Người đưa chúng ta cùng với Người bước vào vương quốc đời sau
Chúng ta lắng nghe sự thật, đứng bên cạnh ngai tòa của Người,
Đó là cây thập giá
Ga 18:33-37
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, Ngôi Lời của Cha đã gõ cửa nhà con trong đêm. Người đã bị bắt, bị trói, nhưng Người vẫn nói, vẫn gọi mời, và như mọi khi, Người đang nói với con: “Hãy trỗi dậy, nhanh lên và đi theo Thầy!” Vào lúc bình minh, con nhìn thấy Người là một tù nhân của quan Philatô và, mặc dù với tất cả những đau khổ của cuộc Thương Khó, với sự ruồng bỏ Người đã gánh chịu, Người biết con và chờ đợi con. Lạy Cha, xin hãy để con đi với Người vào trong dinh tổng trấn nơi Người bị buộc tội, bị kết án tử hình. Đây là cuộc sống của con hôm nay, thế giới nội tâm của con. Vâng, mỗi lần Ngôi Lời của Cha mời gọi con, thì giống như đang đi vào dinh tổng trấn của trái tim con, một nơi bị ô nhiễm và làm ô nhiễm, đang chờ sự hiện diện thanh tẩy của Chúa Giêsu. Cha biết rằng con đang sợ, nhưng có Chúa Giêsu đang ở với con, con không phải sợ hãi nữa. Lạy Cha, con ở lại, và chăm chú lắng nghe sự thật về Con Cha đang nói với con. Con ngắm nhìn và chiêm ngưỡng các cử chỉ của Người, những bước đi của Người. Con đi theo Người, như con đang đi, trong suốt cuộc đời Cha đã ban cho con. Xin hãy ôm con vào lòng và ban cho con tràn đầy Chúa Thánh Thần.
2. Bài Đọc
a) Đặt đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh của nó:
Một ít câu Tin Mừng này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về câu chuyện cuộc Thương Khó và hầu như dẫn chúng ta vào một mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu, ở một nơi kín đáo, biệt lập, nơi mà chỉ có mình Người, đối mặt với Philatô: dinh tổng trấn. Người bị tra khảo, Người trả lời, rồi hỏi trở lại, tiếp tục mặc khải mầu nhiệm ơn cứu độ của Người và mời gọi mọi người đến với Người. Chính nơi đây Chúa Giêsu cho thấy Người là vua và là mục tử; Người bị trói và bị đội mão gai đang khi bị kết án tử hình. Tại đây, Người dẫn dắt chúng ta đến đồng cỏ xanh rì Lời chân lý của Người. Đoạn Tin Mừng này là một phần của một đoạn dài hơn, các câu 28-40, cho chúng ta biết về cuộc xét xử của Chúa Giêsu trước quan tổng trấn. Sau một đêm dài thẩm vấn, tra tấn, nhạo báng và phản bội, Chúa Giêsu bị giao lại cho nhà đương cuộc La mã và bị kết án tử hình, nhưng chính vì cái chết này Người đã mặc khải mình là Chúa, là Đấng đã đến để thí mạng sống mình, là Đấng đem công lý vì chúng ta là những kẻ bất công, là Đấng vô tội vì chúng ta là những kẻ tội lỗi.
b) Phần trợ giúp để đọc bài Tin Mừng:
Các câu 33-34: Philatô trở lại vào dinh tổng trấn và bắt đầu tra hỏi Chúa Giêsu. Câu hỏi đầu tiên của ông ta là: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Chúa Giêsu không đáp lại trực tiếp mà tạo cớ cho Philatô phải nói rõ ràng tuyệt đối ông ta có ý gì khi đề cập đến vương quyền như thế, Người hướng dẫn cho Philatô phải suy nghĩ thêm. Vua dân Do Thái có nghĩa là Đấng Cứu Thế, và vì là Đấng Cứu Thế mà Đức Giêsu bị xét xử và bị kết án.
Câu 35: Trong câu trả lời của mình, Philatô dường như có vẻ xem thường người Do Thái, những kẻ rõ ràng là đang buộc tội Chúa Giêsu, các thượng tế và dân chúng, mỗi người cùng chịu trách nhiệm, như chúng ta đọc trong đoạn mở đầu: “Người đã đến nhà mình, nhưng chính dân của Người đã chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11). Sau đó đến câu hỏi thứ hai của Philatô dành cho Chúa Giêsu: “Ông đã làm gì?” nhưng quan đã không nhận được câu trả lời cho câu hỏi này.
Câu 36: Trong câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi đầu tiên của Philatô, ba lần Người dùng chữ “nước tôi”. Ở đây chúng ta có một lời giải thích tuyệt vời về những gì thực sự là vương quốc và vương quyền của Chúa Giêsu: nó không thuộc về thế gian này, mà là thuộc về đời sau, Người không có ngự lâm quân hay vệ sĩ để chiến đấu cho Người, chỉ có tình yêu hiến dâng mạng sống của Người trong tay Chúa Cha.
Câu 37: Phần thẩm vấn trở lại với câu hỏi đầu tiên và Chúa Giêsu vẫn trả lời cách khẳng định: “Quan nói đúng, Tôi là vua”, nhưng tiếp tục giải thích gốc tích và sứ vụ của Người. Chúa Giêsu đã sinh ra vì chúng ta, Người được sai đến cho chúng ta, để mặc khải chân lý của Chúa Cha là Đấng mà chúng ta có ơn cứu rỗi và cho phép chúng ta lắng nghe tiếng Người và đi theo Người bằng cách trung thành với Người suốt đời chúng ta.
c) Tin Mừng:
33 Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” 34 Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” 35 Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” 36 Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. 37 Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”. 38 Philatô nói với Người: “Chân lý là gì?”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Như bước vào Dinh tổng trấn và lắng nghe cẩn thận mỗi lời phán ra từ miệng Chúa Giêsu.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp tôi tiến gần đến vị quân vương và trao cho Người tất cả con người tôi.
a) Tôi nhìn vào các cử động của Philatô, ông ta ước muốn tiếp xúc với Chúa Giêsu, mặc dù ông ta không ý thức mình đang làm như thế. Trong đời sống của riêng tôi, tại sao lại khó khăn cho tôi để bước vào, yêu cầu, gọi và tạo một cuộc đối thoại với Chúa?
b) Chúa muốn có một mối quan hệ riêng với tôi. Liệu tôi có khả năng để tham phần hoặc cho phép bản thân mình được tiến vào một mối quan hệ chân chính, quan trọng, mãnh liệt với Chúa không? Và nếu tôi sợ phải làm điều ấy thì tại sao? Điều gì đã ngăn cách tôi với Người, đã khiến tôi giữ khoảng cách với Chúa?
c) “Giao nộp”. Tôi dừng tại những chữ này và cố gắng nghĩ về chúng, giữ chúng trong lòng và đối diện chúng với cuộc đời tôi, với thái độ hằng ngày của tôi.
d) Chúa Giêsu ba lần lặp lại rằng nước của Người “không thuộc về thế gian này”, và do đó, mời gọi tôi một cách tha thiết tiến sang một thực tại khác. Một lần nữa Người làm tôi bối rối, đặt trước mặt tôi một thế giới khác, một vương quốc khác, một quyền năng khác. Tôi đang ước vọng loại vương quyền nào?
e) Sự hé mở cuối cùng của đoạn Tin Mừng thật là tuyệt vời: “Nghe tiếng tôi”. Tôi, là kẻ bị cuốn hút trong hàng ngàn công việc, cam kết, họp hành, tôi sẽ để cho tai mình nghe ở nơi nào đây? Ai là người tôi sẽ lắng nghe? Ai là người tôi sẽ nghĩ đến? Mỗi buổi sáng, tôi nhận được một sức sống mới, nhưng thực sự tôi nghĩ tôi nợ ai về việc tái sinh này?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Chúa Giêsu, vị vua bị trói và bị giao nộp
Trong những dòng này là một động từ mạnh mẽ nổi bật, được lặp đi lặp lại từ đầu câu chuyện về Cuộc Thương Khó: đó là động từ giao nộp, được nói ở đây lần đầu tiên bởi Philatô và sau đó bởi Chúa Giêsu. “Đem giao nộp Chúa Kitô” là một thực tại thần học, thế nhưng cũng là thời điểm quan trọng, về tầm quan trọng tối thượng, bởi vì nó dẫn chúng ta vào cuộc hành trình của sự khôn ngoan và đào tạo ưu tú. Có thể hữu dụng khi người ta đi tìm động từ này trong các trang Kinh Thánh. Lần đầu tiên nó xuất hiện khi chính Chúa Cha giao nộp Chúa Giêsu, Con của Người, như là một tặng phẩm cho tất cả mọi người và mọi thế hệ. Trong thư gửi tín hữu Rôma 8:32, chúng ta thấy: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta”. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng chính Chúa Giêsu, trong hiệp nhất thân mật nhất với thánh ý của Chúa Cha, đã tự giao nộp, dâng hiến mạng sống của Người vì chúng ta, trong một hành động của tình yêu tự do ban cho cao cả nhất. Thánh Phaolô nói rằng: “Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa…” (Êp 5:2,25), và tôi cũng nhớ lại những Lời của Chúa Giêsu: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10:15,18). Do đó, vượt ra khỏi tất cả việc giao nộp, có sẵn việc tự nguyện giao nộp, đó hoàn toàn là tặng phẩm của tình yêu. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy việc giao nộp tội lỗi của Giuđa, gọi một cách chính xác là kẻ phản bội, đó là kẻ “giao nộp”, là kẻ đã nói với các thượng tế: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26:15); cũng xem Tin Mừng Gioan 12:4; 18:2,5. Sau đó là việc người Do Thái giao nộp Chúa Giêsu cho Philatô: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18:30,35) và chính Philatô kẻ đại diện cho dân ngoại, như Chúa Giêsu đã nói trước: “Con Người… sẽ bị nộp cho dân ngoại” (Mc 10:33). Cuối cùng, Philatô giao Đức Giêsu cho dân Do Thái đem đi đóng đinh vào thập giá (Ga 19:16). Tôi chiêm niệm những đoạn Tin Mừng này, tôi thấy vua của tôi bị trói, bị xiềng xích, như Thánh sử Gioan nói với tôi trong các câu 18:12 và 18:24. Tôi quỳ xuống, tôi cúi đầu trước Người và xin Chúa cho tôi sự can đảm để theo dõi những đoạn Tin Mừng thương cảm nhưng lại tuyệt vời này giống như bài thánh ca về tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, lời “xin vâng” của Người được lặp lại đến vô tận cho sự cứu rỗi của chúng ta. Sách Tin Mừng nhẹ nhàng đưa tôi vào trong đêm duy nhất này, khi mà Chúa Giêsu bị giao nộp bởi vì tôi, như Bánh, như Sự Sống được làm bằng xác thịt, như tình yêu toàn vẹn. “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh… và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em’” (1 Cr 11:23). Lúc ấy tôi bắt đầu hiểu được rằng niềm hạnh phúc dành cho tôi được ẩn dấu ngay cả trong những xích xiềng này, những dây thừng này, với Chúa Giêsu, với vị quân vương tuyệt vời, và nó được ẩn dấu trong những đoạn Tin Mừng này, nói về việc giao nộp này sang giao nộp khác, theo ý muốn của Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Cha.
Đức Giêsu, vị vua Cứu Thế
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô: trong cuộc tra vấn bí ẩn và lạ lùng này, những gì nổi bật là, thoạt đầu, Philatô gọi Đức Giêsu là “vua dân Do Thái” và sau đó chỉ còn là “vua”, như thể có một quá trình, nhờ đó ông ta trở nên hiểu biết đúng hơn và đầy đủ hơn về Chúa Giêsu. Vào thời ấy, “Vua dân Do Thái” là một thể thức được sử dụng với một ý nghĩa rất phong phú bởi người Do Thái, và nó chứa đựng nền tảng, tâm điểm của đức tin trong sự kỳ vọng của dân Israel: nó cho biết rõ ràng là Đấng Thiên Sai. Đức Giêsu bị thẩm vấn và bị xét đoán xem Người có phải là Đấng Thiên Sai hay không. Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Đấng được xức dầu, Đấng được Thánh Hiến, Người là người tôi tá được sai đến thế gian vì điều này, để chính bản thân Người và mạng sống của Người làm viên mãn tất cả những gì mà các ngôn sứ, luật Môisen và các Thánh Vịnh đã nói về Người. Những lời nói về sự bách hại, về đau khổ, khóc lóc, về các vết thương và máu, về cái chết của Chúa Giêsu, đối với Đấng được Đức Chúa xức dầu, và từng là lẽ sống của chúng ta đã nói “giữa chư dân, ta núp bóng Người”, như tiên tri Giêrêmia đã nói trong sách Aica 4:20; những lời nói về các cạm bẫy, những nổi dậy, mưu đồ và mưu chước (Tv 2:2). Chúng ta thấy Người bị mất dáng vẻ con người, như một người chịu nhiều đau khổ, không thể nhận ra được ngoại trừ tình yêu, cũng giống như Người, chỉ biết chịu đau khổ quá nhiều. “Vì lý do này, toàn thể Nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!” (Cv 2:36). Vâng, vị vua của tôi là một vị vua bị trói, vị vua bị giao nộp, bị loại bỏ sang bên, bi khinh khi; Người là vị vua được xức dầu cho chiến trận, nhưng được xức dầu để bại trận, để hy sinh chính mình, bị đóng đinh vào thập giá, bị hiến tế như chiên con. Đây là Đấng Cứu Thế: vị vua mà ngai vàng là cây thập giá, có màu tím hoàng gia là do máu của Người đổ ra, có cung điện là trái tim của người ta, những kẻ nghèo khó như Người, nhưng được phong phú hóa và an ủi bởi sự sống lại liên tục. Đây là thời gian của chúng ta, thời gian của sự an ủi bởi Thiên Chúa, khi Người sai Chúa Giêsu đến tất cả mọi lúc, Chúa Giêsu Đấng được dành riêng là Đấng Cứu Thế của chúng ta.
Chúa Giêsu, vị vua tử đạo
Chúa Giêsu nói: “Ta đến để làm chứng cho sự thật”, dùng một thuật ngữ mạnh mẽ, theo tiếng Hy Lạp, chứa đựng ý nghĩa tử đạo. Nhân chứng là người tử đạo, Đấng xác nhận bằng chính mạng sống mình, máu và tất cả những gì Người là và thuộc về Người, sự thật mà Người tin tưởng. Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật, đó là Lời của Chúa Cha (Ga 17:17) và Người thí mạng sống mình cho Lời này. Sự sống đáp trả sự sống, lời dành cho lời, tình yêu đáp trả tình yêu. Chúa Giêsu là Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng (Kh 3:14); trong Người, chỉ có một lời “xin vâng”, đến muôn đời và ngay từ ban đầu, và trong lời “xin vâng” này Người ban cho chúng ta toàn bộ sự thật về Chúa Cha, về chính Người, về Chúa Thánh Thần, và trong sự thật này, trong ánh sáng này, Người làm cho chúng ta thuộc về vương quốc của Người. Những ai trông cậy Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương” (Kn 3:8-9). Tôi không tìm kiếm những lời nào hơn, tôi chỉ ở gần Chúa, tựa đầu vào lòng Người, như Gioan vào đêm ấy. Vì thế, Người trở thành hơi thở của tôi, thị lực của tôi, lời “xin vâng” của tôi được nói với Chúa Cha, với anh chị em tôi, trong sự làm chứng tình yêu của tôi. Người là Đấng trung thành, Đấng hiện hữu, Sự Thật mà tôi lắng nghe và bởi Người, tôi đã để cho mình được biến đổi.
6. Thánh Vịnh 21 (20)
Bài thánh ca tạ ơn cho sự chiến thắng,
Đến từ Thiên Chúa
Đáp ca: Lạy Chúa, tuyệt vời thay tình yêu của Chúa dành cho chúng con!
Lạy CHÚA, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng,
Ngài đã chiến thắng, vua hoan hỷ dường nào!
Lòng vua ước nguyện sao, Chúa đã ban như vậy,
miệng vua khấn xin gì, Ngài cũng không từ chối.
Chúa đã ân cần ban muôn phúc lộc,
vương miện vàng, Ngài đội cho vua.
Vua xin được sống, Ngài cho được sống,
năm tháng dài lâu, tuổi thọ miên trường.
Vì Ngài chiến thắng, nên nhà vua rực rỡ vinh quang,
Ngài cho vua được oai phong lẫm liệt.
Ngài đặt vua làm nguồn hạnh phúc đến muôn đời
và cho vua được hớn hở vui mừng trước Nhan Thánh.
Quả thế, vua tin tưởng vào Chúa Tối Cao,
và nhờ CHÚA yêu thương, vua không hề lay chuyển.
Lạy CHÚA, xin đứng lên mạnh mẽ oai hùng,
chúng con sẽ đàn ca chúc tụng quyền năng Chúa.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Cha, con ngợi khen Cha, con chúc tụng Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã dẫn con đến cùng với Con Cha, Chúa Giêsu, vào trong dinh quan Philatô, vào trong miền đất xa lạ và thù nghịch này, nhưng là miền đất về sự mặc khải và ánh sáng. Chỉ có Cha, trong tình yêu vô biên của Cha, có thể chuyển đổi mọi khoảng cách và mọi tối tăm thành nơi của sự gặp gỡ và sự sống.
Con cảm tạ Cha vì Cha đã mang lại thời gian an ủi, khi Cha sai Chiên Con của Cha, ngự trên ngai tòa, nhưng là một vị vua hằng sống hiến tế. Máu của Người là những giọt sương ban sự sống, xức dầu với sự cứu rỗi. Con xin cảm tạ Cha bởi vì Người hằng luôn nói và ca ngợi với con về sự thật của Cha, tất cả là tình yêu và lòng thương xót. Con muốn được là một khí cụ trong tay vua của con, Đức Giêsu, để truyền đạt tất cả các câu an ủi của Lời Cha.
Lạy Cha, hôm nay con đã lắng nghe Cha trong đoạn Phúc Âm này. Xin hãy ban cho con đôi tai không bao giờ chán lắng nghe lời Cha, lời Con Một Cha, lời của Chúa Thánh Thần. Xin hãy ban cho con có thể được tái sinh từ sự thật để con có thể làm chứng cho sự thật.