Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXVIII Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXVIII Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 10 Tháng Mười, 2021
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Chúa Giêsu mời gọi người thanh niên giàu có

Gấp trăm ở đời này, nhưng với sự ngược đãi!

Mc 10:17-30

 

1.  Lời nguyện mở đầu 

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

  • Bài Tin Mừng của Chúa Nhật XXVIII Thường Niên kể về câu chuyện của người thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu về cách để sống đời đời.  Chúa Giêsu cho anh ta câu trả lời, nhưng người thanh niên ấy không thể chấp nhận nó, vì anh ta rất giàu có.  Sự giàu sang mang cho người ta một loại yên ổn và họ rất khó mà từ bỏ sự yên ổn như thế.  Bởi vì những người như vậy thì gắn bó với những thuận lợi mà tài sản của họ mang lại, họ lo lắng về việc bảo vệ lợi ích của họ.  Người nghèo khó không có những điều lo lắng như thế và do đó thì tự do hơn.  Nhưng cũng có những người nghèo với tâm lý giàu có.  Họ nghèo, nhưng không có “tinh thần nghèo khó” (Mt 5:3).  Không chỉ vì tài sản, mà ước muốn giàu có cũng có thể thay đổi người ta và khiến cho họ trở thành nô lệ cho của cải ở thế gian này.  Những người như vậy sẽ thấy khó mà chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu:  “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo Ta” (Mc 10:21).  Những người như thế sẽ không đi theo con đường được đề nghị bởi Chúa Giêsu.  Tôi có thể từ bỏ mọi thứ vì Nước Trời được không?
  • Trong bài đọc của chúng ta, một vài người tìm gặp Chúa Giêsu để được những lời khuyên:  người thanh niên giàu có, các môn đệ và ông Phêrô.  Trong bài đọc, chúng ta hãy nhìn vào các mối bận tâm của từng mỗi người và vào câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho họ.

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:

Mc 10:17:   Điều kiện cho những ai muốn đi theo Chúa Giêsu

Mc 10:18-19:  Câu trả lời đáng ngạc nhiên và đòi hỏi khắt khe của Chúa Giêsu

Mc 10:20-21:  Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên

Mc 10:22:  Người thanh niên lo lắng và không đi theo Chúa Giêsu

Mc 10:23-27:  Cuộc nói chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ liên quan đến người giàu có vào Nước Trời

Mc 10:28:  Câu hỏi của ông Phêrô

Mc 10:29-30:  Chúa Giêsu trả lời

 c) Tin Mừng:

17 Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi:

“Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” 18 Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành

, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”.

20 Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. 21 Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. 22 Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23 Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” 24 Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. 26 Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” 27 Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”. 28 Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. 29 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điểm nào trong bài Tin Mừng làm bạn cảm động nhất?  Tại sao?

b)  Người thanh niên lo lắng về điều gì và cái gì đã đánh lừa anh ta?

c)  Điều sau đây có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay:  “Hãy đi bán tất cả gia tài và đem bố thí cho người nghèo khó”?  Chúng ta có thể thực hiện điều này theo nghĩa đen không?

d)  Chúng ta hiểu sự so sánh giữa cây kim và con lạc đà ra sao?

e)  Chúng ta hiểu như thế nào về việc được gấp trăm ở đời này, nhưng cùng với sự bắt bớ?

f)  Ngày nay chúng ta hiểu và thực hành lời đề nghị của Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có bằng cách nào?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

 a)  Bối cảnh xưa và nay.

*  Phần Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này mô tả việc hoán cải đang xảy ra, thể theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu, phải xảy ra trong mối quan hệ của chúng ta với của cải vật chất.  Vì vậy, để hiểu được đầy đủ tầm quan trọng lời giáo huấn của Chúa Giêsu, chúng ta nên nhớ lại bối cảnh rộng lớn hơn trong đó tác giả Máccô đã viết những dòng chữ này.  Chúa Giêsu đang trên đường đến Giêrusalem, nơi Người sẽ bị đóng đinh (xem Mc 8:27; 9:30,33; 10:1,17,32).  Người sắp sửa hiến mạng sống mình.  Chúa biết rằng Người sắp sửa bị giết, nhưng Người không chùn bước.  Chúa phán:  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người!” (Mc 10:45).  Thái độ này của lòng trung thành và sự tận hiến cho sứ vụ được nhận lãnh từ nơi Chúa Cha đã khiến cho Người có thể thấy những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống.

*  Lời đề nghị của Chúa Giêsu luôn luôn có giá trị, vào thời Chúa Giêsu và vào thời tác giả Máccô cũng như trong thế kỷ thứ 21 ngày nay.  Chúng giống như những tấm gương phản chiếu lại những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, hôm qua và ngày nay:  để bắt đầu lại từ đầu, việc xây dựng Nước Trời, đổi mới mối quan hệ của loài người trên mọi tầng lớp, giữa chúng ta với Thiên Chúa, cũng như với của cải vật chất.

b)  Lời bình luận về văn bản

Mc 10:17-19:  Những giới răn và sự sống đời đời

Có người tìm đến và hỏi:  “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”  Tin Mừng Mátthêu nói rằng đó là một thanh niên (Mt 19:20,22).  Chúa Giêsu trả lời một cách khá gay gắt:  “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa!”  Đức Giêsu đã chuyển sự chú ý từ mình sang Thiên Chúa, vì Người muốn thi hành theo thánh ý Chúa Cha, để mặc khải chương trình của Chúa Cha.  Sau đó, Đức Giêsu nói tiếp:  “Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”.  Người thanh niên đã hỏi anh ta phải làm gì để được sống đời đời.  Anh ta muốn sống gần với Thiên Chúa!  Nhưng Chúa Giêsu chỉ nhắc nhở anh ta về những điều răn liên quan đến cuộc sống gần với tha nhân!  Người không đề cập đến ba điều răn đầu tiên nói về mối quan hệ với Thiên Chúa!  Đối với Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có thể được sống gần với Thiên Chúa nếu chúng ta sống gần với tha nhân.  Chúng ta không nên tự lừa dối mình.  Cánh cửa dẫn lối đến Thiên Chúa là những người chung quanh ta.  Không có cách nào khác!

Mc 10:20:  Việc tuân giữ các giới răn có lợi ích gì?

Người thanh niên thưa lại rằng anh ta đã tuân giữ các giới răn từ thuở nhỏ.  Những gì xảy ra sau đó mới kỳ lạ.  Người thanh niên muốn biết cách để được sự sống đời đời.  Bây giờ, cách để được sự sống đời đã và vẫn là: làm theo ý muốn của Thiên Chúa như được diễn đạt trong các giới răn.  Điều này có nghĩa là người thanh niên tuân giữ các điều răn mà không biết lý do tại sao!  Anh ta không biết rằng việc tuân giữ các điều răn của mình từ thuở nhỏ là đường dẫn đến Thiên Chúa, dẫn đến sự sống đời đời.  Ngày nay nhiều người Công Giáo không biết lý do tại sao họ là người Công Giáo.  “Tôi sinh ra ở Ý, tôi sinh ra ở Ái-nhĩ-lan, nên tôi là người Công Giáo!”  Chỉ là một thói quen!

Mc 10:21-22:  Chia sẻ của cải với người nghèo khó

Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.  Chúa Giêsu đã không xét đoán người thanh niên, cũng không phê phán anh ta, nhưng lại kiếm cách giúp đỡ anh tiến thêm một bước nữa trong đời sống.  Việc hoán cải mà Chúa Giêsu đòi hỏi là một việc đang xảy ra.  Việc tuân giữ các giới răn chỉ là bước đầu tiên trên bậc thang đi xa hơn và cao hơn.  Chúa Giêsu đòi hỏi phải tiến thêm nữa!  Việc tuân giữ các giới răn chuẩn bị cho chúng ta có thể hoàn toàn quên mình vì tha nhân.  Mười Điều Răn là phương cách để thực hành hoàn hảo hai giới răn yêu thương Thiên Chúa và yêu thương tha nhân (Mc 12:29-31; Mt 7:12).  Chúa Giêsu đòi hỏi hơi nhiều, nhưng Người yêu cầu điều ấy với rất nhiều yêu thương.  Người thanh niên không đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và bỏ đi bởi vì “anh ta là người có nhiều của cải”.

Mc 10:23-27:  Con lạc đà và lỗ kim

Sau khi người thanh niên bỏ đi, Chúa Giêsu bình phẩm về quyết định của anh ta:  Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!  Các môn đệ kinh ngạc.  Đức Giêsu lặp lại những gì Người đã nói và thêm vào một câu tục ngữ được dùng vào thời bấy giờ để nói về một điều gì đó mà con người không thể làm được.  Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa!  Mỗi dân tộc có các câu thành ngữ và tục ngữ mà không thể được hiểu theo nghĩa đen.  Ví dụ, ở Ba-tây, để bảo một ai đó đừng nên quấy rầy người khác, người ta nói:  “Hãy đi tắm đi!”  Nếu một người hiểu câu nói này theo nghĩa đen thì người ấy bị nhầm lẫn và không nhận thức được thông điệp!  Chuyện con lạc đà phải chui qua lỗ kim cũng tương tự như thế.  Không thể nào xảy ra được!

Các môn đệ đã kinh ngạc về những lời của Chúa Giêsu!  Điều này có nghĩa là các ông đã không hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu nói với người thanh niên giàu có:  “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta!”  Người thanh niên đã tuân giữ những giới răn mà không hiểu lý do tại sao.  Điều tương tự đang xảy ra cho các môn đệ.  Đi theo Chúa Giêsu, các ông đã bỏ lại đằng sau mọi thứ (Mc 1:18,20), mà không hiểu biết lý do tại sao các ông đã từ bỏ tất cả!  Nếu các ông hiểu được lý do tại sao, thì các ông sẽ không ngạc nhiên lời yêu cầu của Chúa Giêsu đến thế.  Khi của cải hoặc lòng mong muốn được giàu có xâm chiếm trái tim và lòng mơ ước của con người, thì người ta khó mà hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và của Tin Mừng.  Chỉ có Thiên Chúa mới có thể giúp một người như thế!  “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Khi Chúa Giêsu nói rằng “người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”, Người không đề cập đến trường hợp đầu tiên vào thiên đàng sau khi chết, mà là bước vào cộng đoàn chung quanh anh ta.  Cho đến ngày nay, rất khó biết bao cho một người giàu có bỏ lại tất cả mọi thứ và bước vào một cộng đoàn giáo hội nhỏ bé đơn sơ sống bên cạnh những người nghèo khó, cùng với họ, và do đó để theo Chúa Giêsu.

Mc 10:28-30:  Cuộc đàm luận giữa Chúa Giêsu và Phêrô

Ông Phêrô đã hiểu được rằng “để vào nước Thiên Chúa” cùng đồng nghĩa như đi theo Chúa Giêsu trong sự nghèo khó.  Vì vậy, ông hỏi:  “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.  Sau này chúng con sẽ nhận được những gì?”  Mặc dù đã bỏ mọi sự, Phêrô vẫn còn mang tâm lý cũ.  Ông đã chưa hiểu được ý nghĩa của sự phục vụ và tưởng thưởng.  Ông và các bạn của ông đã bỏ mọi sự để được nhận lại một cái gì đó:  “Sau này chúng con sẽ nhận lại được gì?”  Câu trả lời của Chúa Giêsu thì tượng trưng.  Người gợi ý rằng các ông không nên mong mỏi sẽ nhận lại được bất kỳ điều gì, bất kỳ bảo đảm nào, hay bất kỳ thăng quan tiến chức nào.  Vâng, các ông sẽ nhận được gấp trăm!  Nhưng cùng với sự bắt bớ ở đời này!  Và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu mà người thanh niên nói tới.  “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương – cùng với sự bắt bớ – ngay bây giờ, và ở đời sau, được sự sống vĩnh cửu.”

c)  Phần phụ chú: 

Chúa Giêsu và sự lựa chọn cho người nghèo

Một chế độ lưỡng nô lệ đánh dấu tình trạng người dân ở miền Galilêa vào thời Chúa Giêsu:  (i) Chế độ nô lệ chính trị của vua Hêrôđê, được đế chế La Mã hỗ trợ, áp đặt một hệ thống khai thác và đàn áp toàn diện; (ii) Chế độ nô lệ của hệ thống tôn giáo chính thức, được duy trì bởi những người có thẩm quyền về tôn giáo thời ấy.  Bởi vì điều này, gia đình, cộng đoàn, gia tộc đã bị phân hóa và hầu hết mọi người sống bị khước từ, sống ngoài lề, không nơi cố định, không tôn giáo và không xã hội.  Để chống trả lại sự phân hóa này của cộng đoàn và gia đình, đã có một số phong trào, trong đó, giống như Chúa Giêsu, đã thử cách sống mới và chung sống với nhau trong cộng đoàn.  Những nhóm như phái Essenes, những người Biệt Phái, và sau đó, những người phái Nhiệt Thành, tất cả họ sống trong cộng đoàn.  Tuy nhiên, trong cộng đoàn của Chúa Giêsu, có điều gì mới mẻ và khác biệt với hai nhóm kia.  Đó là thái độ đối với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài xã hội.

Cộng đồng người Biệt Phái sống biệt lập.  Từ ngữ “Pharisêu” có nghĩa là “riêng biệt”.  Họ sống biệt lập khỏi những người không tinh sạch.  Nhiều người Biệt Phái coi người ta như những kẻ dốt nát và quân bị nguyền rủa (Ga 7:49), tội lỗi ngập đầu (Ga 9:34).  Họ đã không học được gì nơi người ta (Ga 9:34).  Mặt khác, Chúa Giêsu và cộng đoàn của Người sống ở giữa những người bị khinh miệt là những kẻ bị xem như ô uế:  kẻ thu thuế, tội nhân, gái điếm và người phong cùi (Mc 2:16; 1:41; Lc 7:37).  Chúa Giêsu trông thấy sự phong phú và giá trị nơi họ (Mt 11:25-26; Lv 21:1-4).  Chúa công bố người nghèo khó hạnh phúc bởi vì Nước Trời thuộc về họ (Lc 6:20; Mt 5:3).  Người xác định sứ vụ của mình là “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4:18).  Chúa đã sống như người nghèo khó.  Người không sở hữu vật gì, ngay cả viên đá gối đầu (Lc 9:58).  Đối với những ai muốn đi theo mình, Chúa cho họ một sự chọn lựa:  Thiên Chúa hay là tiền của! (Mt 6:24).  Người bảo họ hãy làm sự chọn lựa hướng về người nghèo! (Mc 10:21).  Sự thanh bần đặc trưng cho đời sống của Chúa Giêsu và của các môn đệ Người, cũng đã đặc trưng cho sứ vụ của Người.  Trái với các nhóm rao giảng khác (Mt 23:15), các môn đệ của Chúa Giêsu không được mang theo mình một thứ gì, không vàng, không bạc, không mặc hai áo, không bao bị và không đi dép (Mt 10:9-10).  Họ phải tin tưởng nơi sự đón tiếp của tha nhân (Lc 9:4; 10:5-6).  Và nếu các ông không được người ta đón tiếp, họ phải làm việc như mọi người khác và sống bằng những gì người ta dọn cho (Lc 10:7-8).  Các ông phải săn sóc người bệnh tật và túng thiếu (Lc 10:9; Mt 10:8).  Sau đó các ông có thể nói với người ta:  “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 10:9).

Mặt khác, khi nói về vấn đề quản lý của cải, điều mà đánh động chúng ta trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu là sự nghiêm túc mà Người yêu cầu trong việc xử dụng những của cải này (Mt 25:21,26; Lc 19:22-23).  Chúa Giêsu muốn tiền của phải được dùng để phục vụ đời sống (Lc 16:9-13).  Đối với Chúa Giêsu, nghèo khó không đồng nghĩa với sự lười biếng và cẩu thả.  Lời chứng khác biệt này thiên về người nghèo là những gì đã thiếu vắng trong các phòng trào phổ biến thời những người Biệt Phái, phái Essenes và phái Nhiệt Thành.  Trong Kinh Thánh, mỗi lần một phong trào phát sinh để lập lại lời Giao Ước, thì nó lại bắt đầu bằng việc tái thiết lập quyền lợi của người nghèo và bị hắt hủi.  Nếu không có điều này, thì bản Giao Ước là điều không thể thực hiện được.  Do đó các tiên tri đã làm như thế và Đức Giêsu cũng làm như vậy.  Người lên án chế độ cũ nhân danh Thiên Chúa mà khinh rẻ người nghèo.  Đức Giêsu công bố một khởi đầu mới mà, nhân danh Thiên Chúa, tập họp lại những kẻ bị loại trừ.  Đây là ý nghĩa và lý do cho việc lồng vào sứ mệnh cộng đoàn của Đức Giêsu ở giữa những người nghèo khó.  Người tìm hiểu về cội nguồn và mở đầu cho một Giao Ước Mới.

6.  Thánh Vịnh 15 (14)

 Người cư ngụ trong nhà Chúa! 

Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài?

Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,
miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính CHÚA TRỜI,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,
cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai Tuần Thánh B – 2 hình ảnh trái ngược

Date: Time: - Anh chị em thân mến, Hôm nay, trong bầu không khí trang …