Home / Event / Lectio Divina: Luca 11:29-32

Lectio Divina: Luca 11:29-32

Date: Thứ Tư 12 Tháng 3, 2025
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thứ Tư Tuần I Mùa Chay                 

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa nhân từ, là Đấng hay tha thứ,

Chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con một chuẩn mực đúng đắn

Về lòng khiêm tốn và thành thực

Để xác nhận trước Chúa và trước mọi người

Rằng chúng con là những con người yếu đuối và nhiều sai lầm,

Là những kẻ thường vờ làm ngơ

Trước những thiếu sót và lỗi lầm của chúng con.

Xin cho chúng con nên mạnh mẽ với ân sủng đã được chiến thắng cách khó khăn

Bởi Con Chúa trên thập giá,

Chúng con xin Chúa cho chúng con lòng dũng cảm

Để tìm kiếm sự tha thứ của Chúa

Quay về và hết lòng với Chúa

Để phục vụ Chúa và mọi người.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Luca 11:29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giôna. Vì Giôna đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy.

Đến Ngày Phán Xét, Nữ Hoàng Phương Nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salômôn. Nhưng ở đây còn có người hơn Salômôn.

Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giôna giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giôna nữa.”

3.  Suy Niệm

Chúng ta đang ở trong Mùa Chay. Phần Phụng Vụ trình bày những văn bản có thể giúp chúng ta sửa đổi bản thân và thay đổi đời sống chúng ta. Điều giúp ích nhiều hơn cho việc sửa đổi là các sự kiện về lịch sử Dân Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày hai câu chuyện trong qua khứ: ông tiên tri Giôna và Nữ Hoàng Phương Nam, và chuyển đổi câu chuyện này thành hình ảnh trong cách mà người ta có thể khám phá ra trong đó Chúa kêu gọi việc hối cải.

– Lc 11:29: Dòng giống gian ác đòi hỏi một điềm lạ. Chúa Giêsu gọi họ là dòng giống gian ác, bởi vì họ không muốn tin vào Chúa Giêsu và tiếp tục đòi hỏi dấu lạ có thể chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến. Nhưng Chúa Giêsu từ chối đưa ra những dấu chỉ này, bởi vì một cách dứt khoát, nếu họ đòi hỏi một điềm lạ thì đó là vì họ không tin. Điềm lạ duy nhất được cho thấy là tiên tri Giôna.

– Lc 11:30: Điềm lạ về tiên tri Giôna. Điềm lạ về tiên tri Giôna có hai khía cạnh khác nhau. Khía cạnh thứ nhất là những gì mà văn bản của Luca khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay. Ông tiên tri Giôna đã là một điềm lạ, nhờ vào lời giảng dạy của ông, cho dân thành Ninivê. Nghe theo lời tiên tri Giôna, người ta đã sám hối. Trong cùng một cách, lời giảng dạy của Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho dân của Người, thế nhưng người ta đã không cho thấy bất kỳ một dấu hiệu sửa đổi nào. Còn khía cạnh kia là điều mà sách Tin Mừng Mátthêu khẳng định khi Người trích dẫn câu chuyện tương tự: “Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (Mt 12:40). Khi kình ngư mửa ông Giôna ra trên đất liền, ông đã đi công bố Lời Chúa cho dân thành Ninivê. Do đó, trong cùng một cách, sau cái chết và sự sống lại vào ngày thứ ba, Tin Mừng sẽ được công bố cho dân chúng thành Giuđa.

– Lc 11:31: Nữ Hoàng Phương Nam. Tiếp theo điều này, Chúa Giêsu nhắc lại câu chuyện của Nữ Hoàng Phương Nam, người đến từ tận cùng trái đất để gặp vua Salômôn, và nghe lời khôn ngoan của ông (xem 1V 10:1-10). Cả hai lần Chúa Giêsu khẳng định: “Và, nhìn xem, ở đây còn có người hơn vua Salômôn nữa”, “Và xem này, ở đây còn có người hơn ông Giôna nữa”.

Một khía cạnh khác rất quan trọng là phần tiếp theo trong cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các thủ lãnh Dân Do Thái mà trong đó Chúa Giêsu và những đối thủ của Người đứng trước mặt Thiên Chúa. Sách của tiên tri Giôna là một dụ ngôn, trong đó chỉ trích tâm lý của những kẻ đã muốn Thiên Chúa chỉ dành riêng cho dân Do Thái. Trong câu chuyện của tiên tri Giôna, dân ngoại được hoán cải đã nghe theo lời rao giảng của ông Giôna và Thiên Chúa chấp nhận họ với lòng nhân ái của Người và đã không phá hủy thành Ninivê. Khi tiên tri Giôna trông thấy Thiên Chúa đã đoái nhận dân thành Ninivê và không phá hủy thành “ông Giôna bực mình lắm, và ông nổi giận. Ông cầu nguyện với ĐỨC CHÚA và nói: ‘Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa. Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!’” (Gn 4:1-3). Vì lý do này, tiên tri Giôna là một dấu chỉ cho dân Do Thái thời Chúa Giêsu và đó tiếp tục là dấu chỉ cho Kitô hữu chúng ta. Sau đó, theo một cách không thể nhận thức được, giống như tiên tri Giôna, trong chúng ta cũng có một tâm lý là Kitô hữu chúng ta được độc quyền về Thiên Chúa và tất cả những người khác phải trở thành Kitô hữu. Điều này sẽ dẫn đến việc lôi kéo tín đồ. Chúa Giêsu không đòi hỏi tất cả mọi người phải trở thành Kitô hữu. Người muốn muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28:19), có nghĩa là, họ là những người, giống như Chúa Giêsu, tỏa sáng và loan báo Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người (Mc 16:15).

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

Mùa Chay, thời gian cho việc hoán cải. Điều gì mà tôi có về hình ảnh của Thiên Chúa cần phải thay đổi? Tôi giống như tiên tri Giôna hay giống như Chúa Giêsu?

Đức tin của tôi được dựa vào đâu, được xây dựng trên điều gì?  Vào các điềm lạ dấu chỉ hay là vào Lời của Chúa Giêsu?

5.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

Đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

Đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

(Tv 51:12-13)

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …