Thứ Sáu Tuần VII – Mùa Phục Sinh
- Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Chúa chúng con,
Chúa đã chọn các mục tử trong Giáo Hội của Chúa
Để nói lời Chúa với chúng con
Và để xây dựng cộng đoàn nhân danh Chúa.
Hôm nay chúng con cầu xin Chúa:
Nguyện xin cho họ là những mục tử giống như Con Chúa
Đấng đi tìm những ai đang lạc lối,
Đem người đi lạc trở lại, kẻ thương tích được băng bó
Và làm cho kẻ yếu đuối trở nên mạnh mẽ.
Nguyện xin cho tất cả đều là những thừa tác viên
Của tình yêu trìu mến và sự phục vụ của Chúa,
Như xưa kia Chúa Giêsu, Đấng là Con Chúa và là Chúa chúng con, đã làm.
- Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 21:15-19
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
- Suy Niệm
– Chúng ta đang ở trong những ngày cuối cùng trước ngày Lễ Ngũ Tuần. Trong Mùa Chay, việc chọn lựa các bài Tin Mừng trong ngày tiếp tục truyền thống cổ xưa của Giáo Hội. Giữa Lễ Phục Sinh và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Tin Mừng theo thánh Gioan được ưu tiên hơn. Và do đó, trong những ngày cuối cùng trước Lễ Hiện Xuống, bài Tin Mừng trong ngày tường thuật lại những câu cuối của sách Tin Mừng Gioan. Khi chúng ta trở lại Mùa Thường Niên, chúng ta sẽ quay trở lại với Tin Mừng trong sách Máccô. Trong các tuần của Mùa Thường Niên, phần Phụng Vụ tiếp tục các bài đọc liên tục trong sách Tin Mừng Máccô (từ tuần thứ nhất đến tuần thứ chín Mùa Thường Niên), sách Tin Mừng Mátthêu (từ tuần thứ mười đến tuần thứ 21 Mùa Thường Niên) và của sách Tin Mừng Luca (từ tuần thứ 22 đến tuần thứ 34 của Mùa Thường Niên).
– Các bài đọc Tin Mừng cho hôm nay và ngày mai nói về cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người. Đó là cuộc gặp gỡ kỷ niệm, được đánh dấu bằng sự dịu dàng và thương mến. Cuối cùng, Chúa Giêsu gọi ông Phêrô và hỏi ông ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Chỉ sau ba lần nhận được câu trả lời khẳng định, Chúa Giêsu mới giao cho ông Phêrô sứ mệnh chăn sóc đàn chiên. Để có thể làm việc trong cộng đoàn, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta nhiều điều. Điều Người đòi hỏi chúng ta là phải có nhiều tình yêu thương!
– Ga 21:15-17: Yêu thương là trọng tâm của sứ vụ. Sau một đêm dài đánh cá trong biển hồ mà không lưới được một con cá nào, các ông lên bờ. Các môn đệ nhận ra rằng Chúa Giêsu đã chuẩn bị bánh và cá nướng cho các ông. Sau khi họ ăn xong, Chúa Giêsu gọi ông Phêrô và hỏi ông ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ba lần, bởi vì ông Phêrô đã chối Chúa Giêsu ba lần (Ga 18:17, 25-27). Sau ba lần trả lời khẳng định, ông Phêrô cũng trở thành “Người Môn Đệ Chúa Yêu” và nhận lệnh chăm sóc đàn chiên. Chúa Giêsu đã không hỏi ông Phêrô rằng ông đã học xong chú giải, thần học, luận lý, hay giáo luật chưa. Người chỉ hỏi rằng: “Anh có yêu mến Thầy không?” Yêu thương trước hết. Đối với các cộng đoàn của Người Môn Đệ Chúa Yêu, mãnh lực hỗ trợ và duy trì sự hiệp nhất chính là tình yêu thương.
– Ga 21:18-19: Điềm báo về cái chết. Chúa Giêsu nói với ông Phêrô rằng: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Qua suốt cuộc đời, ông Phêrô, và chúng ta cũng thế, đạt được sự trưởng thành. Thực thi tình yêu thương sẽ bén rễ trong đời sống và người ta sẽ không còn làm chủ cuộc đời mình nữa. Việc phục vụ anh chị em vì tình bác ái sẽ chiếm ưu thế hơn và sẽ dẫn dắt chúng ta. Cách chúng ta ăn mặc thường là sự phản ánh hoặc điều cần thiết của công việc chúng ta làm. Nếu chúng ta chọn chấp nhận, Thiên Chúa có thể “mặc” cho chúng ta bộ quần áo mới để đến một nơi chốn mới theo như ý của Người, và sai chúng ta đến những nơi mà có thể chúng ta không muốn. “Người khác sẽ thắt lưng cho anh và dẫn anh đến nơi mà anh chẳng muốn.” Đối với ông Phêrô điều này có một ý nghĩa, như Thánh Sử nhận xét: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” Thế rồi, Chúa Giêsu bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
– Tình yêu trong Tin Mừng Gioan – Này Phêrô, anh có yêu mến Thầy không? – Người Môn Đệ Chúa Yêu. Chữ yêu thương là một trong những chữ mà chúng ta sử dụng nhiều nhất hiện nay. Chính vì điều này, nó là một từ ngữ đã bị hao mòn rất nhiều. Nhưng các cộng đoàn của Người Môn Đệ Chúa Yêu đã thể hiện bản sắc và ý định của riêng họ bằng từ ngữ này. Yêu thương, thì hơn hết cả, là một trải nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa người và người trong đó tình cảm và giá trị tương tự chiếm ưu thế – sự quan tâm và lo lắng cho người kia hơn chính bản thân mình, cũng như niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, sự trưởng thành, từ bỏ, cống hiến, hoàn thành, quà tặng, lời cam kết, sự sống cái chết. Tất cả những điều này được tóm tắt trong Kinh Thánh bằng một chữ duy nhất trong ngôn ngữ Do Thái. Chữ này là “hesed”. Thật khó để dịch sang ngôn ngữ của chúng ta. Nói chung, trong Kinh Thánh, nó được dich ra là lòng bác ái, lòng thương xót, lòng trung thành hoặc lòng nhân từ. Các cộng đoàn của Người Môn Đệ Chúa Yêu đã tìm cách sống thực hành tình yêu thương này cách triệt để. Chúa Giêsu đã bày tỏ điều này trong cuộc gặp gỡ của Người với những người có tình bằng hữu và sự trìu mến, ví dụ như, trong mối quan hệ của Chúa với gia đình các bà Máctha và Maria ở Bêthany: “Chúa Giêsu quý mến cô Máctha, cùng hai người em là cô Maria và anh Lagiarô.” Người khóc trước mộ của Lagiarô (Ga 11:5, 33-36). Chúa Giêsu luôn thể hiện sứ mệnh của Người trong sự biểu hiện của tình yêu: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1). Trong tình yêu này, Chúa Giêsu biểu lộ thân phận sâu xa của Người với Chúa Cha (Ga 15:9). Đối với cộng đoàn của Người, không có giới răn nào khác ngoại trừ giới răn này: “phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1 Ga 2:6). Điều này đặt trước giới răn “yêu mến anh em” (1 Ga 2:7-11; 3:11-24; 2 Ga 4-6). Là một giới răn trọng tâm trong đời sống cộng đoàn, tình yêu thương được ông Gioan định nghĩa như sau: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Tình yêu thương của chúng ta không chỉ bằng lời hay chỉ đầu môi chót lưỡi nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3:16-17). Bất cứ ai sống trong tình yêu thương này và thể hiện nó bằng lời nói và thái độ đều trở thành Người Môn Đệ Chúa Yêu.
- Một vài suy gẫm cá nhân
– Bạn hãy xét lại bản thân và nói rằng: “Lý do sâu xa nhất thúc đẩy tôi làm việc trong cộng đoàn là gì – đó là vì tình yêu thương hay là vì sự chú tâm đến các ý tưởng?
– Chúa Giêsu hỏi ông Phêrô ba lần. Mỗi lần ông trả lời, bạn có thể cảm thấy sự căng thẳng gia tăng, có câu nói: “Tôi phải làm gì đây nếu bạn không tin tôi?” Đó không phải là một cuộc trò chuyện thông thường. Tôi có đủ nghị lực để đáp trả lại câu hỏi của Chúa Giêsu trong đời mình không, hay đó chỉ một sự ngẫu nhiên?
– “Cuộc sống” của tôi là gì? Đó không chỉ là trạng thái sinh học. Nó cũng là lối sống, hoạt động, và bản sắc xuất phát từ cái tôi, niềm kiêu hãnh, và ý chí bản thân. Mặc dù vậy, vẫn có một điểm chung: “Thí mạng mình” mang ý nghĩa tổng thể của nó. Tôi có “thí bỏ” lòng tự hào, cái tôi, ý chí, ước muốn, và lối sống của mình cho những người khác trong cộng đoàn của tôi, hoặc cho “những kẻ bé mọn”, những người nghèo hoặc những người bị hắt hủi không? Việc thí bỏ có mang một ý nghĩa hoàn toàn bất cứ lúc nào, hay là chỉ khi nào thuận tiện thôi?
- Lời nguyện kết
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
(Tv 103:1-2)