Dọn đường cho Chúa đến
Lc 3:1-6
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Văn bản Tin Mừng của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng nói với chúng ta về ông Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ, sống trong hoang địa dọn đường cho Chúa. Trong nhiều thế kỷ, người ta đã sống trong kỳ vọng về sự giáng thế của Đấng Mêssia, và ách đô hộ của người La Mã ngày càng nặng nề hơn bao giờ hết đã làm gia tăng ước muốn sự hiện đến của Đấng Giải Thoát, Đấng Cứu Độ. Sự hiện diện của ông Gioan trong hoang địa là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa một lần nữa đến thăm dân Người. Ơn cứu chuộc đã đến trong tầm tay!
Thánh Luca cẩn thận đặt việc xuất hiện của ông Gioan Tẩy Giả trong bối cảnh chính trị-xã hội và tôn giáo thời bấy giờ. Về mặt chính trị-xã hội, Philatô là quan tổng trấn xứ Giuđêa, Hêrôđê là thủ hiến xứ Galilêa, Anna và Caipha là các thượng tế. Sau đó, bằng cách dùng một văn bản Kinh Thánh, Luca đặt Gioan trong bối cảnh tôn giáo của kế hoạch Thiên Chúa và nói rằng ông đến để chuẩn bị cho việc thực hiện niềm hy vọng xuống thế làm người của Đấng Thiên Sai.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 3:1-2: Đặt việc làm của Gioan trong thời gian và không gian
Lc 3:3: Tóm tắt các hoạt động chính trị của Gioan
Lc 3:4: Ánh sáng Kinh Thánh làm sáng tỏ các hoạt động của Gioan
c) Tin Mừng:
1 Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến
xứ Galilêa, còn em là Philípphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; 2 Anna
và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.
3 Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, 4như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng:
“Có tiếng kêu trong hoang địa:
Hãy dọn đường Chúa,
hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng,
5 hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi;
con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng,
con đường gồ ghề hãy san cho bằng.
6 Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điều gì trong bài Tin Mừng này đã làm bạn hài lòng nhất hoặc đánh động bạn nhất? Tại sao?
b) Ông Gioan xuất hiện ở đâu và khi nào? Ý nghĩa của việc xác định thời gian và không gian này là gì?
c) Các tài liệu tham khảo Kinh Thánh để hiểu biết những hoạt động của Gioan có ý nghĩa gì?
d) Hoang địa, đường, lối, thung lũng, núi, đồi, đường quanh co, đường gồ ghề: để hiểu rõ hơn về các hoạt động của Chúa Giêsu, những hình ảnh này có ý nghĩa gì?”
e) Sứ điệp của bài Tin Mừng này đối với chúng ta ngày nay là gì?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh xưa và nay
* Luca đặt các hoạt động của ông Gioan Tẩy Giả vào năm thứ mười lăm đời hoàng đế Tibêriô, đế quốc La Mã. Tibêriô ở ngôi hoàng đế từ năm 14 đến năm 37 sau Công Nguyên. Vào năm 63 trước Công Nguyên, hoàng đế La Mã đã đem quân xâm chiếm vùng Paléstine và áp đặt một chế độ nô lệ hà khắc đối với người dân. Các cuộc nổi dậy của dân chúng liên tục theo nhau tiếp nối, đặc biệt trong miền Galilêa, nhưng đã bị trấn áp dã man bởi binh lính La Mã. Từ năm thứ tư trước Công Nguyên đến năm 6 sau Công Nguyên, trong thời gian đó Áckhêlao làm thủ hiến, bạo loạn đã xảy ra trong miền Giuđêa. Vì việc này đã buộc thánh Giuse và đức Maria trở về Nagiarét trong xứ Galilêa mà không về làng Bétlêhem xứ Giuđêa (Mt 2:22). Vào năm thứ 6 sau Công Nguyên, thủ hiến Áckhêlao đã bị truất phế và xứ Giuđêa trở thành một tỉnh thuộc địa của La Mã mà quan tổng trấn được chỉ định trực tiếp bởi Hoàng Đế Rôma. Philatô là một trong các vị quan tổng trấn này. Ông ta cai trị từ năm 25 đến năm 36. Điều thay đổi này trong chế độ chính trị đã mang lại một thời kỳ khá yên ổn, nhưng thỉnh thoảng cũng có những vụ nổi dậy, điển hình là tên phiến loạn Baraba (Mc 15:7) và cuộc đàn áp trực tiếp bởi người La Mã (Lc 13:1), đã là những nhắc nhở về mức độ vô cùng nghiêm trọng của tình hình. Bất cứ một va chạm nhỏ nào cũng đủ để tạo ra ngọn lửa cho cuộc nổi dậy! Yên ổn chỉ là một thỏa thuận tạm ngưng, một cơ hội được tạo ra bởi lịch sử, bởi Thiên Chúa, để người ta nhìn lại cuộc hành trình họ đã thực hiện (xem Lc 13:3-5) và do đó, tránh được sự hủy diệt hoàn toàn. Người Rôma rất tàn nhẫn. Bất kỳ cuộc nổi dậy nào sẽ báo hiệu sự phá hủy của Đền Thờ và Dân Tộc (Ga 11:48; xem Lc 13:34-35; 19:41-44).
* Trong bối cảnh này, vào khoảng năm 28 sau Công Nguyên, Gioan Tẩy Giả xuất hiện như một ngôn sứ trong hoang địa. Luca nói về sự kỳ vọng lớn phát sinh trong dân chúng liên quan đến việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả, là người đã công bố phép rửa hoán cải cho sự tha thứ tội lỗi. Ngày nay cũng có một khát vọng lớn cho sự chuyển đổi và làm hòa với Thiên Chúa, tự biểu lộ theo nhiều cách khác nhau: sự tìm kiếm ý nghĩa đời sống, cuộc tìm kiếm tâm linh, phong trào quốc tế của Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới “Một thế giới khác là điều có thể”, và nhiều phong trào tôn giáo khác nữa. Các cán sự xã hội và các chính trị gia đang tìm kiếm một thế giới nhân bản hơn và do đó xác nhận lòng khát vọng hoán cải và hòa giải với Thiên Chúa. Mùa Vọng là thời gian thích hợp để hồi phục trong chúng ta lòng mong ước cho sự thay đổi, cho sự hoán cải và cho việc đến gần Thiên Chúa hơn.
b) Lời bình luận về văn bản:
Lc 3:1-2: Nhắc nhớ lại những tiên tri xưa
Phương cách mà Luca giới thiệu lời rao giảng của Gioan thì tương tự như những lời tựa cuốn sách của các tiên tri xưa. Những lời này đề cập đến tên của các vị vua vào thời gian hoạt động của các tiên tri. Này nhé, ví dụ, sách tiên tri Isaia (Is 1:1), sách tiên tri Giêrêmia (Gr 1:1-3), sách tiên Hôsê (Hs 1:1), sách tiên tri Amốt (Am 1:1) và các tiên tri khác. Luca làm điều tương tự như vậy để nói rằng nếu cả 500 năm không có một tiên tri nào, thì giờ đây một tiên tri mới đã xuất hiện với tên là Gioan, con ông Giacaria và bà Êlisabéth. Luca lo lắng với việc đặt các sự kiện này trong thời gian và không gian. Ông giới thiệu tên của quan tổng trấn và các thủ hiến và mô tả những nơi Gioan làm việc. Thật ra, lịch sử ơn cứu độ không tách biệt với lịch sử loài người và lịch sử cá nhân.
Mối quan tâm này của Luca, gợi lên sự tò mò của chúng ta. Ngày nay, khi một người được thụ phong linh mục hay khấn trọn, thông thường thì in một tấm thiệp thánh ghi nhớ ngày và nơi chốn lễ thụ phong hoặc lễ khấn và một câu nói có ý nghĩa từ Kinh Thánh hay của một vị thánh được ghi vào để thể hiện tầm quan trọng của việc thụ phong hay lễ khấn trong đời của người ấy. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ bắt gặp một thấm thiệp thánh nói rằng, ví dụ, “Vào năm thứ năm dưới triều đại tổng thống Bush, tổng thống của Hiệp Chủng Quốc; ông Blair là thủ tướng của vương quốc Anh; ông Prodi là thủ tướng nước Ý, ông Zapatero là thủ tướng nước Tây-ban-nha; và Giáo Hoàng Joseph Ratzinger, được gọi là Đức Thánh Cha Biển Đức thứ 16, tôi đã thụ phong chức linh mục để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, ban ánh sáng cho người mù lòa, để giải thoát kẻ bị áp bức và công bố năm Hồng Ân của Chúa!” Tại sao Luca lại chọn cho biết các ngày của lịch sử cứu rỗi cùng với những ngày của lịch sử nhân loại?
Lc 3:3: Ăn năn thống hối và sự tha thứ
Ông Gioan đi khắp miền sông Giođan rao giảng phép rửa sám hối để cầu ơn tha tội. Ăn năn (tiếng Hy Lạp là metanoia) có nghĩa là thay đổi, không chỉ trong hành vi đạo đức của một người, mà cũng còn trong tâm lý của người ấy nữa. Thay đổi trong cách suy nghĩ của người ta! Mọi người nhận thức được rằng cách suy nghĩ của họ bị ảnh hưởng bởi “men của người Pharisêu và men của Hêrôđê” (Mc 8:15), đó là bởi lời tuyên truyền của chính quyền và bởi các viên chức tôn giáo, đã sai trái và phải sửa đổi. Sự tha thứ mang đến sự hòa giải với Thiên Chúa và với những người chung quanh. Bằng cách này, Gioan đang công bố một phương cách mới cho người ta liên kết với Thiên Chúa. Sự hòa giải cũng sẽ là dấu ấn của việc rao giảng của Chúa Giêsu: hòa giải đến những “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22).
Lc 3:4-6: Định nghĩa sứ vụ của Gioan
Thánh Luca trích dẫn văn bản sau đây từ lời tiên tri Isaia để giúp độc giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa lời rao giảng của Gioan: “Có tiếng hô: ‘Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa. Giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu; bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy vì rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán’” (Is 40:3-5). Trong văn bản này, tiên tri Isaia công bố sự trở lại của dân chúng từ nơi lưu đày về lại Paléstine và ông mô tả nó như thể đó là một cuộc Xuất Hành. Giống như người dân trở về từ việc nô dịch ở Babylon, rời bỏ đất Ai Cập và một lần nữa bước chân vào sa mạc. Đối với Luca, Chúa Giêsu bắt đầu một cuộc xuất hành mới được chuẩn bị bằng lời rao giảng của Gioan trong hoang địa. Các sách Tin Mừng của Mátthêu (Mt 3:3) và Máccô (Mc 1:3) cũng trích dẫn cùng một đoạn của sách tiên tri Isaia, nhưng các ông chỉ trích dẫn phần đầu (Is 40:3). Luca trích dẫn đầy đủ bản văn đến điểm mà tiên tri Isaia nói rằng: “và mọi người phàm sẽ cùng thấy vinh quang của Thiên Chúa” (Is 40:5). Câu nói “mọi người phàm” có nghĩa là tất cả nhân loại. Sự khác biệt nhỏ này cho thấy mối quan tâm của Luca cho các giáo đoàn, rằng các tiên tri đã dự báo việc mở rộng này đến cho các dân ngoại! Chúa Giêsu đã đến không chỉ riêng cho người Do Thái mà để cho “mọi người phàm” có thể nhìn thấy quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Luca viết sách Tin Mừng của ông cho giáo đoàn ở Hy Lạp, mà hầu hết là những dân ngoại đã tòng giáo.
c) Phần phụ chú để giúp hiểu rõ hơn bài Tin Mừng:
Gioan, vị tiên tri – Từ thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, lời tiên tri đã chấm dứt. Có lời chép rằng: “ngôn sứ cũng chẳng còn” (Tv 74:9). Người ta phải sống trong kỳ vọng của lời ngôn sứ được hứa hẹn bởi Môisen (Đnl 18:15; 1 Mcb 4:46; 14:41). Thời gian chờ đợi dài đăng đẵng này đã kết thúc với sự xuất hiện của Gioan (Lc 16:16). Người ta đã không coi Gioan là kẻ nổi loạn như Baraba, hoặc giống như một Kinh sư hay người Pharisêu, mà như là một ngôn sứ được mong mỏi bởi tất cả mọi người (Lc 1:76). Nhiều người nghĩ rằng ông là Đấng Cứu Thế. Ngay cả trong thời thánh Luca, vào những năm 80, vẫn còn những người nghĩ rằng Gioan là Đấng Cứu Thế (Cv 19:1-6).
Gioan xuất hiện và công bố: “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Trời đã gần kề!” (Mt 3:2). Ông đã bị bỏ tù vì lòng can đảm của mình trong việc tố cáo các tội lỗi của người ta và của những kẻ cầm quyền (Lc 3:19-20). Khi Chúa Giêsu nghe được tin Gioan đang ở trong tù, Người đã trở về Galilêa và công bố cùng một sứ điệp như Gioan: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15) Chúa Giêsu tiếp tục công việc nơi Gioan bỏ dở và tiến xa hơn. Phần Cựu Ước kết thúc với Gioan và trong Chúa Giêsu phần Tân Ước bắt đầu. Ngay cả Chúa Giêsu còn nói: “Ta nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông” (Lc 7:28).
Nội dung lời rao giảng của Gioan (Lc 3:7-18) – Ông Gioan thu hút đám đông dân chúng bằng lời rao giảng về phép rửa của sự hoán cải và tha thứ tội lỗi. Điều này cho thấy rằng người ta đã sẵn sàng để thay đổi và muốn liên kết với Thiên Chúa trong một đường lối mới. Gioan tố cáo tội lỗi và lên án những kẻ có đặc quyền. Ông nói rằng: là con cháu của Abraham thì không có bảo đảm gì cũng như không có bất kỳ lợi thế nào trước mặt Thiên Chúa. Ông nói: Đối với Thiên Chúa, hòn đá và con cháu Abraham đều như nhau, bởi vì “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham!” (Lc 3:8). Điểm lợi thế của một người trước nhãn quan của Thiên Chúa thì không phải là đặc quyền làm con cháu của ông Abraham mà là các hành động đã nảy sinh hoa trái tốt lành.
Luca nói về ba loại người đến hỏi ông Gioan: “Chúng tôi phải làm gì?”: của đám đông (Lc 3:10), của những kẻ thu thuế (Lc 3:12), và của các binh lính (Lc 3:14). Câu trả lời cho đám đông thì đơn giản: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy!” (Lc 3:11) Đây là một câu trả lời rõ ràng: chia sẻ của cải là điều kiện để nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và để vượt qua từ thời kỳ Cựu Ước sang Tân Ước. Trong câu trả lời của ông dành cho những người thu thuế (Lc 3:13) và binh lính (Lc 3:14), Gioan yêu cầu điều tương tự, nhưng áp dụng cho tình cảnh của họ. Những người thu thuế thì không được đòi hỏi những gì quá mức ấn định. Việc khai thác người dân bởi các kẻ thu thuế đã là một bệnh dịch trong xã hội thời bấy giờ. Các binh lính không được hà hiếp ai, cũng không tống tiền người ta, và phải an phận với số lương của mình.
Vào những năm 80, khi Luca đang viết sách Tin Mừng, nhiều người vẫn còn cho rằng ông Gioan là Đấng Cứu Thế (Xem Cv 19:3; 13, 15). Luca trích dẫn lời của Gioan để giúp người đọc đặt để hình ảnh của Gioan trong khuôn khổ của lịch sử cứu độ. Ông Gioan thừa nhận rằng Chúa Giêsu là Đấng mạnh mẽ hơn. Sự khác biệt giữa ông và Chúa Giêsu là ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ được truyền qua Chúa Giêsu. Luca cho thấy rằng khái niệm của ông Gioan về Đấng Cứu Thế cũng chưa hoàn hảo. Đối với Gioan, Đấng Mêssia sẽ là một vị thẩm phán nghiêm khắc, sẵn sàng để ban ra sự phán xét và hình phạt (Lc 3:17). Có lẽ đó là lý do tại sao ông Gioan, sau đó, đã gặp khó khăn trong việc nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêssia (Lc 7:18-28), bởi vì Đức Giêsu đã không hành xử giống như một vị phán quan nghiêm khắc trừng phạt. Thay vì đó, Người lại nói: “Ta không phán xét ai cả!” (Ga 8:15; 12:47). Thay vì phán xét và trừng phạt, Chúa Giêsu cho thấy sự dịu dàng, đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ăn uống với họ.
6. Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 15 (14)
Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?
Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài?
Là kẻ sống vẹn toàn,
luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,
miệng lưỡi chẳng vu oan,
không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác,
trọng ai kính CHÚA TRỜI,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,
cho vay không đặt lãi,
chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.