Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Chay (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Chay (B)

Date: Chủ Nhật 18 Tháng 2, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Vượt qua sự cám dỗ với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời

Mc 1:12-15

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Nội dung phần Phụng Vụ của Chúa Nhật tuần này giới thiệu với chúng ta về thời gian khởi đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu: bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, những cám dỗ của Satan, vụ bắt giữ Gioan Tẩy Giả, bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng của Chúa và bản tóm tắt ngắn gọn bốn điểm liên quan đến những điều mà Chúa Giêsu công bố với dân chúng trong quê hương của Người. Trong khi đọc, chúng ta hãy chú ý đến hai điểm sau đây: Chúa Giêsu công bố điều gì với dân chúng? Và Người đòi hỏi ở chúng ta điều gì?

b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mc 1:12-13: Tin Mừng bị thử thách và được đem ra thử thách trong hoang địa.

Mc 1:14: Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa.

Mc 1:15: Bản tóm tắt Tin Mừng Thiên Chúa.

c) Phúc Âm:

12 Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa. 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú, và các thiên thần hầu hạ Người.

14 Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a) Phần nào của bài Tin Mừng mà bạn thích nhất và phần nào đã gây sự chú ý cho bạn? Tại sao?

b) Bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, và sau đó, là những cám dỗ. Chi tiết này có ý nghĩa gì cho cộng đoàn vào thời Máccô? Nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

c) Chính vì việc bắt giữ Gioan Tẩy Giả đã khiến Chúa Giêsu trở lại xứ Galilêa và bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa. Chi tiết này có ý nghĩa gì cho cộng đoàn vào thời Máccô? Nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

d) Tin Mừng mà Chúa Giêsu công bố có bốn điểm. Đó là những điểm gì? Mỗi điểm có ý nghĩa gì?

e) Ngày nay, tất cả những điểm này gửi đến cho chúng ta sứ điệp gì?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

a.  Bối cảnh văn bản trong Tin Mừng Máccô:

*  Tin Mừng của Thiên Chúa, được chuẩn bị qua suốt dòng lịch sử (Mc 1:1-8), đã được Chúa Cha long trọng công bố lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa (Mc 1:9-11). Giờ đây, trong bài Tin Mừng của chúng ta, lời công bố này được đem ra thử thách trong hoang địa (Mc 1:12-13) và ngay lập tức, kết quả của thời gian chuẩn bị lâu dài trở nên rõ ràng. Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng công khai giữa dân chúng (Mc 1:14-15).

*  Trong thời gian thập niên 70, lúc mà thánh Máccô đang viết sách này, khi các Kitô hữu đọc lời mô tả về sự khởi đầu Tin Mừng này, họ cũng nhìn vào gương của đời sống chính họ. Hoang địa, cám dỗ, ngục tù, đây là những điều mà họ đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, giống như Đức Giêsu, họ đã cố gắng để công bố Tin Mừng của Thiên Chúa.

b.  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:

* Mc 1:12-13: Tin Mừng bị thử thách và được đem ra thử thách trong hoang địa.

Sau khi chịu phép rửa, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu và dẫn Người vào hoang địa, ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, Chúa chuẩn bị cho sứ vụ của Người (Mc 1:12). Máccô kể rằng Chúa Giêsu ở lại trong hoang địa suốt bốn mươi đêm ngày và bị Satan cám dỗ. Trong đoạn Mt 4:1-11, những sự cám dỗ được mô tả chi tiết hơn, sự cám dỗ của cơm bánh, cám dỗ của thanh thế và cám dỗ của quyền lực. Đây là ba sự cám dỗ mà dân Do Thái đã trải qua trong sa mạc sau khi rời khỏi đất Ai-cập (Đnl 8:3; 6:13-16). Cám dỗ là bất cứ điều gì lôi kéo người ta lìa xa con đường hướng về Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Do Thái đã viết: “Đức Giêsu đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15). Chọn đường hướng của mình từ Lời Chúa, Đức Giêsu đã đối diện với những cám dỗ (Mt 4:4,7,10). Được đặt ở giữa những người nghèo khó và hiệp thông với Chúa Cha trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu vẫn trung tín với cả hai, chống lại và tiếp tục trên con đường của Đấng Mêssia Tôi Tớ, con đường phục vụ Thiên Chúa và phục vụ muôn người (Mt 20:28).

* Mc 1:14: Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng.

Trong khi Chúa Giêsu đang chuẩn bị trong hoang địa, ông Gioan Tẩy Giả đã bị Hêrôđê bắt giữ. Sách Tin Mừng viết: Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa. Việc Gioan Tẩy Giả bị bắt đã không làm Chúa Giêsu ngạc nhiên, mà còn trái lại. Kinh nghiệm của phép rửa đã mở mắt Người. Trong việc bắt giữ của Gioan Tẩy Giả, Người đã trông thấy dấu hiệu của Nước Thiên Chúa sắp đến. Vụ bắt giữ Gioan Tẩy Giả đã được nối kết với các sự kiện chính trị trong nước. Ngày nay cũng vậy, các chuyện chính trị ảnh hưởng đến việc công bố Tin Mừng của chúng ta đến mọi người. Máccô nói rằng Chúa Giêsu đã công bố Tin Mừng Thiên Chúa. Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Tin Mừng cho tất cả muôn dân. Thánh Augustinô nói: “Ngài đã tạo dựng chúng con hướng về Ngài, và tâm hồn chúng con sẽ còn xao xuyến bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa”. Lời rao giảng của Chúa Giêsu đáp ứng lại sự tìm kiếm sâu xa nhất của tâm hồn con người.

* Mc 1:15: Tóm tắt Tin Mừng của Thiên Chúa.

Việc rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa bao gồm bốn điều: i) Thời gian chờ đợi đã mãn. ii) Nước Thiên Chúa đã gần đến. iii) Ăn năn sám hối thay đổi đời sống. iv) Tin Vào Tin Mừng.

i) Thời gian chờ đợi đã mãn! Đối với những người Do Thái khác, thời gian chờ đợi Nước Trời chưa kết thúc. Lấy ví dụ, đối với các người Biệt Phái, Nước Trời sẽ chỉ đến khi mà việc tuân giữ lề luật được hoàn hảo. Đối với những người thuộc giáo phái Essenes (Tu khổ hạnh), Nước Trời sẽ đến khi toàn thể đất nước được thanh tẩy. Đối với những người thuộc phe Hêrôđê, Nước Trời sẽ đến là khi họ nắm quyền thống trị toàn thế giới. Cách suy nghĩ của Chúa Giêsu thì lại khác. Người nhìn các sự việc theo một cách khác. Người nói rằng thời gian chờ đợi đã mãn.

ii) Nước Thiên Chúa đã gần đến! Đối với các người Biệt Phái và phái Essene, việc xuất hiện của Nước Trời tùy thuộc vào các nỗ lực của họ. Nước Trời sẽ chỉ đến khi mà họ hoàn tất việc của họ, đó là việc tuân giữ toàn thể Lề Luật, thanh tẩy toàn đất nước. Chúa Giêsu thì nói ngược lại: “Nước Trời đã gần kề”. Nước Trời đã hiện diện ở đó, ở giữa họ, không phụ thuộc vào bất kỳ nỗ lực nào. Khi Chúa Giêsu nói: “Nước Trời đã đến”, Người đã không có ý nói rằng Nước Trời đang trên đường đến vào thời điểm ấy, nhưng mà nó đã ở đó rồi. Điều mà tất cả mọi người hy vọng đã hiện diện ở giữa người ta, và họ đã không biết, mà cũng chẳng thấy (xem Lc 17:21). Đức Giêsu đã nhìn thấy nó bởi vì Người có thể nhìn thấy thực tại với một nhãn quan khác biệt. Đó là sự hiện diện ẩn dấu này của Vương Quốc Nước Trời ở giữa dân tộc mà Chúa Giêsu mặc khải và công bố cho những người nghèo khó của quê hương Người. Chính hạt giống Nước Trời này sẽ nhận lãnh được cơn mưa của Lời Chúa và sự ấm áp tình yêu của Người.

iii) Thay đổi đời sống! Có người diễn giải điều này là hãy làm việc đền tội, người khác thì hiểu là “hoán cải” hay “ăn năn sám hối”. Ý nghĩa chính xác là thay đổi cách suy nghĩ và lối sống. Để có thể nhận thức được sự hiện diện của Nước Trời, người ta phải bắt đầu suy nghĩ, sống và hành động khác đi. Người ấy phải thay đổi cách sống và tìm một phong thái mới của cuộc sống. Chúng ta phải gạt bỏ việc tuân theo lề luật được giảng dạy bởi các người Biệt Phái và để cho trải nghiệm mới về Thiên Chúa được thấm nhập vào đời sống chúng ta và để cho cái nhìn mới có thể đọc và hiểu được những gì đang xảy ra.

iv) Tin vào Tin Mừng! Sứ điệp này không phải dễ dàng mà chấp nhận được. Không dễ dàng gì mà có thể bắt đầu suy nghĩ theo cách hoàn toàn khác hẳn với cách đã được thụ giáo từ lúc còn bé. Điều này chỉ có thể thực hiện được bởi hành động của đức tin. Khi một người nào đó xuất hiện với một mẩu tin bất ngờ, khó mà chấp nhận, người ta chỉ chấp nhận nó nếu người đưa tin là người đáng tin tưởng. Rồi chúng ta cũng sẽ đi nói với những người khác: “Bạn có thể tin được điều này vì tôi biết người ấy và người đó không hề lừa dối. Người này có thể tin tưởng được vì họ nói sự thật”. Chúa Giêsu thật xứng đáng cho lòng tin tưởng của chúng ta!

c.  Lời chú giải thêm:

Việc bắt đầu rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa của Đức Giêsu tại xứ Galilêa

Việc bắt giữ Gioan đã khiến cho Chúa Giêsu trở về từ hoang địa và bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng của Người. Đó là một sự khởi đầu bùng nổ! Chúa Giêsu đi khắp xứ Galilêa, qua các làng mạc, phố phường và thành thị (Mc 1:39). Người thăm viếng các cộng đoàn. Thậm chí Người còn thay đổi nơi trú ngụ của mình và đi đến sống ở Caphácnaum (Mc 1:21; 2:1), một thị trấn dọc đường, nơi giúp cho việc truyền bá sứ điệp của Người dễ dàng. Hầu như Người không bao giờ dừng lại hẳn một chỗ nào, Người luôn luôn di chuyển. Các môn đệ đi cùng với Người khắp mọi nơi, trên bờ biển, trên đường phố, trên núi non, trong hoang địa, trên thuyền, trong hội đường, trong nhà. Họ có tràn đầy nhiệt huyết.

Chúa Giêsu giúp đỡ người ta qua sự phục vụ trong nhiều phương cách: Người trừ quỷ (Mc 1:39), Người chữa lành những kẻ ốm đau và bị quỷ ám (Mk 1:34), Người làm lành sạch những kẻ bị thiệt thòi vì luật lệ liên quan đến sự lành sạch (Mc 1:40-45), tiếp đón những kẻ thiệt thòi và đối xử với họ trong tình thân thiện (Mc 2:15). Người công bố, kêu gọi, triệu tập, lôi cuốn, yên ủi, trợ giúp. Người mặc khải về cuộc thương khó của mình, cuộc thương khó vì Chúa Cha và cho những người nghèo khó và bị bỏ rơi trong xứ sở của Người. Bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe, thì Người rao giảng và truyền đạt Tin Mừng Thiên Chúa. Ở khắp mọi nơi!

Chúa Giêsu mặc khải tất cả mọi thứ làm sinh động từ trong tâm hồn Ngài. Không những chỉ công bố Tin Mừng Nước Trời, mà chính Chúa Giêsu là một hình ảnh và chứng nhân sống của Nước Trời. Trong Người, chúng ta thấy được những gì sẽ xảy ra khi người nào đó để cho Thiên Chúa cai quản, làm chủ cuộc đời của người ấy. Qua cuộc đời và cách cư xử của Người, Chúa Giêsu cho thấy những gì Thiên Chúa đã dự tính khi Ngài đã gọi người ta từ thời các ông Abraham và Môisen. Chúa Giêsu đã chấm dứt nỗi hoài niệm về quá khứ và chuyển đổi nó thành niềm hy vọng. Bỗng nhiên sự việc trở nên rõ ràng đối với người ta: “Đây là những gì Thiên Chúa đòi hỏi khi Người gọi chúng ta là dân của Người!” Người ta thích thú lắng nghe Chúa Giêsu.

Thật là một khởi đầu việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, nó được truyền bá nhanh chóng qua các làng mạc của miền Galilêa. Nó bắt đầu như một hạt giống nhỏ, nhưng lớn lên để trở thành cây cổ thụ, nơi người ta có thể tìm thấy chỗ trú ẩn (Mc 4:31-32). Sau đó, chính người ta đã bắt đầu loan truyền Tin Mừng.

Dân chúng miền Galilêa đã khâm phục cách Chúa Giêsu giảng dạy. “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1:22-27). Giảng dạy là việc mà Chúa Giêsu làm nhiều nhất (Mk 2:13; 4:1-2; 6:34). Đó là thói quen của Người (Mk 10:1). Trong mười lăm lần, Tin Mừng của Máccô nói rằng Chúa Giêsu giảng dạy. Nhưng Máccô hầu như không bao giờ nói Người đã giảng dạy những gì. Có lẽ ông không quan tâm đến phần nội dung chăng? Nó còn tùy thuộc vào việc chúng ta định nghĩa nội dung như thế nào. Giảng dạy không phải chỉ là việc truyền bá những chân lý mới cho người ta. Nội dung mà Chúa Giêsu rao giảng tự nó không những chỉ thể hiện qua lời của Người, mà cũng qua các hành động và phong thái của Người khi tiếp xúc với dân chúng. Phần nội dung không bao giờ tách rời khỏi con người đang truyền đạt nó. Nội dung tốt lành mà không có tư chất tốt lành thì cũng thật đáng tiếc.

Thánh sử Máccô xác định nội dung sự giảng dạy của Chúa Giêsu là “Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1:14). Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã công bố xuất phát từ Thiên Chúa và mặc khải điều gì đó về Thiên Chúa. Chúa Giêsu chỉ nói và làm, bày tỏ những đặc điểm của dung nhan Thiên Chúa. Chúng biểu lộ kinh nghiệm mà Chúa Giêsu có về Thiên Chúa là Chúa Cha. Mặc khải Thiên Chúa là Chúa Cha là nguồn mạch, trong khi nội dung là đối tượng của Tin Mừng của Đức Giêsu.

6.  Thánh Vịnh 25 (24)

Thiên Chúa của Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hoán cải

Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA.
Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài,
xin Ngài đừng để con tủi nhục,
đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Chẳng ai trông cậy Chúa,
mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,
chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.

Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.

Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề,
vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.

Phàm ai kính sợ CHÚA,
Người chỉ cho thấy đường phải chọn.
Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,
và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.

CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi
vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới.

Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.

Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể,
chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng.

Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con,
đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài.
Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng
che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Israel
thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …