Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXI Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXI Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 25 Tháng Tám, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Lòng các môn đệ bị thử thách bởi Lời của Chúa.

Sự thách thức:  Giữ vững đức tin trong Chúa Cha và Chúa Con hay là thiên về phía tội lỗi.

Ga 6:60-69

 

1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, Lời Chúa thật là ngọt ngào, giống như tảng mật ong, nó không quá cứng mà cũng chẳng đắng.  Nó có thể cháy nóng như lửa, nó có thể giống như cái búa làm vỡ tan những tảng đá, nó có thể mài nhọn lưỡi gươm đâm thấu và tách lìa linh hồn…  thế nhưng, lạy Chúa, Lời Chúa thật ngọt ngào!  Xin ban cho con biết lắng nghe Lời Người để nó trở thành khúc nhạc êm ái, một bản tình ca và âm vang đối với tai con, trí nhớ và tri thức con.  Con xin dâng cả hồn xác con lên Chúa và xin Chúa ban cho con biết lắng nghe một cách trung tín, chân thành, mạnh mẽ.  Lạy Chúa, xin ban cho con có thể giữ cho đôi tai và con tim mình được tập trung vào đôi môi và tiếng nói của Chúa, để không một lời nào trở nên vô ích.  Xin Chúa hãy đổ đầy ơn Chúa Thánh Thần như dòng nước hằng sống trên vùng đất của con đế nó trổ sinh hoa trái, được ba mươi, sáu mươi, và hằng trăm lần hơn.  Lạy Chúa, xin hãy lôi cuốn con, xin cho con có thể đến với Chúa, bởi vì, Chúa đã biết …

2. Bài Đọc

a) Đặt đoạn Tin Mừng trong bối cảnh của nó:

Đây là những câu kết trong chương sáu tuyệt vời của Tin Mừng Gioan, nơi mà Thánh Sử trình bày “Thánh Thể học” của ông.  Những câu kết luận là tột điểm của chương này, bởi vì Ngôi Lời dẫn đưa chúng ta vào sâu hơn và hướng về tâm điểm của mọi việc; từ đám đông dân chúng ở đầu chương, đến những người Do Thái thảo luận với Chúa Giêsu trong hội đường Cápharnaum, đến các môn đệ, rồi Nhóm Mười Hai, ngay cả Phêrô, người duy nhất, một mình, đại diện cho mỗi người chúng ta, mặt đối mặt với Chúa Giêsu.  Ở đây, chúng ta nghe thấy câu đối đáp lời giảng dạy của Chúa Giêsu, đến Lời được gieo dồi dào trong tâm khảm của những người nghe.  Nơi đây chúng ta kiểm điểm xem miền đất tâm can đã sản xuất được gai góc và cỏ dại hay là các chồi non và rồi cuối cùng sinh hoa kết trái.

b) Phần phụ lục giúp cho bài đọc của Tin Mừng:

Câu 60:  Một vài môn đệ chỉ trích Lời của Chúa và vì thế Đức Giêsu cũng chính là Lời của Thiên Chúa.  Thiên Chúa không được coi như là một Chúa Cha nhân từ đối với con cái mình, mà như là một ông chủ hà khắc (Mt 25:24), Đấng mà không thể có cuộc đối thoại.

Các câu 61-65:  Chúa Giêsu tiết lộ sự hoài nghi cứng lòng của các môn đệ và mặc khải những mầu nhiệm ơn cứu độ của Người:  việc Chúa về trời, ân sủng của Chúa Thánh Thần và sự tham gia của chúng ta vào trong đời sống thiêng liêng.  Nhưng những mầu nhiệm này chỉ có thể được hiểu và chấp nhận bởi sự khôn ngoan của trái tim ngoan ngoãn, có khả năng lắng nghe, mà không phải bởi các phương tiện của trí thông minh thể xác.

Câu 66:  Câu này mặc khải sự phản bội vĩ đại đầu tiên của nhiều môn đệ, những người đã không hiểu được giáo huấn thực sự của Chúa Giêsu.  Thay vì chuyển hướng nhìn của họ về Thầy của họ, thì họ quay lưng lại và do đó, làm gián đoạn sự hiệp thông và không còn đồng hành cùng với Người.

Các câu 67-69:  Chúa Giêsu giờ đây nói với nhóm Mười Hai, những người bạn thân thiết nhất của Người, và đặt trước họ một sự chọn lựa tối hậu và tuyệt đối, hoặc là các ông ở lại với Người hoặc là bỏ đi.  Ông Phêrô, đại diện cho tất cả, đã thưa lại và tuyên xưng đức tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa và vào Lời của Người, đích thực là nguồn ban sự sống.

c) Phúc Âm:

60 Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá!  Ai nghe được!”  61Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các con khó chịu ư?  62 Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? 63 Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống.  64 Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”.  66 Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa.  67 Chúa Giêsu liền nói với Nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”  68 Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.  69Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.

3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Tôi đã nhận được Món Quà Tặng, ân sủng của Chúa, tôi đã lắng nghe Lời Chúa, giờ đây tôi không muốn lẩm bẩm ta thán (câu 61), tôi không muốn cảm thấy chướng tai khó chịu (câu 61), tôi cũng không muốn bị bối rối bởi sự ngờ vực (câu 64).  Tôi không muốn phản bội lại Thầy mình (câu 64), tôi không muốn rút lui, không còn theo Chúa nữa (câu 66)…  Tôi ước ao được ở lại cùng Chúa mãi mãi!  Trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, tôi không ngừng thưa với Người:  “Lạy Chúa, bỏ Chúa thì con sẽ đi theo ai??!”  Này đây, lạy Chúa, con xin đến…

4. Một vài câu hỏi gợi ý

Để mở rộng tâm trí tôi và cày xới mảnh đất nội tâm của tôi với cái cày có khả năng làm bật nhổ những gốc rễ của sự cứng lòng và nghi ngờ.

a) Tôi là loại người môn đệ như thế nào?  Tôi có sẵn sàng để học hỏi nơi trường học của Chúa Giêsu mỗi ngày không, để nhận lãnh giáo huấn của Người, những điều  không phải là học thuyết của phàm nhân mà là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần không?

b) “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được?”  Có chính thật là Lời của Chúa khó nghe quá hay là do lòng tôi chỉ muốn đóng kín lại và không còn muốn lắng nghe nữa?

c) “Chúa Giêsu tự biết rằng… “  Người biết lòng tôi và biết rõ trong đó mỗi người có những gì (Ga 1:48; 2:25; 4:29; 10:15).  Tôi phản ứng như thế nào về ánh mắt nhìn của Người, về tiếng Người gọi tên tôi, về việc Người đến với cuộc đời tôi, về việc gõ cửa liên tục của Người (Kh 3:20)?  Tôi đã có những chọn lựa nào?

d) “Đó là Thần Khí Chúa ban sự sống”.  Tuy nhiên, tôi đã có để cho mình được dẫn dắt như Đức Maria (Lc 1:38) và ông Simêon (Lc 2:27) xưa kia không?  Tôi có sẽ để cho Chúa đưa tôi đi đến nơi như ý của Người không, nơi Người đang chờ đợi tôi, hay là tôi luôn luôn muốn mình tự quyết định cho hướng đi của cuộc đời tôi?

e) Tôi có đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu riêng cho tôi “Hãy đi đến với Ta!  Hãy đến và đi theo Ta!” mỗi ngày, mỗi phút giây, trong những tình huống khác nhau nhất trong cuộc đời tôi không, trong những hoàn cảnh khác nhau, trong sự hiện diện của những người khác không?  Tôi sẽ đi theo ai? Tôi đi về đâu?  Tôi đang đi theo bước chân ai đây?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc  

Tôi cầu xin Kinh Thánh là kim chỉ nam của tôi, soi sáng mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, bởi vì tôi muốn đến cùng với Đức Giêsu.  Tôi xin những động từ Người dùng, những lời nói Người lặp lại, sự im lặng của những lời không nói ra, để mặc khải cho tôi con đường… để tìm thấy Người mà không một người nào khác.

  • Lời của Chúa và mối quan hệ tình yêu với Lời Chúa

Trong đoạn Tin Mừng này, Gioan trình bày với tôi Lời của Chúa như một tụ điểm, địa điểm thánh cho cuộc hẹn với Người.  Tôi nhận ra rằng đây là nơi quyết định của tôi, về sự chia cách sâu xa hơn bao giờ hết trong lòng tôi và trong lương tâm tôi.  Tôi cũng nhận ra rằng Đức Giêsu là Ngôi Lời, chính Người là Thiên Chúa, hiện diện trước mặt tôi, trao ban cho tôi, mở ra cho tôi.  Toàn bộ Kinh Thánh, từng trang một, là một lời mời gọi, êm ái nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ, để đến gặp Ngôi Lời, đến để tìm hiểu Đấng Được Hứa Ban, Tân Nương chính là Lời Chúa đến từ nụ hôn của tình yêu, từ miệng Thiên Chúa.  Cuộc gặp gỡ hòa hợp không hời hợt, trống rỗng, cũng không phải là thoáng qua hay không thường xuyên, mà nồng nhiệt, đầy đủ, liên tục, không gián đoạn, bởi vì nó giống như cuộc gặp gỡ giữa tân lang và tân nương.  Như vậy, Chúa có yêu tôi và ban tặng chính Người cho tôi không.  Vì thế, thật là quan trọng lắng nghe cẩn thận và đầy yêu thương để không một lời nào bị phí phạm (1Sam 3:19); điều quan trọng là lắng nghe với trái tim, với linh hồn (Tv 94:8; Br 2:31); quan trọng là phải vâng phục trong việc thực hành suốt cuộc đời (Mt 7:24-27; Ga 1:22-25); thật là quan trọng để làm một quyết định thật sự và cuối cùng là sẽ chọn Lời Chúa ngay cả khi quyết định này khiến cho em gái tôi (Pr 7:1-4) hay nương tử của tôi bị đem ra khỏi nhà (Kn 8:2).

  • Lời lẩm bẩm kêu ca thì khép lại trái tim người ta

Chủ đề của lời lẩm bẩm kêu ca, của sự chống đối, làm chấn động tôi và tạo ra khủng hoảng trong tôi; khi tôi đọc Kinh Thánh, ngay cả khi tôi chỉ nhớ lại nó, tôi nhận thức được rằng lời lẩm bẩm kêu ca chống lại Chúa và các hoạt động của Người trong đời sống chúng ta là điều khủng khiếp và tàn phá nhất mà có thể tồn tại trong trái tim tôi, bởi vì nó khiến tôi xa lìa Người, nó ngăn cách tôi mạnh mẽ và khiến tôi trở nên mù lòa, điếc và vô cảm.  Nó khiến tôi nói rằng Chúa không hiện hữu trong khi Người rất gần gũi tất cả mọi lúc; rằng Chúa ghét bỏ tôi trong khi Người yêu thương tôi với một tình yêu vĩnh cửu và trung thành (Đnl 1:27)!  Đó là sự ngu ngốc hết sức và lớn nhất!  Trong các sách Xuất Hành, Dân Số và Thánh Vịnh, tôi đã thấy dân riêng Thiên Chúa khóc lóc, than phiền, giận dữ, kêu ca, tách biệt, nổi loạn, quay lưng (Es 16:7; Ds 14:2, 7, 20; Tv 105:25); một dân tộc vô vọng, không có sinh khí.  Tôi hiểu được rằng loại tình cảnh này xảy ra khi không còn có sự đối thoại với Chúa, khi sự liên kết với Ngài bị phá vỡ.  Lúc ấy, thay vì lắng nghe lời Người và đặt các câu hỏi về Người, thì chỉ có lời kêu ca lẩm bẩm, một loại ăn không ngồi rồi lãng phí trong linh hồn, trong tâm trí, nó khiến tôi thốt lên:  “Liệu Thiên Chúa có thể dọn gì cho ta ăn trong sa mạc?” (Tv 77:19).  Nếu tôi kêu ca lại Chúa Cha của tôi, nếu tôi ngừng tin vào Tình Yêu của Người dành cho tôi, trong sự dịu dàng của Người, rằng Người đổ xuống cho tôi mọi sự tốt lành, thì tôi không có sự sống, tôi không có của ăn cho cuộc hành trình mỗi ngày.  Hoặc nếu tôi tức giận, nếu tôi ganh tị bởi vì Người tốt lành và ban Tình Yêu của Người cho tất cả mọi người, không trừ ai, và tôi hành động giống như những người Biệt Phái (Lc 15:2; 19:7), thì tôi hoàn toàn trở nên cô độc và ngoài ra không còn là con cái của Người nữa, ngay cả tôi cũng chẳng là anh chị em của bất cứ ai.  Thật ra, có một mối quan hệ mật thiết giữa việc lẩm bẩm kêu ca chống lại Thiên Chúa và việc lẩm bẩm kêu ca chống lại anh chị em (Pl 2:14; 1Pr 4:9).  Tôi hiểu được những điều này khi tôi lần theo dấu vết của Lời này…

  • Ân sủng của Con Một Thiên Chúa:  Chúa Thánh Thần

Dường như tôi thấy một con đường đầy ánh sáng, bắt nguồn từ Chúa Giêsu và gần như ẩn dấu những câu rất ngắn gọn và tràn đầy sự phong phú thiêng liêng này.  Điểm khởi đầu nằm trong việc lắng nghe Lời Chúa một cách thật sự và sâu xa, và trong việc đón chào Lời ấy.  Từ đây, chúng ta tiến qua việc thanh tẩy tâm hồn, từ một trái tim sỏi đá, khô cằn và khép kín, bằng sự dịu dàng của Chúa Cha, trở thành một trái tim bằng xương thịt, mềm mại, một trái tim mà Người có thể làm đau, nhào nặn, cầm trong bàn tay của Người và giữ chặt nó, như một món quà.  Vâng, tất cả những điều này được hoàn thành bởi Ngôi Lời, đôi mắt không dừng lại ở những thứ bề ngoài, trên độ cứng của cái vỏ, mà đôi mắt thấu hiểu, mỗi ngày nhiều hơn một chút, đi xa hơn và nhìn lên cao.  “Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao?” (câu 62).  Đây là việc chào mừng Chúa Thánh Thần, món quà tặng của Đấng Phục Sinh, ân sủng của Đấng đã lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, tặng phẩm từ trời, tặng phẩm hoàn hảo (Ga 1:17).  Người đã phán:  “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12:32) và Người kéo tôi gần lại với Chúa Thánh Thần, Người khiến tôi là của riêng Người với Chúa Thánh Thần, Người sai tôi đi trong Chúa Thánh Thần (Ga 20:21), Người tăng sức mạnh cho tôi nhờ Chúa Thánh Thần (Cv 1:8).  Nếu tôi đọc kỹ lại những trang Tin Mừng, tôi có thể thấy bằng cách nào mà Thánh Thần Chúa là sức mạnh ngự trị trong mỗi người, mỗi thực tại, bởi vì Người là tình yêu muôn đời của Chúa Cha, sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta.  Tôi chú ý và dừng lại ở các động từ và các lời diễn tả được dùng, về những lời theo sau đó và soi sáng lẫn nhau, làm phong phú cho nhau.  Tôi cảm thấy rằng tôi thực sự đắm mình trong Nước hằng sống phun ra tuôn chảy, tôi cảm thấy tôi nhận lãnh một phép thanh tẩy mới và tôi cảm tạ Chúa với cả tấm lòng tôi.  “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11), Gioan Tẩy Giả đã nói như thế, và khi tôi đọc, Lời này trở thành sự thật trong tôi, bên trong tôi, trong cả toàn thân tôi.  Tôi cảm thấy Thần Khí Chúa đang nói trong tôi (Mt 10:20); Đấng mà với quyền năng của Người đã xua trừ quỷ khỏi người tôi (Mt 12:28); Đấng tràn đầy trên tôi, như Người đã làm với Đức Giêsu (Lc 4:1), Gioan Tẩy Giả (Lc 1:15), Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1:28, 35), bà Êlisabéth (Lc 1:41), Giacaria (Lc1:67), Simêon (Lc 2:26), các môn đệ (Cv 2:4), Phêrô (Cv 4:8) và rất nhiều người khác.  Tôi cảm nhận và gặp gỡ Thần Khí Chúa, Đấng đã dạy tôi phải nói những gì (Lc 12:10), Đấng dạy tôi tất cả mọi điều và nhắc nhở tôi tất cả về những gì Chúa Giêsu đã nói (Ga 14:26); Đấng hướng dẫn tôi tiến về chân lý (Ga 16:23); Đấng đã ban cho tôi sức mạnh để làm chứng cho Chúa Giêsu (Cv 1:8), về tình yêu của Người dành cho tôi và cho hết thảy mọi người.

  • Cuộc đấu tranh của đức tin:  tin vào Chúa Cha hay vào sự dữ?

Đoạn Tin Mừng này của Gioan thách thức chúng ta một cuộc đấu tranh tuyệt vời, một cuộc cận chiến giữa tinh thần và thể xác, giữa sự khôn ngoan của Thiên Chúa và lý lẽ loài người, giữa Chúa Giêsu và thế gian.  Tôi có thể thấy ông Gióp đã có lý khi nói rằng cuộc sống con người nơi dương thế là thời gian cám dỗ và khổ dịch (G 7:1). Bởi vì tôi cũng trải nghiệm được sự dữ đã cố gắng ngăn cản tôi bằng cách tạo ra những nghi ngại về các lời hứa của Thiên Chúa và thúc giục tôi quay lưng lại với Chúa Giêsu.  Ma quỷ muốn xua đuổi tôi, cố gắng bằng mọi cách làm trái tim tôi ra chai đá, vây bủa tôi, phá vỡ đức tin của tôi, tình yêu của tôi.  Tôi nghe thấy nó, như sư tử gầm thét, rảo xung quanh tìm mồi cắn xé (1Pr 5:8), giống như một kẻ cám dỗ, tác giả của các sự chia rẽ, kẻ tố cáo, giống như một kẻ nhạo báng chế giễu và lặp lại mọi lúc câu:  “Đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm?” (2Pr 3:3).  Tôi biết rằng chỉ với những khiên mộc của đức tin là tôi có thể thắng được (Êp 6:10-20; 2Cr 10:3-5), chỉ trong sức mạnh đến với tôi từ Lời của Chúa Cha; vì thế tôi chọn chúng, yêu thương chúng, tìm hiểu, xem xét, học hỏi chúng bằng trái tim, lặp lại những lời ấy và nói:  “Dù cả một đạo quân vây bủa tôi, tôi sẽ chẳng sợ chi; dù quân thù có vây đánh tôi, tôi vẫn cứ cậy tin vào Chúa!”  (Tv 26:3).

  • Tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa

Sự xuất hiện của Simon Phêrô ở phần cuối của đoạn Tin Mừng này giống như viên ngọc được gắn trên một món nữ trang quý giá, bởi vì chính ông là người công bố sự thật, sự sáng và ơn cứu độ qua lời tuyên xưng đức tin của ông.  Tôi thu nhặt các đoạn Tin Mừng khác từ các sách Phúc Âm, những lời tuyên xưng đức tin khác giúp đỡ cho lòng ngờ vực của tôi, bởi vì tôi cũng muốn tin và biết, tôi cũng ước ao tin tưởng và xác tín (Is 7:9; Mt 16:16; Mc 8:29; Lc 9:20; Ga 11:27).

6.  Giây phút cầu nguyện yên lặng:  Thánh Vịnh 18                                                   

Một bài thánh vịnh chúc tụng Lời Chúa,

Đấng ban sự khôn ngoan và vui mừng cho tâm hồn

Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.

Đáp ca:  Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời!

Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.

Đáp ca:  Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời!

Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.
Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.

 Đáp ca:  Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời! 

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa về những Lời của Chúa đã đánh thức linh hồn và cuộc sống con, xin cảm tạ Chúa vì Chúa phán và sự tạo dựng xảy ra, Ngài làm con choáng ngợp, Chúa in dấu đậm sâu hình ảnh Ngài trong con, thánh nhan duy nhất.  Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã chờ đợi con trong kiên nhẫn và yêu thương những khi con ta thán, khi con để cho mình cảm thấy khó chịu, khi con rơi vào sự ngờ vực hoặc khi con quay lưng lại với Chúa.  Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, vì tất cả những lỗi lầm vấp phạm này và xin tiếp tục chữa lành con, xin ban cho con mạnh mẽ và hạnh phúc đi theo Chúa, chỉ có Chúa mà thôi!  Lạy Chúa, Ngài đã lên nơi đã ở trước, nhưng Chúa vẫn còn ở với chúng con và không ngừng lôi cuốn mỗi người chúng con về phía Chúa.  Lạy Chúa, xin hãy lôi cuốn con và con sẽ chạy đến, bởi vì con đã thật sự tin tưởng và biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa!  Nhưng, lạy Chúa, khi con chạy đến với Chúa xin đừng để con đến một mình, xin hãy để cho con luôn luôn sẵn sàng đồng hành với các anh chị em con; và cùng với họ, con sẽ tìm thấy Chúa và sẽ là môn đệ Chúa trong mọi ngày suốt đời con.  Amen.

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …