Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XV Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật XV Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 16 Tháng Bảy, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina | Lectio Divina Năm A

Dụ ngôn hạt giống

Mt 13:1-23

1.  Lời nguyện mở đầu

Cầu nguyện cũng là sự sẵn sàng lắng nghe; đó là thời gian thích hợp cho việc gặp gỡ với Thiên Chúa.  Hôm nay, Chúa Nhật của “người đi gieo giống”, chúng con muốn mở rộng tâm hồn chúng con để lắng nghe Lời của Chúa Giêsu, bằng cách dùng lời của thánh Gioan Kim Khẩu, rằng chúng con cũng có thể trở nên những kẻ ngoan ngoãn và sẵn lòng lắng nghe Lời cứu rỗi:  “Lạy Chúa, xin hãy ban cho con có thể biết lắng nghe một cách chăm chú và luôn ghi nhớ lời giảng dạy của Chúa, xin cho con có thể đem những lời ấy vào việc thực hành một cách mạnh mẽ và can đảm, xem thường việc giàu có và tránh những lo toan của cuộc sống thế gian…  Xin hãy ban cho con sức mạnh để con có thể suy niệm về Lời của Chúa đến tận cội rễ và thanh tẩy con khỏi tất cả các hiểm họa của thế trần” (Thánh Gioan Kim Khẩu, Một Lời Dẫn Giải về Tin Mừng theo Mátthêu 44:3-4).  

 2.  Bài Đọc 

a)  Bối cảnh:

Thánh Mátthêu đặt dụ ngôn hạt giống cùng với những sự kiện trong các chương 11 và 12  trước đó nơi ông đề cập đến Vương Quốc Thiên Chúa chịu đau khổ vì bạo lực.  Chủ đề của dụ ngôn chúng ta, cũng như của toàn bộ bài giảng bằng các dụ ngôn trong chương 13, là Vương Quốc Thiên Chúa.

Chữ “ngôi nhà” mà từ nơi đó Chúa Giêsu rời khỏi là ngôi nhà Người sống ở Cáp-pha-naum và nơi Người một lần nữa ở với các môn đệ (câu 1: Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà) và việc ra khỏi nhà của Người được nối kết với việc người gieo giống ra đi (câu 3: một người gieo giống đi ra gieo lúa).  Việc “rời khỏi” của Người có nghĩa rời khỏi chỗ bỏ neo hoặc chỗ nhất định nơi bờ hồ (câu 1:  Người phải xuống thuyền và ngồi đó); thời điểm này gợi nhớ lại thời gian khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Người (4:18), nhưng, biển là chỗ cửa ngõ dẫn đến các dân ngoại, vì thế, nó đại diện cho biên giới giữa Do Thái và thế giới dân ngoại,  Môi trường của bài giảng bằng các dụ ngôn khi ấy là hồ Giênêsarê, được gọi là “biển” theo dân chúng địa phương. Việc rời khỏi của Chúa thu hút đám đông.  Và trong khi Chúa Giêsu đang ngồi nơi bờ biển, Người đã ngạc nhiên khi thấy đám đông tiến về phía Người, và bắt buộc Người phải xuống thuyền.  Thuyền này trở thành chiếc ghế giảng dạy của Chúa.  Chúa Giêsu hướng về những người đang lắng nghe và “nói với họ nhiều điều trong các dụ ngôn” đó là một cách khác của việc giảng dạy hoặc công bố.     

b)  Phúc Âm:  

1 Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ven bờ biển.  2 Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.  3 Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.  Người nói:  “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa.  4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất.  5 Có hạt rơi xuống đất trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất.  6 Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. 7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt.  8 Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi.  9 Ai có tai thì hãy nghe!”

10 Các môn đệ đến gần thưa Người rằng:  “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?”  11 Người đáp lại:  “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết.  12 Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi.  13 Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết.  14 Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng:  ‘Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu!  Trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì!  15 Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành.’  16 Phần các con, phúc cho mắt các con, vì được thấy; và phúc cho tai các con, vì được nghe!  17 Quả thật, Thầy bảo các con:  Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe. 

18 Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống:  19 Kẻ nào nghe giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó:  đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường.  20 Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, 21 nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó:  đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại gian nan xảy đến vì Lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã.  22 Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được.  23 Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Trong cách hành xử bận rộn của chúng ta đưa đến những lo lắng bề ngoài, chúng ta cảm thấy cần phải dừng lại và lắng đọng trong thinh lặng … đến lúc ấy chúng ta trở nên dễ tiếp nhận lửa của Lời Chúa …

4.  Giải thích đoạn Tin Mừng:

a)  Hành động của người gieo giống:

Bài dụ ngôn nói về một người gieo giống, chứ không nói về một người nông phu, và hoạt động của người này được đánh dấu bởi điều tương phản giữa sự mất mát của các hạt giống (13:4-7) và sự sinh hoa kết quả dồi dào (13:8).  Hơn nữa, chúng ta cần lưu ý về sự khác biệt giữa sự phong phú của việc mô tả về những người thất thoát hạt giống và hình thái xúc tích của hoa trái dồi dào.  Nhưng con số của những kinh nghiệm thất bại và đáng thất vọng được tiêu biểu bằng những hình thức khác nhau của việc thất thoát các hạt giống (rớt bên vệ đường … rơi trên đá sỏi … rơi vào bụi gai …) tương phản với sự thu hoạch lớn lao khiến chúng ta quên đi các kinh nghiệm tiêu cực của những mất mát.  Một lần nữa, trong dụ ngôn có sự khác biệt thời gian giữa giai đoạn đầu của việc gieo giống và giai đoạn cuối trùng hợp với kết quả thu hoạch.  Nếu trong những nỗ lực khác nhau đi gieo giống mà không có kết quả, thì những lần thất thu như thế gợi nhớ lại Vương Quốc Thiên Chúa vào mùa gặt.  Chúa Giêsu, người gieo giống, gieo rắc những Lời của Nước Trời (13:19), tạo nên uy quyền của Thiên Chúa trên thế gian, trên dân chúng và đem lại hoa quả sau cùng.  Dụ ngôn có sức thuyết phục như vậy để mang lại cho người nghe tin tưởng vào các việc làm của Chúa Giêsu, trong đó, khi bị đánh dấu bằng sự thất bại hay thất vọng, cuối cùng sẽ thành công.

b)  Trong không gian riêng, Chúa Giêsu giảng giải cho các môn đệ lý do Người dùng dụ ngôn (13:10-17)

Sau khi nói dụ ngôn và trước khi Người giải thích (13:18-23) các môn đệ tiến đến gần Chúa Giêsu (động từ “tiến đến gần” cho thấy mối liên quan mật thiết với Chúa Giêsu) và đặt một câu hỏi rõ ràng với Người, họ không thể hiểu lý do tại sao Chúa Giêsu lại dùng dụ ngôn để nói với đám đông (câu 10:  Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?).  Lời giải đáp cho câu hỏi của họ ở trong câu 13:  “…Lý do Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết”.  Cũng như thể Người muốn nói:  đám đông không nhận thức được và cũng không thể hiểu được.  Đức Giêsu không muốn ép họ phải hiểu.  Thực ra, cho đến bây giờ Chúa Giêsu đã nói và hành động một cách rõ ràng, mà đám đông vẫn chưa hiểu; tuy nhiên, khi thời điểm đã đến để cho Người mặc khải về sứ điệp của mình trong tất cả tính chất căn bản của nó – đó là sự hiểu biết – Người đã nhờ đến ngôn ngữ của dụ ngôn, dù rằng không rõ ràng hơn nhưng có thể khuyến khích đám đông phải suy nghĩ nhiều hơn, để phản ảnh về những trở ngại đã ngăn trở sự hiểu biết của họ về các lời giảng dạy của Chúa Giêsu.  Điều này có vẻ giống như một sự lặp lại của thời ngôn sứ Isaia, khi người ta không muốn đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa (Is 6:9-10), và một tình trạng từ chối như vậy được dự kiến bởi truyền thống kinh thánh tự lặp lại trong đám đông rằng “thấy-nghe” nhưng không hiểu.

So với đám đông dân chúng, các môn đệ giữ một vị thế đặc ân (13:11).  Chúa Giêsu cho thấy điều này trong phần đầu của câu trả lời của Người khi Chúa phân biệt giữa những người bao gồm và những kẻ bị loại khỏi sự hiểu biết về Vương Quốc.  Kiến thức về các mầu nhiệm của Thiên Chúa – đó là chương trình của Thiên Chúa – có thể có được là nhờ sự xen vào của Thiên Chúa chứ không phải qua những nỗ lực của con người.  Các môn đệ được giới thiệu như những người có thể hiểu được dụ ngôn của Chúa Giêsu không phải vì họ sáng dạ hơn mà bởi vì chính Chúa đã cắt nghĩa lời của Người cho các ông nghe.

Sự kém hiểu biết về phần đám đông dân chúng là lý do khiến Chúa phải nói bằng dụ ngôn:  họ không hiểu Chúa Giêsu, vì vậy họ cho thấy rõ sự không thể hiểu thấu bướng bỉnh của họ hay nói rõ hơn là họ thiếu khả năng để nhận thức.  Mặt khác, các môn đệ được tuyên bố là có ơn phúc vì các ông có thể thấy và nghe.

c)  Lời giải thích về dụ ngôn (13:18-23):

Sau khi Chúa Giêsu bày tỏ những lý do tại sao Người phải dùng dụ ngôn mà nói, Người cho thấy số phận của Lời Nước Trời ở mỗi người nghe.  Mặc dù có bốn loại đất được nói tới, chỉ có hai loại người nghe được so sánh:  Những kẻ nghe Lời Chúa và không hiểu gì (13:19) và những người nghe Lời Chúa và hiểu (13:23).  Thật là thú vị khi thấy rằng thánh Mátthêu, trái ngược với Máccô, kể lại câu chuyện trong số ít.  Sự cam kết cá nhân là tiêu chuẩn cho việc lắng nghe thực sự và hiểu thấu thực sự.  Loại người lắng nghe đầu tiên cho thấy rằng họ nghe Lời Chúa (câu 19), nhưng không hiểu gì cả.  Hiểu Lời Chúa ở đây không có nghĩa là hiểu dựa trên mức độ thông minh mà là trên mức độ khôn ngoan.  Thật là cần thiết để tiến vào trong ý nghĩa sâu sắc và cứu rỗi của nó.  Trong loại người thứ hai (13:20-21), Lời Chúa được nghe và đón nhận với sự hân hoan.  Sự đón nhận như thế (thiếu cội rễ) trở nên bất ổn định khi lòng nhiệt thành ban đầu phai nhạt dần, có lẽ bởi vì kinh nghiệm của sự đau khổ và sự bách hại không thể tránh khỏi trong mọi cuộc hành trình của sự lắng nghe trung thành về Thiên Chúa.

Khả năng thứ ba gợi lên những ham mê của cải có thể làm Lời Chúa bị chết nghẹt (13:22).  Cuối cùng kết quả tích cực: hạt giống bị phủ lấp dưới ba lần đất được bù đắp bằng kết quả tốt đẹp.  Một cách tóm tắt, dụ ngôn mang lại ba khía cạnh hành động của đức tin tích cực và bền tâm:  lắng nghe, hiểu biết và mang lại kết quả.

5.  Sự suy gẫm cho việc thực hành Lời Chúa

  Dụ ngôn có thể nói gì với Giáo Hội ngày nay?  Loại đất nào tiêu biểu cho cộng đồng giáo hữu của chúng ta?  Ở mức độ cá nhân, chúng ta đã biểu lộ sự sẵn sàng nội tâm và sự hiểu biết trong việc lắng nghe Lời Chúa chưa?

  Những mối nguy hiểm mà Chúa Giêsu đã chỉ ra cho các môn đệ liên quan đến việc đón nhận Lời Chúa có phù hợp với chúng ta không?  Thí dụ, chùn bước trước những khó khăn, sơ suất, lo âu cho tương lai, những lo lắng hằng ngày?

  Các môn đệ có khả năng trình bày thắc mắc với Chúa Giêsu về những lo lắng và khó khăn của họ.  Trên cuộc hành trình đức tin tiến về Lời Chúa của bạn, bạn sẽ trình bày các thắc mắc của bạn với ai?  Câu trả lời mà Chúa Giêsu thông tri với chúng ta trong mối quan hệ mật thiết và riêng tư của chúng ta với Chúa, tùy thuộc vào loại câu hỏi mà chúng ta hỏi.

  Hình ảnh người gieo giống nhắc nhớ về sự cam kết của Giáo Hội trong việc truyền bá Tin Mừng:  biết cách thông tri trong một đường hướng mới về con người của Chúa Giêsu và các giá trị của Tin Mừng.  Giáo Hội phải kiên trì chịu đựng vì đặc tính có thẩm quyền giảng dạy của mình, vì tính chất nói thẳng và vì tác dụng của các hành động của mình.  Ngày nay, chúng ta cần phải là những người truyền bá Tin Mừng tự tin, sẵn sàng và không mệt mỏi.  Mỗi một cộng đoàn dân Chúa được thúc đẩy bởi dụ ngôn người gieo giống không phải vì những người ưu tú chọn lọc hay hoàn cảnh xã hội mà vì việc công bố Tin Mừng; chúng ta phải có một cái nhìn quảng đại và dâng hiến chính bản thân, ngay cả trong những tình huống dường như bất khả thi, để truyền bá Tin Mừng.  Tuy nhiên, mỗi một công tác mục vụ truyền giáo đều trải qua giai đoạn đầu tiên nhiệt tình phù du, có thể sẽ được đáp lại bởi một phản ứng lạnh lùng và chống đối.  Những cố gắng mục vụ ví như nỗ lực gieo hạt ba lần của người gieo giống, cuối cùng họ được đền bù với sự thu hoạch gấp ba.  Chắc chắn là Lời Chúa Giêsu đâm chồi và kết quả trong những tấm lòng mở rộng cho tác động của Người, nhưng chúng ta không nên ngừng trút bỏ sự uể oải, sự do dự của chúng ta, và sự cứng lòng của nhiều tín hữu.      

6.  Thánh Vịnh 65 (64)

Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc,
cho ngập tràn phú túc giàu sang,
suối trời trữ nước mênh mang,
dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông.
Tưới từng luống, san từng mô đất,
khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm,
bốn mùa Chúa đổ hồng ân,
Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi.
Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ,
cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh,
chiên cừu phủ trắng đồng xanh,
lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào,
câu hò tiếng hát trổi cao.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa, bài dụ ngôn người gieo giống của Chúa liên quan đến mỗi người chúng con, những cách sống của chúng con, những khô cằn của cuộc sống hằng ngày, những khó khăn và giây phút yếu lòng là một phần của đời sống nội tâm chúng con.  Đôi lúc, tất cả chúng con đã là vệ đường, là sỏi đá và bụi gai; nhưng cũng có khi là đất màu mỡ.  Xin chớ để chúng con sa chước sự cám dỗ của các ảnh hưởng tiêu cực đang cố công loại trừ ảnh hưởng Lời Chúa.  Xin hãy tăng sức mạnh cho ý chí chúng con khi chúng con phải vượt qua và thay đổi những cảm xúc khiến cho việc nghe theo Lời Chúa kém hiệu quả.  Xin hãy giúp chúng con  giữ được niềm hân hoan mà cuộc gặp gỡ của chúng con với Lời Chúa đã tạo nên trong lòng chúng con.  Xin tăng sức cho tâm trí chúng con để trong thời gian hoạn nạn, chúng con không cảm thấy không đủ sức tự vệ và do đó đưa đến sự nản lòng.  Xin ban cho chúng con sức mạnh để có thể vượt qua được những trở ngại chúng con đặt trước Lời Chúa khi những lo lắng của thế trần xuất hiện hoặc khi chúng con bị đánh lừa bởi ảo ảnh của tiền bạc, bị quyến rũ bởi thú vui hoặc bởi bề ngoài phù phiếm.  Xin hãy khiến cho chúng con trở thành mảnh đất màu mỡ, đón nhận mọi người, có khả năng đáp trả Lời Chúa.  Amen!

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …