Thứ Tư Tuần Thánh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Cha của chúng con,
Khi giờ của Con Chúa là Đức Giêsu đã điểm
Để nhận lãnh đau khổ và cái chết
Vì tình yêu của Chúa
Và tình yêu cứu độ của Người dành cho chúng con,
Người đã không khước từ đau khổ và đớn đau thể xác.
Trong giờ xét xử
Mà chúng con có thể phải trải qua,
Xin đừng để cho chúng con trở thành kẻ nổi loạn
Mà xin Chúa hãy giữ cho chúng con bền vững tín thác vào Chúa,
Bởi vì Chúa đã cứu độ chúng con
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu 26:14-25
Khi ấy, một trong Nhóm Mười Hai, tên là Giuđa Iscariốt, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: ‘Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông.’” Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.
Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy.” Môn đệ rất buồn rầu và từng người hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm dĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy.” Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Đúng như con nói.”
3. Suy gẫm
- Bài Phúc Âm ngày hôm qua đã nói về sự phản bội của Giuđa và việc chối Chúa của Phêrô. Hôm nay, Tin Mừng một lần nữa nói về sự phản bội của Giuđa. Trong bài mô tả Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của Mátthêu, sự thất bại của các môn đệ được nhấn mạnh cách mạnh mẽ. Mặc dù đã sống chung ba năm cùng với Chúa Giêsu, vậy mà không có một ai đứng lên bênh vực Chúa. Giuđa phản bội Người, Phêrô chối Thầy, và những người khác thì chạy trốn. Thánh Mátthêu trình thuật lại mọi việc, không chỉ trích hay lên án, cũng không làm nản lòng độc giả, mà là để nhấn mạnh đến sự chấp nhận và tình yêu của Chúa Giêsu thì vượt hẳn những vấp ngã và thất bại của các môn đệ! Cách mô tả này về thái độ của Chúa Giêsu là sự trợ giúp cho các Cộng Đoàn vào thời của thánh Mátthêu. Bởi vì các cuộc bách hại thường xuyên, nhiều người đã nản lòng, đã lìa bỏ cộng đoàn và tự hỏi: “Liệu có thể nào còn trở lại được không? Thiên Chúa có sẽ chấp nhận và tha thứ cho chúng ta không?” Mátthêu trả lời bằng cách gợi ý rằng chúng ta có thể phá vỡ mối quan hệ với Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ phá bỏ mối quan hệ với chúng ta. Tình yêu của Người thì vĩ đại hơn lòng bất trung của chúng ta. Đây là một sứ điệp rất quan trọng mà chúng ta nhận được từ Tin Mừng trong Tuần Thánh.
- Mt 26:14-16: Quyết định của Giuđa phản bội lại Chúa Giêsu. Giuđa đã quyết định sau khi Chúa Giêsu đã không chấp nhận sự chỉ trích của các môn đệ liên quan đến việc người phụ nữ lãng phí một bình dầu thơm rất đắt tiền chỉ để xức dầu cho Chúa Giêsu (Mt 26:6-13). Hắn ta đến gặp các thượng tế và hỏi họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ đồng ý với giá tiền là ba mươi đồng bạc. Thánh Mátthêu gợi nhớ lại lời của tiên tri Dacaria nói về giá cả thỏa thuận (Dcr 11:12). Đồng thời, sự phản bội Chúa Giêsu với giá ba mươi đồng bạc nhắc nhớ lại việc bán ông Giuse bởi các anh của ông, được quyết định bởi các người mua với giá hai mươi đồng bạc (St 37:28). Nó cũng nhắc nhở lại giá ba mươi đồng bạc phải trả cho các vết thương của một người nô lệ (Xh 21:32).
- Mt 26:17-19: Việc chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua. Chúa Giêsu đến từ miền Galilêa. Người không có nhà ở Giêrusalem. Người nghỉ qua đêm trong Vườn Cây Dầu (xem Ga 8:1). Trong những ngày Lễ Vượt Qua, dân số thành Giêrusalem tăng lên gấp ba bởi vì số lượng rất lớn khách hành hương từ khắp nơi tuôn đổ về đó. Đối với Chúa Giêsu, cũng chẳng dễ dàng gì tìm được một căn phòng lớn ở Giêrusalem để ăn mừng Lễ Vượt Qua cùng với các khách hành hương đến từ Galilêa, như Chúa. Người sai các môn đệ đi tìm một người mà Chúa đã quyết định ăn mừng Lễ Vượt Qua ở nhà người ấy. Tin Mừng không cho biết thêm bất kỳ một chi tiết nào khác và để cho trí tưởng tượng có thể điền vào những gì thiếu sót trong chi tiết. Có phải đây là một người mà Chúa Giêsu đã quen biết không? Có phải là một thân nhân không? Có phải là một người môn đệ không? Trong suốt nhiều thế kỷ, trí tưởng tượng của Ngụy Kinh đã biết cách để hoàn thành những chi tiết này, nhưng với rất ít mức độ tin cậy.
- Mt 26:20-25: Lời loan báo về sự phản bội của Giuđa. Chúa Giêsu biết rằng hắn ta sẽ phản bội. Mặc dù trên thực tế là Giuđa đã làm những điều này trong bí mật. Chúa Giêsu đã biết. Nhưng bất kể điều đó, Người muốn hành xử trong tình huynh đệ với nhóm bạn mà Giuđa ở trong nhóm ấy. Khi tất cả mọi người họp mặt với nhau lần cuối cùng, Chúa Giêsu công bố ai là kẻ phản bội “Kẻ giơ tay cùng chấm dĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy.” Lối thông báo về kẻ phản bội này càng làm cho thấy rõ sự tương phản hơn. Đối với người Do Thái, cuộc sống quây quần bên bàn ăn, cùng chấm tay vào một dĩa, là biểu lộ sự thân mật và tin tưởng tối đa. Bằng cách này, Mátthêu cho thấy rằng mặc dù việc phản bội được làm bởi một kẻ là bạn hữu, tình yêu của Chúa Giêsu thì vĩ đại hơn việc phản bội!
- Điều nổi bật trong cách thức mà Mátthêu trình bày các sự kiện này là những gì? Giữa việc chối Chúa và sự bội phản thì có việc thành lập Mầu Nhiệm Thánh Thể (Mt 26:26-29): việc phản bội của Giuđa xảy ra trước (Mt 26:20-25); sau đó là việc chối Chúa của ông Phêrô và chuyện trốn chạy của các môn đệ (Mt 25:30-35). Vì vậy, Thánh Sử nhấn mạnh cho chúng ta thấy tình yêu vô vị lợi lạ thường của Chúa Giêsu, vượt quá sự phản bội, việc chối bỏ và tháo chạy của bạn bè. Tình yêu của Chúa không phụ thuộc vào những gì người khác làm cho Chúa.
4. Một vài câu hỏi riêng
a) Tôi có khả năng giống như Giuđa để từ chối và phản bội Thiên Chúa, phản bội Chúa Giêsu, phản bội bạn bè không?
b) Trong Tuần Thánh, điều quan trọng là phải dành một khoảng thời gian để nhận thức được tình yêu cho không lạ thường của Thiên Chúa dành cho tôi.
5. Lời Nguyện Kết
Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người,
Hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân.
Danh Người là Đức Chúa;
Trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở.
Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ,
Chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người.
(Tv 68:5-6)