Home / Event / Lectio Divina: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lectio Divina: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Date: Thứ Hai 9 Tháng Mười Hai, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Truyền Tin cho Đức Trinh Nữ Maria

Lc 1:26-38

 

1.  Bài Đọc

a)  Lời nguyện mở đầu

 Vui mừng lên, hỡi Đức Trinh Nữ Maria,

Ngôi sao của nhà Giacóp đã xuất hiện,

Hôm nay lời Kinh Thánh được hoàn thành;

Chúa đến như đám mây đầy hứa hẹn.

Thiên Chúa của chúng ta đang đến, Người không ở trong im lặng;

Hãy chú ý đến lời chào mừng của Người.

Lời từ môi Người thật ngọt ngào,

Cao quý thay trái tim Người.

Nó tỏa sáng như đôi cánh bồ câu

Lễ phục của sứ giả Ngài,

Như làn gió nhẹ mùa hè ngự xuống trên Chúa,

Đầy hứa hẹn, là điều an ủi.

Thiên Chúa của chúng con hiển thị dũng lực của Ngài,

Trong thân xác anh em, Người tìm thấy nghỉ ngơi;

Trong anh em, Người tìm thấy sự tôn nghiêm,

Hãy ca tụng Người và yêu mến Người mãi mãi.

Này kìa, đoàn tùy tùng của Người xuất hiện,

Trước nhan Ngài, công lý tuần hành.

Người sẽ chinh phục niềm tự hào của người dũng mãnh,

Và ban khí lực cho kẻ khiêm nhu.

Người sẽ lan tỏa lòng thương xót của mình

Trên những kẻ kính sợ danh Người;

Người tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa,

Đan dệt những lời ca ngợi Tình Yêu của Chúa.

b)  Tin Mừng:

Lc 1:26-38

 26 Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, 27 đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. 28 Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng:  “KÍnh chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên

Chúa ở cùng trinh nữ!” 29 Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.  30 Thiên thần liền thưa:  “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa.  31 Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu.  32 Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. 33 Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận.” 34 Nhưng Maria thưa với thiên thần:  “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” 35 Thiên thần thưa:  “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ.  Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Và này, Isave, chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; 37 vì không có việc gì mà Chúa không làm được.” 38 Maria liền thưa:  “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.”  Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

 Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy Niệm

a)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc: 

Dù rằng chúng ta lần nữa lại chọn các chủ đề của các thánh Mátthêu và Máccô, Tin Mừng theo thánh Luca là tác phẩm nguyên bản dưới nhiều khía cạnh.  Thánh sử đã chèn vào lời tường thuật của ông các tài liệu mới liên quan đến các câu chuyện Tin Mừng khác.  Trong hai chương đầu tiên nói về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, thánh Luca theo truyền thống của người Do Thái, với nhiều dẫn đoạn tham khảo trực tiếp và gián tiếp về các sách Cựu Ước.  Thần học, thuyết biểu tượng và toàn bộ câu chuyện về thời thơ ấu của Chúa Giêsu đặt căn bản trong thế giới người Do Thái, khác với nhiều câu Kinh Thánh của thế gian và tư tưởng Hy Lạp.  Tác giả Phúc Âm đặt khởi đầu câu chuyện của mình trong môi trường của “anawim”, những người nghèo khó của Chúa, đó là những người chịu quy phục với lòng vị tha cho Thánh Ý của Thiên Chúa, vững chãi trong đức tin rằng Chúa sẽ ban ơn cứu rỗi cho họ trong thời gian thích hợp.  Đối với những kẻ nghèo khó, Chúa hứa sẽ sai Đấng Cứu Thế đến để mang lại tin vui cho những kẻ đau buồn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Giavê và một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; yên ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on…” (Is 61:1 và các câu tiếp theo).  Lời hứa này của Thiên Chúa được thực hiên nơi Đức Giêsu thành Nagiarét là người đang bước vào “Hội Đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbát” (Lc 4:16) công bố rằng lời hứa của Thiên Chúa được loan báo bởi tiên tri Isaia “hôm nay đã được ứng nghiệm” (Lc 4:21) trong Người.  Chỉ có “những người nghèo hèn”  mới có thể chấp nhận Tin Mừng về ơn cứu độ từ Con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria (Lc 4:22; Mt 13:53-58; Mc 6:1-5; Ga 1:45), những người khác thì rất tiếc là lại cảm thấy chướng tai gai mắt bởi vì Người.  Đấng Cứu Thế thì khiêm nhu và tử tế, “miệng Người” thốt ra “những lời ân sủng” (Lc 4:22), và đây là lý do tại sao để tiếp nhận Người, người ta cần phải chuẩn bị bản thân, đi vào chính mình để tiếp nhận Đấng Được Hứa của nhà Israel.  Đây là lý do tại sao Thiên Chúa nhắc nhở bằng các phương tiện của vị Tiên Tri:  “Hãy tìm kiếm Đức Chúa, hỡi tất cả các bạn khiêm tốn của trái đất, là Đấng chấp hành các mệnh lệnh.  Hãy tìm kiếm sự công chính, hãy tìm kiếm sự khiêm nhường:  may ra bạn sẽ tìm được nơi trú ẩn, trong Ngày thịnh nộ của Đấng Giavê” (Xp 1:3).

Trong bối cảnh này, “Khi bà Isave có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nagiarét, gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavít.  Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1:26-27).  Đức Trinh Nữ này là một trong những “người nghèo hèn” mà Chúa mặc khải ơn cứu độ của mình.  Cùng với bà cũng có hai “người nghèo hèn khác đã luống tuổi” (Lc 1:7), “một thày tư tế tên là Giacaria” và “bà Isave là người hiếm hoi” và vì thế đã không có con (Lc 1:5-7).  Cũng với hai kẻ bị hổ nhục này (St 30:33; 1Sm1:5-8; 1Sm 6:23; Hs 9:11) ơn cứu rỗi của Chúa được công bố.  Thật không may tại Giêrusalem, trong Đền Thờ, đang khi lo việc tế tự, nơi của sự mặc khải, của quyền năng và vinh hiển của Thiên Chúa, Tin Mừng này đã không được chấp nhận bởi người tư tế (Lc 1:8-23).  Nhưng Lời Chúa không bị ràng buộc và không thể bị giới hạn.  Trên thực tế, Đấng Thánh của nhà Israel phán:  “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:10-11).  Đây là lý do tại sao bà Isave “tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai và, bà ấy là người vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.  Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:36-37).  Đây cũng sẽ là sự kiện dành cho Đức Maria như một dấu chỉ “quyền năng của Đấng Tối Cao” (Lc 1:35) sẽ ngự xuống và rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa qua quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ “ngự” xuống trên bà (Lc 1:34-35).  Con Trẻ sẽ được đặt tên là Giêsu, “Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của vua Đavít, tổ tiên Người; Người sẽ cai trị Nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:31-33).  Những lời này của thiên thần lặp lại hoặc gợi lại lời Chúa phán với vua A-khát:  “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:  Này đây, người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen (Is 7:14).

Đó là lý do tại sao khi Gioan Tẩy Giả còn là bào thai, đó là “trong tháng thứ sáu” (Lc 1:26) Tin Mừng đã được nhận “tại một thành miền Galilê, gọi là Nagiarét” (Lc 1:26) bởi một thiếu nữ, một “trinh nữ đã được hứa hôn” (Lc 1:27).  “Nagiarét” và “Đức Maria” thì đối lại với “Giêrusalem” và “thày tư tế”; cũng giống như câu: “ông đi vào trong” với chữ “đền thờ”.  Chúa tỏ mình ra ở những nơi khiêm tốn và được chấp nhận bởi những kẻ khiêm nhu mà từ nơi đó, theo sự đánh giá của người ta, “làm sao có cái gì mà hay được” (Ga 1:45).  Đức Maria được kêu mời vui mừng:  “Hãy vui mừng lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28).  Sự hiện diện của Chúa ở giữa dân của Người là dịp để vui mừng vì sự hiện diện của Chúa mang đến ơn cứu rỗi và ân sủng.  Lời mời gọi của thiên thần được gửi đến toàn thể Dân của Thiên Chúa trong con người của Đức Maria.  Đó là lý do tại sao, toàn thể Dân Chúa được mời gọi vui mừng, hân hoan trong Chúa, Đấng Cứu Độ của họ.  Đó là niềm vui Đấng Thiên Sai được công bố cho tất cả mọi người:  “Dân Xi-on, hãy reo hò mừng rỡ, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Israel quả thật là vĩ đại” (Is 12:6); “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!  Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi.  Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.  Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa.  Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ…” (Xp 3:14-15); “Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi” (Dcr 2:14).

Việc thụ thai của Chúa Giêsu là một sự kiện mới mẻ, tính ưu việt của sự tạo dựng tương lai mới đã mang lại bởi quyền năng tác tạo của Thiên Chúa, Đấng đến để gặp gỡ với việc bất khả thụ thai của Đức Maria bởi vì bà không biết đến việc vợ chồng (Lc 1:34).  Uy quyền của Đấng Tối Cao bao phủ trên Đức Maria gợi nhớ lại cột mây đi theo với đoàn lũ dân chúng trong sa mạc vào ban ngày (Xh 13:22), cũng bao phủ Núi Sinai tỏ lộ Vinh Quang của Chúa trong sáu ngày (Xh 19:16; 24:17).  Và cũng là dấu hiệu sự che chở của Thiên Chúa, được mở rộng đến người công chính là kẻ kêu cầu đến Danh Thánh Chúa và đặt mình trong bàn tay Thiên Chúa trong lúc bị thử thách (Tv 17:8; 57:2; 140:8).  Trong thời gian tạo dựng, Thần Khí Chúa thổi trên mặt nước, là dấu hiệu quyền năng tác tạo của Lời Thiên Chúa (St 1:2).

Thiên Chúa vượt trội mọi khả năng của con người, không có điều gì là không thể làm được đối với Thiên Chúa (Lc 1:47; St 18:14; Gr 32:27).  Trước mặt Chúa của hân hoan, của sự sống và ơn cứu rỗi, Đức Maria chấp nhận lời sáng tạo và phát sinh của Chúa:  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38).

b)  Một vài câu hỏi để hướng dẫn cho sự suy niệm và thực hành của chúng ta:

  Chúa tỏ mình ra cho “những kẻ nghèo hèn (anawim)” của dân Người.  Theo bạn, ai là những người nghèo hèn đương thời ở giữa chúng ta?

  Nhiều lần, chúng ta cảm thấy rằng mình đang ở trong một thế giới thù địch với sự mặc khải của Thiên Chúa.  Cũng có vẻ như Chúa đã trở nên im lặng, rằng Người không còn mặc khải Lời Chúa ban sự sống nữa.  Điều này có đúng không?  Nếu Người vẫn nói với chúng ta, tôi có thể tìm thấy Lời hằng sống của Người ở đâu?  Làm thế nào để tôi có thể chấp nhận nó?

  Quyền năng của sự dữ dường như bao phủ thế giới của chúng ta không ngừng nghỉ.  Các phương thức đa dạng của áp bức dường như cũng chính là để đàn áp Thiên Chúa của sự hân hoan, của sự tự do, của lòng thương xót.  Đâu là thái độ của bạn trước thực tế này?  Bạn có cảm thấy rằng đoạn Tin Mừng hôm nay linh ứng cho bạn một thái độ công chính trước một tình huống không thể được không?

  Đặc tính thái độ của Đức Maria là gì?  Điều này có cho thấy một việc gì đó trong chính đời sống của bạn không?

3.  Cầu nguyện

a)  Bài Ca Ngợi Khen của Đức Maria:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

Thần trí tôi hớn hở vui mừng

Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

Từ nay, hết mọi đời

Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng toàn năng đã làm cho tôi

Biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,

– Như đã hứa cùng cha ông chúng ta –

Vì Người nhớ lại lòng thương xót

Dành cho tổ phụ Abraham

Và cho con cháu đến muôn đời.

b)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

4.  Chiêm Niệm

[Trong chiêm niệm], trên thực tế, đối với những người mạnh khỏe nó ban cho người ta nhớ lại khi họ ước muốn được ở lại với chính mình, để cần mẫn nuôi dưỡng những mầm đức hạnh và trau dồi bản thân, một cách hạnh phúc, từ những hoa trái của Thiên Đàng.  Ở đây con mắt của cái nhìn thanh thản, được chuộc lại, nó tạo thành những vết thương cho người phối ngẫu với tình yêu, và qua đó sự trong sáng và tinh tuyền của Thiên Chúa được nhìn thấy.  Ở đây là sự thực hành thời gian nghỉ ngơi khó nhọc và việc nghỉ ngơi trong hoạt động yên tĩnh.  Tại đây, bởi vì những mệt mỏi của sự đấu tranh, Thiên Chúa ban cho các vận động viên của Người phần thưởng mong ước, đó là, sự bình an mà thế gian thờ ơ, và niềm hân hoan trong Chúa Thánh Thần.

Đây là bà Ra-khen người đang đi đến, một khía cạnh đẹp, mà ông Giacóp, mặc dù hiếm muộn, được yêu mến nhiều hơn Lia, chắc chắn rằng dồi dào hơn nhưng qua đôi mắt mờ.  Thật ra, những người con của chiêm niệm ít liên quan hơn đến những người của hành động; tuy nhiên, Giuse và Bengiamin, được cha yêu nhiều hơn các anh em khác.

Đây là phần tốt nhất mà Đức Maria đã chọn và không ai có thể lấy đi được.

(Trích thư của Thánh Bruno gửi Rudolph il Verde).

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …