Liên quan đến việc ly hôn và các trẻ nhỏ
Sự bình đẳng giữa vợ chồng
Mc 10:1-16
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong văn bản của phần phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra lời khuyên liên quan đến mối quan hệ giữa vợ và chồng, và giữa các bà mẹ và các trẻ nhỏ. Vào thời ấy, nhiều người bị hắt hủi và chịu thiệt thòi. Lấy ví dụ, trong mối quan hệ giữa vợ chồng, sự thống trị của nam giới chiếm ưu thế. Người vợ không thể dự phần, không có quyền bình đẳng với người chồng. Trong mối quan hệ của họ với các trẻ nhỏ, là những kẻ “nhỏ bé”, đã có lời “gièm pha” rằng đó là nguyên nhân gây ra mất lòng tin nơi nhiều người trong bọn họ (Mc 9:42). Trong mối quan hệ vợ chồng, Đức Giêsu truyền phải có sự bình đẳng tối đa. Trong mối quan hệ giữa người mẹ và các trẻ nhỏ, Người dạy phải có sự trìu mến và dịu dàng nhất.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 10:1: Dữ kiện nơi chốn;
Mc 10:2: Câu hỏi của những người Biệt Phái liên quan đến việc ly hôn;
Mc 10:3-9: Cuộc thảo luận giữa Chúa Giêsu và những người Biệt Phái về việc ly hôn;
Mc 10:10-12: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ nói về việc ly hôn;
Mc 10:13-16: Chúa Giêsu dạy phải có sự trìu mến và dịu dàng đối với các bà mẹ và các con trẻ.
c) Tin Mừng:
1 Chúa Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. 2 Khi ấy, những người Biệt Phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” 3 Người đáp: “Môisen đã truyền cho các ông thế nào?” 4 Họ thưa: “Môisen cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. 5 Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môisen đã viết ra điều luật đó. 6 Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. 7 Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, 8 và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. 9 Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
10 Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. 11 Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. 12 Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
13 Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. 14 Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. 15 Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. 16Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Bạn thích điểm nào nhất và điểm nào lôi cuốn sự chú ý của bạn nhất?
b) Địa vị của người vợ trong đoạn Tin Mừng như thế nào?
c) Chúa Giêsu muốn mối quan hệ giữa vợ chồng phải như thế nào?
d) Các bà mẹ khi đem con nhỏ của họ đến với Chúa Giêsu thì lo lắng điều gì?
e) Phản ứng của Chúa Giêsu ra sao?
f) Chúng ta có thể học hỏi được điều thực tiễn gì từ các trẻ nhỏ?
5. Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Lời bình luận:
Mc 10:1: Dữ kiện địa lý
Tác giả Tin Mừng Máccô có thói quen đưa ra các dữ kiện chi tiết về nơi chốn hoặc dữ kiện địa lý ngắn gọn trong câu chuyện. Đối với những người lắng nghe một chuyện dài mà không có một cuốn sách trong tay, dữ kiện địa lý như thế đã giúp cho sự hiểu biết về bài đọc. Điều này giống như những điểm tra cứu để duy trì sự liên tục của câu chuyện. Một cách thường xuyên trong Tin Mừng Máccô, chúng ta tìm thấy những dữ kiện như “Chúa Giêsu đang giảng dạy” (Mc 1:22,39; 2:2,13; 4:1; 6:2-34).
Mc 10:2: Câu hỏi của những người Biệt Phái liên quan đến việc ly hôn
Câu hỏi thật là xảo quyệt. Nó được dùng để thử thách Chúa Giêsu: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Điều này cho thấy rằng Chúa Giêsu đã có một quan điểm trái ngược với những người Biệt Phái mà trong bọn họ vấn đề này chưa bao giờ được đặt tới. Họ không đặt vấn đề là các bà có được phép ly dị chồng mình không. Điều này không hề chợt lóe lên trong trí họ. Đây là dấu hiệu rõ ràng về sự thống trị mạnh mẽ của nam giới và về vai trò chịu thiệt thòi của người vợ trong đời sống xã hội thời bấy giờ.
Mc 10:3-9: Câu trả lời của Chúa Giêsu: Người ta không được phép ly dị vợ mình
Thay vì trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại: “Môisen đã truyền cho các ông thế nào?” Lề luật cho phép người đàn ông được viết một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi người vợ ra khỏi nhà (Đnl 24:1). Sự cho phép này cho thấy sự thống trị của nam giới. Người chồng có quyền ly dị vợ mình, nhưng người vợ thì không có quyền tương tự. Chúa Giêsu giải thích rằng ông Môisen đã làm như vậy vì sự cứng lòng của người ta; tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa thì khác khi Chúa tạo dựng nên loài người. Chúa Giêsu truy nguyên về ý định của Đấng Tạo Hóa (St 1:27; 2:24) và Người bác bỏ việc người chồng có quyền ly dị vợ mình. Người sắp đặt quyền hạn của người chồng đối với vợ mình trên thế gian và ra lệnh phải có sự bình đẳng tối đa.
Mc 10:10-12: Sự bình đẳng giữa chồng và vợ
Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về việc ly hôn. Chúa Giêsu đưa ra kết luận và một lần nữa khẳng định sự bình đẳng về quyền hạn và nhiệm vụ giữa chồng và vợ. Tin Mừng Mátthêu (xem Mt 19:10-12) đưa ra một lời giải thích về câu hỏi được đặt ra bởi các môn đệ liên quan đến điểm này. Các ông thưa với Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Các ông cho rằng chẳng thà không kết hôn hơn là kết hôn mà không có đặc quyền khống chế vợ mình. Chúa Giêsu đi sâu hơn vào trong vấn đề. Người trình bày ba trường hợp khi một người không thể kết hôn: (1) bất lực, (2) bị hoạn và (3) vì lợi ích Nước Trời. Tuy nhiên, không kết hôn vì người ta không muốn mất quyền thống trị người vợ thì không thể chấp nhận được trong Lề Luật mới về yêu thương! Cả đời sống hôn nhân lẫn đời sống độc thân phải là để phục vụ Nước Trời và không phải để phục vụ lợi ích vị kỷ. Cả hai đời sống không thể là nguyên do để duy trì việc người chồng thống trị vợ mình. Chúa Giêsu đưa ra một dạng thức quan hệ mới cho cả hai bên. Trong hôn nhân, người nam không được phép khống chế vợ mình hoặc ngược lại.
Mc 10:13: Các môn đệ ngăn cản các bà mẹ với các trẻ nhỏ không được đến gần Chúa
Một số người đã mang những đứa con của họ đến để cho Chúa Giêsu đặt tay lên chúng. Các môn đệ cố gắng ngăn chặn việc này. Tại sao các ông lại muốn ngăn chặn việc ấy? Văn bản không cho chúng ta biết. Dựa theo nghi lễ phong tục thời ấy, các trẻ nhỏ cùng với mẹ chúng, bị coi như sống trong tình trạng ô uế gần như thường trực. Chúa Giêsu sẽ trở nên ô uế nếu Người đụng chạm đến chúng. Có lẽ các môn đệ ngăn cản Chúa Giêsu không đụng chạm đến chúng để khỏi bị trở nên ô uế.
Mc 10:14-16: Chúa Giêsu khiển trách các môn đệ và đón nhận các trẻ nhỏ
Phản ứng của Chúa Giêsu dạy ngược lại: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng!” Người ôm các trẻ nhỏ, đón nhận chúng và đặt tay ban phép lành cho chúng. Khi một vấn đề đặt ra về việc đón tiếp một ai đó và khuyến khích tình huynh đệ, Chúa Giêsu không hề lo lắng về luật tinh khiết, Người không sợ phải phạm lỗi. Cử chỉ của Người dạy cho chúng ta: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, thì sẽ không được vào nước đó!” Câu này có nghĩa là gì? 1) Đứa trẻ được nhận lãnh tất cả mọi thứ từ cha nó. Nó không xứng đáng với những gì nó nhận lãnh, miễn là nó sống trong tình yêu cho không này. 2) Những người cha đón nhận con cái như tặng phẩm từ Thiên Chúa và đối xử chúng với sự chăm sóc. Những người cha không quan tâm đến việc phải thống trị con cái họ, nhưng với lòng yêu thương chúng và dạy dỗ chúng theo bổn phận của mình!
b) Phần phụ chú để hiểu rõ về văn bản hơn
* Chúa Giêsu đón nhận và bênh vực những kẻ bé mọn
Đã nhiều lần, Chúa Giêsu khẳng định về việc đón tiếp những kẻ bé mọn, các trẻ nhỏ. “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy” (Mc 9:37). “Nếu ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật các con, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42). Người yêu cầu chúng ta đừng khinh khi những kẻ bé mọn (Mt 18:10). Vào ngày phán xét chung, công lý sẽ được chào đón bởi vì họ đã chia thức ăn cho “kẻ bé mọn nhất trong những anh em của Ta” (Mt 25:40).
Trong Tin Mừng, thành ngữ “những kẻ bé mọn” (theo tiếng Hy Lạp là elachistoi, mikroi hay nepioi). Đôi khi có nghĩa là “trẻ nhỏ”, những lúc khác, nó có nghĩa là những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Rất khó mà phân biệt. Thỉnh thoảng chữ “bé nhỏ” trong Tin Mừng có nghĩa là “đứa bé” và không ai khác. Trẻ em bị xếp vào giai cấp “những kẻ bé mọn”, những kẻ ngoài lề. Cũng thế, chẳng dễ mà có thể phân biệt được nghĩa nào có nguồn gốc từ thời Chúa Giêsu và nghĩa nào bắt nguồn từ các cộng đoàn khi các sách Phúc Âm đang được biên soạn. Dù sao chăng nữa, điều rõ ràng là bối cảnh của việc loại trừ thì có thật vào thời ấy, và hình ảnh mà các cộng đoàn tiên khởi có về Chúa Giêsu là: Chúa Giêsu đứng về phía những kẻ bé mọn, những kẻ bị khinh khi, và bênh vực họ. Thật là cảm kích khi chúng ta nhìn vào tất cả những việc mà Chúa Giêsu đã làm để bênh vực đời sống của các trẻ em, của những kẻ bé mọn.
Tiếp đón và không được xúc phạm. Đây là một trong những lời nghiêm khắc nhất của Chúa Giêsu dành cho các kẻ xúc phạm đến những người bé mọn, đó là, những kẻ làm cớ cho những kẻ bé mọn sa ngã không tin vào Thiên Chúa. Đối với những kẻ này, thì thà buộc thớt cối đá vào cổ chúng mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn (Mc 9:42; Lc 17:2; Mt 18:6).
Tiếp đón và giao tiếp. Các bà mẹ với con cái của họ trong tay tiến gần đến Chúa Giêsu để xin ban phép lành. Các tông đồ bảo họ hãy tránh đi. Giao tiếp với họ có nghĩa là sẽ lây sự nhơ bẩn. Chúa Giêsu không lo lắng về chuyện này như các ông. Người chỉnh sửa các môn đệ và tiếp đón các bà mẹ và con cái họ. Người động chạm và ôm chúng vào lòng. “Hãy để yên các trẻ nhỏ và để chúng đến cùng Thầy; đừng ngăn cản chúng!” (Mc 10:13-16; Mt 19:13-15).
Tự nhận mình với những kẻ bé mọn. Chúa Giêsu tự nhận mình với những trẻ nhỏ. Ai tiếp đón một em nhỏ, là “tiếp đón chính Thầy” (Mc 9:37). “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).
Trở nên như trẻ nhỏ lần nữa. Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ trở nên như trẻ nhỏ lần nữa và chấp nhận Nước Trời như một trẻ thơ. Nếu không, thì sẽ không thể vào được Nước Trời (Mc 10:15; Mt 18:3; Lc 9:46-48). Hãy để cho trẻ nhỏ là thày dạy cho người lớn. Điều này thật là bất thường. Chúng ta quen với chuyện ngược lại.
Bảo vệ quyền của những người reo hò. Khi Chúa Giêsu tiến vào đền thờ và hất đổ bàn ghế của những kẻ đổi tiền, thì chính những trẻ nhỏ đã reo hò: “Vạn tuế con vua Đavít” (Mt 21:15). Chúa Giêsu đã bị các thượng tế và kinh sư chỉ trích, nhưng Người đã bênh vực các trẻ nhỏ và Người đã trích lời Kinh Thánh để bênh vực chúng (Mt 21:16).
Hãy cảm tạ vì Nước Trời hiện diện trong các trẻ nhỏ. Chúa Giêsu rất đỗi vui mừng khi Người nghe thấy các trẻ nhỏ, là những kẻ bé mọn, đã hiểu được những điều về Nước Trời được loan truyền cho người ta. “Lạy Cha, Con xin ngợi khen Cha!” (Mt 11:25-26). Chúa Giêsu nhận ra rằng những kẻ bé mọn hiểu biết về những việc Nước Trời rõ hơn là các luật sĩ.
Đón tiếp và chữa lành. Chúa đón tiếp nhiều người trong đó có nhiều trẻ nhỏ, Người chữa lành hoặc làm cho họ sống lại: cô con gái mười hai tuổi của ông Giairu (Mc 5:41-42), đứa con gái của người phụ nữ Canaan (Mc 7:29-30), con trai của góa phụ thành Naim (Lc 7:14-15), đứa bé mắc bệnh động kinh (Mc 9:25-26); con trai vị đại đội trưởng (Lc 7:9-10), con trai viên sĩ quan cận vệ nhà vua (Ga 4:50), đứa bé với năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6:9).
* Bối cảnh của đoạn Tin Mừng chúng ta trong sách Phúc Âm Máccô
Đoạn Tin Mừng của chúng ta (Mc 10:1-16) là một phần của bài hướng dẫn dài của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người (Mc 8:27 đến Mc 10:45). Tại khởi điểm của bài hướng dẫn này, Máccô đưa ra việc chữa lành người mù vô danh tại Béthsaiđa trong miền Galilêa (Mk 8:22-26); vào đoạn kết, việc chữa lành anh mù Batimê thành Giêricô trong miền Giuđêa (Mc 10:46-52). Hai việc chữa lành là biểu tượng cho những gì sẽ xảy ra giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Các môn đệ đã quá mù quáng bởi vì “họ có mắt mà không thấy” (Mc 8:18). Các ông phải phục hồi lại thị giác của mình; các ông phải bỏ đi những tư tưởng đã ngăn cản các ông không nhìn thấy rõ; các ông phải chấp nhận Đức Giêsu như chính con người Chúa và không phải như người mà các ông muốn. Lời hướng dẫn dài này nhằm để chữa trị việc mù lòa của các môn đệ. Nó giống như một lược đồ hướng dẫn, một loại giáo lý, dùng chính Lời của Chúa Giêsu. Thứ tự sau đây cho thấy chương trình giảng dạy:
Mc 8:22-26: Chữa lành người mù
Mc 8:27-38: Loan báo lần thứ nhất về Cuộc Thương Khó
Mc 9:1-29: Giảng dạy cho các môn đệ về Đấng Mêssia Tôi Tớ
Mc 9:30-37: Loan báo lần thứ hai về Cuộc Thương Khó
Mc 9:38 – 10:31: Giảng dạy cho các môn đệ về việc hoán cải
Mc 10:32-45: Loan báo lần thứ ba về Cuộc Thương Khó
Mc 10:46-52: Chữa lành người mù Batimê
Như chúng ta có thể thấy, sự giảng dạy gồm có ba lần loan báo về Cuộc Thương Khó. Lần thứ nhất ở Mc 8:27-38, lần thứ hai ở Mc 9:30-37 và lần thứ ba ở Mc 10:32-45. Giữa lần thứ nhất và lần thứ hai, chúng ta có một loạt các lời giảng dạy để giúp chúng ta hiểu được rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Trung (Mc 9:1-29). Giữa lần thứ hai và lần thứ ba, chúng ta có một loạt các lời giảng dạy để làm sáng tỏ việc hoán cải đòi hỏi phải xảy ra ở các mức độ khác nhau trong cuộc sống để chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Trung (Mc 9:38-10:31). Bối cảnh của toàn bộ lời giảng dạy là cuộc hành trình từ Galilê lên Giêrusalem. Từ đầu đến cuối của lời chỉ dẫn dài này, Máccô thông báo rằng Chúa Giêsu đang trên đường tiến về thành Giêrusalem (Mc 8:27; 9:30-33; 10:1, 17-32), nơi mà Người sẽ nhận lấy thập giá.
Trong mỗi lần của ba lời loan báo về Cuộc Thương Khó thì được kèm theo bằng những cử chỉ và lời nói không thấu hiểu của các môn đệ (Mc 8:22; 9:32-34; 10:32-37) và bằng lời giáo huấn của Chúa Giêsu, nhận xét về sự kém hiểu biết của các môn đệ và dạy cho các ông cách phải ứng xử (Mc 8:34-38; 9:35-37; 10:35-45). Một sự hiểu biết đầy đủ về lời giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ không đạt được nếu chỉ qua lời dạy lý thuyết xuông, mà không có bất kỳ một dấn thân thực tiễn nào, cùng đồng hành với Người trên cuộc hành trình Phục Vụ, từ Galilêa đến thành Giêrusalem. Những ai muốn duy trì ý tưởng của Phêrô, về một Đấng Cứu Thế vinh quang mà không qua thập giá (Mc 8:32-33), họ sẽ không hiểu được gì, và càng tệ hơn nữa là họ sẽ không có thái độ chân thực của người môn đệ sẵn sàng. Họ sẽ tiếp tục mù lòa, lẫn lộn người ta với cây cối (Mc 8:24). Nếu không vác thập giá thì không thể hiểu được Chúa Giêsu là ai và đi theo Chúa Giêsu thì có ý nghĩa gì. Cuộc hành trình của sự giáo huấn là cuộc hành trình của sự tận hiến, từ bỏ, phục vụ, sẵn sàng, chấp nhận xung khắc, biết rằng sẽ có sự sống lại. Cây thập giá không phải là một sự ngẫu nhiên trên đường, mà là dẫn đến một điểm nhất định trên cuộc hành trình. Một thế giới được sắp xếp theo đẳng cấp thì bắt nguồn từ sự vị kỷ. Chỉ có tình yêu và sự phục vụ mới có thể bị đóng đinh! Kẻ nào từ bỏ cuộc sống mình mà phục vụ tha nhân, thì gây khó chịu cho những ai đang nắm giữ đặc quyền, và người ấy phải chịu đau khổ.
6. Thánh Vịnh 24 (23)
Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, trèo lên đồi Canvê
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.