Home / Event / Lectio Divina: Luca 24:35-48

Lectio Divina: Luca 24:35-48

Date: Thứ Năm 24 Tháng 4, 2025
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh      

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và là Cha của chúng con,

Chúa Giêsu đã chết cho chúng con trên cây thập giá

Và Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết.

Chúng con đã không nhìn thấy những dấu đinh nơi tay của Người

Cũng không chạm vào vết thương nơi cạnh sườn của Người,

Nhưng chúng con tin rằng Người đang sống

Và hiện diện tại đây ở giữa chúng con.

Xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con cho Lời của Người

Và hãy cho chúng con động chạm đến Người trong bánh của Bí Tích Thánh Thể,

Để Người có thể cho chúng con sống lại từ tội lỗi của chúng con

Và hoán cải chúng con thành những con người mới.

Để từ đó chúng con có thể làm chứng cho Đấng Phục Sinh, Con của Chúa,

Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Luca 24:35-48 

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán:  “Bình an cho các con!  Này Thầy đây, đừng sợ”.  Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma.  Chúa lại phán:  “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy?  Hãy xem tay chân Thầy:  chính Thầy đây!  Hãy sờ mà xem:  ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”.  Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem.  Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi:  “Ở đây các con có gì ăn không?”  Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong.  Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.  Đoạn Người phán:  “Đúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là:  cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môisen, trong sách tiên tri và thánh vịnh”.

Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.  Người lại nói:  “Có lời chép rằng:  Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại.  Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem.  Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

3.  Suy Niệm

  Trong những ngày sau lễ Phục Sinh, các văn bản của Tin Mừng thuật lại các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu.  Lúc đầu, vào những năm đầu tiên sau cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, các Kitô hữu đã lo bênh vực về việc Phục Sinh nhờ các cuộc hiện ra.  Chính họ, cộng đoàn sống động, là một cuộc hiện ra tuyệt vời của Chúa Giêsu Phục Sinh.  Nhưng trong phạm vi mà lời chỉ trích của những kẻ đối đầu lại niềm tin vào Chúa Phục Sinh tăng lên, và trong nội bộ, đã phát sinh những lời chỉ trích và nghi ngờ liên quan đến các nhiệm vụ khác nhau trong cộng đoàn (xem 1Cl 1:12), họ bắt đầu nhớ lại những cuộc hiện ra của Chúa Giêsu.  Có hai loại hiện ra:  (a) với những ai nhấn mạnh đến sự nghi ngờ và chống đối của các môn đệ trong việc tin vào sự Phục Sinh, và (b) với những người kêu gọi sự chú ý đến các mệnh lệnh của Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ – nam cũng như nữ – trao một số sứ vụ cho họ.  Phản ứng đầu tiên đối với sự chỉ trích đến từ bên ngoài.  Những điều này cho thấy rằng các Kitô hữu không phải là người ngây thơ và cả tin là những người chấp nhận tất cả mọi thứ và bất cứ điều gì, trái lại là đàng khác.  Chính bản thân họ cũng đã có nhiều nghi ngờ trong việc tin vào sự Phục Sinh.  Những người khác phản ứng lại với sự chỉ trích từ bên trong và đã tìm thấy chức năng và nhiệm vụ của cộng đoàn, không chỉ dựa trên phẩm chất của loài người là những điều luôn gây tranh cãi, mà là dựa trên thẩm quyền và các mệnh lệnh nhận được từ Chúa Giêsu Phục Sinh.  Các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay kết hợp hai khía cạnh khác nhau:  những nghi ngờ của các môn đệ và sứ vụ đi loan báo và ơn tha thứ nhận được từ Chúa Giêsu.

  Luca 24:35:  Tóm tắt câu chuyện trên đường Emmau.  Quay trở lại Giêrusalem, hai môn đệ đã gặp được cộng đoàn và họ chia sẻ với nhau về kinh nghiệm mà họ đã trải qua.  Các ông kể cho nhau về những gì đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.  Cộng đoàn tụ họp nhau lại, lần lượt, chia sẻ việc hiện ra của Chúa Giêsu với ông Phêrô.  Đây là một sự chia sẻ lẫn nhau về kinh nghiệm của sự Phục Sinh, vì nó cũng xảy ra ngày nay khi các cộng đoàn tụ họp nhau lại để chia sẻ và tuyên xưng đức tin, niềm cậy trông và lòng yêu mến của họ.

  Luca 24:36-37:  Việc hiện ra của Chúa Giêsu gây sợ hãi nhiều cho các môn đệ.  Vào lúc ấy, Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán:  “Bình an cho các con!”  Đây là lời chào hay gặp nhất của Chúa Giêsu:  “Bình an cho các con!” (Ga 14:27; 16:33; 20:19,21,26).  Nhưng các môn đệ đã sợ hãi khi thấy Chúa Giêsu và đã không nhận ra Người.  Đứng trước mặt các ông là Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, nhưng các ông lại nghĩ rằng mình đang nhìn thấy ma, một hồn ma bóng quế.  Các ông không thể tin được.  Đó không phải là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu Nagiarét và Chúa Giêsu Phục Sinh.

  Luca 24:38-40:  Chúa Giêsu giúp cho các ông vượt qua nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ.  Chúa Giêsu làm hai việc để giúp các môn đệ vượt qua nỗi sợ hãi và sự không tin.  Người cho các ông xem tay chân của Người và nói rằng:  “Chính Thầy đây!” và bảo các ông hãy sờ mà xem:  ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây!”  Chúa Giêsu cho các ông xem tay và chân của mình bởi vì trên đó còn có các dấu đinh (xem Ga 20:25-27).  Chúa Kitô Phục Sinh chính là Đức Giêsu Nagiarét, cũng là người đã bị đóng đinh trên thập giá và không phải là một hồn ma Kitô như các môn đệ tưởng tượng, khi các ông trông thấy Người.  Người bảo các ông hãy chạm vào người mình, bởi vì sự Phục Sinh là Phục Sinh của cả con người, thể xác lẫn linh hồn.  Sự Phục Sinh không có liên hệ gì tới lý thuyết về linh hồn bất tử, mà người Hy Lạp đã dạy.

  Luca 24:41-43:  Cử chỉ khác để giúp các ông vượt qua sự nghi ngại.  Nhưng việc sờ chạm vào người vẫn chưa đủ!  Luca nói rằng các ông đã không thể tin bởi vì niềm vui mừng của các ông đã lớn lao đến nỗi mà họ đã chết lặng.  Chúa Giêsu hỏi các ông “Ở đây các con có gì ăn không”  Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và Người ăn trước mặt các ông, để giúp các ông vượt qua sự nghi ngờ.

  Luca 24:44-47:  Chìa khóa bài đọc để hiểu được ý nghĩa mới của Kinh Thánh.  Một trong những khó khăn lớn nhất của các Kitô hữu tiên khởi là chấp nhận việc Đấng chịu đóng đinh là Chúa Cứu Thế đã được hứa, bởi vì Luật dạy rằng người bị đóng đinh là “kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa”  (Đnl 21:22-23).  Vì lý do này, điều quan trọng là phải biết rằng Kinh Thánh đã loan báo từ trước “Đức Kitô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba và nhờ vào danh Người, việc hoán cải và lãnh ơn tha tội sẽ được rao giảng cho muôn dân”.  Chúa Giêsu cho các ông thấy rằng điều này đã được viết trong Luật Môisen, trong sách các tiên tri và trong các Thánh Vịnh.  Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, sống ở giữa các ông, trở thành chìa khóa để mở ra cho các ông ý nghĩa hoàn toàn của Kinh Thánh.

  Luca 24:48:  Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy.  Trong huấn lệnh cuối cùng này được gói ghém toàn bộ sứ vụ của cộng đoàn Kitô hữu:  làm nhân chứng cho sự Phục Sinh, theo cách mà tình yêu Thiên Chúa chấp nhận chúng ta và tha thứ cho chúng ta sẽ được thể hiện, và muốn chúng ta sống trong cộng đoàn như con cái trong cùng một nhà, là anh chị em với nhau.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

  Có những lần, sự cứng lòng và nghi ngờ trong lòng và làm suy yếu điều mà đức tin ban cho chúng ta liên quan đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta.  Bạn đã có bao giờ sống như thế này chưa?  Làm thế nào mà bạn đã vượt qua được điều đó?

 Sứ vụ của chúng ta, và cũng là sứ vụ của tôi, là làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa mặc khải trong Đức Giêsu.  Tôi có phải là một chứng nhân cho tình yêu này không?

5.  Lời nguyện kết

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

Muôn trăng sao Chúa đã an bài,

Thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

(Tv 8:4) 

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …