Thứ Tư trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,
Chúa không phải là Thiên Chúa của người chết
Cũng chẳng phải là Chúa của những ai bị ngây người ra vì sợ hãi và những thiếu sót
Mà Chúa là Thiên Chúa của người sống.
Xin Chúa hãy vực chúng con dậy và cho chúng bước về phía trước
Trong niềm hân hoan và hy vọng
Là bạn đồng hành trên đường với Người,
Đấng đã sống lại từ cõi chết,
Đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa Phục Sinh của chúng con muôn đời.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Luca 24:13-15
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmau, cách Giêrusalem độ mười một cây số. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra.
Đang khi họ nói chuyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có chuyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêopha trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành phố mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nagiarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.
Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môisen đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người.
Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông. Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?”
Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về một câu chuyện rất nổi tiếng, đó là việc hiện ra của Chúa Giêsu với các Môn Đệ trên đường Emmau. Thánh Luca viết sách Tin Mừng trong năm 80 cho các cộng đoàn giáo hữu Hy Lạp mà trong đó phần lớn các cộng đoàn được xây dựng từ các dân ngoại theo đạo. Những năm của các thập niên 60 và 70 là những năm khó khăn nhất. Đã có cuộc đàn áp dữ dội cùa hoàng đế Nêrô vào năm 64. Sáu năm sau, vào năm 70, tại Masađa, trong sa mạc của miền Giuđêa, đã có vụ thảm sát những người Do Thái chống đối cuối cùng. Trong những năm ấy, các Tông Đồ, những nhân chứng của Chúa Phục Sinh, biến mất dần dần. Mọi người đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi trên hành trình. Từ đâu mà họ có thể có thêm can đảm để không bị nản chí? Làm cách nào để khám phá ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tình trạng khó khăn như thế? Câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với các Môn Đệ trên đường Emmau cố gắng đưa ra một câu trả lời cho tất cả những vấn đề khổ não này. Luca muốn chỉ dạy cho cộng đoàn cách giải thích Kinh Thánh để có thể tái khám phá ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống.
– Luca 24:13-24: Bước đầu tiên: rời khỏi thực tại. Chúa Giêsu gặp hai người bạn ở trong tình trạng sợ hãi và thiếu đức tin. Sức mạnh của cái chết, cây thập giá đã giết đi niềm hy vọng trong họ. Đây là tình trạng của nhiều người vào thời của thánh Luca, và cũng là tình trạng của nhiều người vào thời nay. Chúa Giêsu tiến lại với các ông và cùng đi bên cạnh họ; Người nghe câu chuyện trao đổi của họ và hỏi: “Các ông có chuyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Tư tưởng thống trị, đó là, hệ thống tuyên truyền của chính quyền và của các thủ lãnh tôn giáo thời ấy, đã che mắt các ông. “Chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel”. Còn lời nói trao đổi của những người chịu đau khổ ngày nay thì ra sao? Bước đầu tiên là điều này: Tiến gần đến người ta, lắng nghe nỗi niềm của họ, cảm nhận vấn đề của họ: có khả năng đặt các câu hỏi giúp cho người ta nhìn vào thực tế với cái nhìn nghiêm khắc hơn.
– Luca 24:25-27: Bước thứ hai: Dùng Kinh Thánh để soi sáng đời sống. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh và lịch sử loài người để soi sáng vấn đề khiến cho hai người bạn đau khổ, và làm sáng tỏ tình trạng mà họ đang sống. Người cũng dùng Kinh Thánh để đặt các ông trong toàn bộ dự án của Thiên Chúa bắt nguồn từ ông Môisen và các tiên tri. Do đó, Người chỉ ra rằng lịch sử đã không thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh không như là một luật sĩ biết tất cả mọi điều, mà như là một người bạn đồng hành đến để giúp đỡ bạn bè và nhắc nhở họ những điều họ đã quên. Chúa Giêsu không phơi bày cho các môn đệ điều phức tạp của sự kém hiểu biết, mà cố gắng khơi lại trí nhớ của họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”
– Đây là bước thứ hai: Với Kinh Thánh giúp người ta khám phá ra sự khôn ngoan đã hiện diện trong họ, và biến đổi cây thập giá, dấu hiệu của cái chết, trở thành dấu hiệu của sự sống và hy vọng. Điều gì đã ngăn trở họ bước tới, thì giờ đây trở thành sức mạnh và ánh sáng cho họ trên đường đi. Ngày nay, chúng ta có thể làm được điều này như thế nào?
– Lc 24:28-32: Bước thứ ba: chia sẻ trong cộng đoàn. Kinh Thánh, tự nó không mở mắt người ta. Nó chỉ làm cho con tim họ bừng cháy, điều mà mở mắt và làm cho họ thấy là việc bẻ bánh, cử chỉ chia sẻ của cộng đoàn, và việc cử hành Bữa Tiệc Ly. Vào thời điểm mà cả hai nhận ra Chúa Giêsu, các ông đã được tái sinh và Chúa Giêsu biến mất. Chúa Giêsu không chiếm hữu đường đi của bạn mình. Người không có tinh thần gia trưởng. Được sống lại, các môn đệ có khả năng để đi một mình.
Bước thứ ba là như sau: biết cách tạo ra một môi trường huynh đệ của đức tin, của việc cử hành và của chia sẻ, nơi Chúa Thánh Thần có thể tác động. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng khiến cho chúng ta khám phá và trải nghiệm Lời Chúa trong đời sống và dẫn dắt cho chúng ta hiểu được ý nghĩa Lời của Chúa Giêsu (Ga 14:26; 16:23).
– Lc 24:33-35: Bước thứ tư: Kết quả: sống lại có nghĩa là trở về Giêrusalem. Hai môn đệ, một cách can đảm, quay về Giêrusalem, nơi mà quyền lực của cái chết, đã giết Chúa Giêsu, và đã giết chết hy vọng của họ, vẫn tiếp tục hoạt động. Thế nhưng, giờ đây mọi việc đã thay đổi. Nếu Chúa Giêsu đã sống lại, thì trong Người và với Người có một quyền năng mạnh mẽ hơn là quyền năng đã giết Ngài. Cảm nghiệm này làm cho hai ông chỗi dậy! Quả thật, mọi việc đã thay đổi. Có sự trở về chứ không phải là trốn chạy! Niềm tin chứ không phải là lòng hoài nghi! Hy vọng chứ không phải là tuyệt vọng! Lương tâm soi thấu chứ không phải là tin vào định mệnh khi đối mặt với quyền lực! Tự do thay vì áp bức! Nói tóm lại: sự sống thay vì cái chết! Thay vì tin dữ về cái chết của Chúa Giêsu thì là Tin Mừng Phục Sinh của Người! Hai ông cùng trải nghiệm sự sống và sự sống dồi dào! (Ga 10:10). Đây là dấu hiệu cho thấy Thần Khí của Chúa Giêsu tác động trong các ông!
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Cả hai môn đệ đều nói: “Chúng tôi vẫn hy vọng, nhưng …!” Bạn đã có bao giờ gặp phải tình trạng chán nản đã khiến bạn phải nói rằng: “Tôi vẫn hy vọng, nhưng…!” không?
– Bạn đọc, sử dụng và giải thích Kinh Thánh ra sao? Có bao giờ bạn cảm thấy con tim mình sốt mến khi đọc và suy niệm về Lời Chúa không? Bạn đọc Kinh Thánh một mình hay bạn đọc trong một nhóm học hỏi Kinh Thánh?
5. Lời nguyện kết
Hãy tạ ơn CHÚA, cầu khẩn danh Người,
Vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân.
Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa,
Và suy gẫm mọi kỳ công của Người.
(Tv 105:1-2)