Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu
Mt 1:16, 18-21, 24a
1. Bài Đọc
a) Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng di chuyển trên mặt nước,
Xin hãy làm yên tĩnh trong chúng con tất cả mọi bất hòa,
Những con sóng xáo trộn, những tiếng ồn ào của lời nói,
Cơn lốc của hư không,
Và xin hãy làm cho Lời Chúa tái tạo,
Dấy lên trong thinh lặng.
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng mà trong tiếng gió
Chúa thì thầm với thần khí chúng con về Danh của Chúa Cha
Xin hãy đến và gom lại tất cả những ước muốn của chúng con,
Xin hãy làm cho chúng lớn lên trong tia sáng
Đó sẽ là một phản chiếu lại ánh sáng của Chúa,
Lời Chúa của Ngày mới.
Lạy Thánh Thần Chúa, nhựa sống của tình yêu
Của cây đại thụ mà nơi ấy Chúa gầy dựng chúng con,
Để tất cả anh em của chúng con sẽ dường như là một ân sủng đối với chúng con
Trong một Thân Thể cao cả mà trong đó
Ngôi Lời của hiệp thông trưởng thành.
(Sư huynh Pierre-Yves thành Taizé)
b) Bài Phúc Âm theo thánh Mátthêu: 1:16-24
Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô. Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Êmmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.
c) Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.
2. Suy Gẫm
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ chương thứ nhất của sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu là một phần của đoạn nói về việc thụ thai, việc giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Trọng tâm trên hết của câu chuyện này là chung quanh Con Người của Chúa Giêsu mà tất cả những sự kiện và những nhân vật được đề cập đến. Ta nên nhớ rằng Tin Mừng mặc khải Thần Học về cuộc đời của Chúa Giêsu, và vì thế đến gần với Lời Chúa, chúng ta phải nhận thấy sứ điệp được ẩn dấu dưới màn che của câu chuyện mà không làm mất chính mình, như thánh Phaolô đã khuyên chúng ta một cách khôn khéo “trong những tranh luận điên rồ”, tránh xa “những chuyện gia phả, những vụ cãi cọ, xung đột về Lề Luật: những cái đó vô ích và rỗng tuếch” (Tt 3:9).
Thật ra, đoạn Tin Mừng này được nối kết với gia phả của Chúa Giêsu, mà thánh Mátthêu sắp xếp với mục đích nhấn mạnh đến việc thừa kế vương tộc của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ cho dân Người (Mt 1:21). Chúa Giêsu được trao toàn bộ quyền thừa hưởng từ dòng dõi vua Đavít, con của “Giuse, con cháu của Đavít” (Mt 1:20; Lc 2:4-5), là cha hợp pháp của Chúa. Bởi vì đối với thế giới người Do Thái và Kinh Thánh, mối liên hệ phụ tử hợp pháp là điều kiện đủ trong vấn đề thừa hưởng mọi quyền lợi trực hệ (xem: lề luật về thế huynh hôn phối và về việc nhận làm con (Đnl 25:5 và các câu tiếp theo)). Đó là lý do tại sao sách Tin Mừng bắt đầu bằng câu chuyện gia phả, Chúa Giêsu được gọi là “Đấng Kitô con cháu vua Đavít” (Mt 1:1); đó là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, con cháu vua Đavít, Đấng mà tất cả những lời hứa của Thiên Chúa với vua Đavít, tôi tớ Người, được hoàn thành (2Sm 7:1-16; 2Sb 7:18; 2Sb 21:7; Tv 89:30). Đây là lý do mà Mátthêu thêm vào câu chuyện gia phả và việc thụ thai của Chúa Giêsu, theo lời của ngôn sứ Isaia: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Êmmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1:21-23 và Is 7:14)
Chúng ta hãy tạm dừng để nói điều này, về tinh thần thực tế của việc nhận làm con nuôi, chúng ta có thể nhắc đến sự thật mà dân riêng được sở hữu “vinh quang, các giao ước, lề luật, nền phụng tự, các lời hứa”, bởi vì “họ là người Israel và đã được Thiên Chúa nhận làm con” (Rm 9:4). Nhưng chúng ta cũng thế, là dân mới của Thiên Chúa trong Đức Kitô được nhận làm con bởi vì “khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5). Đây là ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta. Chúa Kitô “sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21) bởi vì Người là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!” (Mt 1:23) Đấng ban ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu được sinh ra bởi “bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse” (Mt 1:18a) bà “đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18b). Tác giả Mátthêu không kể lại câu chuyện truyền tin như thánh Luca đã kể (Lc 1:26-38), nhưng xây dựng câu chuyện từ quan điểm về việc cư xử của thánh Giuse như một người công chính. Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa yêu thương người công chính và nhiều lần chọn họ trong sứ vụ quan trọng, bảo vệ họ, và không xét xử họ chung với những kẻ tội lỗi (St 18:23 và các câu tiếp theo). Trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhiều người được coi là công chính. Chúng ta nghĩ đến ông Nôe “một người công chính, hoàn hảo giữa những người cùng thời” (St 6:9). Hoặc nghĩ đến vua Giôát là người “đã làm những điều ngay thẳng trước mắt Đức Giavê” (2V 12:3).
Một ý niệm thường xuyên trong Kinh Thánh rằng “giấc chiêm bao” được coi như là một nơi chốn đặc biệt để Thiên Chúa làm cho các chương trình và dự án của Chúa được biết đến, và đôi khi mặc khải chuyện tương lai. Những giấc chiêm bao của ông Giacóp và Bêtel thì nổi tiếng (St 28:10 và các câu tiếp theo); của ông Giuse, con trai ông, cũng như các quan chước tửu và quan ngự thiện bị giam cầm tại Ai Cập với ông Giuse (St 37:5; 40:5 và các câu tiếp theo) và những giấc chiêm bao của Pharaô trong đó mặc khải những năm sung túc và những năm đói kém cũng như kiệt quệ trong tương lai (St 41:1 và các câu tiếp theo).
“Một Thiên Thần Chúa” hiện đến cùng ông Giuse (Mt 1:20) để mặc khải cho ông về chương trình của Thiên Chúa. Trong các sách Phúc Âm nói về thời thơ ấu, Thiên Thần Chúa thường xuyên được nhắc đến như là thiên sứ (Mt 1:20,24; 2:13,19; Lc 1:11; 2:9) và cũng vào những dịp khác, thiên thần hiện ra để trấn an, để mặc khải chương trình của Thiên Chúa, để chữa lành, để giải thoát khỏi ách nô lệ (xem Mt 28:2; Ga 5:4; Cv 5:19; 8:26; 12:7,23). Nhiều trường hợp thiên sứ của Chúa cũng được nhắc đến trong Cựu Ước nơi mà khởi đầu thiên thần, đại diện cho Chúa, Đấng dẫn đường và gìn giữ dân Chúa và gần gũi với họ (xem St 16:7-16; 22:12; 24:7; Xh 3:3; 23:20; Tb 5:4)
b) Những câu hỏi để hướng dẫn cho phần suy gẫm và ứng dụng:
- Điều gì trong đoạn Tin Mừng này đánh động bạn nhất? Tại sao?
- Trong chìa khóa dẫn đến bài đọc, chúng ta đã có suy xét đủ về một số từ ngữ chưa (nhận làm con, thiên thần, giấc chiêm bao, công chính)? Các từ ngữ này đã nảy sinh những cảm xúc gì hay ý nghĩ gì trong lòng bạn? Chúng có thể có sự thích hợp nào cho cuộc hành trình trưởng thành tâm linh của bạn không?
- Bạn nghĩ trọng tâm sứ điệp của đoạn Tin Mừng này là gì?
3. Cầu Nguyện
a) Thánh Vịnh 92
Thú vị thay được tạ ơn CHÚA,
được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,
được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya,
hoà điệu sắt cầm gieo trầm bổng,
nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà.
Lạy CHÚA, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ,
thấy việc tay Ngài làm, con phải reo lên:
Lạy CHÚA, công trình Ngài xiết bao vĩ đại,
tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay!
Người khờ dại nào đâu có biết,
kẻ ngu si chẳng hiểu điều này:
Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ,
phường gian ác có đua nở khoe tươi,
cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn.
Còn CHÚA, Ngài cao cả đến muôn đời.
Kìa những kẻ thù Ngài, lạy CHÚA,
kìa những kẻ thù Ngài tiêu vong,
bọn gian ác đều rã tan hết thảy.
Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng,
thân con, Ngài xức dầu thơm mát.
Mắt con nghênh những kẻ địch thù,
tai nghe biết lũ hại con mạt vận.
Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,
lớn mạnh như hương bá Li-băng
được trồng nơi nhà CHÚA,
mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta;
già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,
tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,
để loan truyền rằng: CHÚA thực là ngay thẳng,
là núi đá cho tôi ẩn náu,
nơi Người chẳng có chút bất công.
b) Giây phút thinh lặng cầu nguyện
4. Chiêm Niệm
Việc chiêm niệm của người Kitô hữu về giấc mơ của Thiên Chúa, dự án mà Thiên Chúa ấp ủ đối với lịch sử nhân loại không nảy sinh sự tha hóa mà giữ cho lương tâm luôn cảnh tỉnh, năng động và thúc đẩy chúng ta phải đối mặt với sự can đảm và lòng vị tha, trách nhiệm mà đời sống ban cho chúng ta.