Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, Cha của ánh sáng
Cụ già Simêon đã nhận ra Con Chúa
Như ánh sáng sẽ chiếu trên mọi người.
Nguyện xin cho chúng con cũng nhận ra được Chúa Giêsu,
Ngay cả khi Người đến với chúng con trong một cách khiêm hạ
Trong hình hài và con người của các trẻ nhỏ,
Của các người già lão, của người nghèo khó và của những kẻ bé mọn.
Xin Chúa ban cho chúng con cũng đón nhận Người
Như ánh sáng không chỉ dành cho đời sống chúng con
Mà cũng là bình minh tươi sáng cho mọi dân tộc.
Vì Chúa là Cha của tất cả
Và Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa của mọi người
Bây giờ và mãi mãi.
2. Tin Mừng theo thánh Luca 2:22-35
Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môisen, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong Lề Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa”, và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là “một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con”.
Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israerl dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria, mẹ Người, rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.
3. Suy Niệm
– Hai chương đầu của sách Tin Mừng Luca không phải là một câu chuyện lịch sử theo ý nghĩa mà chúng ta gán cho lịch sử. Chúng được dùng để phục vụ hơn là bất cứ điều gì khác, nó như một tấm gương phản chiếu mà trong đó những Kitô hữu tòng giáo từ lương dân, khám phá ra rằng Đức Kitô đã đến để thực hiện những lời tiên tri của Cựu Ước và để đáp ứng những khát vọng sâu xa hơn của trái tim nhân loại. Sau đó, chúng là biểu tượng và là tấm gương của những gì đã xảy ra giữa các Kitô hữu vào lúc sách Tin Mừng Luca được viết. Các cộng đoàn đến từ Lương Dân đã được khai sinh từ các cộng đoàn người Do Thái cải đạo, nhưng họ rất đa dạng. Tân Ước không tương ứng với những gì Cựu Ước mường tượng và mong đợi. Đó là “dấu hiệu của sự mâu thuẫn” (Lc 2:34), nó là cái cớ cho sự căng thẳng và là nguyên nhân của sự đau khổ tột cùng, của sự đớn đau. Trong thái độ của Đức Maria là hình ảnh của Dân Chúa, tác giả Luca đại diện một mẫu mực cho cách làm thế nào để kiên trì trong Tân Ước, mà không phản bội lại Cựu Ước.
– Trong hai chương này của sách Tin Mừng Luca, mọi việc xoay quanh việc chào đời của hai hài nhi: ông Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Hai chương này khiến cho chúng ta cảm thấy hương thơm của sách Tin Mừng Luca. Trong đó, môi trường là sự dịu dàng và lời ngợi khen. Từ đầu chí cuối, có lời ngợi khen và ca ngợi, bởi vì cuối cùng, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được mặc khải trong Hài Nhi Giêsu; Chúa hoàn thành những lời hứa đã làm với các Tổ Phụ. Và Thiên Chúa hoàn thành chúng nhân danh người nghèo khó, kẻ bần hàn, giống như bà Êlisabéth và ông Giacaria, Đức Maria và thánh Giuse, bà tiên tri Anna và cụ ông Simêon, các mục đồng. Tất cả họ đã biết cách chờ đợi sự xuất hiện của Chúa.
– Sự khẳng định của tác giả Luca trong việc nói rằng Đức Maria và thánh Giuse đã làm tròn mọi việc như Lề Luật đặt ra, gợi nhớ lại những gì thánh Phaolô đã viết trong các Thư gửi tín hữu Galát: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5).
– Câu chuyện của cụ già Simêon dạy rằng hy vọng, thậm chí nếu không phải là ngay lập tức, sẽ được thực hiện vào một ngày nào đó. Đó không phải là việc nản lòng, nó được thực hiện. Nhưng phương cách không luôn tương ứng với những gì chúng ta tưởng tượng. Cụ già Simêon đã chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel. Đi đến Đền Thờ ở giữa nhiều cặp vợ chồng đã đem con mình đến đó, ông trông thấy việc thực hiện niềm hy vọng của mình và niềm hy vọng của Dân Chúa Israel: “Chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel Dân Chúa”.
– Trong văn bản của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có những chủ đề ưa thích của thánh Luca, đó là, lời khẳng định mạnh mẽ về hoạt động của Chúa Thánh Thần, về lời cầu nguyện và về môi trường cầu nguyện, một sự chú ý liên tục đến hành động và sự tham gia của các người phụ nữ và mối quan tâm thường trực đến những người nghèo khó và sứ điệp cho những người nghèo khó.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
* Bạn có khả năng nhận thức được trong một em bé nghèo hèn mà lại có ánh sáng để chiếu soi cho muôn dân không?
* Bạn có khả năng chờ đợi cả cuộc đời mình để thực hiện niềm hy vọng của bạn không?
5. Cầu nguyện
Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
Hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ.
(Tv 96:1-2)