèo khổ như là nguồn mạch cho sự nghỉ ngơi và bình an.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 11:25-26: Lời cầu nguyện tạ ơn dâng lên Chúa Cha
Mt 11:27: Chúa Giêsu giới thiệu mình như là đường dẫn đến Chúa Cha
Mt 11:28-30: Lời mời đến tất cả những ai đau khổ và bị áp bức
c) Phúc Âm:
25-26: Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất. Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.
27: Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con, và kẻ Con muốn mặc khải cho.”
28-30: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Phần nào trong đoạn Tin Mừng tạo sự chú ý cho tôi nhất và phần nào tôi thích nhất?
b) Trong đoạn đầu (các câu 25-27), Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha. Chúa Giêsu mặc khải hình ảnh gì của Chúa Cha trong lời cầu nguyện của Người? Tôi có hình ảnh gì về Thiên Chúa? Khi nào thì tôi cầu nguyện cùng Chúa Cha và cầu nguyện ra sao?
c) Chúa Giêsu hướng về những người nào trong phần thứ hai (các câu 28-30)? Gánh nặng lớn nhất mà người thời bấy giờ phải mang là việc gì? Điều gì được xem là ách nặng nề nhất ngày nay?
d) Gánh nặng nào đang an ủi cho tôi?
e) Làm thế nào mà Lời của Chúa Giêsu có thể giúp cho cộng đoàn chúng ta là một nơi nghỉ ngơi trong đời sống của chúng ta?
f) Chúa Giêsu giới thiệu mình như là Đấng mặc khải về Chúa Cha và như là đường dẫn đến Người. Chúa Giêsu là ai đối với tôi?
5. Chìa khóa của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
a) Bối cảnh văn học Lời của Chúa Giêsu: các chương 10-12 của Tin Mừng Mátthêu.
* Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, bài giảng về Sứ Vụ Truyền Giáo chiếm toàn bộ chương 10. Trong lời dẫn giải sau ở các chương 11 và 12, nơi chúng ta thấy phần mô tả về cách thức Chúa Giêsu hoàn thành Sứ Vụ, Chúa Giêsu phải đối diện với sự thiếu cảm thông và chống đối. Gioan Tẩy Giả, người đã nhìn Chúa Giêsu với con mắt quá khứ, không thể hiểu được Người (Mt 11:1-15). Đám đông dân chúng, những người nhìn Chúa Giêsu với con mắt tư lợi, đã không có khả năng để hiểu Người (Mt 11:16-19). Các thành phố lớn xung quanh hồ Galilê, đã được nghe lời rao giảng và chứng kiến các phép lạ, không mở lòng để đón nhận lời Người (Mt 11:20-24). Các luật sĩ và những kinh sư, xét đoán mọi việc theo sự hiểu biết của họ, đã không có khả năng để hiểu thấu những lời của Chúa Giêsu (Mt 11:25-30). Ngay cả gia đình thân thích của Người cũng không hiểu được Người (Mt 12:46-50). Chỉ có những kẻ bé mọn hiểu Người và chấp nhận Tin Mừng Nước Trời (Mt 11:25-30). Những kẻ khác tìm kiếm hy lễ, nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn lòng thương xót (Mt 12:7). Việc chống đối lại Chúa Giêsu đưa đến việc những người Biệt Phái muốn giết Chúa (Mt 12:9-14). Họ gán cho Người là quỷ vương Bê-en-giê-bun (Mt 12:22-32). Nhưng Chúa Giêsu không chùn bước; Người tiếp tục sứ vụ Người Tôi Trung của mình như được ghi trong sách tiên tri Isaia (Is 42:1-4) và được trích dẫn toàn bộ bởi thánh sử Mátthêu (12:15-21).
* Vì thế bối cảnh trong các chương 10-12 đề nghị rằng việc chấp nhận Tin Mừng bởi những kẻ bé mọn làm viên mãn lời của ngôn sứ Isaia. Chúa Giêsu là Đấng Mêssia đang được mong đợi, nhưng Người không giống như đa số người ta mong muốn. Chúa không phải là một Đấng Mêssia yêu nước vinh quang, Người cũng phải là một phán quan nghiêm ngặt, hay là một vì vua Mêssia đầy quyền uy. Người là Đấng Cứu Thế khiêm nhu, là người tôi trung “người không đành bẻ gẫy cây lau bị giập, cũng chẳng nỡ tắt đi tim đèn leo lét” (Mt 12:20). Người sẽ chiến đấu cho đến khi công lý và sự công chính toàn thắng trên thế gian (Mt 12:18, 20-21). Việc chấp nhận Nước Trời bởi những kẻ bé mọn là ánh sáng chiếu giãi (Mt 5:14) là muối ướp (Mt 5:13) và hạt cải (khi phát triển đầy đủ) sẽ dọn chỗ cho các loài chim trời đến làm tổ trên các cành cây của nó (Mt 13:31-32).
b) Lời bình giải ngắn về Lời của Chúa Giêsu:
* Mt 11:25-26: Chỉ có những kẻ bé mọn mới có thể hiểu thấu và chấp nhận Tin Mừng Nước Trời.
Chúa Giêsu lấy làm vui mừng khi những kẻ bé mọn đón nhận thông điệp Nước Trời, và cùng lúc, Người chuyển niềm vui mừng của mình thành lời cầu nguyện hân hoan và tạ ơn lên Chúa Cha: “Lạy Cha là chúa tể trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.” Những người hiền triết và thông thái thời bấy giờ đã dựng lên một loạt các lề luật liên quan đến luật thanh tẩy, họ nhân danh Thiên Chúa mà áp đặt lên trên người dân (Mt 15:1-9). Họ nghĩ rằng Thiên Chúa đòi hỏi mọi sự tuân giữ tỉ mỉ, để người dân có thể có được sự bình an. Nhưng lề luật yêu thương, được mặc khải bởi Chúa Giêsu, lại nói khác. Trong thực tế, điều đáng nói không phải là chúng ta đã làm gì cho Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là Thiên Chúa, trong tình yêu thương cao cả của Người, làm gì cho chúng ta. Những kẻ bé mọn đã nghe được Tin Mừng này và mừng rỡ. Những người thông thái và tiến sĩ không thể hiểu được giáo lý này. Ngày nay, cũng như thời ấy, Chúa Giêsu đang giảng dạy nhiều điều cho những người nghèo khó và những kẻ bé mọn. Những người uyên bác và thông minh may ra có thể tìm hiểu được ở dưới chân của những kẻ bé mọn.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều! Người cầu nguyện với các môn đệ của mình, Người cầu nguyện với dân chúng, Người cầu nguyện một mình. Người đã cầu nguyện suốt cả đêm. Chúa đã sắp xếp để bày tỏ sứ điệp của Người có chứa bảy điều đáng lưu tâm trong một lời cầu nguyện, đó là, Kinh Lạy Cha. Thỉnh thoảng, như trong trường hợp này, các sách Tin Mừng cho chúng ta biết nội dung lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (Mt 11:25-26; 26:39; Ga 11:41-42; 17:1-26). Vào những lúc khác, chúng cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã dùng các Thánh Vịnh để cầu nguyện (Mt 26:30; 27:46). Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, các sách này chỉ nói là Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Ngày nay, những nhóm cầu nguyện ngày càng gia tăng ở khắp mọi nơi.
Trong Tin Mừng theo Mátthêu, chữ những kẻ bé mọn (elakistoi, mikroi, nepioi) đôi khi được dùng để chỉ các trẻ nhỏ và đôi khi để chỉ nhóm người bị xã hội hắt hủi. Không dễ mà phân biệt được khi nào. Có lúc, một sách Tin Mừng này viết những kẻ bé mọn, trong khi ấy sách Tin Mừng khác lại gọi là các trẻ nhỏ. Ngoài ra, cũng không dễ mà phân biệt được điều gì xuất phát từ thời của Chúa Giêsu với điều gì xuất phát vào thời các cộng đoàn mà những sách Phúc Âm đã được viết. Dù sao chăng nữa, điều rõ ràng là bối cảnh của sự hắt hủi chiếm ưu thế lúc ấy và hình ảnh của Chúa Giêsu như Đấng đã chào đón những kẻ bé mọn mà các cộng đoàn tiên khởi đã có về Người.
* Mt 11:27: Nguồn gốc của Lề Luật Mới: Chúa Con là Đấng biết Chúa Cha
Đức Giêsu, là Chúa Con, biết Chúa Cha và biết Chúa Cha muốn điều gì, khi nào, trong quá khứ, Người đã chọn ông Abraham và bà Sara để tạo thành một dân riêng hoặc khi Người trao phó Lề Luật cho ông Môisen để lập nên một giao ước. Với kinh nghiệm về Thiên Chúa là Chúa Cha đã giúp cho Chúa Giêsu nhận thức được những sự việc trong một chiều hướng mới mẻ về những gì Thiên Chúa đã nói trong quá khứ. Điều đó đã giúp Người nhận ra được những sai sót và giới hạn, nơi mà Tin Mừng của Thiên Chúa đã bị giam hãm bởi tư tưởng thống trị. Sự thân thiết của Người với Chúa Cha đã cho Người một tiêu chuẩn mới đặt Người tiếp xúc trực tiếp với tác giả của Kinh Thánh. Chúa Giêsu đã không đi từ bài viết tới căn nguyên, mà từ căn nguyên tới bài viết. Người tìm kiếm ý nghĩa tại chính nguồn gốc của nó. Để hiểu được ý nghĩa của một bài viết, điều quan trọng là nghiên cứu những lời hàm chứa trong nó. Nhưng tình bằng hữu của Chúa Giêsu với tác giả của bài viết đã giúp tác giả khám phá ra một khía cạnh sâu xa hơn trong những lời ấy, điều mà nếu chỉ nghiên cứu suông thi sẽ không thể thấy được.
* Mt 11:28-30
Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai đang mệt mỏi và hứa cho họ nghỉ ngơi. Người dân thời ấy đã sống thật mệt mỏi, dưới gánh nặng sưu thuế gấp đôi và việc tuân giữ những lề luật thanh tẩy nghiêm ngặt. Và Chúa Giêsu nói: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” Qua ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa đã kêu gọi người ta tìm hiểu lịch sử để cho biết đâu là đường ngay nẻo chính, rồi cứ đó mà đi, để cho tâm hồn họ được bình an thư thái (Gr 6:16). Đường ngay nẻo chính bây giờ xuất hiện nơi Chúa Giêsu. Đức Giêsu là chỗ nghỉ ngơi cho các tâm hồn. Người là đường (Ga 14:6).
Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng. Giống như ông Môisen, Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường (Ds 12:3). Nhiều lần câu nói này đã bị lạm dụng để khiến mọi người phải phục tùng, ngoan ngoãn và thụ động. Đức Giêsu muốn nói điều ngược lại. Chúa đề nghị mọi người, để hiểu được những việc của Nước Trời, đừng nên quá chú trọng đến những “người thông thái và luật sĩ”, đó là, những kẻ chính thức được giảng dạy về tôn giáo thời bấy giờ, và họ nên tin vào những kẻ bé mọn hơn. Những kẻ bị áp chế phải bắt đầu học từ Chúa Giêsu rằng Người “hiền lành và khiêm nhu trong lòng.”
Thông thường, trong Kinh Thánh chữ khiêm nhường thì đồng nghĩa với bị xem thường. Chúa Giêsu, không giống như các kinh sư, các kẻ khoe khoang kiến thức của họ, mà tự nhận mình ngang hàng với những người khiêm nhu và bị xem thường. Chúa Giêsu, Thầy của chúng ta, đã biết rõ những gì trong lòng của người ta và biết trong cuộc sống hằng ngày họ phải chịu đựng bao nhiêu.
c) Ánh sáng về thái độ của Chúa Giêsu:
* Phong cách của Chúa Giêsu trong việc công bố Tin Mừng Nước Trời
Trong cách công bố Tin Mừng Nước Trời của Người, Chúa Giêsu cho thấy một niềm trìu mến thiết tha đối vời Chúa Cha và đối với những người bị hạ nhục. Khác với những luật sĩ thời bấy giờ, Chúa Giêsu công bố Tin Mừng của Thiên Chúa bất cứ nơi nào Người gặp gỡ dân chúng và bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe Người. Trong các hội đường, trong lúc cử hành Lời Chúa (Mt 4:23). Trong nhà các bạn bè (Mt 13:36). Khi đi trên đường phố với các môn đệ của Người (Mt 12:1-8). Trên bờ biển, ven biển hồ, ngồi trên thuyền (Mt 13:1-3). Trên núi, nơi Người công bố các mối phúc thật (Mt 5:1). Trong phố chợ của các làng thôn và thành phố, nơi người ta đem những bệnh nhân đến (Mt 14:34-36). Ngay cả trong đền thờ tại Giêrusalem, lúc đi hành hương (Mt 26:55)! Trong Chúa Giêsu, tất cả mọi sự là sự mặc khải của những gì sống động trong nội tâm của Người! Chúa không chỉ công bố Tin Mừng Nước Trời xuông, mà Người còn là bằng chứng sống của Nước Trời. Trong Người, chúng thấy được những gì sẽ xảy ra khi một người để cho Thiên Chúa thống trị và chiếm hữu cuộc sống của họ.
* Lời mời của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa đến với tất cả những ai tìm kiếm nó
Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai phải chịu đau khổ dưới gánh nặng của cuộc sống hãy đi tìm sự bình an và yên ủi nơi Người (Mt 11:25-30). Lời mời này lặp lại những lời mời đẹp đẽ của ngôn sứ Isaia đã an ủi những người mệt mỏi trong thời gian lưu đày (Is 55:1-3). Lời mời gọi này tương ứng với sự Khôn Ngoan Thiên Chúa, mời gọi người ta đến (Hc 24:18-19), nói rằng: “Đường khôn ngoan là đường thú vị, nẻo khôn ngoan là nẻo bình an” (Cn 3:17). Một lần nữa, Đức Khôn Ngoan nói: “Khôn Ngoan làm cho con cái mình nên cao trọng, và săn sóc những ai tìm kiếm mình. Ai yêu khôn ngoan là yêu sự sống, ai sớm tìm kiếm Khôn Ngoan sẽ tràn trề hoan lạc” (Hc 4:11-12). Lời mời gọi này mặc khải một khía cạnh nữ tính rất quan trọng của Thiên Chúa: sự dịu dàng và ân cần an ủi, tăng sức cho người ta và làm cho họ cảm thấy yên lành. Chúa Giêsu là nguồn an ủi mà Thiên Chúa ban cho những người mệt mỏi!
6. Thánh Vịnh 132
Lời cầu nguyện của những kẻ bé mọn
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào CHÚA, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.