Tuần IV Mùa Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa,
Khi bằng Lời của Chúa,
Chúa đã hoàn thành công trình tác tạo của Ngài,
Chúa giao nó lại cho nhân loại
Tạo vật mà Chúa đã tạo ra giống hình ảnh của Ngài
Và Chúa phán rằng: Hãy sinh sản cho đầy mặt đất và thống trị nó.
Lạy Chúa, xin hãy đổ đầy chúng con với Thần Khí Chúa,
Để chúng con có thể giữ gìn vẻ đẹp và trật tự
Công cuộc tác tạo tuyệt vời của Chúa
Và để giống như thánh Giuse
Chúng con nhận lãnh công việc đã trao cho chúng con
Là kiện toàn sự sáng tạo của Chúa
Trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Mátthêu 13:54-58
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường. Họ bỡ ngỡ và nói rằng: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? Và Giacôbê, Giuse, Simon, và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?” Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: “Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình.” Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.
3. Suy Niệm
– Hôm nay là ngày lễ thánh Giuse Thợ; bài Tin Mừng mô tả chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu tại làng Nagiarét, nơi Người được sinh ra, sống ba mươi năm ở đó và Người đã học hỏi từ thánh Giuse, cha nuôi của Người, nghề thợ mộc. Đi ngang qua làng Nagiarét thật là khó khăn cho Chúa Giêsu. Cộng đoàn của Người không còn như ngày trước nữa. Có điều gì đó đã thay đổi. Trong sách Tin Mừng Máccô, kinh nghiệm chối bỏ này từ phía người dân làng Nagiarét (Mc 6:1-6a) đã khiến Chúa Giêsu thay đổi việc thực hành sứ vụ rao giảng của Người. Người sai các môn đệ đi rao giảng và hướng dẫn họ cách tiếp xúc với mọi người (Mc 6:6b-13).
– Mt 13:54-57a: Phản ứng của dân làng Nagiarét trước Chúa Giêsu. Chúa Giêsu lớn lên ở Nagiarét. Khi Người bắt đầu cuộc đời rao giảng đây đó, Người đã rời Nagiarét và đến sống ở thành Caphárnaum (Mt 4:12-14). Sau thời gian dài vắng bóng, Chúa trở lại quê nhà của mình, và theo thông lệ, vào ngày thứ Bảy, Người đến dự buổi hội họp của cộng đoàn. Chúa Giêsu không phải là điều hợp viên, nhưng Người bắt đầu nói và giảng dạy cho những người ở trong Hội Đường. Đây là dấu chỉ cho thấy rằng người ta có thể tham gia và bày tỏ ý kiến của mình. Nhưng mọi người đã không hài lòng khi nghe những gì Người nói. Chúa Giêsu, Đấng mà họ đã biết từ thời thơ ấu, dường như không giống như hôm nay. Tại sao Người lại trở nên khác lạ như vậy? Tại Caphárnaum, mọi người chấp nhận lời giáo huấn của Chúa Giêsu (Mc 1:22), nhưng tại Nagiarét, người ta đã cảm thấy khó chịu. Họ nói rằng: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? Và Giacôbê, Giuse, Simon, và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?” Họ đã không chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện nơi một người bình thường như họ! Để có thể nói về Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải khác họ! Họ sẽ không làm chứng là họ tin vào Người. Vì thế, mọi thứ đã không diễn ra tốt đẹp cho Chúa Giêsu. Những người mà đáng lẽ ra phải là những người đầu tiên đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa, đây lại là những người ít sẵn sàng đón nhận nó. Cuộc xung đột không chỉ với những người ở bên ngoài, mà hơn hết, cả với những thân nhân của Người và với dân làng Nagiarét.
– Mt 13:57b-58: Phản ứng của Chúa Giêsu trước thái độ của dân làng Nagiarét. Chúa Giêsu biết rất rõ là “một tiên tri luôn bị xem thường tại chính quê hương mình”. Và trên thực tế, Người nói rằng: “Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình.” Thực ra, nơi mà không có sự mở lòng cũng chẳng có đức tin, thì chẳng ai có thể làm được bất cứ điều gì. Định kiến đã cản trở điều này. Và chính Chúa Giêsu cũng muốn, nhưng Người đã không thể làm gì được. Sách Tin Mừng của Máccô nói rõ điều này: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6:5-6)
– Các anh chị em của Chúa Giêsu. Câu “các anh chị em của Chúa Giêsu” gây ra nhiều cuộc tranh luận giữa người Công Giáo và Tin Lành. Dựa vào văn bản này và các văn bản khác, người Tin Lành nói rằng Chúa Giêsu có nhiều anh chị em và Đức Maria còn có những người con khác! Người Công Giáo nói rằng Đức Maria không hề có người con nào khác. Chúng ta có thể nghĩ gì về những điều này? Trước hết, cả hai quan điểm, của người Công Giáo và của người Tin Lành, viện dẫn lý lẽ của họ từ Kinh Thánh và từ Truyền Thống của Giáo Hội tương ứng. Vì lý do này, không thuận tiện để giải quyết hoặc thảo luận vấn đề này với lý luận hoàn toàn theo trí tuệ. Thực ra, đó là một câu hỏi về tín lý, liên quan đến đức tin và cảm tính của cả hai nhóm. Những lý lẽ thuần túy thuộc về tri thức không thể hủy bỏ được niềm tin của con tim! Thay vào đó, điều này chỉ gây ra sự tức giận và chia rẽ mọi người nhiều hơn! Nhưng khi tôi không đồng ý với ý kiến của người khác, thì tôi phải tôn trọng nó. Thứ hai, thay vì tranh cãi xung quanh các văn bản, tất cả chúng ta, người Công Giáo cũng như người Tin Lành, nên đoàn kết nhiều hơn để tranh đấu bảo vệ sự sống, được tạo ra bởi Thiên Chúa, một sự sống bị biến dạng bởi nghèo đói, bất công, và bởi thiếu niềm tin, thiếu sự tôn trọng đối với thiên nhiên. Chúng ta nên ghi nhớ những câu nói khác của Chúa Giêsu: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). “Nguyện cho tất cả nên một, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:21).
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Chúa Giêsu gặp rắc rối với dân của Người. Kể từ khi bạn bắt đầu tham gia vào trong cộng đoàn, có điều gì thay đổi trong mối quan hệ với những người trong cộng đoàn không?
– Chúa Giêsu đã không thể làm được nhiều phép lạ tại Nagiarét. Tại sao đức tin lại quan trọng như thế? Có lẽ, Chúa Giêsu đã không thể làm phép lạ khi người ta không có lòng tin? Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi hôm nay?
5. Lời nguyện kết
Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
Địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.
(Tv 90:2)