Lễ Chúa Thăng Thiên – Mùa Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Cha của chúng con,
Chúa không hề ở xa chúng con,
Vì trong Chúa, chúng con sống, đi đứng và hiện hữu
Và Chúa sống trong chúng con,
Nhờ Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, xin hãy thực sự ở với chúng con,
Xin sai Chúa Thánh Thần Chân lý đến với chúng con
Và nhờ Người làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng con
Về cuộc sống và sứ điệp của Con Chúa
Để chúng con có thể đón nhận sự thật toàn vẹn
Và sống theo sự thật ấy trước sau như một.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 16:16-20
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.
Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: ‘Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy’, và ‘Vì Thầy về cùng Cha’, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”
Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
3. Suy Niệm
– Ga 16:16: Vắng mặt và hiện diện. Chúa Giêsu nói “một ít nữa”, nghĩa là, trong một khoảng thời gian rất ngắn, có lẽ là “ngay lập tức”. Hơn hết cả là sự đa dạng của các sắc thái, điều mà chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là sự eo hẹp của thời gian. Giống như thời gian mà Chúa Giêsu vẫn còn là Ngôi Lời Nhập Thể với chính Người, theo cách tương tự, khoảng thời gian giữa lúc ra đi và lúc trở lại của Người, cũng sẽ ngắn gọn. Sẽ không có sự thay đổi về tình trạng nội tâm của các môn đệ Người vì mối quan hệ của họ với Chúa Giêsu không thay đổi: Người vĩnh viễn gần gũi với các ông. Do đó, hình ảnh về Chúa Giêsu sẽ không chịu bất kỳ một gián đoạn nào, nhưng sẽ được đặc trưng bởi việc hiệp thông sự sống với Người (Ga 14:19).
Việc lặp đi lặp lại động từ “thấy” trong câu 16 thì thật thú vị: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”. Câu nói “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy” gợi nhớ lại cách mà các môn đệ nhìn thấy trong Chúa Giêsu lịch sử Con Thiên Chúa. Một câu nói khác: “rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, gợi nhớ lại kinh nghiệm về Chúa Kitô Phục Sinh. Chúa Giêsu dường như muốn nói với các môn đệ rằng trong một thời gian rất ngắn, các điều kiện để nhìn thấy Chúa vẫn còn đó, để nhận ra Người trong xác thịt hữu hình của Người, nhưng sau đó, họ sẽ thấy Chúa trong một hình ảnh khác và Người sẽ cho thấy chính Chúa biến đổi, biến hình.
– Ga 16:17-19: Việc kém hiểu biết của các môn đệ. Trong khi đó, một số môn đệ không hiểu được sự vắng mặt này có nghĩa gì, điều đó có ý để nói rằng Người về cùng Chúa Cha. Các ông trải qua kinh nghiệm xáo trộn chắc chắn liên quan đến những lời của Chúa Giêsu và các ông bày tỏ điều này qua việc hỏi bốn câu hỏi liền với nhau trong một câu: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?” Những lần khác, người đọc đã lắng nghe những câu hỏi của ông Phêrô, của ông Philípphê, của ông Tôma, và bây giờ của những môn đệ yêu cầu một lời giải thích. Các môn đệ không hiểu những điều gì Chúa đang nói. Các môn đệ không hiểu làm thế nào mà họ có thể nhìn thấy lại được Chúa Giêsu nếu Người về với Chúa Cha (các câu 16-19). Nhưng câu hỏi dường như tập trung vào câu nói “một ít lâu nữa”, mà đối với người đọc, dường như là một thời gian dài bất tận, đặc biệt là khi người ta có nỗi thống khổ và u sầu. Thật ra, thời gian buồn bã không qua đi. Một câu trả lời được kỳ vọng từ Chúa Giêsu, nhưng Thánh Sử lại đưa ra một sự lặp lại của cùng một hỏi trước đây: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy?” (câu 19).
– Ga 16:20: Câu trả lời của Chúa Giêsu. Thật ra Chúa Giêsu không trả lời cho câu hỏi được hỏi: “Một ít lâu nữa có nghĩa là gì?” Người mời gọi các ông hãy tin tưởng. Đúng là các môn đệ sẽ bị thử thách và bị kiểm định. Họ sẽ phải chịu đựng rất nhiều, phải ở một mình trong hoàn cảnh thù nghịch, bị bỏ rơi trong một thế giới vui mừng vì cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Người đoan chắc với các ông rằng nỗi buồn của họ sẽ được biến đổi thành niềm hân hoan. Thời gian đau buồn được đối chọi lại bởi thời gian mà mọi thứ sẽ bị đảo lộn. Mệnh đề đối chọi đó, “nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”, nhấn mạnh một sự thay đổi quan điểm. Đối với độc giả, rõ ràng là câu nói “trong một thời gian ngắn” và “một ít lâu nữa” tương ứng với khoảnh khắc hoặc thời điểm mà tình huống bị đảo ngược, nhưng cho đến lúc đó mọi thứ sẽ trở nên buồn bã và thử thách.
Cuối cùng, các môn đệ nhận được từ Chúa Giêsu lời hứa về hạnh phúc và niềm hân hoan. Vào thời điểm mà trong đó tình huống khó khăn được đảo ngược, mà “những kẻ thuộc về Người”, cộng đoàn giáo hội, phải chịu, họ sẽ bước vào một thực tại của thế gian được soi sáng bởi sự sống lại. Trong cuộc sống của chính chúng ta, nhờ vào việc suy gẫm và đón nhận Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể đi từ việc rơi lệ và than khóc trong khi thế gian vui mừng, đến trải nghiệm hân hoan.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Tôi có tin rằng giây phút thử thách hoặc đau khổ sẽ qua đi và Người sẽ trở lại ở bên tôi không?
– “Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Những lời này của Chúa Giêsu có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của bạn? Bạn sống với những khoảnh khắc buồn bã và đau khổ của mình như thế nào?
– Những cách khác nhau mà chúng ta “không thấy Người” và “một ít nữa, chúng ta lại thấy Người” là gì?
– Thánh Têrêsa thành Avila, thánh Phanxicô đệ San, thánh Gioan Thánh Giá, và thánh Bênađô đều là những vị thánh nói về “đêm tối”. Có câu nói rằng: “sự vắng mặt khiến cho con tim yêu mến nhiều hơn”. Thái độ của bạn khi có một cuộc trùng phùng là gì, khi mà “chỉ một ít lâu nữa, chúng ta sẽ thấy Người”? Chúng ta có dùng cơ hội đó như là một thời gian để làm mới và củng cố mối quan hệ của chúng ta với Chúa không, để vượt khỏi tình trạng “lãnh đạm”, hay là chúng ta lại bất bình và gặng hỏi “Chúa đang ở đâu” không?
5. Lời nguyện kết
Toàn cõi đất này đã xem thấy
Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
Mừng vui lên, reo hò đàn hát.
(Tv 98:3-4)