Mùa Thường Niên
Mười người phong cùi:
Lòng biết ơn về món quà cho không của ơn cứu rỗi
Lc 17:11 –19
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, trong khi Chúa vẫn còn đi ngang qua miền đất của chúng con, hôm nay Chúa đã dừng lại nơi đây và đã vào làng của con, bước vào nhà con, vào trong đời sống của con. Chúa đã không ngần ngại, Chúa đã không khinh khi về tội lỗi tày trời của con; thế mà thậm chí Chúa còn yêu thương con hơn nữa. Ôi lạy Thầy Chí Thánh, con chỉ dám đứng ở đàng xa, cùng với anh chị em con là những người cùng đồng hành với con trên thế gian này. Con cất cao tiếng và kêu xin Chúa; con cho Chúa xem những vết thương của tâm hồn con. Con khẩn cầu Chúa, xin Chúa hãy chữa lành con với thần dược của Chúa Thánh Thần, xin ban cho con thuốc chữa thật sự từ Lời Chúa; chẳng có gì có thể chữa khỏi con, mà chỉ có Chúa mới có thể chữa khỏi con, vì Chúa là Tình Yêu…
1. Tôi đọc Lời Chúa
a) Phúc Âm:
11 Khi Chúa Giêsu trên đường đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. 12 Khi Người vào một làng kia, thì gặp người phong cùi đang đứng ở đàng xa, 13 họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi.” 14Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế.” Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. 15 Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, 16 rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Mà người ấy lại là người xứ Samaria. 17 Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? 18 Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này.” 19 Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi.”
b) Bối cảnh
Đoạn Tin Mừng này đưa chúng ta vào trong giai đoạn thứ ba của con đường Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem; bấy giờ mục tiêu đến đã gần kề và Thầy giục giã các môn đệ mạnh mẽ hơn, đó là, chúng ta cùng theo Người tiến về Thành Thánh, trong mầu nhiệm của ơn cứu độ, mầu nhiệm của tình yêu. Đoạn Tin Mừng chỉ được thi hành qua đức tin, được nuôi dưỡng bởi lời cầu nguyện phó thác, khẩn cầu, không ngơi nghỉ và mãnh liệt; chúng ta thấy được điều này khi chúng ta đọc qua các chương trước và chương sau đoạn này (17:6; 17:19; 18:7-8; 42). Những lời này mời gọi chúng ta tự nhận mình là những người phong cùi, trở nên trẻ nhỏ (Lc 18:15-17) và người thủ lãnh giàu có đã hoán cải và nhận lãnh ơn cứu rỗi trong nhà của mình (Lc 18:18 và các câu kế tiếp); nếu chúng ta thật sự chấp nhận những điều này và giữ gìn chúng như trong cách đem chúng vào đời sống thực hành, cuối cùng chúng ta cũng sẽ có thể đi đến Giêricô (19:1) và từ đó bắt đầu đi lên núi Ôliu với Chúa Giêsu (19:28), tiến đến vòng tay vui mừng của Đức Chúa Cha.
c) Cấu trúc:
Câu 11: Chúa Giêsu đang trên đường đi và đi ngang qua biên giới Samaria và Galilê; chút từng chút, Người tiến gần đến Giêrusalem, không có nơi nào mà Người không thăm viếng, không có điều gì mà Người không để mắt đến với lòng thương xót và tình yêu mến.
Các câu 12–14a: Chúa Giêsu vào một làng kia, nó không có tên, bởi vì đó là một nơi, nó là đời sống của tất cả mọi người và ở đó Chúa đã gặp mười người phong cùi, những người mắc bệnh nan y, đang chết dần mòn, bị xa lánh và sống cách ly, bị hất hủi và xem thường. Ngay lập tức, Đức Giêsu chấp nhận lời cầu nguyện của họ, tiếng kêu van từ trái tim, mời gọi họ đi vào Giêrusalem và họ không còn phải ở đằng xa nữa, mà hội nhập vào Trái Tim của Thành Thánh, đền thờ và các thày tư tế. Người mời họ trở lại nhà Chúa Cha.
Câu 14b: Những người phong cùi mới bắt đầu cuộc hành hương về Giêrusalem, và họ đã được chữa lành, họ trở nên những con người mới.
Các câu 15-16: Nhưng chỉ có một người trong bọn họ quay trở lại tạ ơn Chúa Giêsu: dường như chúng ta có thể thấy anh ta chạy nhảy với niềm vui sướng. Anh ta lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, và sấp mình phủ phục thờ lạy dưới chân Thánh Thể.
Các câu 17-19: Chúa Giêsu chữa lành cho mười người, chỉ có một người quay lại, mà người ấy lại người xứ Samaria, một người không thuộc về Dân Riêng của Chúa: trên thực tế, ơn cứu độ là cho tất cả mọi người, cũng cho cả những người ở xa, khách ngoại kiều. Không ai bị loại trừ khỏi lòng yêu thương của Chúa Cha, Đấng đáng được tạ ơn nhờ đức tin.
2. Suy gẫm Lời Chúa
a) Tôi đi vào trong thinh lặng:
Lời mời gọi này đã rõ ràng trong lòng tôi: Tình yêu của Chúa Cha đang chờ đợi tôi, giống như người Samaria duy nhất quay trở lại, tràn đầy hân hoan và lòng biết ơn. Phép Thánh Thể của ơn chữa lành cho tôi đã sẵn sàng; phòng tiệc đã được trang hoàng, bàn ăn đã được bày biện, con bê đã được làm thịt, rượu đã được đổ vào ly… nhà của tôi đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tôi chăm chú đọc lại đoạn Tin Mừng, chậm rãi, dừng lại trên những chữ, trên các động từ; tôi dõi theo cử động của các người phong cùi, tôi lặp lại những lời ấy, nhận các lời ấy như là của tôi, tôi cũng di động, tiến tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Và tôi đã để cho bản thân mình được hướng dẫn bởi Chúa, tôi lắng nghe tiếng nói của Người, mệnh lệnh của Người. Tôi cũng đi về Giêrusalem, về đền thánh, đó là trái tim tôi, và trong cuộc hành hương này tôi suy nghĩ về tất cả tình yêu mà Đức Chúa Cha đã dành cho tôi. Tôi để chomình được bảo bọc trong vòng tay yêu thương của Người, tôi cảm nhận được sự chữa lành của linh hồn tôi… Và bởi vì điều này, trong niềm hân hoan, tôi đứng lên, quay lại, chạy về hướng nguồn hạnh phúc thật sự đó là Chúa. Tôi chuẩn bị bản thân mình để cảm tạ Người, ca tụng Người một bài ca mới về tình yêu tôi dành cho Người. Tôi sẽ dâng lên Chúa những gì để đáp trả lại tất cả mọi điều Người đã ban cho tôi đây? …
b) Tôi xem xét sâu xa hơn một số thuật ngữ:
Trong cuộc hành trình: Bằng vào ngôn ngữ Hy Lạp xinh đẹp của mình, thánhLuca nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đang tiếp tục con đường của Người hướng về Giêrusalem và ông xử dụng một động từ rất mạnh mẽ và đẹp, ngay cả khi rất phổ biến và được dùng tới nhiều. Chỉ riêng trong phạm trù của đoạn Tin Mừng này, nó xuất hiện ba lần:
Câu 11: trên đường đi
Câu 14: đi
Câu 19: đang đi
Nó là một động từ về việc chuyển dịch rất mạnh mẽ, thể hiện đầy đủ tất cả các năng động thích hợp của sự di chuyển; nó có thể được phiên dịch với tất cả những sắc thái hoặc âm điệu sau đây: tôi đi, tôi đi đến, tôi rời, tôi đi từ một nơi này đến một nơi khác, tôi đi qua, tôi đi theo. Và thậm chí hơn nữa, nó còn có ý nghĩa của vượt qua, lội, vượt khỏi, khắc phục những trở ngại. Và Chúa Giêsu, người ngược xuôi đây đó, người khách hành hương không mệt mỏi: Chúa là Người đầu tiên rời khỏi nhà của Người ở trong lòng Chúa Cha, và xuống thế làm người cùng chúng ta, để hoàn thành cuộc xuất hành vĩnh cửu của công cuộc cứu rỗi và giải phóng chúng ta. Người biết mọi nẻo đường đi, mỗi con đường của nhân loại; không có một đoạn đường nào chưa khám phá hoặc không thể vượt qua đối với Người. Đây là lý do tại sao Người mời gọi chúng ta cũng bước đi, di chuyển, vượt qua, tự đặt mình trong tình trạng của một cuộc ra đi liên tục. Để cuối cùng, chúng ta cũng có thể quay về, cùng với Người, và cùng tiến bước về nhà Chúa Cha.
Vào một làng kia: Chúa Giêsu đi qua, ngang qua, bước qua, di chuyển và đến với chúng ta; có lần, rồi sau đó, Người quyết định đi vào, dừng lại một thời gian lâu hơn. Như câu chuyện xảy ra, Luca dừng lại trên một số chi tiết và viết rằng Chúa Giêsu đi vào một ngôi làng. Để đi vào, trong ý nghĩa của Kinh Thánh, có nghĩa là thâm nhập, đây là lối vào trong nội tâm, có hàm ý chia sẻ và tham gia. Một lần nữa, chúng ta thấy mình đối diện với một động từ rất phổ biến và rất phổ dụng; chỉ nội trong sách Phúc Âm Luca nó xuất hiện rất nhiều lần và cho thấy rõ ràng ý định của Chúa Giêsu muốn đến gần với chúng ta, để trở thành một người bạn và để biểu lộ tình yêu của Người. Người không coi thường hay hắt hủi bất cứ lối vào nào, bất cứ một sự hiệp thông nào. Người vào nhà của người phong cùi Simon (4:38), đi vào nhà người Biệt Phái (7:36 và 11:37), rồi vào nhà ông trưởng hội đường (8:51) và của người thu thế Da-kêu (19:7). Người tiếp tục đi vào lịch sử loài người và tham dự, cùng ăn uống, cùng chịu đau khổ, than khóc và vui mừng, chia sẻ mọi thứ. Như chính Người đã nói, chỉ cần mở cửa thì Người sẽ vào trong nhà (Kh 3:20), và Người sẽ ở lại (Lc 24:29).
Mười Người Phong Cùi: Tôi tự hỏi tình trạng con người này thực sự có ý nghĩa gì, căn bệnh được gọi là phong cùi này. Tôi bắt đầu với văn bản của Kinh Thánh mô tả luật lệ dành cho người bị phong cùi ở Israel. Đó là: “Bất cứ ai bị một căn bệnh truyền nhiễm về da sẽ phải mặc áo rách và xõa tóc; và sẽ phải che miệng và kêu lớn tiếng: “Ô uế, ô uế!” Ngày nào còn bệnh, người ấy sẽ bị xem như là ô uế, và là ô uế, người ấy phải sống riêng, sẽ phải ở một nơi bên ngoài trại”. (Lv 13:45-46). Vì vậy, tôi hiểu rằng người bị bệnh phong cùi là một người bị đánh đập, thương tổn, hành hạ: điều gì đó đã xảy ra với người ấy bằng bạo lực, sức mạnh và đã để lại trong người ấy dấu hiệu của đau đớn, một vết thương. Anh ta là một người buồn rầu, trong nỗi thống khổ triền miên, vì nó được cho thấy qua hình ảnh quần áo tả tơi và đầu bù tóc rối; anh ta phải che miệng vì không có quyền nói, hay gần như không được phép hít thở ở giữa những người khác: anh ta có khác chi một người đã chết. Người ấy không được phép thờ phượng Chúa, không được bước vào Đền Thờ, hoặc đụng chạm đến những vật thánh. Người ấy là một kẻ bị tổn thương hoàn toàn, một người bị thiệt thòi, bị loại trừ, bị gạt sang một bên, sống trong cô độc. Bởi vì tất cả mọi điều này, mười người phong cùi đi gặp Chúa Giêsu, đã dừng lại ở khoảng cách xa xa và thưa chuyện với Người từ đàng xa, hét lên nỗi đau đớn, nỗi tuyệt vọng của họ.
Lạy Thầy Giêsu: Lời kêu này, lời cầu nguyện này của những người phong cùi thật là đẹp. Hơn hết cả, họ gọi Chúa bằng tên, như giữa những bằng hữu gọi nhau. Có vẻ như họ đã quen biết nhau một thời gian, họ biết về nhau, họ đã gặp nhau trước kia trong tâm hồn. Những người phong cùi này đã được mời vào bàn tiệc thân mật của Chúa Giêsu, vào tiệc cưới của ơn cứu rỗi. Sau họ, chỉ có người mù ở thành Giêricô (Lc 18:38) và tên trộm lành trên Thập Giá (Lc 23:42) sẽ lặp lại lời cầu khẩn này với cùng một sự thân thiết, cùng một tình yêu: Đức Giêsu! Chỉ có những người nhận ra mình đang bị bệnh tật, nghèo khó, bị làm hại, trở nên những kẻ được Thiên Chúa mến chuộng. Rồi họ gọi Người là “Thầy”, bằng cách dùng một chữ mang ý nghĩa đúng hơn là “Đấng ở trên cao” và ông Phêrô cũng đã dùng, khi trên thuyền, ông đã được gọi bởi Chúa Giêsu để đi theo Người (Lc 5:8) và ông nhận biết được mình là kẻ tội lỗi. Và ở đây chúng ta tìm thấy chính chúng ta trong tâm điểm của sự thật, ở đây mầu nhiệm của bệnh phong cùi được mặc khải như là một căn bệnh của tâm hồn: đó là tội lỗi, nó khiến chúng ta sống xa Chúa, thiếu tình bạn, thiếu sự hiệp thông với Người. Điều này làm héo úa linh hồn chúng ta và khiến cho nó chết đi từ từ.
Người ấy quay trở lại: Đây không phải là một cử động thể chất đơn giản, hay một thay đổi trong hướng đi và chân bước, nhưng nó là một sự thay đổi thực sự trong nội tâm, một thay đổi nhanh chóng hay cách mạng sâu xa. “Quay trở lại” là một động từ của chuyển đổi, quay trở lại với Thiên Chúa. Đó là thay đổi một cái gì đó thành một cái khác (Kh 11:6); đó là quay trở về nhà (Lc 1:56; 2:43), sau khi đã trẩy đi xa, như người con hoang đàng đã làm, đã mất trong tội lỗi. Đây là những gì người phong cùi này đã làm: anh ta biến đổi bệnh tật của mình trở nên một ân sủng, việc bị xem là người lạ, kẻ ngoại cư, bị sống cách xa Chúa trở thành tình bạn, trở thành một mối quan hệ thân mật, như giữa cha và con. Anh ta thay đổi, bởi vì anh đã để cho mình được thay đổi bởi chính Chúa Giêsu, anh ta đã để cho mình được chạm tới bởi tình yêu của Người.
Tạ ơn Người: Động từ này đẹp, trong tất cả mọi ngôn ngữ, nhưng một cách đặc biệt trong tiếng Hy-Lạp, bởi vì nó mang theo ý nghĩa của Phép Thánh Thể. Vâng, chính xác là như thế: người phong cùi “nhận lãnh Thánh Thể!” Anh ta ngồi tại bàn tiệc của lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu đã để cho mình bị đau đớn, bị thương tổn ngay cả trước anh ta; nơi Người trở thành kẻ bị nguyền rủa, bị loại trừ, kẻ bị ném ra khỏi trại để tập hợp tất cả chúng ta lại trong Trái Tim của Người. Anh ta nhận lãnh bánh và rượu của tình yêu một cách cho không, của ơn cứu rỗi, của sự tha thứ, của đời sống mới; cuối cùng anh ta lại một lần nữa có thể đi vào đền thờ và tham gia vào việc Phụng Vụ, trong sự thờ phượng. Sau hết, anh ta có thể cầu nguyện, được đến gần Thiên Chúa với tất cả lòng tín thác. Người ấy không còn phải mặc quần áo tả tơi, nhưng được mặc những bộ quần áo của lễ hội, của tiệc cưới; bây giờ anh ta được mang dép nơi chân, được đi giày và đeo nhẫn nơi tay. Anh ta không còn phải che miệng khi nói, nhưng từ bây giờ anh ta có thể ca tụng và ngợi khen Thiên Chúa, anh ta có thể mỉm cười và nói chuyện một cách cởi mở; anh ta có thể đến gần Chúa Giêsu và ôm hôn Người, như một người bạn với một người bạn. Bữa tiệc được chấm dứt, niềm vui tràn đầy.
Hãy đứng dậy và về!: Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu, lời mời gọi của Chúa. Đứng dậy, đó là ‘Phục Sinh’ trở về với cuộc sống! Đây là cuộc sống mới sau cái chết, một ngày mới sau đêm tối. Vì thánh Phaolô cũng vậy, trên đường đến Đa-mát, cùng một lời mời này đã được nghe, một mệnh lệnh của tình yêu: “Hãy đứng dậy!” (Cv 22:10-16), và ông đã được sinh ra lần nữa, từ trong lòng của Chúa Thánh Thần; ông đã được phục hồi thị lực và có thể nhìn thấy một lần nữa, ông đã bắt đầu ăn, đã nhận phép Thánh Tẩy và một tên mới. Bệnh phong cùi của ông đã biến mất
Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi: Tôi đọc lại câu nói này của Chúa Giêsu, tôi lắng nghe nó trong các cuộc đối thoại của Người với những người mà Chúa gặp gỡ, với người phụ nữ tội lỗi, với người phụ nữ bị bệnh băng huyết, với người đàn ông mù…
– Chúa Giêsu, quay lại, thấy người phụ nữ và nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Và ngay từ giờ ấy bà đã được khỏi bệnh tức khắc (Mt 9:22; Lc 8:48).
– Và Chúa Giêsu phán: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh” và tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10:52).
– Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chữa chị, chị hãy đi bình an” (Lc 7:50).
– Và Đức Giêsu nói với anh ta: “Anh nhìn thấy đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 18:42).
Giờ đây tôi cùng cầu nguyện với các thánh tông đồ và tôi cũng nói: “Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con!” (Lc 17:6); “Xin hãy giúp vì lòng tin yếu kém của con” (Mc 9:24).
3. Tôi cầu nguyện cùng Chúa Lời
a) Đương đầu với cuộc sống:
Lạy Chúa, con đã gom góp được những mật ong tốt lành Lời Chúa từ Kinh Thánh của Thiên Chúa; Chúa đã ban cho con ánh sáng, Chúa đã nuôi dưỡng trái tim con, Chúa đã cho chỉ con thấy chân lý. Con biết rằng trong số những người bị phong cùi đó, trong số những người bị bệnh nan y, con cũng ở đó và con biết rằng Chúa đang đợi chờ con, để con quay trở lại, đầy niềm vui, để dự tiệc Thánh Thể với Chúa, trong tình thương xót của Người. Con cũng khấn cầu Chúa ban cho con ánh sáng của Thần Khí Chúa để con có thể thấy rõ, nhận biết và để cho Chúa thay đổi con. Chúa hỡi, con đang mở rộng trái tim con, cuộc sống con, trước thiên nhan Chúa đây … xin hãy đoái nhìn con, xin hãy hỏi han đến con, xin hãy chữa lành con.
b) Một vài câu hỏi:
– Nếu vào ngay giờ khắc này, Chúa Giêsu đi ngang qua đời tôi, Chúa sẽ dừng chân để bước vào làng của tôi, tôi có sẽ sẵn sàng chào đón, chấp nhận Ngườikhông? Liệu tôi có sẽ vui mừng để đón Người vào nhà không? Tôi có sẽ mời Người, sẽ cố nài nỉ, giống như các môn đệ ở Emmau chăng? Hãy nghe đây, Người đang đứng ngoài cửa và đang gõ cửa… Tôi có sẽ đứng lên và ra mở cửa cho Người Yêu của tôi không? (Dc 5:5)
– Mối quan hệ của tôi với Người như thế nào? Tôi có thể gọi Người bằng tên, như những người phong cùi đã làm, ngay cả nếu phải gọi từ đàng xa, với tất cả mọi sức lực của đức tin của họ không? Liệu rằng lời cầu khẩn đến danh thánh Chúa Giêsu có luôn được thốt ra từ con tim tôi, từ miệng lưỡi tôi không? Khi tôi đang gặp nguy hiểm, trong lúc đau khổ, khóc lóc, tên của ai sẽ được thốt lên một cách tự phát từ miệng lưỡi tôi? Tôi có thể không cố gắng và không chú ý nhiều tới khía cạnh này, nó có vẻ như phụ thuộc, không có giá trị lắm, thay vì cho thấy một thực tại sâu sắc và mạnh mẽ không? Tại sao tôi không bắt đầu nhủ thầm danh thánh Chúa Giêsu trong tim tôi, thậm chí chỉ với đôi môi của tôi, như một lời kinh nguyện, như một bài thánh ca? Điều này có thể được đồng hành với tôi trên đường đến sở làm, trong khi tôi đi bách bộ, trong khi tôi làm việc này việc nọ…
– Liệu tôi có đủ can đảm để trình bày chân thành những ác ý, tội lỗi của tôi như những căn bệnh thực sự không? Chúa Giêsu bảo mười người phong cùi đi gặp các thày tư tế, như theo luật Do-Thái, nhưng hôm nay, cũng đối với tôi, điều này thật là quan trọng, không thể thiếu được để sống với đoạn Tin Mừng này: tôi tự nhủ, nên phơi bày ra ánh sáng những gì đã làm tôi đau khổ trong lòng và ngăn chặn tôi khỏi sự thanh thản, hạnh phúc, bình an. Nếu không thể làm việc này trước một linh mục thì ít nhất thật là cần thiết tôi phải đặt mình trước mặt Chúa, mặt đối mặt với Người, không mặt nạ, không dấu diếm bất cứ một điều gì và nói với Người tất cả sự thật về tôi. Chỉ bằng cách này mới có thể thực sự chữa lành.
– Ơn cứu rỗi của Chúa dành cho tất cả mọi người; Người yêu thương tất cả với một tình yêu bao la. Nhưng rất ít người đã mở lòng mình để nhận lãnh sự hiện diện của Người trong đời sống của họ. Một trong mười người. Tôi đang đặt mình về phía bên nào? Tôi có thể nhận ra được tất cả những điều tốt đẹp mà Chúa đã làm cho tôi trong đời tôi không? Hay tôi chỉ biết tiếp tục phàn nàn, luôn luôn mong muốn điều gì đó hơn nữa, quở trách và buộc tội, phản đối, đe dọa? Tôi có thực sự biết làm thế nào để nói lời cảm ơn, một cách chân thành, với lòng biết ơn, tin rằng tôi đã nhận được tất cả mọi thứ, rằng Chúa luôn luôn ban cho tôi dư thừa? Thật là rất tốt đẹp nếu tôi chịu bỏ ra một ít thời giờ để cảm tạ Chúa về tất cả những lợi ích Người đã ban cho tôi trong suốt cuộc đời, vì tôi có thể nhớ hết cho đến bây giờ. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ có thể làm xong, bởi vì sẽ luôn có những việc gì khác hiện đến trong tâm trí tôi. Sau đó, điều duy nhất tôi có thể làm được là giống như người bị phong cùi kia, người duy nhất trong số mười người: quay trở lại, chạy đến bên Chúa và phủ phục dưới chân Người, lớn tiếng ngợi khen Người. Tôi có thể làm việc này bằng cách hát một bài thánh ca, hoặc chỉ lặp đi lặp lại lời tạ ơn của tôi, hay có lẽ khóc vì vui sướng.
– Và giờ đây tôi lắng nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Con hãy đứng dậy mà đi”. Sau kinh nghiệm này, tôi không thể không bước tới, không thể sống khép mình trong thế giới riêng của tôi, trong mối phúc thật bình an của tôi và quên đi hết mọi chuyện. Tôi phải đứng dậy, đi ra, và tiến bước trên đường. Nếu Chúa đã chúc phúc cho tôi, đó là mệnh lệnh tôi phải đem tình yêu của Người đến cho anh em tôi. Niềm vui của cuộc gặp gỡ với Người và việc đã được chữa lành trong tâm hồn sẽ không bao giờ là sự thật nếu nó không được chia sẻ và phục vụ cho những người khác. Một lần xảy ra là quá đủ, mang đến cho tâm trí tôi rất nhiều bạn bè, rất nhiều người, hoặc gần hoặc xa tôi, những người đang cần niềm vui và hy vọng. Nếu thế, tại sao tôi không bắt tay vào việc ngay lập tức? Tôi có thể gọi điện thoại, gửi lời nhắn, viết thư hoặc thậm chí một vài dòng chữ ngắn, hoặc có lẽ tôi có thể đi ghé thăm một ai đó, bầu bạn với người ấy và mạnh dạn nói về cái hay và niềm vui khi có Chúa Giêsu như một người bạn hữu, người thày thuốc, Đấng Cứu Độ của tôi. Bây giờ là thời điểm để làm điều đó.
c) Tôi cầu nguyện với một bài Thánh Vịnh
Lạy Chúa, con kêu lên tới Chúa, và Người đã chữa lành con.
Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được CHÚA tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.
Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.
Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi,
nhưng gân cốt con rã rời, cả ngày con gào thét.
Bởi thế, con đã xưng tội ra với Người,
chẳng giấu Người lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Người đã tha thứ tội vạ cho con.
Vì thế, ai là người hiếu trung với Chúa
sẽ kêu cầu Người lúc gặp cảnh gian truân;
cho dầu nước lũ có ngập tràn
cũng không dâng tới họ.
Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.
Chúa rằng: “Này đây Ta răn dạy,
chỉ cho con biết đường lối phải theo,
để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ.
Hỡi những người công chính,
hãy vui lên trong CHÚA, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.
4. Tôi chiêm niệm và tôi ngợi khen
Lạy Chúa, con đã chạy đến cùng Chúa từ sự cô độc và cô lập, với tất cả những nặng nềvà xấu hổ về tội lỗi củacon, sự bệnh hoạn của con. Con đã kêu van, con đã thú nhận, con khẩn cầu lòng thương xót Chúa, vì Chúa là Tình Yêu. Chúa đã nghe con ngay cả trước khi con có thể kết thúc lời cầu nguyện thô thiển của con, thậm chí từ đàng xa Chúa đã biết đến con và lắng nghe con. Chúa biết tất cả mọi sự về con, nhưng Chúa không bị kinh hoảng, Người không coi thường, không xa lánh con. Và chỉ điều này đã đủ để cho con tín thác vào Chúa, rộng mở trái tim con và ơn cứu độ của Chúa đã tuôn đổ xuống con. Con đã cảm thấy niềm an ủi từ sự hiện diện của Chúa. Con hiểu rằng Chúa đã chữa lành con. Rồi sau đó, lạy Chúa, con đã không thể làm được điều gì khác hơn là quay trở lại cùng Chúa, để ít nhất nói nên lời cảm tạ Chúa, để khóc với niềm vui sướng dưới chân Người. Con đã nghĩ con không có một ai ở cạnh, không thể chịu đựng nổi, không thể vượt khỏi bất cứ thử thách nào; nhưng thay vào đó, Chúa đã cứu con, Chúa đã cho con thêm một cơ hội để bắt đầu trở lại.
Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì con không còn là một người bị phong cùi nữa! Con đã vất đi quần áo tơi tả của con và mặc vào lễ phục. Con đã phá vỡ sự cô lập của tủi hổ, của khắc nghiệt và con đã bắt đầu thoát xác, để lại phía sau là ngục tù của con. Con đã chỗi dậy, con đã hồi sinh. Hôm nay, với Chúa, con bắt đầu sống lại.