Khởi đầu của thời đại mới
Hãy chú ý! Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào!
Lc 21:25-28, 34-36
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Phúc Âm theo thánh Luca 21:25-28, 34-36
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này đưa chúng ta đến suy niệm bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế. Ngày nay, khi chúng ta nói về tận thế, những phản ứng khá là đa dạng. Có người thì sợ hãi. Một số thì không quan tâm. Những người khác thì bắt đầu có cuộc sống nghiêm túc hơn. Còn một số khác, ngay khi họ nghe thấy một vài tin tức kinh hoàng, vẫn còn nói: “Ngày tận thế đang gần kề!” Còn bạn thì sao? Ý kiến của bạn về vấn đề này là gì? Làm thế nào mà lại vào lúc bắt đầu của năm phụng vụ, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Giáo Hội lại cho đối diện với chúng ta bằng sự kết thúc của lịch sử như thế?
Hãy ghi nhớ những câu hỏi này trong tâm trí, bây giờ chúng ta hãy cố gắng đọc bài Tin Mừng theo một cách mà nó có thể thách thức và chất vấn chúng ta.
Trong quá trình đọc bài đọc, chúng ta sẽ cố gắng không tập trung vào những điều đáng sợ hãi, mà vào những gì cho chúng ta niềm hy vọng.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 21:25-26: Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các tinh tú.
Lc 21:27: Con Người sẽ ngự đến trên đám mây
Lc 21:28: Sự tái sinh hy vọng trong tâm hồn chúng ta.
(Lc 21-29-31: Bài học về dụ ngôn cây vả.)
Lc 21:34-36: Lời kêu gọi tỉnh thức.
25 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. 26 Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. 27 Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. 28 Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
34 Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, 35 như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. 36 Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Bạn đã cảm thấy thế nào khi đọc bài đọc? Tại sao?
b) Bạn có gặp thấy bất cứ điều gì trong bài Tin Mừng đã cho bạn niềm hy vọng và lòng can đảm không?
c) Ngày nay điều gì khuyến khích người ta phải có hy vọng và tiếp tục sống?
d) Tại sao vào lúc bắt đầu Mùa Vọng, Giáo Hội lại cho đối mặt với chúng ta về sự kết thúc của thế gian?”
e) Chúng ta sẽ trả lời ra sao với những người nói rằng ngày tận thế đã gần kề?
f) Chúng ta hiểu được hình ảnh về Con Người ngự đến trên đám mây như thế nào?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.
i) Bối cảnh về bài giảng của Chúa Giêsu
Văn bản của bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Lc 21:25-28, 34-36) là một phần của việc gọi là “Bài Giảng Cánh Chung” (Lc 218-36). Trong sách Tin Mừng của Luca, bài giảng này được trình bày như là câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của các môn đệ đặt ra cho Người. Nhìn vào vẻ tráng lệ và nguy nga của đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nói: “Không còn tảng đá nào đứng trên tảng đá nào!” (Lc 21:5-6). Các môn đệ đang tìm kiếm thêm tin tức từ Chúa Giêsu liên quan đến việc sụp đổ của đền thờ, và các ông hỏi: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” (Lc 21:7).
- Mục đích của bài giảng: giúp phân định các sự kiện
Vào thời Chúa Giêsu (năm 33), nhiều người, khi phải đối diện với thiên tai, chiến tranh và bách hại, nói rằng: “Ngày tận ghế sắp đến rồi!” Các cộng đoàn thời Luca (năm 85) cũng nghĩ như vậy. Ngoài ra, trong lúc thành Giêrusalem bị phá hủy (năm 70) và cuộc bách hại các Kitô hữu, lúc ấy đã tiếp diễn suốt 40 năm, có những kẻ đã nói rằng: “Thiên Chúa không còn kiểm soát được các sự kiện của cuộc sống nữa! Chúng ta bị bại rồi!” Do đó, điểm chính của bài giảng là để giúp các môn đệ nhận ra các dấu chỉ thời đại để không bị phỉnh lừa bởi những lời nói liên quan đến ngày tận thế: “Các con hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt!” (Lc 21:8). Bài giảng trình bày một số dấu chỉ để giúp chúng ta trong việc phân định.
- Sáu dấu chỉ để giúp chúng ta phân định các sự kiện của cuộc sống
Sau lời giới thiệu ngắn (Lc 21:5) bài giảng chính thức bắt đầu. Chúa Giêsu liệt kê, trong phong cách khải huyền, các sự kiện có thể được nhìn thấy như là những điềm chỉ. Điều quan trọng là phải nhớ rằng Chúa Giêsu đang còn sống và nói năng vào năm 33, nhưng các độc giả của Luca đang sống và lắng nghe Lời Chúa Giêsu vào khoảng năm 85. Nhiều điều đã xảy ra trong khoảng thời gian giữa các năm 33 và 85, ví dụ: sự tàn phá của thành Giêrusalem (năm 70), cuộc bách hại và chiến tranh ở khắp mọi nơi, một số thiên tai. Bài giảng của Chúa Giêsu loan báo những sự kiện này như là những việc xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên cộng đoàn nhìn thấy những điều này như là trong quá khứ, những việc đã xảy ra rồi:
Dấu chỉ thứ nhất: các tiên tri giả sẽ nói: “Chính Ta đây! Thời điểm đã đến gần!” (Lc 21:8);
Dấu chỉ thứ hai: chiến tranh và các tin đồn về chiến tranh loạn lạc (Lc 21:9);
Dấu chỉ thứ ba: nước này chống nước nọ (Lc 21:10);
Dấu chỉ thứ tư: động đất, ôn dịch và đói kém khắp nơi (Lc 21:11);
Dấu chỉ thứ năm: việc bách hại những kẻ rao giảng Lời Chúa (Lc 21:12-19);
Dấu chỉ thứ sáu: cuộc vây hãm và tàn phá thành Giêrusalem (Lc 21:20-24).
Khi họ nghe thấy lời loan báo của Chúa Giêsu: “Tất cả những việc này đã xảy ra hoặc đang trong quá trình xảy ra! Tất cả những điều này đã xảy ra theo một kế hoạch dự kiến của Chúa Giêsu! Như vậy lịch sử không hề trượt khỏi bàn tay Thiên Chúa!” Đặc biệt là đối với dấu chỉ thứ năm và thứ sáu, họ có thể nói: “Đây là những gì chúng tôi đang trải qua hôm nay! Chúng tôi đã đi đến dấu chỉ thứ sáu!” Tiếp theo sau đó là một câu hỏi: Còn bao nhiêu dấu chỉ nữa thì đến ngày tận thế?
Trong Tin Mừng của Máccô, Chúa Giêsu nói về những điều tất cả dường như rất tiêu cực: “Những sự việc này là khởi đầu các cơn đau đớn!” (Mc 13:8) Mặc dù nỗi đau trong lúc chuyển dạ thì rất là đau đớn cho người mẹ, chúng không là dấu hiệu của cái chết mà là của sự sống! Không có lý do gì phải sợ hãi, mà là để vui mừng và hy vọng! Bằng cách này, đọc các sự kiện mang lại bình tĩnh cho tất cả mọi người. Như chúng ta sẽ thấy, thánh Luca diễn tả cùng một ý tưởng này nhưng trong một lối nói khác nhau (Lc 21:28).
Sau phần đầu của bài giảng này (Lc 21:8-24) thì sẽ đến văn bản Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng.
ii) Lời bình luận về văn bản
Lc 21:25-26: Những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao
Hai câu Tin Mừng này mô tả ba hiện tượng của vũ trụ: (1) “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao”; (2) “Biển gầm sóng vỗ”; (3) Các tầng trời sẽ rung chuyển”. Trong thập niên tám mươi, khi Luca đang viết, ba hiện tượng này chưa xảy ra. Các cộng đoàn có thể nói: “Đây là điềm lạ thứ bảy và điềm lạ cuối cùng vẫn chưa xảy đến trước khi tận thế!” Thoạt nhìn, điềm lạ thứ bảy dường như khủng khiếp hơn những điềm lạ trước đó, đặc biệt là Luca nói rằng người ta sẽ sợ hãi kinh hồn và chờ đợi những gì sẽ xảy ra trong vũ trụ. Thật ra, mặc dù sự xuất hiện tiêu cực của chúng, những hình ảnh vũ trụ này gợi ý cho một điều gì đó rất tích cực, cụ thể là, khởi đầu của một sáng tạo thế giới mới sẽ thay thế cho sáng tạo cũ (xem Kh 21:1). Đó là sự khởi đầu cho một trời mới và đất mới, được công bố bởi tiên Isaia (Is:65:17). Chúng mở đường cho sự hiện đến của Con Thiên Chúa, khởi đầu của thời đại mới.
Lc 21:27: Sự hiện đến của Nước Thiên Chúa và sự hiển thị của Con Người
Hình ảnh hiện đến này xuất xứ từ lời tiên tri Đanien (Đn 7:1-14). Tiên tri Đanien nói rằng sau khi thiên tai gây ra bởi bốn vương quốc trái đất này (Đn 7:1-8), Vương Quốc Thiên Chúa sẽ đến (Đn 7:9-14). Bốn vương quốc, tất cả đều có các thú vật điển hình: sư tử, gấu, beo, và thú hoang (Đn 7:3-7). Những thú vật này – giống như các vương quốc. Chúng lấy đi sinh mạng ra khỏi đời sống (thậm chí cho đến ngày nay!). Nước Thiên Chúa được đại diện bởi hình ảnh Con Người, đó là, nó có những nét đặc trưng của loài người (Đn 7:13). Đó là vương quốc loài người. Nhiệm vụ của các cộng đoàn Kitô hữu là xây dựng vương quốc này theo nhân tính hóa. Đây là lịch sử mới, tạo dựng mới, mà chúng ta phải cộng tác vào trong việc thực hiện.
Lc 21:28: Niềm hy vọng lớn lên trong tim
Trong Tin Mừng của Máccô, Chúa Giêsu nói: “Những sự việc ấy là khởi đầu các đau đớn!” (Mc 13:8) Tại đây, trong Tin Mừng thánh Luca, Chúa Giêsu nói rằng: “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến!” Lời khẳng định này cho thấy rằng mục đích của bài thuyết giảng không phải là để gây ra sự sợ hãi mà là để nâng cao niềm hy vọng và vui mừng trong lòng người dân chịu đau khổ vì sự bách hại. Lời của Chúa Giêsu đã trợ giúp (và vẫn còn trợ giúp) các cộng đoàn nhìn các sự kiện từ quan điểm của hy vọng. Chính những kẻ đàn áp và khai thác người khác là những kẻ đáng phải lo sợ. Thật vậy, họ phải biết rằng đế quốc của họ đã kết thúc.
Lc 21:29-33: Bài học dụ ngôn cây vả
Khi Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nhìn vào cây vả, Người muốn chúng ta phân tích các sự kiện đang diễn ra. Như thể là Người đang nói: “Các con hãy học cách đọc các dấu chỉ về thời gian từ cây vả và để các con có thể khám phá ra khi nào và ở đâu Thiên Chúa sẽ đi vào lịch sử của các con!” Sau đó, Người kết thúc bài học dụ ngôn với những lời này: “Trời đất này sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ không qua đi!” Bằng vào câu nói rất nổi tiếng này, Chúa Giêsu đổi mới hy vọng và một lần nữa ám chỉ đến việc tác tạo mới đã được bắt đầu.
Lc 21:34-36: Lời khuyên cảnh giác
Thiên Chúa luôn luôn sắp đến! Việc hiện đến của Người xảy ra vào lúc bất ngờ nhất. Có thể là Người quang lâm và người ta không hay biết về ngày giờ quang lâm của Người (xem Mt 24:37-39). Chúa Giêsu khuyên nhủ người ta phải thường xuyên tỉnh thức: (1) tránh tất cả những việc khiến cho lòng trở nên nặng nề và mất yên tĩnh (phóng đãng, chè chén say sưa và lo lắng việc đời); (2) luôn cầu nguyện, cầu xin sức mạnh để tiếp tục và đứng vững chờ đợi sự quang lâm của Con Người. Nói cách khác, bài giảng đòi hỏi một thái độ lưỡng diện: một mặt, sự cảnh giác của người luôn ý thức, và mặt khác, sự điềm tĩnh thanh thản của người sống trong bình an. Những thái độ này là dấu hiệu của sự rất trưởng thành, bởi vì chúng gom lại ý thức về mức độ nghiêm trọng của nhiệm vụ và nâng cao nhận thức về sự tương đối của tất cả mọi thứ.
iii) Phần phụ chú để giúp hiểu rõ hơn bài Tin Mừng
a) Khi tận thế sẽ đến
Khi chúng ta nói “Ngày cùng tận của thế giới”, thế giới nào mà chúng ta đang nói tới đây? Đó có phải là ngày tận thế mà Kinh Thánh nói đến hay là sự kết thúc của thế gian này nơi mà quyền lực của sự dữ lôi cuốn và áp đặt cuộc sống? Thế gian bất công này sẽ đi đến lúc kết thúc. Không ai biết rằng thế giới sẽ ra sao, bởi vì không ai có thể nghĩ ra được những gì Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người (1 Cr 2:9). Thế giới mới của đời sống không có sự chết (Kh 21:4) vượt qua tất cả mọi thứ cũng giống như cái cây vượt qua hạt giống của nó (1 Cr 15:35-38). Các Kitô hữu tiên khởi đã lo lắng và muốn biết khi nào thì tận thế (2 Tx 2:2; Cv 1:11). Nhưng “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1:7). Cách duy nhất để đóng góp vào sự kết thúc là “Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến” (Cv 3:20), để làm chứng cho Tin Mừng trong mọi thời điểm và hành động thậm chí cho đến tận cùng trái đất (Cv 1:8).
b) Thời giờ của chúng ta! Thời giờ của Thiên Chúa!
“Còn về ngày đó hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên thần trên trời, hay Chúa Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mk 13:32; Mt 24:36). Thiên Chúa sắp đặt thời điểm cho việc mạt thế. Thời giờ của Thiên Chúa không thể được đo lường bằng chiếc đồng hồ hoặc tấm lịch. Đối với Thiên Chúa, một ngày thì giống như ngàn năm, và ngàn năm giống như một ngày (Tv 90:4; Pr 3:8). Thời giờ của Thiên Chúa thì trôi một cách độc lập với thời giờ của chúng ta. Chúng ta không thể can thiệp vào điều ấy, nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho thời khắc khi Thiên Chúa xuất hiện trong thời gian của chúng ta. Sự an toàn của chúng ta không ở chỗ biết về ngày giờ của việc tận thế, mà ở Lời của Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta. Thế gian này sẽ qua đi, nhưng Lời của Chúa sẽ không qua đi (xem Is 40:7-9).
c) Bối cảnh của bài Tin Mừng chúng ta trong Phúc Âm Luca
Đối với chúng ta là những người sống trong thế kỷ thứ 21, ngôn ngữ khải huyền dường như là xa lạ, khó hiểu và mơ hồ. Nhưng đối với những kẻ sống vào thời ấy, đó là một cách nói phổ biến và mọi người đều hiểu. Nó diễn tả sự tin tưởng mạnh mẽ của những kẻ bé mọn. Bất chấp tất cả và ngược lại với mọi phong thái, họ đã tiếp tục tin tưởng rằng Thiên Chúa là Chúa của lịch sử. Mục đích chính của ngôn ngữ khải huyền là để nuôi dưỡng đức tin và lòng hy vọng của người nghèo. Vào thời Luca, nhiều người trong các cộng đoàn nghĩ rằng tận thế đã gần kề và Chúa Giêsu sẽ trở lại. Đó là lý do tại sao có những người đã ngưng làm việc: “Tại sao lại làm việc, nếu Đức Giêsu đang quay trở lại?” (Xem 2 Tx 3:11). Những người khác nhìn chằm chằm lên thiên đàng, chờ đợi sự tái quang lâm của Chúa Giêsu trên đám mây (xem Cv 1:11). Bài giảng của Chúa Giêsu cho thấy rằng không ai biết rõ ngày giờ tận thế. Ngày nay chúng ta cũng có điều tương tự! Một số người đang chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu đến nỗi mà họ không nhìn thấy sự hiện diện của Người ở giữa chúng ta, trong các sự kiện và mối lo lắng hằng ngày của chúng ta.
6. Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 46 (45)
Thiên Chúa là dũng lực của chúng ta
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa!
“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu!”
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.