Home / Event / Lectio Divina: Thánh Tôma, Tông Đồ – Ga 20:24-29

Lectio Divina: Thánh Tôma, Tông Đồ – Ga 20:24-29

Date: Thứ Tư 3 Tháng Bảy, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Thường Niên

 1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha,

Cha kêu gọi các con cái Cha

Bước đi trong ánh sáng của Đức Kitô.

Xin Cha giải thoát chúng con khỏi bóng tối

Và gìn giữ chúng con trong ánh sáng sự thật của Cha.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha,

Đấng hằng sống và hằng trị cùng với Cha và Chúa Thánh Thần,

Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 20:24-29 

Bấy giờ, trong Mười Hai Tông Đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến.  Các môn đệ khác đã nói với ông rằng:  “Chúng tôi đã xem thấy Chúa.”  Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin.”

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và có Tôma ở với các ông.  Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán:  “Bình an cho các con.”  Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin.”

Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”  Chúa Giêsu nói với ông:  “Tôma, vì con đã thấy nên con đã tin.  Phúc cho những ai không thấy mà tin.”

3.  Suy Niệm

  Hôm nay là ngày lễ kính Thánh Tôma Tông Đồ và bài Tin Mừng cho chúng ta biết về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Tôma, vị tông đồ muốn nhìn thấy để tin.  Vì lý do này, nhiều người gọi ông là Tôma hoài nghi.  Trong thực tế, sứ điệp của bài Tin Mừng này thì rất đa dạng.  Nó sâu sắc và thực tế hơn nhiều!

  Ga 20:24-25:  Lòng nghi ngờ của ông Tôma.  Ông Tôma, một người trong Nhóm Mười Hai, đã không hiện diện khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ vào tuần trước đó.  Ông đã không tin vào lời chứng của những người khác đã nói rằng:  “Chúng tôi đã trông thấy Chúa.”  Ông đặt một số điều kiện: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin.”  Tôma rất đòi hỏi.  Ông phải nhìn thấy thì mới tin!  Ông không muốn một phép lạ để tin.  Không!  Ông muốn nhìn thấy những vết thương trên tay, chân và cạnh sườn!  Ông không tin vào Chúa Giêsu vinh quang, tách biệt với Chúa Giêsu người phàm đã chịu khổ nạn trên Thập Giá.  Khi thánh Gioan viết các tác phẩm, vào cuối thế kỷ thứ nhất, có một số người đã không chấp nhận việc Con Thiên Chúa là Đấng đã đến và trở nên người phàm (2Ga 7; 1Ga 4:2-3).  Họ là những người theo thuyết Ngộ Đạo xem thường vật chất và thể xác.  Tác giả Gioan trình bày mối quan tâm này của thánh Tôma để chỉ trích những người theo thuyết Ngộ Đạo: “Thấy thì mới tin”.  Lòng hoài nghi của ông Tôma cũng cho chúng ta thấy sự khó khăn khi tin vào Chúa Phục Sinh!

  Ga 20:26-27:  Đừng là kẻ không tin mà hãy tin.  Văn bản viết rằng “tám ngày sau”.  Điều đó có nghĩa là ông Tôma đã có thể duy trì ý kiến của mình suốt cả tuần đối với lời chứng của các Tông Đồ khác.  Thật là bướng bỉnh!  Tạ ơn Chúa, đối với chúng ta!  Do đó, tám ngày sau, trong cuộc họp mặt của cộng đoàn, một lần nữa các ông lại trải qua một kinh nghiệm sâu sắc về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ở giữa họ!  Các cửa đóng kín không thể ngăn cản được sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa những kẻ tin vào Người.  Ngày nay, điều này cũng tương tự.  Khi chúng ta tụ họp nhau lại, ngay cả khi chúng ta gặp gỡ đằng sau những cánh cửa đóng kín, Chúa Giêsu vẫn ở giữa chúng ta!  Và cho đến ngày nay, lời đầu tiên của Chúa Giêsu là và sẽ mãi luôn là: “Bình an cho các con!”  Điều cảm động là lòng nhân từ của Chúa Giêsu.  Người không phê phán, cũng chẳng luận cứ việc cứng lòng tin của ông Tôma, nhưng Người chấp nhận điều thách thức và nói rằng: “Tôma, hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy!”  Chúa Giêsu khẳng định lòng tin cho ông Tôma và cho cộng đoàn, nghĩa là, Đấng Phục Sinh vinh quang cũng là Đấng đã chết vì bị đóng đinh vào thập giá! Chúa Giêsu trong cộng đoàn không phải là một Chúa Giêsu vinh hiển mà không có điểm gì chung với đời sống chúng ta.  Người chính là Đức Giêsu Đấng đã sống trên thế gian này và thân thể Ngài còn lưu các vết tích của Cuộc Thương Khó.  Ngày nay, các vết tích của Cuộc Thương Khó được tìm thấy trong sự đau khổ của người dân, trong người đói khổ, trong dấu tích của tra tấn, của bất công.  Và Chúa Giêsu trở nên hiện diện ở giữa chúng ta trong những người phản kháng, trong những người đấu tranh cho sự sống và những người không để cho mình bị ngã lòng.  Ông Tôma tin vào Chúa Kitô và chúng ta cũng vậy!

  Ga 20:28-29:  Phúc cho những ai không thấy mà tin.  Cùng với ông Tôma chúng ta thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”  Món quà của ông Tôma là thái độ lý tưởng của đức tin.  Và Chúa Giêsu kết thúc với sứ điệp sau cùng: “Tôma, vì con đã thấy nên con đã tin.  Phúc cho những ai không thấy mà tin!”  Với câu nói này, Chúa Giêsu tuyên bố phúc cho tất cả chúng là những kẻ ở cùng tình trạng:  không được nhìn thấy, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu, Đấng ở giữa chúng ta, cũng là Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá!

Nhiệm vụ: “Như Cha đã sai Ta, thì Ta cũng sai các con!”  Từ Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại từ cõi chết, chúng ta nhận lãnh sứ vụ, cùng một sứ vụ mà Chúa đã nhận lãnh từ Chúa Cha (Ga 20:21).  Tại đây, trong lần hiện ra thứ hai, Chúa Giêsu lặp lại: “Bình an cho các con!”  Lời lặp lại này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự Bình An.  Xây dựng bình an là một phần của sứ vụ.  Hòa bình thì có ý nghĩa rộng lớn hơn là việc không có chiến tranh.  Nó có nghĩa là xây dựng một nhân loại sống hài hòa cùng nhau trong đó người ta có thể được là chính mình, có mọi thứ cần thiết để sống, sống hạnh phúc cùng nhau trong hòa bình.  Đây là sứ vụ của Chúa Giêsu và cũng là sứ vụ của chúng ta.  Chúa Giêsu thổi hơi và bảo rằng:
“Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20:22).  Và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ có khả năng hoàn thành sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho chúng ta.  Sau đó, Chúa Giêsu truyền đạt quyền tha tội: “Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; các con cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ!”  Trung tâm của sứ vụ bình an là hòa giải, trong nỗ lực vượt qua các rào cản ngăn cách chúng ta.  Quyền năng hòa giải và tha thứ này được ban cho cộng đoàn (Ga 20:23; Mt 18:18).  Trong sách Tin Mừng của Mátthêu, quyền năng này cũng được ban cho ông Phêrô (Mt 16:19).  Ở đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng một cộng đoàn không tha thứ và hòa giải thì không phải là một cộng đoàn Kitô hữu.  Nói cách khác, sứ vụ của chúng ta là “hình thành cộng đoàn” theo gương của cộng đoàn của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

4.  Một vài câu hỏi cá nhân

  Trong xã hội ngày nay, sự chia rẽ và mối căng thẳng về chủng tộc, giai cấp xã hội, tôn giáo, giới tính và văn hóa là rất lớn và chúng tiếp tục tăng lên mỗi ngày.  Sứ vụ hòa giải có thể thực hiện được như thế nào cho ngày nay?

–  Trong cộng đoàn và trong gia đình bạn có một vài hạt cải, dấu hiệu của một xã hội hòa giải, nào không?

5.  Lời nguyện kết

Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA,

Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!

Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,

Lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.

(Tv 117) 

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …