1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Chúa đã ban cho chúng con lời chứng của các thánh Tông Đồ
Như đá tảng vững chắc để chúng con có thể nương tựa.
Nơi nào có Tông Tòa thánh Phêrô, nơi đó có Giáo Hội.
Nhưng ngày nay chúng con thấy bề ngoài của Tông Tòa thánh Phêrô đang bị rung chuyển;
Chúng con thường giống như những đứa con thất thường
Không quen thuộc với sự tự do mới khám phá ra của chúng con.
Xin Chúa hãy giúp chúng con xử dụng quyền tự do này một cách có trách nhiệm
Và xin đừng để cho chúng con đánh mất sự bình tĩnh của mình.
Xin Chúa hãy trấn an chúng con rằng Chúa luôn ở bên cạnh chúng con
Và giữ cho chúng con hằng lạc quan về tương lai,
Bởi vì đó là tương lai của Chúa
Và Chúa là đá tảng của chúng con đến muôn đời.
2. Phúc Âm – Mátthêu 16:13-19
Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philípphê, hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Họ thưa: “Kẻ thì cho là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác cho là Êlia, có người cho là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!” Chúa Giêsu nói với họ: “Còn các con, các con bảo Ta là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Giêsu đáp lại: “Hỡi Simon con ông Giôna, con thật có phúc, vì chẳng phải phàm nhân mặc khải cho con điều ấy, mà là Cha Ta ở trên trời. Còn Cha, Cha bảo con: ‘Vì con là Đá, trên đá này, Cha sẽ xây Hội Thánh Cha và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được. Cha sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời: Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.’”
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta ba điểm: ý kiến của người ta về Chúa Giêsu (Mt 16:13-14), ý kiến của ông Phêrô về Chúa Giêsu (Mt 16:15-16), và câu trả lời của Chúa Giêsu với ông Phêrô (Mt 16:17-19).
– Mt 16:13-14: Ý kiến của người ta về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn biết ý kiến của dân chúng về Người. Câu trả lời thì khác nhau: ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia, ông Giêrêmia, hoặc một trong các tiên tri. Không một ai có câu trả lời đúng. Ngày nay cũng vậy, ý kiến của người ta về Chúa Giêsu thì cũng rất đa dạng.
– Mt 16:15-16: Ý kiến của ông Phêrô về Chúa Giêsu. Ngay lập tức, Người hỏi ý kiến của các môn đệ. Ông Phêrô thành người phát ngôn và trả lời rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” Câu trả lời không có gì là mới mẻ. Trước đó, các môn đệ đã nói điều tương tự (Mt 14:33). Trong sách Tin Mừng Gioan, một câu tuyên xưng đức tin tương tự đã được thốt lên bởi bà Máctha (Ga 11:27). Điều đó có nghĩa là những lời tiên tri trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu.
– Mt 16:17-19: Câu trả lời của Chúa Giêsu với ông Phêrô. Câu trả lời đến từ nhiều nơi: “Hỡi Simon, con ông Giôna, con thật có phúc.” Chúa Giêsu công bố ông Phêrô “Có Phúc!” bởi vì ông đã nhận được sự mặc khải từ Chúa Cha. Ở đây, câu trả lời của Chúa Giêsu cũng không có gì mới mẻ. Trước đây, Người đã ngợi khen Chúa Cha vì đã mặc khải Con Thiên Chúa cho những kẻ bé mọn mà không với những bậc khôn ngoan thông thái (Mt 11:25-27) và đã tuyên bố là các môn đệ có phúc, vì các ông đã được nhìn thấy và nghe được những điều mà trước đó không ai được biết (Mt 13:16).
– Phêrô có nghĩa là Đá (Pietra). Ông Phêrô phải là Tảng Đá, đó là, ông phải là nền tảng vững chắc cho Giáo Hội theo một cách mà nó có thể chống lại các cửa địa ngục. Với những lời này của Chúa Giêsu, Mátthêu khuyến khích các động đoàn bị bách hại bởi người Syria và Paléstine. Ngay cả lúc yếu đuối và bị bắt bớ, các cộng đoàn đã có một nền tảng bền vững, được bảo đảm bởi Lời của Chúa Giêsu. Phiến đá là nền tảng của đức tin nhắc nhở người ta Lời của Thiên Chúa nói với Dân Riêng của Người trong thời kỳ lưu vong: “Hỡi ai theo đuổi sự công chính, hỡi kẻ đi tìm ĐỨC CHÚA, hãy nghe Ta! Hãy đưa mắt nhìn lên tảng đá: từ tảng đá này, các người đã được đẽo ra; hãy đưa mắt nhìn vào hầm đá: từ hầm đá này, các người đã được lấy ra. Hãy ngước mắt nhìn tổ phụ Ápraham và Sarah, người đã sinh ra các người; vì khi được Ta gọi, Ápraham chỉ có một mình, nhưng Ta ban phúc lành cho nó, và cho nó trở nên đông đảo” (Is 51:1-2). Đó chỉ ra một khởi đầu mới.
– Phêrô, Đá. Chúa Giêsu đặt tên cho ông Simon và gọi ông là Đá (Phêrô). Trong hai cách, Phêrô và Đá (Pietra), theo hai ý nghĩa: ông là nền tảng bằng đá (Mt 16:18), và đá (Pietra) là vật cản đường (Mt 16:23). Trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta nhấn mạnh rất nhiều về Phêrô – nền đá tảng, và chúng ta quên mất Phêrô – tảng đá cản đường. Một mặt, ông Phêrô đã yếu kém trong đức tin của mình, nghi ngờ và cố đi trệch đường hoặc thối lui khỏi Chúa Giêsu, ông đã sợ hãi trong vườn Cây Dầu, ông đã ngủ thiếp đi và bỏ chạy, ông đã không hiểu những gì Chúa Giêsu nói. Mặt khác, ông giống như những kẻ bé mọn mà Chúa Giêsu gọi là Có Phúc. Là một người trong Nhóm Mười Hai, ông đã trở thành người phát ngôn cho cả nhóm. Sau đó, sau cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, hình ảnh của ông đã lớn dần và ông trở thành một biểu tượng của Cộng Đoàn. Ông Phêrô vững chãi trong đức tin không phải vì công lao của ông, mà bởi vì Chúa Giêsu cầu nguyện cho ông, để cho ông không bị mất đức tin (Lc 22:31-34).
– Giáo Hội, Cộng Đoàn. Từ ngữ Giáo Hội, theo tiếng Hy Lạp eklésia, xuất hiện 105 lần trong Tân Ước, hầu như chỉ riêng trong sách Tông Đồ Công Vụ và trong các Thánh Thư. Trong các sách Tin Mừng, chữ này xuất hiện ba lần, chỉ trong Tin Mừng của Mátthêu. Từ ngữ này theo nghĩa đen có nghĩa là “được triệu tập” hoặc “được tuyển chọn”. Nó cho thấy người ta cùng nhau tập họp lại, được triệu tập bởi Lời Chúa và, những ai cố gắng để sống với sứ điệp Nước Trời mà Chúa Giêsu mang lại. Giáo Hội hoặc cộng đoàn không phải là Nước Trời, mà nó là một công cụ và dấu chỉ hay là biểu thị của Nước Trời. Nước Trời thì cao trọng hơn. Trong Giáo Hội, trong cộng đoàn, nó xuất hiện trong mắt tất cả mọi người những gì xảy ra khi một nhóm người để cho Thiên Chúa ngự trị và để cho Người chiếm hữu lấy đời sống của chúng ta.
– Chìa khóa Nước Trời. Ông Phêrô nhận được chìa khóa Nước Trời. Điều này cũng như quyền năng của nối kết hoặc cầm buộc và của tách rời hoặc tháo cởi cũng được trao cho cộng đoàn (Mt 18:18) và cho các môn đệ khác (Ga 20:23). Một trong những điểm mà sách Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh nhiều nhất là sự hòa giải và tha thứ hoặc khoan dung. Nó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hơn đối với các điều hợp viên của cộng đoàn. Bắt chước thánh Phêrô, họ phải cầm buộc hoặc tháo cởi, đó là, làm theo cách để có sự hòa giải, chấp nhận lẫn nhau, xây dựng tinh thần huynh đệ.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Ý kiến trong cộng đoàn của chúng ta về Chúa Giêsu thì như thế nào? Những khác biệt này trong cách sống và bày tỏ đức tin, chúng có sẽ làm phong phú cho cộng đoàn không hay là chúng sẽ làm cho cuộc hành trình và cảm thông càng trở nên khó khăn hơn?
– Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Tôi là ai đối với Đức Giêsu?
5. Lời nguyện kết
Ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.
Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
Như thành trì để cứu độ con.
Núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con!
(Tv 31:3-4)