Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXIX Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXIX Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 17 Tháng Mười, 2021
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Người lãnh đạo phải phục vụ

Mc 10:35-45

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa của bình an và tha thứ, Chúa đã ban cho chúng con Đức Kitô như một gương mẫu về việc hoàn toàn phục vụ, thậm chí còn ban cho chúng con chính mạng sống của Người; xin Chúa hãy cho chúng con tìm thấy được sự thứ lỗi của Chúa để chúng con có thể chia sẻ cạn chén của thánh ý Chúa và sống trong sự quảng đại và phục vụ tốt đẹp lẫn nhau.

2.  Bài Đọc

a)  Bối cảnh:

Đoạn Tin Mừng này tiếp ngay sau lời tiên báo thứ ba về cuộc Thương Khó (Mc 10:32-34).  Cũng như trong dịp về các lời tiên báo khác, phản ứng của các môn đệ thì không tích cực:  hai trong số các ông đang lo lắng về việc ai sẽ là kẻ trước hết trong Nước Trời và những người khác trở nên bực tức.  Điều này cho chúng ta biết rằng các môn đệ đã gặp khó khăn trong việc chấp nhận số phận đầy đau đớn của Thầy mình và trong sự hiểu biết về mầu nhiệm Nước Trời.  Hai người tiến đến với lời yêu cầu – các ông Giacôbê và Gioan – là anh em và là những người bạn của Chúa Giêsu (Mc 1:19-20).  Biệt danh của họ là bô-a-nê-ghê nghĩa là “con của thiên lôi” (Mc 3:17).  Lúc ấy, các ông có phần hơi bốc đồng.

b)  Tin Mừng:

35 Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. 36Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” 38 Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. 39 Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” 39 Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

41 Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. 42 Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. 43 Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. 44 Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. 45 Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để đọc lại bài đọc với tâm hồn chúng ta và để nhận ra trong những lời và trong cấu trúc, có sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để nhìn thấy những điểm quan trọng trong bài đọc và bắt đầu hấp thụ chúng.

a)  Tại sao các môn đệ lại quá quan tâm đến việc dành những chỗ trên trước?

b)  Câu trả lời của Chúa Giêsu có ý nghĩa không?

c)  Chúa Giêsu muốn nói gì khi đề cập đến chén sắp uống và phép rửa sắp chịu?

d)  Chúa Giêsu dựa vào đâu mà nói về việc phục vụ cộng đoàn?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài đọc

 “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”

Mặc dù các ông đã cẩn trọng trong cách đặt câu hỏi của mình, thật rõ ràng là các ông có khá đầy tham vọng.  Theo truyền thống, các ông có thể là anh em họ của Chúa Giêsu, và vì thế – chiếu theo lề luật đông phương – các ông có một quyền đặc biệt, là người trong gia đình.  Dù sao chăng nữa, rõ ràng là các ông đã không hiểu tí gì về những điều Chúa Giêsu sắp làm.  Người đang trên đường tiến về cây thập giá ô nhục, và các ông vẫn còn chưa hiểu Người.  Quyền năng thực sự của Chúa Giêsu không bao gồm việc chia chác chỗ ngồi danh dự, mà là đòi hỏi các ông chia sẻ số phận bi thảm của Người: “Các con có thể uống chén Thầy sắp uống?”

“Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống”

Cuộc đối thoại liên quan đến chén sắp uống và phép rửa (các câu 38-39) rõ ràng là song song.  Nhưng không dễ dàng hiểu được làm thế nào mà hai môn đệ có thể uống chén và chịu phép rửa, trừ phi người ta nghĩ đến việc tử đạo mà hai ông phải chịu đựng sau đó.  Bằng vào hai hình ảnh này, Chúa Giêsu dường như gợi lên cái chết thê lương của mình, mà Người tiên báo như một nghĩa vụ tuyệt đối của lòng trung thành với Chúa Cha.  Câu trả lời cho lời yêu cầu của họ để được ngồi cạnh bên Người thì rất thoái thác:  nhưng chúng ta có thể hiểu được rằng câu trả lời ấy muốn nói đường lối của họ không phải là phương cách đúng để đạt được lời cầu xin.

“Mười môn đệ kia… bắt đầu bực tức”

Rõ ràng là họ cũng có cùng một tham vọng.  Tuy nhiên, câu này có vẻ là một câu được soạn bổ sung để nối kết hai đoạn, mà ban đầu đã không được đặt chung với nhau.  Điều này thay đổi chủ đề hoàn toàn.  Dù sao, sự thật về lòng bực tức của họ đã được ghi lại, có lẽ được dựa trên một số đoạn Tin Mừng khác nơi mà các môn đệ không xuất hiện trong quan niệm đúng và vì thế nó là xác thực.

“Những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ… Còn các con không như thế.”

Chúa Giêsu đề cập đến các nhà lãnh đạo chính trị vào thời ấy:  và thực sự đây cũng là phong cách của các nhà lãnh đạo chính trị ở mọi lúc.  Nói cách khác, cộng đoàn các môn đệ phải được lãnh đạo bằng sự phục vụ:  hai từ ngữ nói về việc phục vụ này trong một phương cách từ từ.  Đầu tiên Chúa Giêsu nói về “người đày tớ” (diakonos) và sau đó về “người nô lệ” (doulos).  Người ta không thể chọn người mà người ta sẽ phục vụ:  họ phải làm nô lệ cho tất cả, do đó làm đảo lộn trật tự thế gian.

“Vì chính Con Người cũng…”

Ở đây chúng ta thấy nền tảng của lề luật hiến chế của cộng đoàn:  tuân theo phong cách của Thầy mình, bằng cách cho đi, giống như Người, đời sống của mình trong tinh thần phục vụ; do đó, thực sự trở thành “chúa tể” thông qua món quà của đời sống người ấy, không phải chỉ là giả vờ.  Thật khó mà giải thích chữ “giá chuộc” hay là ơn cứu chuộc, như Cha X. Léon Dufour đã nói:  chúng ta có thể hiểu được điều này rõ ràng khi chúng ta suy niệm về những lời mà Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly.  Sau đó, cả mạng sống của Chúa Giêsu xuất hiện dưới ánh sáng của “giá chuộc”, của lòng trung thành cho đến cùng vì sự tự do của nhân loại.  Người tước đoạt sự tự do của chính mình để Người có thể ban sự tự do, để cứu chuộc những kẻ không có tự do.

Vì vậy, quy chế của cộng đoàn các môn đệ được đặc trưng bởi sự phục vụ, không bởi vì tham vọng, mà bởi một đời sống trao ban và ràng buộc làm giá chuộc cho tha nhân.

6.  Thánh Vịnh 33 (32)

 Lời cầu nguyện cho công lý và hòa bình 

Nào dâng Chúa một khúc tân ca,
rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng.

Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.
Một lời CHÚA phán làm ra chín tầng trời,
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.
Chúa dồn đại dương về một chỗ,
Người đem biển cả trữ vào kho.

Cả địa cầu phải kính sợ CHÚA,
mọi thế nhân hãy khiếp oai Người.
Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,
Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên.
CHÚA đảo lộn chương trình muôn nước,
Người phá tan ý định chư dân.
Chương trình CHÚA ngàn năm bền vững,
ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn.

Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể,
hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.
Từ trời cao nhìn xuống, CHÚA thấy hết mọi người.
Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế.
Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên,
việc họ làm, Chúa thông suốt cả.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin Chúa hãy gìn giữ các môn đệ của Con Chúa khỏi những hư danh, khỏi những vinh hoa phù phiếm, và dẫn dắt họ trên bước đường đến với những người nghèo khó và bị áp bức của thế gian, để cho họ có thể nhận thấy trong những khuôn mặt ấy là khuôn mặt của Thầy Chí Thánh và Đấng Cứu Chuộc.  Xin hãy ban cho họ có mắt để có thể nhìn thấy những con đường của hòa bình và đoàn kết; có tai để nghe những lời cầu xin của lương tri và ơn cứu rỗi của rất nhiều người đang tìm kiếm bằng cảm giác; xin hãy làm phong phú trái tim của họ với lòng trung thành quảng đại và một tri giác và sự hiểu biết để họ có thể đi theo con đường và là những chứng nhân đích thực và chân thành cho sự vinh quang tỏa sáng trên Đấng đã chịu đóng đinh, đã phục sinh và chiến thắng.  Người là Đấng hằng sống hằng trị vinh quang cùng với Đức Chúa Cha đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 

Check Also

Lịch Sử Áo Đức Bà Dòng Cát Minh

Date: Time: - Áo Đức Bà Carmelo (Cát Minh) là đặc ân Đức Mẹ hiện …