Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Chay (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Chay (B)

Date: Chủ Nhật 25 Tháng Hai, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Việc biến hình của Chúa Giêsu: Thập giá sắp xảy ra

Cuộc Thương Khó dẫn đến vinh quang

Mc 9:2-10

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay này, Giáo Hội suy niệm về cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu trước mặt ba môn đệ đã đi theo Người lên núi. Cuộc Biến Hình xảy ra sau lời tiên báo lần thứ nhất về cái chết của Chúa Giêsu (Lc 9:21-22). Lời tiên báo này đã làm cho các môn đệ bối rối, đặc biệt là ông Phêrô. Khi chúng ta nhìn kỹ hơn vào các chi tiết nhỏ nhặt, chúng ta sẽ thấy lời văn mô tả việc biến hình theo một cách khiến chúng ta nhận thức được làm cách nào mà trải nghiệm khác thường này của Chúa Giêsu đã có thể giúp các môn đệ vượt qua được cuộc khủng hoảng mà trong đó các ông tìm lại được chính mình. Khi đọc, chúng ta hãy cố gắng chú ý vào những điều sau đây: “Cuộc biến hình đã xảy ra như thế nào và phản ứng của các môn đệ về kinh nghiệm này là gì?

b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mc 9:2-4: Cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu trước mặt các môn đệ

Mc 9:5-6: Phản ứng của ông Phêrô về sự biến hình

Mc 9:7-8: Tiếng phán từ trời giải thích ý nghĩa của sự Biến Hình

Mc 9:9-10: Giữ bí mật những gì các môn đệ đã chứng kiến

c) Phúc Âm:

2 Sáu ngày sau đó, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, 3 và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. 4 Rồi Êlia và Môisen hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. 5 Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia”. 6 Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. 7 Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. 8 Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. 9 Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4,  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a) Phần nào của bài Tin Mừng mà bạn thích nhất và phần nào đã tạo ảnh hưởng đến bạn nhất? Tại sao?

b) Việc biến hình đã xảy ra như thế nào và phản ứng của các môn đệ trước việc này ra sao?

c) Tại sao Phúc Âm mô tả Chúa Giêsu với quần áo trắng tinh chói lọi khi Người đàm đạo với các ông Môisen và Êlia? Đối với Đức Giêsu, Môisen và Êlia là ai? Đối với các môn đệ, các ông là ai?

d) Tiếng phán từ trời đã nói gì với Chúa Giêsu? Và tiếng phán này nói gì với các môn đệ?

e) Ngày nay, chúng ta có thể biến hình đời sống cá nhân và gia đình chúng ta và đời sống cộng đoàn nơi chúng ta ở ra sao?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

a.  Bối cảnh thời bấy giờ và ngày nay:

Lời tiên báo về cuộc thương khó đã nhận chìm các môn đệ vào cuộc khủng hoảng sâu xa. Các ông sống giữa những người nghèo khó, nhưng trong tâm trí, các ông đã hoang mang bối rối như lời tuyên truyền của nhà cầm quyền và các giới chức tôn giáo của thời các ông (Mc 8:15). Các giới chức tôn giáo đã dạy rằng Đấng Thiên Sai Mêssia sẽ được vinh hiển và chiến thắng! Đó là lý do tại sao ông Phêrô đã phản ứng mạnh mẽ chống lại thập giá (Mc 8:32). Khi một người bị kết án và bị xử tử trên thập giá, kẻ ấy không thể là Đấng Cứu Thế; trái lại, theo Lề Luật Thiên Chúa, kẻ ấy đáng bị xem như “bị Thiên Chúa nguyền rủa” (Đnl 21:22-23). Trong trường hợp này, trải nghiệm về việc Biến Hình của Chúa Giêsu đã có thể giúp cho các môn đệ vượt qua được nỗi đau thương của Thập Giá. Thực ra, tại lúc Biến Hình, Chúa Giêsu xuất hiện trong vinh quang và đàm đạo với các ông Môisen và Êlia về cuộc Thương Khó và sự Tử Nạn của Người (Lc 9:31). Qua thập giá, sau đó là cuộc hành trình tiến đến vinh quang.

Trong thời gian thập niên 70, lúc mà Máccô đang viết sách này, Thập Giá là một trở ngại lớn cho người Do Thái chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Làm sao mà người ta có thể nhìn nhận một người bị đóng đinh, đã chết như một kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội là Đấng Cứu Thế mà họ đã mong đợi hằng nhiều thế kỷ được? Thập giá là chướng ngại vật để người ta tin tưởng vào Chúa Giêsu. Họ nói: “Thập Giá là một điều ô nhục” (1Cr 1:23). Cộng đoàn Kitô hữu đã không biết phải trả lời như thế nào với các câu hỏi phê phán đặt ra cho họ bởi các người Do Thái. Một trong những nỗ lực lớn của các Kitô hữu tiên khởi là giúp cho mọi người thấy rằng thập giá không phải là một sự ô nhục cũng chẳng là một điều điên rồ, mà đó chính là biểu hiện quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1:22-31). Tin Mừng Máccô góp phần vào nỗ lực đó. Ông dùng văn bản từ Cựu Ước để mô tả cảnh Biến Hình. Ông đã làm sáng tỏ các sự kiện của cuộc đời Chúa Giêsu và cho thấy rằng Đức Giêsu đã hoàn thành các lời tiên tri và Thập Giá là con đường dẫn đến Vinh Quang. Không chỉ có thập giá của Chúa Giêsu là vấn nạn! Trong những năm 70, việc khủng bố thập giá là một phần của cuộc sống mỗi ngày cho các Kitô hữu. Thật ra, chỉ trước đó một ít lâu, hoàng đế Nêrô đã phát động cuộc đàn áp và nhiều người đã chết. Ngày nay cũng vậy, có quá nhiều người chịu đau khổ bởi vì họ là Kitô hữu, và vì họ sống theo Tin Mừng. Chúng ta sẽ tiến gần đến thập giá bằng cách nào đây? Điều này có ý nghĩa gì? Với những câu hỏi này trong tâm trí, chúng ta hãy suy gẫm và nhận xét về đoạn Tin Mừng của việc Biến Hình.

b.  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:

* Mc 9:2-4: Chúa Giêsu biến hình.

Chúa Giêsu lên núi cao. Luca cho biết thêm rằng Người lên đó để cầu nguyện (Lc 9:28). Ở đó, tại đỉnh núi, Chúa Giêsu xuất hiện trong vinh quang trước mặt các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Các ông Môisen và Êlia cũng cùng xuất hiện với Người. Ngọn núi cao gợi nhớ lại núi Sinai, nơi mà trong quá khứ Thiên Chúa đã cho dân chúng biết ý muốn của Người qua lề luật truyền cho Môisen. Quần áo trắng tinh của Chúa Giêsu nhắc lại việc ông Môisen được bao phủ bởi ánh sáng chói lòa bởi ông đàm đạo cùng Thiên Chúa trên Núi Sinai và nhận lãnh các điều răn từ Thiên Chúa (xem Xh 34:29-35). Các ông Êlia và Môisen, hai vị thủ lãnh có thẩm quyền của thời Cựu Ước, đàm đạo cùng Chúa Giêsu. Ông Môisen đại diện cho Lề Luật và Êlia đại diện cho các tiên tri. Luca nói rằng họ đã đàm đạo về cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu tại Giêrusalem (Lc 9:31). Như vậy rõ ràng là Cựu Ước, cả Lề Luật và các Tiên Tri, đã dạy rằng con đường đi đến vinh quang phải qua thập giá (xem Is 53).

* Mc 9:5-6: Phêrô vui thích trước những gì đang xảy ra nhưng ông không hiểu gì.

Phêrô lấy làm vui thích trước những gì đang xảy ra và muốn thời gian hạnh phúc trên Núi được tồn tại. Ông đề nghị xin dựng ba lều. Máccô cho biết rằng Phêrô đã hoảng sợ và không rõ mình đang nói gì, và Luca thêm rằng các môn đệ thì đang ngủ mê mệt (Lc 9:32). Đối với các ông, cũng như đối với chúng ta, thật khó mà hiểu được cây Thập Giá!

Bài kể lại việc biến hình bắt đầu với lời khẳng định: “Sáu ngày sau đó”. Sáu ngày này là ngày gì? Một số học giả giải thích cách nói này như sau: Phêrô muốn dựng ba lều, bởi vì đó là ngày thứ sáu của lễ lều. Đây là một ngày lễ hội rất phổ biến để kỷ niệm món quà của Lề Luật Thiên Chúa và bốn mươi năm sống trong sa mạc. Để nhớ lại bốn mươi năm này, người ta đã dành ra sáu ngày ở trong các lều trại tạm thời. Đó là lý do tại sao nó được gọi là Lễ Lều. Nếu họ không thể cử hành được cả sáu ngày, thì tối thiểu họ phải cử hành vào ngày thứ sáu. Câu khẳng định “sáu ngày sau đó” khi ấy sẽ là một ám chỉ về ngày lễ lều. Đó là lý do tại sao Phêrô nhớ lại nhiệm vụ dựng lều. Và cách tự nhiên, ông lên tiếng xin cho mình đi dựng lều. Nhờ đó để Chúa Giêsu, các ông Môisen và Êlia có thể tiếp tục đàm đạo.

* Mc 9:7: Tiếng phán ra từ trời làm sáng tỏ sự kiện.

Ngay khi Chúa Giêsu được bao phủ trong vinh quang, có tiếng nói từ trời phán ra: “Đây là Con Ta rất Yêu Dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người!” Câu “Con rất Yêu Dấu” gợi nhớ lại hình ảnh của Đấng Mêssia Tôi Tớ, được loan báo bởi tiên tri Isaia (xem Is 42:1). Câu “Các ngươi hãy nghe lời Người” gợi nhớ lại lời tiên tri đã hứa về Môisen mới sắp đến (xem Đnl 18:15). Trong Chúa Giêsu, những lời tiên tri của Cựu Ước đang được viên mãn. Các môn đệ không thể nghi ngờ điều này. Các Kitô hữu của những thập niên 70 cũng không thể nghi ngờ điều này. Đức Giêsu thật sự là Đấng Cứu Thế vinh quang, nhưng con đường đi đến vinh quang phải trải qua cây thập giá, lời công bố thứ hai được thực hiện trong lời tiên tri về Người Tôi Tớ (Is 53:3-9). Vinh quang của việc Biến Hình là bằng chứng cho điều này. Các ông Môisen và Êlia đã xác nhận điều ấy. Chúa Cha là Đấng bảo lãnh cho việc này. Chúa Giêsu nhận lãnh điều này.

* Mc 9:8: Chỉ có Chúa Giêsu và không còn ai khác!

Máccô nói rằng sau thị kiến này, các môn đệ chỉ thấy Chúa Giêsu và không còn ai khác. Điều nhấn mạnh về lời khẳng định các ông chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu hàm ý rằng từ giờ trở đi Chúa Giêsu là sự mặc khải duy nhất của Thiên Chúa cho chúng ta! Đối với các Kitô hữu chúng ta, Chúa Giêsu, và chỉ có Chúa Giêsu, là chìa khóa để hiểu được ý nghĩa đầy đủ của Cựu Ước.

* Mc 9:9-10: Giữ bí mật những gì đã chứng kiến.

Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ không được nói bất cứ điều gì cho bất cứ ai cho đến khi Người sống lại từ cõi chết, nhưng các môn đệ không hiểu Người. Thật thế, bất cứ ai không liên kết sự đau khổ với việc sống lại, thì không hiểu được ý nghĩa của Thập Giá. Đức Giêsu thì mạnh hơn sự chết.

* Mc 9:11-13: Việc trở lại của tiên tri Êlia.

Ngôn sứ Malakhi đã công bố rằng tiên tri Êlia sẽ trở lại để dọn đường cho Đấng Cứu Thế (Ml 3:23-24). Lời công bố tương tự cũng được tìm thấy trong sách Huấn Ca (Hc 48:10). Khi ấy, làm sao mà Đức Giêsu có thể là Đấng Cứu Thế khi ông Êlia chưa trở lại? Đó là lý do tại sao các môn đệ đã hỏi: “Tại sao các Kinh Sư lại nói ông Êlia phải đến trước? (Mc 9:11). Câu trả lời của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến, và họ đã đối xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.” (Mc 9:13). Chúa Giêsu đang nói đến Gioan Tẩy Giả, người mà vua Hêrôđê đã ra lệnh giết (Mt 17:13).

c.  Lời chú giải thêm:

i) Việc Biến Hình: sự thay đổi diễn ra trong việc thực hành của Chúa Giêsu

Giữa cuộc xung đột với những người Biệt Phái và người nhóm Hêrôđê (Mc 8:11-21), Chúa Giêsu đã rời miền Galilêa và đi đến vùng Cêdarê Philíphê (Mc 8:27), nơi Người bắt đầu việc huấn luyện chuẩn bị cho các môn đệ. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8:27). Sau khi nghe câu trả lời của các ông rằng Người là Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu bắt đầu nói về cuộc thương khó và cái chết của Người (Mc 8:31). Phêrô liền phản ứng: “Xin Thiên Chúa thương và đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22). Chúa Giêsu trả lời: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mc 8:33). Đây là thời gian khủng hoảng cho các môn đệ, những người vẫn bám vào ý nghĩ về Đấng Thiên Sai vinh quang (Mc 8:32-33; 9:32), không hiểu được câu trả lời của Chúa Giêsu và cố chuyển nó theo hướng khác. Gần đến ngày Lễ Lều, (xem Lc 9:33), lúc sự kỳ vọng về Đấng Thiên Sai phổ biến mạnh mẽ hơn bình thường. Chúa Giêsu lên trên núi để cầu nguyện (Lc 9:28). Người đã vượt qua sự cám dỗ bằng lời cầu nguyện. Mặc khải về Nước Trời thật là khác với những gì mà người ta tưởng tượng. Chiến thắng của người Tôi Trung sẽ xảy ra thông qua bản án tử hình (Is 50:4-9; 53:1-12). Thập giá đã xuất hiện ở chân trời, không chỉ là sự có thể, mà là một sự chắc chắn. Từ lúc này trở đi sự thay đổi diễn ra trong cách thực hành của Chúa Giêsu. Sau đây là một số dấu chỉ quan trọng của thay đổi này:

Ít phép lạ. Thoạt đầu có nhiều phép lạ xảy ra. Bây giờ, bắt đầu từ Mc 8:27; Mt 16:23 và Lc 9:18, các phép lạ gần như là điều họa hoằn trong các việc làm của Chúa Giêsu.

Công bố về cuộc Thương Khó. Trước đó có nói về cuộc thương khó như một điều có thể xảy ra (Mc 3:6). Bây giờ thì luôn nói về chuyện này (Mc 8:31; 9:9-31; 10:33-38).

Vác Thập Giá. Trước đó, Chúa Giêsu công bố về việc Nước Trời sắp đến. Bây giờ Người nhấn mạnh về sự cảnh tỉnh, đòi hỏi những ai muốn theo Người thì phải vác thập giá mình mà theo (Mt 16:24-26; 19:27-30; 24:42-51; 25:1-13; Mc 8:34; 10:28-31; Lc 9:23-26, 57-62; 12:8-9, 35-48; 14:25-33; 17:33; 18:28-30).

Chúa giảng dạy cho các môn đệ. Trước đó, Người giảng dạy cho dân chúng. Bây giờ Người quan tâm đến việc huấn luyện các môn đệ. Người yêu cầu các ông chọn lựa lần nữa (Ga 6:67) và bắt đầu chuẩn bị các ông cho sứ vụ trong tương lai. Người đi ra khỏi thành phố để ở với họ và đào tạo cho các ông (Mc 8:27; 9:28, 30-35; 10:10, 23, 28-32; 11:11).

Các dụ ngôn khác nhau. Trước đó, các dụ ngôn mặc khải về mầu nhiệm Nước Trời hiện diện trong các việc làm của Chúa Giêsu. Bây giờ, các dụ ngôn có chiều hướng về ngày phán xét trong tương lai, vào ngày tận thế: chuyện những kẻ trồng nho sát nhân (Mt 21:33-46); chuyện kẻ đầy tớ nhẫn tâm (Mt 18:23-35), chuyện những người làm công vào giờ thứ mười một (Mt 20:1-16), chuyện hai người con (Mt 21:28-32), chuyện tiệc cưới (Mt 22:1-14), chuyện mười nén bạc (Mt 25:14-30).

Đức Giêsu vâng theo ý muốn của Chúa Cha được mặc khải về tình hình mới và quyết định lên đường đi về Giêrusalem (Lc 9:51). Người làm quyết định này với sự quyết tâm trong khi các môn đệ, là những người không thể hiểu thấu được những gì đang xảy ra, lại sợ hãi (Mc 10:32; Lc 18:31-34). Trong xã hội thời bấy giờ, việc công bố Nước Trời như Chúa Giêsu đã công bố, là một điều không thể chấp nhận được. Vì thế, hoặc là Người phải thay đổi nếu không thì Người phải chết! Chúa Giêsu đã không sửa đổi lời công bố của mình. Chúa tiếp tục trung thành với Chúa Cha và với những người nghèo khó. Đó là lý do tại sao Người đã bị kết án tử hình!

ii) Việc Biến Hình và sự trở lại của ngôn sứ Êlia

Trong Tin Mừng Máccô, cảnh biến hình được liên kết với câu hỏi về sự trở lại của ngôn sứ Êlia (Mc 9:9-13). Trong thời gian ấy, người ta đang mong đợi sự trở lại của ngôn sứ Êlia và đã không nhận ra rằng Êlia đã trở lại trong con người của Gioan Tẩy Giả (Mc 9:13). Điều tương tự cũng đang xảy ra ngày nay. Nhiều người sống trong mong đợi sự trở lại của Chúa Giêsu và thậm chí còn viết trên các bức tường của thành phố: Chúa Giêsu sẽ trở lại! Họ không nhận thức được rằng Chúa Giêsu đã hiện diện trong cuộc sống chúng ta rồi. Ngay cả bây giờ và sau này, giống như lằn chớp bất ngờ, sự hiện diện của Chúa Giêsu xảy ra và tỏa sáng, biến đổi đời sống chúng ta. Câu hỏi mà mỗi người chúng ta nên hỏi là: Đức tin của tôi vào Chúa Giêsu đã có cho tôi một chút thời gian biến hình và vui mừng mãnh liệt không? Làm thế nào mà những khoảnh khắc vui mừng ấy đã cho tôi sức mạnh trong những lúc khó khăn?

6.  Thánh Vịnh 27 (26)

Chúa là nguồn ánh sáng của tôi

CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?

Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.

Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.

Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.

Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.

Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại!

Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,

xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.

Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.

Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.

Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.

Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ vì Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …