Đi theo Chúa Giêsu như thế nào
Chăm sóc các Môn Đệ, chữa lành Người Mù
Mc 8:27-35
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên tuần này trình bày lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu, cho các Môn Đệ, Phêrô cố gắng loại trừ Thập Giá và giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến những hệ quả của Thập Giá cho những ai muốn làm môn đệ của Người. Phêrô không hiểu được đề nghị của Chúa Giêsu liên quan đến Thập Giá và khổ nạn. Ông đã chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng không là Đấng Cứu Thế chịu khổ nạn. Phêrô đã bị nhồi sọ bởi lời tuyên truyền của chính quyền thời bấy giờ nói về Đấng Cứu Thế như một vị Quân Vương vinh hiển. Phêrô dường như bị mù quáng. Ông không thể nhìn thấy bất cứ điều gì và ước mong Chúa Giêsu cũng sẽ giống như ông Phêrô đã mong ước và hình dung. Ngày nay, tất cả chúng ta đều tin vào Đức Giêsu. Nhưng tất cả chúng ta không hiểu Người trong cùng một cách. Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Vào thời nay, hình ảnh phổ biến nhất về Chúa Giêsu mà người ta có là gì? Ngày nay, liệu có lời tuyên truyền nào nhằm xen vào trong cách chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu không? Đối với Đức Giêsu, tôi là ai?
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 8:27-28: Câu hỏi của Chúa Giêsu liên quan đến ý kiến của người dân và câu trả lời của các Môn Đệ
Mc 8:29-30: Câu hỏi của Chúa Giêsu và ý kiến của các Môn Đệ
Mc 8:31-32a: Lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó và cái chết
Mc 8:32b-33: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô
Mc 8:34-35: Những điều kiện để đi theo Chúa Giêsu
27 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Xêsarê thuộc quyền Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” 28 Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan Tẩy Giả. Một số bảo là tiên tri Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. 29 Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”. 30 Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
31 Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. 33 Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! Vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. 34 Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. 35 Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điều nào trong văn bản này làm bạn hài lòng nhất hay đánh động bạn nhất? Tại sao?
b) Ý kiến của dân chúng và của Phêrô về Chúa Giêsu ra sao? Tại sao Phêrô và dân chúng nghĩ như thế?
c) Mối tương quan giữa việc chữa lành người mù, được mô tả trước đây (Mc 8:22-26) và cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Phêrô và các Môn Đệ khác là gì?
d) Chúa Giêsu đòi hỏi gì nơi những ai muốn đi theo Ngài?
e) Ngày nay, điều gì ngăn cản chúng ta không nhận ra và đảm nhận kế hoạch của Chúa Giêsu?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh xưa và nay:
i) Trong câu Tin Mừng Mc 8:27, lời hướng dẫn cặn kẽ của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ bắt đầu, và việc này kéo dài đến chương Mc 10:45. Lúc khởi đầu của lời hướng dẫn cũng như tại phần kết của nó, Máccô đặt việc chữa lành người mù: Mc 8:22-26 và Mc 10:46-52. Tại lúc bắt đầu, việc chữa lành người mù không phải là dễ dàng và Chúa Giêsu đã phải chữa anh ta trong hai giai đoạn. Việc chữa lành sự mù lòa của các Môn Đệ cũng khó khăn không kém. Chúa Giêsu đã phải đưa ra một lời giải thích dài liên quan đến tầm quan trọng của cây Thập Giá để giúp các ông nhìn thấy thực tế, bởi vì nó là cây thập giá đã mang lại sự mù lòa ở họ. Vào đoạn kết, việc chữa lành người mù Batimê là hoa trái của đức tin vào Chúa Giêsu. Nó cho thấy lý tưởng của người Môn Đệ: tin tưởng vào Đức Giêsu và chấp nhận Ngài như chính con người Ngài, không phải như tôi mong muốn hay tưởng tượng.
ii) Vào năm 70, khi Máccô đang viết sách này, tình trạng của các cộng đoàn không phải là dễ dàng thoải mái. Đã có rất nhiều đau khổ, rất nhiều thập giá. Sáu năm trước đó, vào năm 64, hoàng đế Nêrô đã hạ lệnh đàn áp dã man lần thứ nhất, giết hại rất nhiều Kitô hữu. Trong năm 70, tại Palestine, thành Giêrusalem sắp bị tàn phá bởi người La Mã. Tại các quốc gia khác, sự căng thẳng lớn giữa những người Do Thái cải đạo và những người không cải đạo đã bắt đầu. Mối khó khăn lớn nhất là Thập Giá của Chúa Giêsu. Người Do Thái cho rằng một kẻ bị đóng đinh trên Thập Giá thì không thể là Đấng Cứu Thế được mọi người trông đợi, bởi vì Lề Luật đã khẳng định rằng bất cứ kẻ nào đã bị kết án, xử chết treo trên thập giá thì phải xem kẻ ấy như là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa (Đnl 21:22-23).
b) Bình luận về văn bản:
Mc 8:22-26: Chữa lành người mù
Người ta dẫn một người mù đến và xin Đức Giêsu chữa cho anh ta. Chúa Giêsu đã chữa anh, nhưng theo một cách khác. Thoạt tiên, Người cầm lấy tay anh mù đưa ra khỏi làng, rồi bôi nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: Anh có thấy gì không? Và anh ta thưa: Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại! Anh ta thấy chỉ có một phần. Anh ta trông thấy cây cối và lẫn lộn chúng với người ta, và người ta với cây cối! Chỉ đến lần thứ hai Chúa Giêsu đặt tay trên mắt anh thì anh trông rõ tỏ tường mọi sự và Người nghiêm cấm anh đừng có về làng. Chúa Giêsu không muốn có một cuộc loan truyền nhanh chóng! Bài mô tả này về việc chữa lành người mù là phần giới thiệu về các hướng dẫn sẽ được trao cho các Môn Đệ, bởi vì trong thực tế, Phêrô và các Môn Đệ khác đều bị mù! Và sự mù lòa của các Môn Đệ được Chúa Giêsu chữa lành, mặc dù không phải trong lần đầu tiên. Các ông đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ như một Đấng Cứu Thế vinh hiển. Các ông chỉ nhận thấy một phần! Các ông đã không muốn dính líu với Thập Giá! Các ông đã lẫn lộn cây cối với người ta!
Mc 8:27-30: ĐỂ TRÔNG THẤY: khám phá ra thực tại
Chúa Giêsu hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai? Các ông đáp lại cho thấy dân chúng có nhiều ý kiến khác nhau: “Gioan Tẩy Giả”, “Tiên tri Êlia hay một trong các vị tiên tri”. Sau khi nghe ý kiến của những người khác, Chúa Giêsu lại hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai!” Đó là: “Thầy là Chúa, Đấng mà người ta đang mong đợi!” Chúa Giêsu đồng ý với Phêrô, nhưng nghiêm cấm ông không được nói với ai về điều này. Tại sao Chúa Giêsu lại cấm các ông điều này? Lúc bấy giờ, mọi người đều đang mong đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng mỗi người mong theo cách riêng của mình, tùy theo tầng lớp và địa vị xã hội mà người ấy có: một số mong Ngài đến như một vị Vua, một số khác thì như một vị Thày Cả, Luật Sĩ, Anh Hùng, Đấng Phán Xét hay là Tiên Tri! Dường như không ai mong đợi một Đấng Thiên Sai là Người Tôi Tớ, như được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 42:1-9).
Mc 8:31-33: ĐỂ ĐÁNH GIÁ: Xác định rõ tình hình: Lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó
Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy rằng Người chính là Đấng Cứu Thế Tôi Trung được loan báo bởi tiên tri Isaia, sẽ bị bắt và bị giết trong khi thực hiện sứ vụ công lý của Người (Is 49:4-9; 53:1-12). Phêrô với tràn đầy sợ hãi, ông kéo Chúa Giêsu sang một bên và cố gắng can gián Người.
Và Chúa Giêsu quở trách Phêrô: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người!” Phêrô nghĩ rằng ông đã đưa ra câu trả lời đúng. Và, thực ra, ông chỉ nói đúng chữ: “Thầy là Đức Kitô!” Nhưng ông đã không cho từ ngữ này ý nghĩa đúng. Phêrô không thấu hiểu Chúa Giêsu. Ông giống như anh mù ở Béthsaiđa. Ông lẫn lộn người ta với cây cối! Lời đáp của Chúa Giêsu rất nghiêm khắc. Người gọi Phêrô là Satan! Satan trong tiếng Do Thái có nghĩa là kẻ tố cáo, là kẻ ngăn trở những người khác đi theo đường lối của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không cho phép bất cứ ai cản trở Người khỏi sứ vụ của mình. Theo đúng từng chữ, Chúa Giêsu nói: “Hãy lui ra sau Ta!” Đó có nghĩa là, Phêrô phải đi đằng sau Chúa Giêsu, phải đi theo Đức Giêsu và chấp nhận con đường hoặc phương hướng mà Chúa Giêsu đã vạch ra. Phêrô muốn là kẻ đứng trước và chỉ hướng. Ông mong muốn một Đấng Cứu Thế theo phương cách và lòng ước muốn của mình.
Mc 8:34-37: ĐỂ HÀNH ĐỘNG: Những điều kiện để đi theo Chúa Giêsu
Chúa Giêsu rút ra những kết luận mà vẫn còn giá trị đến ngày nay: Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo Ta! Vào thời ấy, thập giá là bản án tử hình mà Đế Chế La Mã đã áp đặt cho những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Như thế, vác thập giá mình và đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là chấp nhận bị thiệt thòi bởi hệ thống bất công mà sự bất công đã được hợp pháp hóa. Nó cho thấy một sự đổ vỡ hoàn toàn và triệt để. Như Thánh Phaolô nói trong Thư Gửi các Tín Hữu Galát: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gal 6:14). Thập Giá không phải là định mệnh, nó cũng chẳng là nhu cầu cấp bách từ Chúa Cha. Thập Giá là hệ quả của sự kết ước, được Chúa Giêsu đảm nhận một cách tự do để mặc khải Tin Mừng rằng Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha, và do đó tất cả mọi người đều được chấp nhận và được đối xử như anh chị em. Bởi vì lời loan báo mang tính cách mạng này, Người đã bị bách hại và Người không sợ phải hy sinh mạng sống mình. Không có bằng chứng nào về một tình yêu cao quý hơn là việc thí mạng sống mình cho anh em.
c) Phần phụ lục:
Lời hướng dẫn của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ
Ở giữa sự chữa lành cho hai người mù (Mc 8:22-26 và Mc 10:46-52), chúng ta thấy có lời hướng dẫn dài của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ, để giúp cho các ông hiểu về tầm quan trọng của Thập Giá và các hệ quả của nó đối với đời sống (Mc 8:27 – 10:45). Nó dường như là một tài liệu, một loại giáo lý công giáo, được thực hiện bởi chính Chúa Giêsu. Nó nói về thập giá trong đời sống của người Môn Đệ. Nó là một loại lược đồ hướng dẫn:
Mc 8:22-26: Chữa lành người mù
Mc 8:27-38: Loan báo lần thứ nhất về Cuộc Thương Khó
Mc 9:1-29: Hướng dẫn về Đấng Mêssia Tôi Tớ
Mc 9:30-37: Loan báo lần thứ hai về Cuộc Thương Khó
Mc 9:38 – 10:31: Hướng dẫn về cuộc đối thoại
Mc 10:32-45: Loan báo lần thứ ba về Cuộc Thương Khó
Mc 10:46-52: Chữa lành người mù
Như chúng ta có thể thấy, sự hướng dẫn được hình thành bởi ba lần loan báo về Cuộc Thương Khó. Lần thứ nhất ở Mc 8:27-38, lần thứ hai ở Mc 9:30-37 và lần thứ ba ở Mc 10:32-45. Giữa lần thứ nhất và lần thứ hai, có một loạt các hướng dẫn để giúp các ông hiểu được rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Trung (Mc 9:1-29). Giữa lần thứ hai và lần thứ ba, có một loạt các hướng dẫn để làm sáng tỏ việc hoán cải phải xảy ra trong cuộc sống của những ai chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Trung (Mc 9:38-10:31).
Bối cảnh của toàn bộ lời chỉ dẫn là con đường từ Galilê lên Giêrusalem, từ biển hồ đến thập giá. Chúa Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem, nơi người sẽ bị xử tử. Từ đầu đến cuối của lời chỉ dẫn này, Máccô thông báo rằng Chúa Giêsu đang trên đường tiến về thành Giêrusalem (Mc 8:27; 9:30-33; 10:1, 17-32), nơi mà Người sẽ nhận lấy thập giá.
Trong mỗi lần của ba lời loan báo này, Chúa Giêsu nói về Cuộc Thương Khó, Cái Chết và sự Phục Sinh của Người như là một phần của chương trình của Chúa Giêsu: “Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8:31; 9:31; 10:33). Câu nói cho thấy rằng thập giá đã được công bố trong các lời tiên tri (xem Lc 24:26).
Mỗi một lời loan báo về Cuộc Thương Khó thì được đi kèm với những cử chỉ hoặc lời nói hiểu lầm về phần các Môn Đệ. Trong lần thứ nhất, Phêrô không muốn thập giá và trách cứ Chúa Giêsu (Mc 8:32). Trong lần thứ hai, các Môn Đệ không hiểu Chúa Giêsu, các ông sợ hãi và muốn được làm người lớn hơn cả (Mc 9:32-34). Vào lần thứ ba, các ông sợ hãi, họ kinh hoàng (Mc 10:32), và các ông tìm kiếm sự đề bạt (Mc 10:35-37). Và điều này bởi vì trong các cộng đoàn vào thời Máccô đang viết quyển Tin Mừng của ông, có nhiều người giống như Phêrô: họ không muốn cây thập giá! Họ giống như các Môn Đệ: họ không hiểu thập giá, họ sợ hãi và lại muốn là kẻ cao trọng nhất; họ sống trong nỗi sợ hãi và mong ước có được sự ủng hộ. Mỗi một trong ba lời loan báo này đã cho họ một lời định hướng về phần Chúa Giêsu, phê phán sự thiếu hiểu biết của các Môn Đệ và giảng dạy về cách cư xử của họ phải như thế nào. Như vậy, trong lời loan báo đầu tiên, Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Người thì phải vác thập giá mình mà theo, từ bỏ chính mình vì tình yêu Người và cho Tin Mừng của Người, không hổ thẹn về Người và Lời của Chúa (Mc 8:34-38). Trong lần thứ hai Chúa đòi hỏi: phải làm kẻ phục vụ mọi người, tiếp đón các trẻ nhỏ, những kẻ bé mọn, như là tiếp đón chính Chúa Giêsu (Mc 9:35-37). Trong lần thứ ba Người đòi hỏi: phải uống chén mà Người sắp uống, không được bắt chước những kẻ làm lớn lấy uy quyền mà cai trị dân, nhưng hãy bắt chước Con Người là Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người (Mc 10:35-45).
Sự hiểu biết tổng quát những điều sau đây về Chúa Giêsu không phải được thu nhặt từ lời giảng dạy lý thuyết, mà từ việc dấn thân thực tiễn, cùng đi với Người trên con đường phục vụ, từ miền Galilê đến thành Giêrusalem. Những ai có tâm duy trì ý tưởng của Phêrô, đó là, về Đấng Mêssia vinh hiển không qua thập giá, sẽ không hiểu thấu và sẽ không thành công trong việc đảm nhận thái độ của người môn đệ đích thực. Họ sẽ tiếp tục mù lòa, lẫn lộn người ta với cây cối (Mc 8:24). Bởi vì không vác thập giá thì không thể hiểu được Chúa Giêsu là ai và đi theo Chúa Giêsu thì có nghĩa là gì.
Con đường đi theo là con đường của sự tận hiến, từ bỏ, phục vụ, sẵn sàng, chấp nhận xung khắc, biết rằng sẽ có sự sống lại. Thập giá không phải là một sự ngẫu nhiên trên đường, mà là tạo thành một phần của con đường. Bởi vì trong thế gian, sắp xếp đẳng cấp bắt nguồn từ sự vị kỷ, tình yêu và phục vụ chỉ có thể tồn tại trong việc chịu đóng đinh! Kẻ nào từ bỏ cuộc sống mình mà phục vụ tha nhân, thì gây khó chịu cho những người sống gắn liền với những đặc quyền ưu đãi và kẻ ấy phải chịu đau khổ.
6. Cầu nguyện với Thánh Vịnh 25 (24)
Lạy Chúa, xin hãy chỉ cho con đường lối của Ngài!
Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA.
Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài,
xin Ngài đừng để con tủi nhục,
đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Chẳng ai trông cậy Chúa,
mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,
chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.
Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề,
vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.
Phàm ai kính sợ CHÚA,
Người chỉ cho thấy đường phải chọn.
Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,
và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.
CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi
vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới.
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể,
chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng.
Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con,
đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài.
Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng
che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Israel
thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.