Mùa Thường Niên
Lc 6:12-19
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và hằng sống,
Xin Chúa hãy củng cố đức tin, niềm hy vọng và tình yêu chúng con.
Nguyện xin cho chúng con có thể làm việc với trái tim yêu thương
Là những gì Chúa đòi hỏi nơi chúng con
Và đến để chia sẻ sự sống Chúa hứa ban.
Chúng con cầu xin vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Chúa,
Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Phúc Âm – Luca 6:12-19
Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philípphê và Bartôlômêô, Mátthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội.
Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay nói về hai sự kiện: (a) Mô tả sự chọn lựa của Nhóm Mười Hai Tông Đồ (Lc 6:12-16) và (b) nó cho biết rằng có đoàn lũ đông đảo dân chúng gặp gỡ Chúa Giêsu để nghe Người giảng dạy, tìm cách chạm tới Người và để được chữa lành (Lc 6:17-19).
– Lc 6:12-13: Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm và chọn mười hai vị tông đồ. Trước sự lựa chọn dứt khoát về mười hai vị Tông Đồ, Chúa Giêsu lên núi và dành cả đêm để cầu nguyện. Chúa cầu nguyện để biết chọn ai và Người đã chọn Nhóm Mười Hai, tên của các ông đã được ghi lại trong các sách Tin Mừng. Và sau đó các ông nhận được danh hiệu Tông Đồ. Tông Đồ có nghĩa là người được sai đi, đi truyền giáo. Các ông được gọi để đi thực hiện một sứ vụ, cùng sứ vụ mà Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha (Ga 20:21). Thánh Máccô cụ thể hóa sứ vụ và nói rằng Chúa Giêsu đã gọi các ông ở cùng với Người và sai các ông đi rao giảng (Mc 3:14).
– Lc 6:14-16: Danh sách của Nhóm Mười Hai Tông Đồ. Ngoài những khác biệt nho nhỏ, danh sách của Nhóm Mười Hai thì giống nhau trong các sách Tin Mừng của Mátthêu (Mt 10:2-4), Máccô (Mc 3:16-19) và Luca (Lc 6:14-16). Nhiều tên trong số danh sách này xuất xứ từ Cựu Ước: Simon là tên của một trong các người con của Tổ Phụ Giacóp (St 29:33). Giacôbê (Giacômô) thì cũng là tên của ông Giacóp (St 25:26). Giuđa là tên một người con khác của ông Giacóp (St 35:23). Ngay cả Mátthêu cũng đã có tên Lêvi (Mc 2:14), tên một người con khác của ông Giacóp (St 35:23). Trong số Mười Hai Tông Đồ, bảy người có tên xuất xứ từ thời các Tổ Phụ: hai người tên là Simon, hai người là Giacôbê, hai người là Giuđa, và một người là Lêvi! Điều đó cho thấy sự khôn ngoan của khoa sư phạm loài người. Dựa theo tên của các Tổ Phụ và Tổ Mẫu đã đặt cho con cái, người ta đã duy trì truyền thống của tổ tiên và giúp cho con cái họ không mất đi bản sắc của mình. Ngày nay chúng ta đã đặt những tên nào cho con cái chúng ta?
– Lc 6:17-19: Chúa Giêsu từ trên núi xuống và người ta đi tìm Người. Từ trên núi xuống với Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu gặp một đoàn lũ đông đảo dân chúng đang đi tìm Người để nghe Lời Người và tìm cách chạm vào Người bởi vì họ biết rằng tự nơi Người xuất phát một sức mạnh của sự sống. Trong đoàn lũ đông đảo dân chúng này đã có người Do Thái và dân ngoại, những người đến từ xứ Giuđêa và cũng như từ miền Tyrô và Siđôn. Họ là những người đã bị bỏ rơi, bị lạc mất phương hướng. Chúa Giêsu đón nhận tất cả những ai tìm kiếm Chúa, người Do Thái cũng như dân ngoại! Đây là một trong những chủ đề được ưa chuộng của thánh Luca, tác giả viết cho dân ngoại.
– Những người được Chúa Giêsu gọi là một sự an ủi cho chúng ta. Các Kitô Hữu tiên khởi đã nhớ và ghi lại tên của Nhóm Mười Hai Tông Đồ và những người khác, những kẻ đã theo Chúa Giêsu một cách khắng khít. Nhóm Mười Hai, được Chúa Giêsu gọi để hình thành cộng đoàn đầu tiên với Người, không phải là các vị thánh. Các ông là những người thông thường, giống như tất cả chúng ta. Họ có những đức tính cũng như các thiếu sót của mình. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết rất ít về các cá tính và đặc điểm của từng mỗi người. Nhưng những điều gì đã cho biết, dù rằng rất ít ỏi vẫn là điều an ủi cho chúng ta.
– Thánh Phêrô là một người rộng lượng và đầy nhiệt huyết (Mc 14:29, 31; Mt 14:28-29), nhưng trong giây phút nguy hiểm và cần phải quyết định, trái tim của ông lại trở nên nhỏ bé và ông thoái lui (Mt 14:30; Mc 14:66-72). Thậm chí ông còn bị Chúa Giêsu gọi là Satan (Mc 8:33). Chúa Giêsu gọi ông là Phêrô – Đá (Pietro). Chính ông Phêrô không phải là Đá, ông trở thành Tảng Đá (roccia), bởi vì Chúa Giêsu cầu nguyện cho ông (Lc 22:31-32).
– Hai ông Giacôbê và Gioan đã sẵn sàng để cùng chịu đau khổ và vì Chúa Giêsu (Mc 10:39), nhưng các ông cũng rất nóng nảy (Lc 9:54). Chúa Giêsu gọi các ông là “con của thiên lôi” (Mc 3:17). Ông Gioan dường như có lòng ghen tị nào đó. Ông muốn Chúa Giêsu chỉ dành riêng cho nhóm của mình (Mc 9:38).
– Ông Philípphê có cách chào đón riêng biệt. Ông biết cách làm cho người khác được tiếp cận với Chúa Giêsu (Ga 1:45-46). Nhưng ông cũng đã không thực tế trong việc giải quyết các vấn đề (Ga 12:20-22; 6:7). Thỉnh thoảng ông đã rất ngờ nghệch chất phác. Có lúc Chúa Giêsu đã mất kiên nhẫn với ông: Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh vẫn chưa biết Thầy ư? (Ga 14:8-9).
– Ông Anrê, em ông Phêrô và là bạn của ông Philípphê, thì thực tiễn hơn. Ông Philípphê đến gặp ông Anrê để nhờ giải quyết các vấn nạn (Ga 12:21-22). Ông Anrê gọi ông Phêrô (Ga 1:40-41), và ông Anrê đã tìm thấy đứa bé có năm tấm bánh và hai con cá (Ga 6:8-9).
– Ông Bartôlômêô dường như cũng là ông Nathanaen. Ông là người cùng quê và không thể thừa nhận rằng từ Nagiarét làm sao có cái gì hay được (Ga 1:46).
– Ông Tôma đã có khả năng duy trì ý kiến của mình cả một tuần, trái ngược lại lời chứng của tất cả các người khác (Ga 20:24-25). Nhưng khi ông trông thấy thì ông biết rằng mình đã lầm, ông đã không ngần ngại thừa nhận lỗi lầm của mình (Ga 20:26-28). Ông là người hào phóng, sẵn sàng chết với Chúa Giêsu (Ga 11:16).
– Ông Mátthêu hay là Lêvi là một người thu thuế, giống như ông Giakêu (Mt 9:9; Lc 19:2). Họ là những người đã tiếp tay cho hệ thống áp bức của thời ấy.
– Ông Simon, thì lại có vẻ dường như thuộc về phong trào triệt để chống lại hệ thống mà Đế Quốc La Mã đã áp đặt lên dân tộc Do Thái. Đây là lý do tại sao họ cũng được gọi là phái Nhiệt Thành (Lc 6:15). Phái Nhiệt Thành đã thành công trong việc xúi giục một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại người La Mã.
– Giuđa là người được có trách nhiệm giữ túi tiền cho nhóm (Ga 13:29). Hắn ta đã phản bội lại Chúa Giêsu.
– Ông Giacôbê con ông Alphê và ông Giuđa Tađêô, hai ông này thì các sách Phúc Âm không nói gì ngoại trừ cái tên.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Chúa Giêsu dành cả đêm cầu nguyện để biết chọn lựa ai, và Chúa đã chọn ra mười hai ông này. Bạn đã rút ra những kết luận nào từ cử chỉ này của Chúa Giêsu?
– Các Kitô Hữu tiên khởi đã nhớ tên của mười hai Thánh Tông Đồ là những người đã hiện diện trong cộng đoàn đầu tiên của họ. Bạn có nhớ được tên của một số giáo lý viên hoặc thày dạy là người quan trọng trong việc hình thành đời sống Kitô hữu của bạn không? Điều gì khiến bạn đặc biệt nhớ về họ: nội dung của những gì họ đã dạy bạn hay là những chứng tá mà họ đã trao cho bạn?
5. Lời nguyện kết
Bởi vì CHÚA nhân hậu,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
Qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.
(Tv 100:5)