Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXXII Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXXII Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 10 Tháng Mười Một, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Chúa Giêsu, các Kinh Sư và bà góa 

Cách tính toán khác thường trong Nước Thiên Chúa

Mc 12:38-44

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự kiện đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này trình bày cho chúng ta hai sự kiện đối nghịch nhưng liên hệ với nhau:  một mặt chúng ta có Đức Giêsu đang phê phán các Kinh Sư là những kẻ lợi dụng tôn giáo để khai thác các bà góa nghèo, và mặt khác, chúng ta có ví dụ của bà góa nghèo đã cống hiến vào Đền Thờ tất cả những gì bà có để sinh sống.  Thậm chí những sự thật này còn thích hợp cho đến ngày nay!

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:

Mc 12:38-40:  Chúa Giêsu phê phán việc khai thác của các Kinh Sư

Mc 12:41-42:  Đức Giêsu quan sát dân chúng bỏ tiền dân cúng vào hòm tiền của Đền Thờ

Mc 12:43-44:  Chúa Giêsu cho thấy giá trị hành động của bà góa nghèo 

c) Tin Mừng:

38 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường,39 chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. 40 Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà góa: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn.”

41 Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. 42 Chợt có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. 43 Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. 44 Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điểm nào trong bài Tin Mừng này làm bạn hài lòng nhất hoặc chú ý nhất?  Tại sao?

b)  Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và khen Luật Sĩ về điều gì?

c)  Chúng ta tìm thấy trong văn bản những bất công xã hội và tôn giáo nào vào thời bấy giờ?

d)  Làm thế nào mà hai đồng tiền của bà góa lại có giá trị hơn số tiền lớn bỏ vào của người giàu?  Bạn hãy xem xét kỹ văn bản và thấy điều sau đây:  “Tại sao Chúa Giêsu lại khen ngợi bà góa nghèo?”

e)  Bài Tin Mừng này truyền đạt sứ điệp gì cho chúng ta ngày nay?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề 

a) Bối cảnh xưa và nay:

  • Bối cảnh vào thời Chúa Giêsu.

Đoạn Tin Mừng của Máccô 12:38-44 kể lại phần cuối cùng các hoạt động của Chúa Giêsu ở Giêrusalem (Mc 11:1 đến 12:44).  Đó là những ngày rất căng thẳng, đầy dẫy các cuộc xung đột:  xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ (Mc 11:12-26), và nhiều cuộc thảo luận với các nhà thẩm quyền (Mc 11:27 đến 12:12), với những người Biệt Phái, với nhóm Hêrôđê và Sađốc (Mc 1213-27) và với các luật sĩ (Mc 12:28-37).  Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Mc 12:38-44) thuật lại những lời phê phán cuối cùng của Chúa Giêsu liên quan đến cách cư xử xấu xa của các luật sĩ (Mc 12:38-40) và lời khen ngợi cho việc làm tốt lành của bà góa.  Vào gần khi kết thúc các hoạt động của Người tại Giêrusalem, Chúa Giêsu ngồi ở phía trước của hòm tiền nơi mà dân chúng bỏ tiền dâng cúng của họ cho Đền Thờ.  Chúa Giêsu hướng sự chú ý của các môn đệ về hành động của bà góa nghèo và dạy cho các ông về giá trị của sự chia sẻ (Mc 12:41-44).

  •  Bối cảnh vào thời Máccô.

Trong suốt bốn mươi năm đầu tiên của lịch sử Giáo Hội, từ thập niên 30 đến thập niên 70, các cộng đoàn Kitô hữu, phần đông các giáo hữu là những người nghèo khó (1 Cr 1:26).  Sau đó một số người giàu có hoặc những người có những vấn đề khác nhau gia nhập vào.  Những căng thẳng xã hội đã xuất hiện trong Đế Chế La Mã, cuộc sống trong các cộng đoàn cũng đã bắt đầu cảm thấy như thế.  Ví dụ, những chia rẽ đã trở nên rõ rệt khi cộng đoàn tụ họp nhau để cùng cử hành bữa tiệc của Chúa (1Cr 11:20-22), hoặc khi họ gặp nhau (Gc 2:1-4).  Do đó, việc giảng dạy liên quan đến cử chỉ của bà góa thì rất thực tế đối với họ.  Nó giống như soi vào một tấm gương, bởi vì Chúa Giêsu so sánh hành vi của người giàu với người nghèo.

  • Bối cảnh ngày nay.

Chúa Giêsu khen ngợi bà góa nghèo bởi vì bà có thể san sẻ nhiều hơn những người giàu có đã làm.  Nhiều người nghèo ngày nay cũng làm như vậy.  Người ta nói:  Người nghèo không bao giờ để cho một người nghèo khác chết đói.  Nhưng thỉnh thoảng ngay cả điều này cũng không đúng.  Donna Cicera, một phụ nữ nghèo đã đi từ miền thôn quê lên vùng ngoại ô thành phố thường nói rằng:  “Ở thôn quê, tôi là một người rất nghèo, nhưng tôi luôn có một cái gì đó để chia sẻ với người nghèo khác gõ cửa nhà tôi.  Bây giờ tôi ở trong thành phố, khi tôi trông thấy một người nghèo gõ cửa nhà tôi, tôi xấu hổ chạy trốn vì tôi không có gì để san sẻ!”  Như vậy, một mặt chúng ta thấy những kẻ giàu thì có tất cả mọi thứ, và mặt khác người nghèo khó hầu như không có gì để cho đi, vậy mà lại chia sẻ những của cải ít oi họ có được.

b)  Lời bình luận về văn bản:

Mc 12:38-40:  Chúa Giêsu chê trách các Luật Sĩ.

Chúa Giêsu tạo sự chú ý của các môn đệ về hành vi đạo đức giả và bóc lột của một số luật sĩ.  “Luật sĩ” hay Kinh sư là những kẻ giảng dạy Lề Luật Thiên Chúa.  Nhưng họ đã chỉ giảng dạy bằng lý thuyết, bởi vì đời sống của họ thì cho thấy trái ngược lại.  Họ ưa đi lại ngoài phố phường trong bộ áo thụng, để được người ta bái chào, chiếm những chỗ nhất trong hội đường và nơi đám tiệc.  Nói cách khác, họ mong muốn ra vẻ là những kẻ quan trọng.  Họ dùng kiến thức và nghề nghiệp của mình như là một phương tiện để leo lên những nấc thang xã hội và làm giàu cho bản thân, chứ không phải để phục vụ.  Họ thích đến thăm các bà góa và đọc những câu kinh dài để bòn rút tiền của!  Chúa Giêsu kết luận bằng câu nói:  “Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn là những gì họ nhận được!”

Mc 12:41-42:  Việc dâng cúng của bà góa.

Chúa Giêsu và các môn đệ đang ngồi đối diện với hòm tiền của Đền Thờ và quan sát người ta bỏ tiền dâng cúng vào hòm.  Người nghèo cho vài đồng xu, người giàu bỏ vào những món tiền lớn.  Hòm tiền đầy lên.  Tất cả mọi người đều dâng cúng ít nhiều để duy trì việc phụng tự, hỗ trợ các tư tế và bảo trì Đền Thờ.  Một số tiền bạc được dùng để giúp đỡ người nghèo, bởi vì vào thời ấy không có chương trình phúc lợi xã hội.  Người nghèo phụ thuộc vào tổ chức từ thiện công cộng.  Người nghèo khốn nhất giữa những người nghèo là các bà góa và trẻ mồ côi.  Họ chẳng có gì.  Họ hoàn toàn sống nhờ vào lòng từ tâm của những người khác.  Tuy nhiên, mặc dù không có gì, họ vẫn cố gắng san sẻ với những người khác những gì ít oi mà họ có.  Như vậy, một bà góa rất nghèo đã bỏ tiền dâng cúng của mình vào hòm tiền, dù rằng chỉ là một vài đồng xu!

Mc 12:43-44:  Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta đâu là ý muốn của Thiên Chúa.

Cái nào có giá trị lớn hơn:  vài đồng xu của bà góa hay là ngàn quan tiền của người giàu?  Đối với các môn đệ, ngàn quan tiền của người giàu để làm các việc phúc đức thì có giá trị hơn rất nhiều so với vài đồng xèng của bà góa.  Họ nghĩ rằng các vấn nạn của người ta thì có thể giải quyết được bằng cách dùng rất nhiều tiền.  Nhân dịp bánh hóa nhiều, các ông thưa với Chúa Giêsu:  “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6:37)  Thật thế, đối với những người suy nghĩ theo cách này, hai đồng xu của bà góa thì chẳng dùng vào được việc gì.  Nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng:  “Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết trong tất cả những người đã bỏ vào”.  Đức Giêsu có một chuẩn mực khác.  Kêu gọi sự chú ý của các môn đệ đến cử chỉ của bà góa, Người dạy cho các ông và cho rằng chúng ta phải đi tìm sự biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa ở nơi đâu, đó là, trong việc san sẻ.  Nếu ngày nay chúng ta chia sẻ của cải mà Thiên Chúa đã ban cho trong vũ trụ cho toàn thể nhân loại, thì sẽ không có sự nghèo khó hoặc đói rách.  Sẽ có đủ cho tất cả mọi người và sẽ còn dư lại cho những người khác.

c)  Phần phụ chú:  Làm phúc bố thí, chia sẻ, giàu có

 Thói quen làm phúc bố thí thì rất quan trọng đối với người Do Thái.  Nó được coi là một “việc làm tốt lành” (Mt 6:1-4), bởi vì lề luật của Cựu Ước nói rằng:  “Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em:  hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em” (Đnl 15:11).  Của làm phúc bố thí thì được bỏ vào trong hòm tiền, cho dù để dùng cho việc phụng tự hay cho việc bảo trì Đền Thờ hoặc cho những kẻ thiếu thốn, trẻ mồ côi và các góa phụ, được coi như là cử chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa.  Làm phúc là cách để chia sẻ với những người khác, cách để nhận ra rằng tất cả của cải và quà tặng đều thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chỉ là người cai quản những của cải này, để có thể có một sự phong phú trong đời sống này cho tất cả mọi người.

Từ sách Xuất Hành mà dân Israel đã học được tầm quan trọng của việc bố thí, chia sẻ.  Cuộc hành trình bốn mươi năm trong sa mạc đã cần thiết để vượt qua những mong muốn cho việc tích lũy của cải từ vua Pharaôn của đất Ai Cập và đã được in sâu vào trong tâm trí của dân chúng.  Rất dễ để rời khỏi đất của Pharaôn.  Nhưng người ta khó mà thoát ly được trạng thái tâm lý của Pharaôn.  Mộng tưởng về sự vĩ đại là sai lầm và lừa dối.  Thật là cần thiết phải trải nghiệm qua cơn đói trong sa mạc để hiểu được rằng những gì thật là cần thiết cho cuộc sống đối với tất cả mọi người.  Đây là những gì thực phẩm Manna đã dạy:  “Kẻ có nhiều thì không dư, người có ít thì không thiếu” (Xh 16:18).

Thế nhưng khuynh hướng muốn tích lũy đã có từ lâu đời và rất mạnh mẽ.  Và nó liên tục tái xuất hiện trong trái tim loài người.  Bởi chính vì khuynh hướng muốn tích lũy này mà các đế chế lớn trong lịch sử nhân loại đã được thành hình.  Ước muốn chiếm hữu và tích lũy là trung tâm điểm ý thức của những đế chế và vương quốc này.  Chúa Giêsu cho thấy việc hoán cải cần thiết để được vào Nước Trời.  Người nói với người thanh niên giàu có:  “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo” (Mc 10:21).  Điều kiện này đã được lặp lại trong các sách Tin Mừng khác:  “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí.  Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén bảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12:33-34; Mt 6:9-20).  Rồi Chúa Giêsu còn cho biết thêm lý do cho lời đòi hỏi này:  “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.”

Thực hành sự chia sẻ, bố thí và đoàn kết là một trong những dấu hiệu Thần Khí của Chúa Giêsu, đã ban cho chúng ta vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2:1-13), và Người mong muốn chúng hiện diện trong các cộng đoàn.  Kết quả của sự tuôn tràn của Chúa Thánh Thần chính là điều này:  “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4:34-35a; 2:44-45).  Những của dâng cúng này nhận được bởi các Tông Đồ đã không được tích lũy mà là “Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4:35b; 2:45).

Một mặt, việc những người giàu có gia nhập vào các cộng đoàn đã khiến Giáo Hội Kitô giáo có thể mở mang, bởi vì những người này đã cung cấp những điều kiện tốt hơn cho công việc truyền giáo.  Tuy nhiên, về mặt khác, việc tích lũy tài sản đã chắn lối phong trào của tình đoàn kết và của sự san sẻ được linh ứng bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh.  Thánh Giacôbê đã muốn giúp những người như vậy hiểu được rằng họ đã đi sai đường:  “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người.  Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn” (Gc 5:1-3).  Tất cả chúng ta đều cần phải trở thành những học trò của bà góa nghèo đó là người đã chia sẻ những gì bà có để nuôi sống, như để tìm hiểu đường vào Nước Trời (Mc 12:41-44).

6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 62 (61)

Thiên Chúa là dũng lực và là tình yêu 

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.
Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.
Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.

Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.

Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!
Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.
Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy,
con nghe được hai điều,
rằng: Ngài nắm quyền uy
và giàu lòng nhân hậu;
rằng: Ngài theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …