Sự hoán cải của Giakêu
Lc 19:1-10
1. BÀI ĐỌC
a) Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng Trời Đất và là Cha của tất cả các con cái Abraham, xin ban cho chúng con ánh sáng của Thần Khí Chúa để chúng con có thể phục vụ Chúa một cách tốt đẹp và xứng đáng, xin ban cho chúng con có thể đi theo những bước chân của Lời Chúa và để các hành động cử chỉ của chúng con có thể phản ảnh rằng chúng con là môn đệ của Đức Giêsu, Đấng đã xuống thế làm người vì tình yêu chúng con và vì sự cứu rỗi của chúng con.
b) Phúc Âm:
b) Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
2. SUY GẪM
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong câu chuyện Phúc Âm, thánh Luca ưa thích cho thấy lòng thương xót của Đức Giêsu đối với những người tội lỗi và đoạn Tin Mừng Lc 19:1-10 là một ví dụ điển hình. Câu chuyện về sự hoán cải của Giakêu nói cho chúng ta biết rằng không có một tình trạng con người nào mà không thích hợp với ơn cứu độ: Chúa Giêsu nói rằng: Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi vì người này cũng là con cái Abraham (Lc 19:9). Lời mở đầu của chương 19 được đưa ra sau khi Chúa Giêsu dạy cho chúng ta những giáo lý và thái độ sống trong chương 18. Trong chương đó, chúng ta thấy có dụ ngôn về người Biệt Phái là kẻ phán đoán và người Thu Thuế là kẻ đang khiêm nhu hạ mình trước mặt Thiên Chúa và van xin sự tha thứ (Lc 18:9-14). Kế đến, có cảnh Chúa Giêsu đón chào các trẻ thơ, cảnh báo các môn đệ rằng nước Thiên Chúa là của những ai giống như trẻ thơ… ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào (Lc 18:16-17). Ngay sau đó, Chúa Giêsu nói với nhà thủ lãnh giàu có là kẻ muốn có được sự sống đời đời (Lc 18:18) rằng ông ta cần phải bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo để theo Chúa Giêsu và có được một kho tàng trên trời (Lc 18:22). Sau đó là giáo lý của Chúa Giêsu về sự giàu có là một trở ngại cho sự cứu rỗi và sự hứa hẹn một phần thưởng cho những ai từ bỏ tất cả vì lợi ích của Nước Thiên Chúa (Lc 18:24-30). Những phần này của chương 18 dường như dẫn chúng ta đến câu chuyện việc hoán cải của Giakêu. Trước câu chuyện của Giakêu chúng ta có hai bản văn chứa các chi tiết quan trọng:
- Lời tiên báo lần thứ ba về cuộc thương khó, nơi Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng bây giờ chúng ta sẽ lên Giêrusalem (Lc 18:31). Dường như thánh Luca muốn sắp đặt mọi thứ trong bối cảnh của việc đi theo Chúa Giêsu; và
- Việc chữa lành người mù tại Giêricô, người đã kêu khẩn cùng Chúa Giêsu, mặc dù đám đông đã ngăn cản anh ta đến gần Chúa ( Lc 18:35-39). Một lần nữa, Chúa Giêsu đem đến ánh sáng cho đôi mắt tối tăm và nói rằng đức tin đã chữa người đàn ông mù này (Lc 19:42). Sau khi anh ta nhìn thấy được, người mù đã đi theo Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa (Lc 18:43).
Hai đoạn văn này cùng với những đoạn trước đây làm sáng tỏ câu chuyện trở lại của Giakêu. Trong câu chuyện này, chúng ta thấy có các chi tiết đáng ngạc nhiên đã được hiện diện trong các đoạn văn nêu trên:
- Giakêu là một người giàu có và là thủ lãnh những người thâu thuế – Lc 19:2
- Ông ta tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá – Lc 19:3
- Ông ta thấp bé – Lc 19:3
- Đám đông lên án Giakêu: người tội lỗi – Lc 19:7
- Việc bố thí của cải cho kẻ khó – Lc 19:8
- Lời công bố của Chúa Giêsu rằng ơn cứu độ đã đến nhà của Giakêu – Lc 19:9
Giakêu, một người thấp bé, giàu có và là thủ lãnh của những người thu thuế, đón tiếp Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ. Ông ta hạ mình và ăn năn về quá khứ của mình và do đó tìm thấy ơn cứu độ từ Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, người Samaritanô nhân lành (Lc 10:29-37) Đấng đã đến với chúng ta để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19:10). Đây là một chủ đề thân yêu của Luca và chúng ta tìm thấy điều này trong các phần khác của câu chuyện Phúc Âm của ông (ví dụ: Lc 15: 11-31).
b) Một vài giây phút cho việc suy gẫm cá nhân:
Bạn hãy đặt mình trong thinh lặng trước Lời của Chúa và suy gẫm đoạn Tin Mừng được trình bày trong chìa khóa dẫn đến bài đọc này. Bạn hãy tự hỏi mình:
- Sự nối kết giữa những văn bản này là gì?
- Ơn cứu độ mang ý nghĩa gì đối với bạn?
- Giakêu, một người thấp bé, cho thấy sự sẵn lòng đón tiếp Chúa bằng cách trèo lên cây sung. Sự tò mò của ông ta đã được đền bù bằng chuyến thăm viếng của Chúa Giêsu. Bạn sẽ làm gì để chứng tỏ sự sẵn lòng đón tiếp ơn cứu độ của Thiên Chúa?
- Hành động của Giakêu nhắc nhớ chúng ta lòng tò mò của Môisen thúc giục ông bước tới bụi gai đang cháy. Ở đó Môisen cũng đã tìm thấy ơn cứu độ. Bạn có đã tìm cách gặp Chúa chưa? Bạn có đã cảm thấy bị lôi cuốn bởi Người không?
- Chúa Giêsu đến với Giakêu trong sự tội lỗi của ông và vào nhà ông để Người mang đến cho ông ơn cứu độ. Bạn đã bị trói buộc với tội lỗi ra sao? Bạn có sẽ để cho Chúa đến với bạn, vào trong căn nhà tối tăm ấy không?
3. CẦU NGUYỆN
a) Lời cầu nguyện của cộng đoàn:
Thân lạy Chúa, Đấng ở cùng Con Chúa đã đến để tìm và cứu những gì đã mất, xin hãy làm cho chúng con xứng đáng với lời kêu gọi của Chúa: xin hãy hoàn thành mọi ước nguyện của chúng con một cách vĩnh viễn, để chúng con có thể biết cách đón tiếp Chúa một cách vui vẻ vào nhà chúng con để chia sẻ của cải thế gian và của thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
b) Giây phút thinh lặng:
cho các lời nguyện cá nhân.
4. CHIÊM NIỆM
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!
(Tv 15/16:11)