Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XVIII Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật XVIII Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 2 Tháng Tám, 2020
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina | Lectio Divina Năm A

Bánh hóa ra nhiều

Mt 14:13-21

1.  Bài Đọc

a)  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy ngự đến

Ngọn Lửa tình yêu xin hãy ngự đến

Lạy Cha của kẻ nghèo khó khấn xin ngự đến

Lạy Đấng Xức Dầu của linh hồn con hãy xin ngự đến

b)  Tin Mừng:

13 Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ.  Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người.  14 Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.  15 Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng:  “Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi:  xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn.”  16 Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng:  “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn.”  17 Các ông thưa lại rằng:  “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá.”  18 Người bảo các ông rằng:  “Hãy đem lại cho Thầy.”  19 Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng.  20 Mọi người đều ăn no.  Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn.  21 Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy Niệm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Tất cả các Thánh Sử kể lại câu chuyện bánh hóa ra nhiều.  Trong khi Luca và Gioan chỉ nói với chúng ta về một dịp hóa bánh ra nhiều (Lc 9:10-17; Ga 6:1-13), Máccô và Mátthêu đề cập đến hai trường hợp về bánh hóa ra nhiều (Mc 6:30-44; 8:1-10; Mt 14:13-21; 15:32-39).  Có vẻ như cả hai câu chuyện trong Tin Mừng của Mátthêu và Máccô phát xuất từ một nguồn lúc bánh được ra hóa nhiều, nhưng được chuyển tải trong hai phiên bản theo những truyền thống khác nhau.  Bên cạnh đó, câu chuyện trong sách Mátthêu 14:13-21 và Máccô 6:30-44 dường như là các phiên bản cổ nhất.  Ở đây chúng ta tập trung vào chủ đề của bài suy niệm Lời Chúa của chúng ta, đó là, đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu 14:13-21.

Đoạn Tin Mừng này nói về thời điểm khi Chúa Giêsu nhận được tin Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê chém đầu (Mt 14:12).  Chúa rời bỏ nơi trú ngụ đến “một nơi hoang địa vắng vẻ” (Mt 14:13).  Các sách Tin Mừng thường cho chúng ta thấy Chúa Giêsu như một người ưa sống cô tịch.  Một cách tổng quát, nhưng không phải luôn luôn, việc đi ra một nơi vắng vẻ này cho thấy Chúa Giêsu là người đắm mình trong cầu nguyện.  Sau đây là một vài thí dụ:  “Giải tán họ xong, Người lên núi một mình và cầu nguyện.  Tối đến, Chúa Giêsu vẫn ở đó một mình”  (Mt 14:23); “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1:35); “Người lui vào nơi hoang vắng và cầu nguyện” (Lc 5:16); “được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần” sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đi vào trong hoàng địa để bị chịu ma quỷ cám dỗ và Người đã vượt thắng được những cám dỗ của quỷ bằng quyền năng của Lời Chúa (Mt 4:1-11; Mc 1:12-13; Lc 4:1-13).  Vào những lúc khác, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đi với Người:  “Chính anh em cũng hãy lánh riêng ra một nơi nào thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:30-44).  Trong đoạn Tin Mừng của chúng ta, Đức Giêsu cầu nguyện trước khi làm cho hóa bánh ra nhiều.  Các sách Tin Mừng cho thấy rằng Chúa Giêsu ưa thích cầu nguyện trước những việc quan trọng trong sứ vụ của Người như lúc Chúa chịu phép rửa, Chúa hiển dung và cuộc thương khó của Người.

Lần này đám đông đi theo Chúa vào trong sa mạc (Mt 14:13) và Chúa Giêsu thương xót họ và chữa những bệnh nhân của họ (Mt 14:14).  Chúng ta thường thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu với những kẻ đi theo Người (Mt 15:32).   Chúa chạnh lòng thương vì họ “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6:34).  Thật thế, Đức Giêsu là mục tử tốt lành Đấng nuôi dưỡng dân mình như tiên tri Êlisa (2V 4:1-7; 42-44) và giống như ông Môisen trong sa mạc (Xh 16; Ds 11).  Trong sách Tin Mừng của Gioan, trong bài giảng của Chúa Giêsu về bánh hằng sống (Ga 6), Người giải thích ý nghĩa của phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Phép lạ này là sự chuẩn bị cho bánh sẽ được ban cho trong Bí Tích Thánh Thể.  Trong tất cả các sách Tin Mừng, các cử chỉ của Chúa Giêsu trước khi Người hóa bánh ra nhiều, nhắc nhớ lại nghi thức bẻ bánh, Bí Tích Thánh Thể.  Những cử chỉ ấy là:  a)  cầm lấy bánh, b)  “Người ngước mắt lên trời”, c)  đọc “lời chúc tụng”, d)  bẻ bánh ra, e)  trao cho các môn đệ (Mt 14:19).  Những động tác này được thấy trong các câu chuyện về bánh được hóa ra nhiều và, từng chữ một, trong câu chuyện về bữa tiệc ly (Mt 26:26).

Tất cả mọi người đều ăn no nê.  Người ta còn thu lượm được mười hai thúng đầy những mẩu bánh vụn.  Chúa Giêsu là Đấng cho dân riêng Thiên Chúa no thỏa:  dân Do Thái, gồm có 12 chi tộc.  Nhưng Người cũng cho dân ngoại được no nê trong lần làm bánh hóa ra nhiều thứ hai (Mt 15:32-39), khi ấy được tượng trưng bằng bảy thúng, con số tượng trưng cho bảy dân tộc đất Canaan (Cv 13:19) và cũng là con số của nhóm phó tế văn hóa Hy Lạp (Cv 6:5; 21:8) là những người được giao cho nhiệm vụ phân phát lương thực hằng ngày.  Cộng đoàn tụ tập chung quanh Chúa Giêsu, một viễn tượng về Vương Quốc Thiên Chúa, chào đón dân Do Thái và dân ngoại, tất cả được kêu gọi chấp nhận lời mời đến chia sẻ tại bàn tiệc Chúa.  Chúa Giêsu cho thấy điều này bằng cử chỉ của Người ngồi cùng bàn với các người thu thuế và tội lỗi và, qua các lời giáo huấn của Người bằng dụ ngôn về bữa tiệc “nhiều người sẽ đến từ phương đông và phương tây và dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời” (Mt 8:11; cũng xem Mt 22:34; Lc 14:16-24).

b)  Một vài câu hỏi để hướng dẫn cho sự suy niệm và thực hành của chúng ta:

–  Điều gì đã làm bạn cảm động nhất trong đoạn Tin Mừng này?

–  Thái độ nào của Chúa Giêsu đã khiến bạn xúc động nhất trong bài Phúc Âm này?

–  Có bao giờ bạn nghĩ đến các cảm xúc của Chúa Giêsu chưa?  Đoạn văn này tập trung vào lòng thương xót.  Bạn có thể tìm thấy những cảm xúc khác trong các sách Phúc Âm không?

–  Bạn nghĩ Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta qua câu chuyện Chúa hóa bánh ra nhiều này?

–  Chúa Giêsu ban cho lương thực dồi dào.  Bạn có tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa không?  Tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa có nghĩa gì đối với bạn?

–  Có bao giờ bạn nghĩ về Bí Tích Thánh Thể như một bữa tiệc với Chúa Giêsu?  Những người được mời vào tiệc này là ai?  

3.  Cầu nguyện:

a)  Thánh Vịnh 78:24-25

Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống,
và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ.
Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần,
Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực.

b)  Lời nguyện kết:

Thân lạy Chúa, Đấng vì lòng thương xót của Con Một Chúa, xin hãy cho chúng con thấy lòng từ phụ của Chúa, xin hãy ban bánh được hóa ra nhiều bởi sự quan phòng của Chúa được bẻ ra trong sự yêu thương, và sự hiệp thông trong bánh ban xuống bởi trời mở ra cho chúng con tiến tới cuộc đối thoại với anh chị em chúng con và sự phục vụ họ.  Chúng con cầu xin qua Đức Kitô Chúa chúng con.

4.  Chiêm Niệm:

Có một điểm khác mà Cha muốn nhấn mạnh tới, vì nó ảnh hưởng đáng kể đến sự xác thực của việc thông hiệp với Bí Tích Thánh Thể.  Đó là sự thúc đẩy mà Phép Thánh Thể ban cho cộng đoàn là lời cam kết thực tế để xây dựng một xã hội trong tình huynh đệ và công bằng hơn.  Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu của chúng ta đã bày tỏ tình yêu tột bực, đảo lộn tất cả những tiêu chuẩn của quyền lực mà thông thường thống trị những mối quan hệ loài người và khẳng định triệt để tiêu chuẩn của sự phục vụ:  “Ai muốn đứng đầu thì phải làm kẻ rốt hết, và làm người phục vụ cho mọi người” (Mc 9:35). […]  Làm thế nào chúng ta có thể cử hành Năm Thánh Thể này trong giáo phận và cũng như tại các giáo xứ mà lại không tự cam kết một cách đặc biệt để đáp ứng với mối lo âu trong tình huynh đệ đối với một trong nhiều hình thức nghèo đói hiện nay trên thế giới chúng ta sao?  Như một ví dụ, Cha thiết nghĩ về thảm họa đói kém đe dọa hàng trăm triệu mạng người, các bệnh tật đang hoành hành trong những nước đang phát triển, sự cô đơn của người cao niên, những khó khăn phải đối diện bởi nạn thất nghiệp, những chật vật của người di dân.  Đây là những tệ nạn đang hiện diện – mặc dù ở mức độ khác nhau – thậm chí hiện diện ngay cả ở những vùng trù phú dư thừa nữa.  Chúng ta không thể tự lừa dối mình:  bằng tình yêu nhau và, đặc biệt, bởi mối quan tâm của chúng ta đối với những người cần giúp đỡ, có làm thế chúng ta mới được công nhận là các môn đệ thực sự của Chúa Giêsu (xem Ga 13:35; Mt 25:31-46).  Đây sẽ là tiêu chuẩn mà theo đó tính xác thực của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể của chúng ta được xét xử.

ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Năm Thánh Thể, 28.   

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai Tuần Thánh B – 2 hình ảnh trái ngược

Date: Time: - Anh chị em thân mến, Hôm nay, trong bầu không khí trang …