Home / Event / Lectio Divina: Thánh Têrêsa thành Avila, Tiến Sĩ Hội Thánh

Lectio Divina: Thánh Têrêsa thành Avila, Tiến Sĩ Hội Thánh

Date: Thứ Ba 15 Tháng Mười, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Thường Niên

Lc 12:8-12

 

1.  Lời nguyện mở đầu

 Lạy Chúa, Chúa là Đấng phù trợ và hướng dẫn của chúng con,

xin Chúa hãy làm cho tình yêu của Chúa là nền tảng của đời sống chúng con.

Nguyện xin cho tình yêu của chúng con dành cho Chúa được thể hiện

trong sự sốt sắng làm điều tốt lành cho tha nhân.

Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,

Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Lc 12:8-12

 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng:  “Thầy nói cho anh em cho biết:  phàm ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.  Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”

“Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.”

“Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

3.  Suy Niệm

  Bối cảnh:  Trong khi Chúa Giêsu đang trên đường đi về Giêrusalem, sách Tin Mừng Luca trong Chương 11, là đoạn Tin Mừng trước đoạn của chúng ta, giới thiệu Chúa có ý định mặc khải về biển thẳm của hành động đầy lòng thương xót của Thiên Chúa và đồng thời về sự đau khổ sâu sắc ẩn chứa trong trái tim của người ta và đặc biệt là, trong những ai có nhiệm vụ làm nhân chứng cho Lời Chúa và công việc của Chúa Thánh Thần trong thế gian,  Chúa Giêsu trình bày những thực tế đó với một loạt các phản ảnh dấy lên ảnh hưởng trong người đọc:  cảm thấy bị thu hút bởi quyền lực của Lời Chúa đến độ có cảm giác bị phán xét trong nội tâm và bị tách rời khỏi mọi ước muốn được cao trọng làm giao động và gây khó chịu cho người ta (9:46).  Ngoài ra, người đọc tìm thấy mình trong các thái độ khác nhau mà giáo huấn của Chúa Giêsu gợi lên:  hơn hết cả, người ấy nhận ra mình là học trò của Đức Kitô trong vai trò người môn đệ và được sai đi trước trong nhiệm vụ sứ giả Nước Trời; và cũng trong người ấy có một chút do dự trong việc đi theo Chúa; trong thái độ của người Biệt Phái hoặc Luật Sĩ, lệ thuộc vào việc giải thích và phong cách sống của họ.  Nói tóm lại, quá trình của người đọc trong Chương 11 được đặc trưng bởi cuộc gặp gỡ với lời giáo huấn của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải mình trong sự thân mật với Thiên Chúa, lòng thương xót của trái tim Thiên Chúa, nhưng Người cũng mặc khải sự thật về việc làm người của mình.  Thay vào đó, trong Chương 12, Chúa Giêsu phản đối lời nhận xét sai lệch của loài người về sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng luôn ban phát dồi dào.  Sự sống của loài người bắt đầu tại đây.  Rất cần thiết để chú ý đến phán đoán lệch lạc của loài người hay tệ hơn là việc đạo đức giả bóp méo các giá trị để dành đặc quyền và lợi ích cho riêng mình, hơn là quan tâm đến sự sống, sự sống được chấp nhận cách nhưng không.  Lời Chúa khai mở người đọc một lời kêu gọi về cách để đối diện với vấn nạn liên quan đến sự sống:  người ta sẽ bị đánh giá qua hành vi của mình tại lúc gặp nguy hiểm.  Điều cần thiết là đừng nên quá quan tâm về những kẻ có thể “giết hại thân xác” mà nên để tâm trí vào việc kính sợ Thiên Chúa, Đấng có quyền phán xét và cải sửa.  Nhưng Chúa Giêsu không hứa hẹn với các môn đệ rằng các ông sẽ được miễn trừ khỏi các mối hiểm họa, những bắt bớ, mà Người cam đoan với các ông rằng các ông sẽ có Thiên Chúa phò trợ vào những lúc khó khăn.

  Biết cách làm sao nhận ra Chúa Giêsu.  Sự dấn thân cam đảm để xác nhận ra tình bạn với Chúa Giêsu cách công khai hàm ý như là kết quả sự hiệp thông riêng với Ngài tại thời điểm Chúa trở lại để phán xét thế gian.  Đồng thời, kẻ phản bội, “kẻ sẽ từ chối Ta”, kẻ sợ phải thú nhận và sợ nhận biết Chúa Giêsu cách công khai, là kẻ tự lên án chính mình.  Người đọc được mời gọi để suy gẫm về sự quan trọng thiết yếu của Chúa Giêsu trong lịch sử của ơn cứu độ:  thật là cần thiết để quyết định hoặc là đi theo Chúa Giêsu hoặc là chống lại Người và Lời Ân Sủng của Người; công nhận hoặc là chối từ Chúa Giêsu, ơn cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào quyết định này.  Luca cho thấy rõ là sự hiệp thông mà Chúa Giêsu ban cho ở thời điểm hiện tại với các môn đệ của Người sẽ được xác nhận và sẽ trở nên hoàn hảo tại thời điểm Người ngự đến trong vinh quang của mình (“Người sẽ ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và thánh thiên thần”, Lc 9:26).  Lời mời gọi đến với cộng đoàn Kitô hữu thì rất rõ ràng:  ngay cả khi họ đã bị phơi ra trước sự thù địch của thế gian, điều không thể chối cãi là họ không ngừng làm chứng nhân can trường cho Chúa Giêsu, của sự hiệp thông với Người, để quý trọng và không phải xấu hổ để cho thấy mình là một Kitô hữu.

  Sự báng bổ chống lại Chúa Thánh Thần.  Tại đây, Thánh Sử Luca hiểu sự báng bổ như nói xúc phạm hay nói chống lại.  Động từ này được áp dụng vào Chúa Giêsu ở câu Lc 5:21, Chúa đã tha thứ tội lỗi.  Câu hỏi được đưa ra trong đoạn Tin Mừng này có thể làm nảy sinh trong người đọc một số vấn nạn:  việc báng bổ chống lại Con Thiên Chúa thì kém nghiêm trọng hơn hay là tội ít nặng hơn là chống lại Chúa Thánh Thần sao?  Ngôn ngữ của Chúa Giêsu dường như có vẻ khá mạnh mẽ cho độc giả sách Tin Mừng Luca:  qua Tin Mừng, người ta đã trông thấy Chúa Giêsu, Đấng mặc khải thái độ của Thiên Chúa, Đấng đi tìm kiếm những kẻ tội lỗi, Đấng đòi hỏi nhưng biết cách chờ đợi cho thời điểm trở lại của người ấy hoặc kẻ tội lỗi được chín chắn.  Trong các sách Tin Mừng của Máccô và Mátthêu, việc xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là do bởi thiếu sự nhận thức quyền năng của Thiên Chúa trong việc xua trừ ma quỷ của Chúa Giêsu.  Nhưng trong sách Tin Mừng Luca, nó có thể có nghĩa là cố ý từ chối và nhận biết về Chúa Thánh Thần ngôn sứ, Đấng đang làm việc trong các hoạt động và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thì có thể nói rằng, đó là sự chối bỏ cuộc gặp gỡ với hành động đầy lòng thương xót về ơn cứu rỗi của Chúa Cha.  Việc thiếu nhận biết về nguồn gốc thiên tính của sứ vụ của Chúa Giêsu, các tội xúc phạm trực tiếp đến con người của Chúa Giêsu, thì có thể tha thứ được, nhưng bất cứ ai phủ nhận việc làm của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của Chúa Giêsu thì sẽ không được tha thứ.  Đó không phải là một vấn đề về sự đối lập giữa con người của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, hoặc vấn đề về sự tương phản, biểu tượng của hai thời đại khác nhau của lịch sử, thời đại Chúa Giêsu và cộng đoàn sau khi Chúa Sống Lại, nhưng một cách dứt khoát, Thánh Sử muốn cho thấy rằng từ chối con người của Chúa Kitô thì cũng bằng như xúc phạm đến Chúa Thánh Thần.

4.  Một vài câu hỏi riêng

   Bạn có biết rằng là một Kitô hữu thì đòi hỏi phải đối mặt với những khó khăn, gian dối, hiểm nguy, và thậm chí còn nguy hại đến tính mạng mình để làm chứng cho tình bạn của mình với Chúa Giêsu không?

  Bạn có cảm thấy xấu hổ vì là một Kitô hữu không?  Bạn có lo ngại về những phê phán của người đời, về sự chuẩn thuận của họ không?  Những điều này có quan trọng đối với bạn hơn là việc đánh mất tình bạn với Đức Kitô không?

5.  Cầu nguyện:

Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,

lẫy lừng thanh danh Chúa trên khắp cả địa cầu!

Uy phong Ngài vượt quá trời cao.

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ

cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,

khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

(Tv 8:2-3)

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …