Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXV Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXV Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 22 Tháng 9, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Người lớn nhất trong Nước Trời

Mc 9:30-41

 

1.  Lời nguyện mở đầu 

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Văn bản Tin Mừng cho phụng vụ của Chúa Nhật tuần này giới thiệu cho chúng ta với lời tiên báo thứ hai về Cuộc Thương Khó, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.  Nhưng trong lời tiên báo lần thứ nhất (Mc 8:31-33), các môn đệ đã khiếp sợ và lướt qua bởi sự sợ hãi.  Các ông không hiểu gì về thập giá, bởi vì các ông không có khả năng hiểu biết cũng như chấp nhận việc một Đấng Cứu Thế làm người để trở thành tôi tớ cho anh em mình.  Các ông vẫn viễn mơ về một Đấng Cứu Thế vinh quang (Mt 16:21-22).  Có một sự khác biệt lớn giữa các môn đệ.  Trong khi Chúa Giêsu công bố Cuộc Thương Khó và cái Chết của Người, thì các ông lại tranh luận ai sẽ là người lớn nhất trong bọn họ (Mc 9:34).  Chúa Giêsu muốn phục vụ, các ông chỉ nghĩ đến cai trị!  Tham vọng đã khiến cho các ông muốn chiếm một vị trí bên cạnh Chúa Giêsu.  Điều gì nổi bật trong cuộc sống của tôi:  nỗ lực ganh đua và khát vọng cai trị hay là mong muốn phục vụ và khuyến khích tha nhân?

Phản ứng của Chúa Giêsu về những yêu cầu của các môn đệ giúp chúng ta hiểu được một chút liên quan đến phương pháp sư phạm tình huynh đệ được Chúa dùng để đào tạo các môn đệ.  Nó cho chúng ta thấy bằng cách nào Người đã giúp các ông vượt qua “men của người Biệt Phái và nhóm Hêrôđê” (Mc 8:15).  Loại men như thế có gốc rễ sâu.  Nó mọc đi mọc lại mãi!  Nhưng Chúa Giêsu không chịu thua!  Người liên tục chiến đấu chống lại và chỉ trích những cái sai của “men”.  Ngày nay cũng thế, chúng ta có loại men của tư tưởng thống trị: sự truyền bá của hệ thống tân tự do, kỹ nghệ thương mại, tiêu thụ, tiểu thuyết, trò chơi, tất cả đều ảnh hưởng sâu xa đến đường lối tư duy và hành động của chúng ta.  Chúng ta ngày nay cũng có loại men tư tưởng thống trị.  Giống như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng không luôn luôn có khả năng duy trì được thái độ quyết định đối với việc xâm lấn của loại men này.  Quan điểm của Chúa Giêsu như huấn luyện viên tiếp tục trợ giúp chúng ta.

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:

Mc 9:30-32:  Công bố về cuộc Thương Khó

Mc 9:33-37:  Cuộc tranh luận về ai là kẻ lớn nhất

Mc 9:38-40:   Vì danh Đức Giêsu

Mc 9:41:  Phần thưởng cho một ly nước

 c) Tin Mừng:

30 Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. 31 Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.32 Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

33 Các ngài tới Caphárnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” 34 Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. 35 Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. 36 Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: 37 “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

38 Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” 39 Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. 41“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Lời nào trong văn bản này làm bạn hài lòng nhất hay tạo sự chú ý cho bạn nhất?

b)  Các môn đệ có thái độ nào trong mỗi đoạn Tin Mừng:  các câu 30-32; 33-37; 38-40?  Thái độ trong ba đoạn Tin Mừng này có giống nhau không?

c)  Lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong mỗi đoạn là gì?

d)  Câu nói “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” mang ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

 a)  Bình luận

Mc 9:30-32:  Công bố về Thập Giá.

Chúa Giêsu đang đi ngang qua miền Galilêa, nhưng Người không muốn dân chúng biết điều này, bởi vì Người đang bận lo đào tạo các môn đệ.  Chúa nói với các ông về “Con Người” phải bị bắt nộp.  Chúa Giêsu rút tỉa giáo huấn của Người từ những lời tiên tri.  Trong việc đào tạo các môn đệ, Chúa dùng Kinh Thánh.  Các môn đệ lắng nghe, nhưng các ông không hiểu.  Thế mà các ông đã không được nghe những lời giải thích.  Có lẽ các ông sợ để lộ ra việc kém hiểu biết của mình!

Mc 9:33-34:  Cuộc ganh đua cân não.

Khi các ông về đến nhà.  Chúa Giêsu hỏi:  Dọc đường các con tranh luận gì thế?  Các ông không trả lời.  Đó là sự im lặng của những kẻ cảm thấy tội lỗi, bởi vì các ông đã tranh luận xem ai là người lớn nhất trong bọn.  “Men” của sự cạnh tranh và thanh thế, là đặc điểm của xã hội dưới Đế Chế La Mã, đã thâm nhập vào trong cộng đoàn nhỏ bé vẫn còn trong thời kỳ phôi thai!  Ở đây chúng ta thấy có sự tương phản!  Trong khi Chúa Giêsu đang suy nghĩ về việc làm Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, thì các ông lại lo nghĩ xem ai là người lớn nhất trong bọn họ.  Chúa Giêsu cố hạ mình xuống trong khi các ông lại cố nâng mình lên!

Mc 9:35-37:   Để phục vụ chứ không để cai trị.

Câu trả lời của Chúa Giêsu là một bản tóm lược về sự chứng tá Người đã đưa ra ngay từ thuở ban đầu:  Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!  Và người sau cùng chẳng được lợi ích gì.  Anh ta là người đày tớ vô dụng (xem Lc 17:10).  Việc xử dụng quyền lực không phải để thăng tiến hay cai trị, mà là để hạ mình xuống và phục vụ.  Đây là điểm mà Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều nhất và đó là căn bản cho sự chứng tá của Người (xem Mc 10:45; Mt 20:28; Ga 13:1-16).

Chúa Giêsu đem một em bé.  Những người chỉ nghĩ đến việc nâng mình lên và cai trị thì không dành thì giờ cho những kẻ bé mọn, cho các trẻ nhỏ.  Nhưng Chúa Giêsu đảo ngược tất cả mọi thứ!  Người nói:  Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy.  Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy!  Chúa ví mình với các trẻ nhỏ.  Ai đón tiếp những kẻ bé mọn vì danh Đức Giêsu là đón tiếp chính Thiên Chúa!

Mc 9:38-40:  Não trạng bị giới hạn.

Có người không thuộc về cộng đoàn mà nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ.  Môn đệ Gioan thấy vậy và đã ngăn cản anh ta:  Bởi vì người ấy không phải là người của chúng ta nên chúng ta cố gắng ngăn cản kẻ ấy.  Gioan nhân danh cộng đoàn ngăn cản một hành động tốt đẹp.  Ông nghĩ rằng mình sở hữu Chúa Giêsu và muốn ngăn chặn những kẻ khác không được nhân danh Chúa Giêsu để làm việc nghĩa.  Đây là trường hợp não trạng cổ hủ và hẹp hòi của “Dân Riêng, Dân Được Chọn!”  Chúa Giêsu đáp lại:  Đừng ngăn cản người ta!  Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! (Mc 9:40).  Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu không phải là người ấy có thuộc về cộng đoàn hay không, mà là người ấy có làm những việc tốt lành mà cộng đoàn cần phải làm hay không.

Mc 9:41:  Phần thưởng cho một ly nước.

Ở đây chúng ta có một câu được đưa vào dùng bởi Chúa Giêsu:  Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.  Chúng ta hãy xem xét hai tư tưởng:  1) Nếu bất cứ ai cho anh em một chén nước:  Chúa Giêsu đang trên đường đi về Giêrusalem để hy sinh mạng sống mình.  Cử chỉ của món quà to lớn!  Nhưng Người không xem thường những cử chỉ nhỏ nhặt của những quà tặng trong đời sống hằng ngày:  một ly nước, câu chào đón, một lời nói, rất nhiều cử chỉ khác.  Ngay cả những cử chỉ nhỏ nhặt nhất cũng được cảm kích.  2) Vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô:  Chúa Giêsu tự nhận mình với chúng ta là những kẻ muốn thuộc về Người.  Điều này có nghĩa là đối với Chúa, chúng ta có giá trị tuyệt vời.

b)  Phần phụ chú để giúp cho hiểu rõ văn bản hơn

  • Chúa Giêsu, “Con Người”

Đây là tên gọi được ưa thích của Chúa Giêsu.  Nó xuất hiện khá thường xuyên trong Tin Mừng Máccô (Mc 2:10-28; 8:31-38; 9:9-12,31; 10:33-45; 13:26; 14:21,41,62).  Danh hiệu này xuất phát từ Cựu Ước.  Trong sách tiên tri Êdêkien, Người đại diện cho tình trạng phàm nhân của tiên tri (Êd 3:1,10,17; 4:1; v.v.).  Trong sách tiên tri Đanien, cùng một danh hiệu xuất hiện trong một thị kiến về ngày cánh chung (Đn 7:1-28), nơi mà tiên tri Đanien mô tả các đế quốc Babylon, Mêđian, Ba Tư và Hy Lạp,  Trong thị kiến của tiên tri, bốn đế chế này xuất hiện như “các quái vật” (xem Đn 7:3-8).  Chúng là những đế chế dã thú, tàn bạo, vô nhân đạo, bắt bớ và tiêu diệt (Đn 7:21-25).  Trong thị kiến của tiên tri, sau khi hai chế độ vô nhân đạo cai trị thì Vương Quốc Nước Trời xuất hiện không trong dạng thức một con vật mà là hình ảnh loài người, Con Người.  Đó là vương quốc với sự xuất hiện của người ta, một vương quốc loài người quảng bá sự sống và đầy tình người (Đn 7:13-14).

Trong lời tiên tri Đanien, hình ảnh Con Người đại diện không cho một cá nhân, mà như “Chư Thánh của Đấng Tối Cao” (Đn 7:27, 18).  Đó là dân Thiên Chúa sẽ không để cho mình bị lừa dối hoặc thao túng bởi tư tưởng thống trị của các đế quốc dã thú.  Sứ vụ của Con Người, đó cũng là của dân Thiên Chúa, bao gồm việc nhận thức Vương Quốc Thiên Chúa như một vương quốc loài người.  Một vương quốc không phá hủy cuộc sống, mà là xây dựng nó!  Nó nhân đạo hóa người ta.

Khi Chúa Giêsu tự giới thiệu với các môn đệ mình là Con Người, Người giả định rằng sứ vụ của Người cũng là sứ vụ của toàn thể Dân Chúa.  Như thể Chúa đang nói với các ông và với chúng ta:  “Hãy đi cùng Thầy!  Sứ vụ này không phải chỉ của riêng Thầy, mà là của tất cả chúng ta!  Cùng nhau, chúng ta hãy hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta để xây dựng Vương Quốc nhân đạo như ước mong của Người!  Chúng ta hãy làm những gì Chúa đã làm và đã sống trong suốt cuộc đời của Người, hơn hết cả, trong ba năm cuối của cuộc đời của Chúa.  Đức Thánh Cha Leo Cả đã thường nói:  “Chúa Giêsu là con người, rất con người, như chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm!”  Càng là con người, càng trở nên thiêng liêng.  Chúng ta càng là “con người” thì chúng ta càng sẽ là “con Thiên Chúa”.  Tất cả những điều gì làm cho người ta trở nên ít nhân bản hơn thì càng làm cho người ta rời xa Chúa, ngay cả trong đời sống tu trì, ngay cả trong đời sống Cát Minh!  Đây là những gì Chúa Giêsu đã lên án và Người đặt lợi ích của con người lên trên lề luật và ngày Sabbát (Mc 2:27).

  • Đức Giêsu, nhà Huấn Luyện

“Đi theo” là một thuật ngữ thuộc về một phần của hệ thống giáo dục thời bấy giờ.  Nó được dùng để chỉ cho mối quan hệ giữa người môn đệ và vị thầy dạy.  Mối liên hệ Sư Phụ-Đồ Đệ thì khác hơn là mối liên hệ thày giáo-học sinh.  Các học sinh theo dõi bài học của thày giáo về một chủ đề nhất định.  Các môn đệ “đi theo” thầy và sống với thầy mình mọi ngày.

Chính là trong quá trình “sống chung” với Chúa Giêsu trong ba năm này thì các môn đệ đã nhận được sự huấn luyện.  Chương trình huấn luyện trong việc “đi theo Chúa Giêsu” không chỉ là việc truyền thụ một ít chân lý trang trí, mà là việc thông tri về một kinh nghiệm mới với Thiên Chúa và về đời sống tỏa sáng từ Chúa Giêsu cho các môn đệ.  Chính cộng đoàn phát triển chung quanh Chúa Giêsu là sự biểu hiện của kinh nghiệm mới mẻ này.  Việc huấn luyện này đã khiến cho mọi người nhìn thấy những sự việc với một cái nhìn khác, có những thái độ khác.  Nó phát sinh trong các ông một nhận thức mới về sứ vụ và sự tự trọng.  Nó đã khiến các ông đứng về phía những kẻ bị gạt ra ngoài xã hội.  Nó tạo nên “sự hoán cải”, hệ quả của việc chấp nhận Tin Mừng (Mc 1:15).

Đức Giêsu là trục chính, là trung tâm điểm, là mẫu mực, là điểm tham chiếu cho cộng đoàn.  Người chỉ cho con đường để đi theo, Người “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14:6).  Thái độ của Người là bằng chứng và sự trình bày Nước Trời:  Người làm cho tình yêu của Chúa Cha nên rõ ràng; Người là hiện thân của tình yêu Chúa Cha và đã mặc khải về điều ấy (Mc 6:31; Mt 10:30-31; Lc 15:11-32).  Chúa Giêsu là một “người đầy ý nghĩa” đối với các ông, Đấng sẽ lưu lại trong các ông một dấu ấn vĩnh viễn.  Nhiều cử chỉ nhỏ nhặt phản ảnh lời chứng tá này về đời sống mà Chúa Giêsu đã ban cho bởi sự hiện diện của Người trong đời sống của các môn đệ.  Đây là phương cách ban cho của Chúa trong bản tính loài người, kinh nghiệm mà chính Người đã có với Chúa Cha.  Trong phương cách và chia sẻ này, về tương quan với tha nhân, về việc hướng dẫn dân chúng và lắng nghe những ai đến với Người, Chúa Giêsu được nhìn thấy như là:

*  một người của bình an, linh ứng và hòa giải:  “Bình an cho các con!” (Ga 20:19; Mt 10:26-33; Mt 18:22; Ga 20:23; Mt 16:19; Mt 18:18);

*  một người của tự do và giải thoát, đánh thức sự tự do và giải phóng:  “Ngày Sabbát đã được tạo nên cho con người, chứ không phải con người được tạo nên cho ngày Sabbát” (Mc 2:27; 2:18-23);

*  một người của cầu nguyện, chúng ta thấy Người cầu nguyện vào tất cả những khoảnh khắc quan trọng của đời mình và khuyến khích người khác cầu nguyện:  “Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện!” (Lc 11:1-4; Lc 4:1-13; 6:12-13; Ga 11:41-42; Mt 11:25; Ga 17:1-26; Lc 23:46; Mc 15:34);

*  một người của yêu thương, gợi lên những phản ứng đầy tình yêu thương (Lc 7:37-38; 8:2-3; Ga 21:15-17; Mc 14:3-9; Ga 13:1);

*  một người chào đón, luôn luôn hiện diện trong đời sống các môn đệ và chào đón khi các ông trở về sau khi hoàn thành sứ vụ (Lc 10:7);

*  một người thực tế và quan sát, gợi lên sự chú ý của các môn đệ về các vấn đề của đời sống bằng cách giảng dạy cho các ông qua các dụ ngôn (Lc 8:4-8);

*  một người săn sóc, luôn luôn để ý đến các môn đệ (Ga 21:9), chăm sóc cho sự nghỉ ngơi và muốn ở lại với các ông để họ có thể nghỉ ngơi (Mc 6:31);

*  một người bận tâm với tình huống thậm chí còn quên cả sự mệt mỏi và nghỉ ngơi của mình khi Người trông thấy dân chúng đang tìm kiếm Người (Mt 9:36-38);

*  một người bạn chia sẻ mọi điều, ngay cả những bí mật về Chúa Cha (Ga 15:15);

*  một người hiểu biết, chấp nhận các môn đệ của mình như con người các ông, ngay cả khi các ông bỏ chạy, hay cho dù họ chối bỏ và phản bội, mà Chúa vẫn không hề lìa xa họ (Mc 14:27-28; Ga 6:67);

*  một người tận tụy, bảo vệ các bạn hữu mình khi họ bị chỉ trích bởi những kẻ đối nghịch (Mc 2:18-19; 7:5-13);

*  một người khôn ngoan, biết sự mong manh của loài người, biết điều gì sẽ xảy ra trong lòng người ta, và do đó nhấn mạnh vào việc cảnh giác và dạy cho họ cầu nguyện (Lc 11:1-13; Mt 6:5-15).

Nói tóm lại, Chúa Giêsu cho thấy là một con người thực sự, rất con người, con người đến độ chỉ Thiên Chúa mới có thể biết thế nào là con người!  Con Thiên Chúa.

6.  Thánh Vịnh 30 (29)

Cảm tạ Chúa đã cứu khỏi chết

Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.

Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA,
cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.

Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!
Lạy CHÚA, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.

Lạy CHÚA, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con.
Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài.
Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.

Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu..

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …