Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Vọng (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Vọng (A)

Date: Chủ Nhật 4 Tháng Mười Hai, 2022
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm A

Lời công bố của Gioan Tẩy Giả trong sa mạc

Mt 3:1–12

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến để con có thể học cách trở nên bé nhỏ như Giakêu, nhỏ bé về tầm vóc đạo đức, nhưng cũng xin ban cho con sức mạnh để con tự nhấc mình lên khỏi mặt đất một chút, được thôi thúc bởi lòng ước ao được trông thấy Chúa đi ngang qua trong thời gian mùa Vọng này, để được biết Chúa và biết rằng Chúa đang ở đó vì con.  Lạy Chúa Giêsu, Thầy nhân lành, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, xin khơi dậy trong lòng chúng con lòng ước ao hiểu được Lời Chúa là Lời mặc khải về tình yêu cứu độ của Chúa Cha.

2.   Đọc Lời Chúa

1 Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđêa rằng:  2 “Anh em hãy ăn năn sám hối, vì nước Trời đã đến gần.”  3 Ông chính là Người đã được ngôn sứ Isaia nói tới:  Có tiếng người hô trong hoang địa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.”

4 Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.  5 Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem, khắp miền Giuđêa cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. 6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.

7 Thấy nhiều người thuộc Biệt Phái và Sađốc cũng đến chịu phép rửa, thì ông nói với họ rằng:  “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?  8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. 9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Abraham.”  Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham.  10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.

11 Phần tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước, để giục lòng các anh sám hối.  Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách giày cho Người.  Ngưởi sẽ làm phép rửa các anh trong Thánh Thần và lửa.  12 Thay Người cầm nia, Người sẽ re sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Mỗi người chúng ta có đầy đủ các câu hỏi trong lòng cho những ai lắng nghe chúng ta, nhưng hơn hết chúng ta cần phải lắng nghe, biết rằng Chúa Giêsu là Đấng đang nói với chúng ta.  Hãy để cho bản thân của bạn được dẫn đến nội tâm nơi mà Lời Chúa vang vọng với tất cả trọng lượng của nó về sự thật và tình yêu, trong tất cả quyền năng chữa trị và biến đổi của nó.  Cầu nguyện trong yên lặng đòi hỏi chúng ta giữ yên lặng “trong lòng”, chúng ta đứng hoàn toàn dưới chân Chúa và xử dụng mọi sinh lực của chúng ta để chỉ lắng nghe Người mà thôi.  Hãy dừng lại và lắng nghe.

4.  Để tìm hiểu Lời Chúa

a) Bối cảnh mà đoạn Tin Mừng đã được viết:

Trong Chúa Nhật mùa Vọng tuần này, chúng ta được giới thiệu về hình ảnh của ông Gioan Tẩy Giả, một nhân cách đầy thách thức, như Chúa Giêsu có lần đã nói về Gioan Tẩy Giả trong việc miêu tả phong cách của ông:  “Các con đã làm gì khi ra ngoài thấy một cây sậy bay trong gió?” (Mt 1:7).  Sơ lược tiểu sử của Gioan Tẩy Giả mà phần phụng vụ trình bày trước chúng ta gồm có hai phần chính: các câu 3:1-6, thân thế và các hoạt động của ông Gioan; các câu 3:7-12, lời rao giảng của ông.  Trong hai phần này, chúng ta có thể tìm thấy những việc nhỏ hơn xác định sự diễn đạt của văn bản này.  Trong các câu 3:1-2, Gioan được giới thiệu như người đi rao giảng về “sự sám hối” vì “Nước Trời đã đến gần”.  Lời kêu gọi này như một sợi dây duyệt qua toàn bộ hoạt động của Gioan và được lặp lại trong các câu 3:8-12.  Lý do cho lời kêu gọi ăn năn sám hối này được đưa ra như là sự luận phạt của Thiên Chúa sắp xảy ra được so sánh với việc các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa (3:10) và như việc người nông dân sẩy sân lúa để thu lúa vào kho và rơm thì sẽ bị đốt trong lửa (3:12).  Hình ảnh lửa cháy được mô tả trong phần cuối của bài Tin Mừng Phụng Vụ của chúng ta cho thấy sự cấp bách của việc dọn mình cho ngày phán xét của Chúa đang đến.

Bài Tin Mừng được phân ra như sau:

Mt 3:1-3:  Đầu tiên là phần dẫn nhập ngắn về “tiếng kêu trong hoang địa” của sách tiên tri Isaia câu 40:2 được xác định đó là tiếng nói của Gioan Tẩy Giả với lời mời gọi mọi người hãy ăn năn sám hối “trong hoang địa miền Giuđêa”;

Mt 3:4-6:  Tiếp theo sau là một đoạn ngắn, một cách đẹp như tranh, miêu tả hình ảnh truyền thống của Gioan:  ông là một ngôn sứ và một nhà khổ tu; bởi vì đặc tính tiên tri của ông, ông đã được so sánh với tiên tri Êlia; quả thế, ông ăn mặc giống như tiên tri Êlia.  Một chi tiết địa dư và đặc biệt mô tả việc người ta lũ lượt tuôn đến để nhận phép rửa trong dòng sông Giođan, trong một bầu không khí ăn năn sám hối.  Ảnh hưởng hoạt động tiên tri của ông không chỉ giới hạn một chỗ nhưng bao phủ toàn cõi Giuđêa gồm cả thành Giêrusalem và các miền lân cận ven sông Giođan.

Mt 3:7-10:  Một nhóm người đặc biệt đến gặp ông Gioan để được nhận phép rửa, họ là “những người thuộc nhóm Biệt Phái và Sađốc”.  Ông Gioan nói với họ với những lời nghiêm khắc rằng họ phải ngưng lại các việc đạo đức giả hình và chú tâm vào việc “cây sinh trái tốt” để họ có thể tránh được sự phán xét luận tội.

Mt 3:11-12:  Ý nghĩa của phép rửa ở đây có liên quan đến việc thống hối được làm sáng tỏ và một cách đặc biệt là sự khác biệt giữa hai phép rửa và hai nhân vật chính: phép rửa của Gioan dùng nước để được lòng sám hối; phép rửa của Chúa Giêsu, “Đấng đến sau có quyền thế hơn” Gioan, làm phép rửa với Chúa Thánh Thần và lửa.

b) Thông điệp của bài Tin Mừng:

Trong một phong cách kể chuyện kinh thánh, Mátthêu trình bày hình ảnh và hoạt động của ông Gioan Tẩy Giả trong hoang địa xứ Giuđêa. Chi tiết địa lý có nghĩa đặt để hoạt động của Gioan trong vùng Giuđêa, trong khi Chúa Giêsu sẽ thực hiện việc rao giảng của Người tại xứ Galilêa.  Đối với Matthêu, hoạt động của ông Gioan được hoàn toàn hướng về “Đấng sắp đến”, tức là Chúa Giêsu.  Gioan cũng được giới thiệu như là một nhà rao giảng cao quý và can đảm báo trước ngày phán xét của Thiên Chúa sắp xảy ra.

Thông điệp của Gioan Tẩy Giả bao gồm một mệnh lệnh rõ ràng “sám hối” và một lý do cũng rõ ràng không kém: “vì nước Trời đã đến gần”.  Sự hối cải là điều quan trọng nhất trong lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả mặc dù lúc đầu nội dung của lời rao giảng này vẫn chưa được rõ ràng.  Tuy nhiên, trong câu 3:8, thành quả của sự hối cải được mặc khải để cho một hướng đi mới về sự hiện hữu của một người.  Một mặt, một sự mặc khải như thế là việc điển hình của các vị ngôn sứ là những người muốn cho thấy sự hối cải càng cụ thể càng tốt qua việc nhất quyết sống tách rời khỏi tất cả những gì cho đến nay được xem là có giá trị; mặt khác, việc mặc khải đi xa hơn và có ý cho thấy việc hối cải là một sự thay đổi hướng về “nước trời”, hướng về một điều gì mới mẻ sắp xảy ra, cùng với nhu cầu và triển vọng của nó.  Đây là việc đưa tới quyết định dứt khoát thay đổi cuộc sống theo một chiều hướng mới: “Vương Quốc Nước Trời” là nền tảng và mang lại ý nghĩa cho sự hối cải và không chỉ là bất cứ nỗ lực nào của nhân loại.  Từ ngữ “Vương Quốc Nước trời” nói rằng Thiên Chúa sẽ mặc khải cho tất cả mọi người và một cách mạnh mẽ nhất.  Ông Gioan nói rằng sự mặc khải này của Thiên Chúa sắp xảy ra, không còn xa nữa.

Các hoạt động tiên tri của Gioan, với các đặc điểm của hình ảnh tiên tri Êlia, có nghĩa là để chuẩn bị những người cùng thời với ông về sự xuất hiện của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.  Các họa tiết và hình ảnh mà qua đó cho thấy hình ảnh của Gioan Tẩy Giả được giải thích thật thú vị, trong đó có thắt lưng bằng dây da thú, dấu hiệu sự thừa nhận của tiên tri Elia (2V 1:8); áo làm bằng lông lạc đà là hình ảnh điển hình của tiên tri theo sách Giacaria 13:4.  Đây là một nhận dạng trực tiếp giữa tiên tri Êlia và ông Gioan.  Cách lý giải này hiển nhiên là một câu giải đáp của tác giả Phúc Âm đối với sự phản đối của người Do Thái bấy giờ:  làm thế nào mà Chúa Giêsu là Đấng Mêssia được, nếu tiên Êlia còn chưa xuất hiện?

Qua các hoạt động tiên tri của mình, ông Gioan đã thành công trong việc lay chuyển được tâm tư toàn bộ đám đông giống như Êlia đã hướng dẫn toàn dân quay về tin tưởng vào Thiên Chúa (1V 18).  Phép rửa của Gioan quan trọng không bởi vì có số đông người đến nhận lãnh, mà là bởi vì nó được đi kèm với lời cam kết dứt khoát hối cải.  Ngoài ra, đó không phải là một phép rửa có quyền năng tha tội, chỉ có cái chết của Chúa Giêsu mới có quyền năng này, nhưng nó trình bày một hướng mới để ban cho người ta một đời sống mới.

Ngay cả “những người Biệt Phái và Sađốc” cũng đến để xin chịu phép rửa, nhưng họ đến trong một tinh thần giả hình, không có ý định ăn năn.  Vì vậy, họ sẽ không thể trốn lánh sự phán xét của Thiên Chúa.  Lời công kích dữ dội của ông Gioan hướng về những nhóm người này, được che đậy bằng việc đạo đức giả, nhấn mạnh rằng vai trò phép rửa của ông, nếu được lãnh nhận một cách chân thành với quyết định thay đổi đời sống, bảo vệ cho bất cứ ai nhận lãnh nó khỏi phải chịu bản án thanh tẩy sắp xảy đến của Thiên Chúa.

Làm thế nào mà một quyết định ăn năn thống hối như thế sẽ trở nên hiển nhiên?  Gioan không cho biết những dấu hiệu chính xác về nội dung, nhưng giới hạn vào bản thân mình để cho thấy lý do:  để tránh bản án trừng phạt của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng mục đích của sự hối cải là Thiên Chúa, sự nhận thức căn bản về Thiên Chúa, hướng dẫn trong một cách hoàn toàn mới mẻ về đời sống của người ta với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, “những người Biệt Phái và Sađốc” không thật lòng hối cải mà họ chỉ chừng mực đặt niềm tin và hy vọng của họ vì họ là con cháu của ông Abraham: Bởi vì họ là dân được Chúa chọn, họ chắc mẩm rằng Thiên Chúa, với công trạng của người cha, sẽ ban cho họ ơn cứu độ.  Gioan đặt vấn đề về sự chắc chắn sai lầm này của họ qua hai hình ảnh:  cái cây và ngọn lửa.

Đầu tiên, trong Cựu Ước, hình ảnh của cây bị chặt này đề cập đến sự phán xét của Thiên Chúa.  Một đoạn Kinh Thánh của tiên tri Isaia mô tả nó như sau:  “Lạy Thiên Chúa, Chúa các đạo bình, Đấng đã tách lìa những cành với tiếng ồn điếc tai, những ngọn cao nhất bị chặt lìa, các đỉnh cây bị ngã đổ”.  Hình ảnh của ngọn lửa có nhiệm vụ diễn tả “cơn thịnh nộ sắp đổ xuống” sẽ được thể hiện trong ngày phán xét của Chúa (3:7).  Nói cách khác, chúng cho thấy sự cấp bách của giờ Chúa đến; những người đang lắng nghe phải mở to mắt của họ để thấy những gì đang chờ đợi họ.

Sau cùng, Gioan giảng dạy sự tương phản của hai phép rửa và hai nhân vật:  Gioan và Đấng sắp đến.  Sự khác biệt đáng kể là Chúa Giêsu làm phép rửa với Chúa Thánh Thần và lửa, trong khi Gioan chỉ rửa với nước, một phép rửa cho sự hối cải.  Sự phân biệt này nhấn mạnh rằng phép rửa của Gioan thì hoàn toàn phụ thuộc vào phép rửa của Chúa Giêsu.  Mátthêu ghi chú rằng phép rửa với Chúa Thánh Thần đã xảy ra, gọi là lễ Rửa Tội Kitô giáo, như đã nói trong cảnh Chúa Giêsu nhận phép rửa, nơi mà phép rửa với lửa vẫn phải xảy đến và sẽ diễn ra tại ngày phán xét mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện.

Mục đích việc rao giảng của Gioan khi ấy là để trình bày sự mô tả về ngày phán xét đang chờ đợi cộng đoàn qua hình ảnh của rơm trấu.  Hành động của người nông dân trên sân lúa khi ông sàng sẩy lựa lúa khỏi rơm cũng sẽ là hành động của Thiên Chúa trên cộng đoàn vào ngày phán xét.

5.  Suy gẫm

aMong đợi Thiên Chúa và sự hối cải:

Trong lời rao giảng của ông, Gioan nhắc nhở chúng ta rằng sự xuất hiện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta thì luôn luôn sắp xảy đến, ông cũng mạnh mẽ mời gọi chúng ta về một sự hối cải thanh lọc tâm hồn, dọn cho nó sẵn sàng để gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đã đến với thế giới loài người và mở nó ra với sự hy vọng và tình yêu phổ quát.

Một lời biểu lộ của Đức Hồng Y Newman có thể giúp chúng ta hiểu về chiều hướng mới này rằng Lời Chúa cho thấy sự cấp bách:  “Trên thế gian này sống là để thay đổi và để được kiện toàn thì phải thay đổi thường xuyên”.  Thay đổi phải được hiểu từ quan điểm của sự ăn năn:  một sự thay đổi sâu sắc của nội tâm.  Sống là để thay đổi.  Nếu bao lâu mà sự thôi thúc về thay đổi này trở nên mờ nhạt, bạn sẽ chẳng còn sống.  Sách Khải Huyền xác nhận điều này khi Chúa nói:  “Ngươi được tiếng là đang sống, mà thực ra đã chết” (Kh 3:1).  Một lần nữa, “để được hoàn hảo thì phải thay đổi thường xuyên”.  Có vẻ như Đức Hồng Y Newman đã muốn nói:  “Thì giờ thì được đo bằng sự hối cải của tôi”.  Thời gian Mùa Vọng này cũng được đo qua các công việc mà Thiên Chúa đã dành cho tôi.  Tôi phải liên tục mở rộng tâm hồn, sẵn sàng để cho phép bản thân mình được đổi mới bởi Người.

b) Chấp nhận Phúc Âm:

Đây là điều kiện cho sự hối cải.  Phúc Âm không chỉ là một tập sưu tầm các thông điệp, nhưng là một Đấng đã xin để được đi vào đời sống của bạn.  Chấp nhận Phúc Âm của Chúa Nhật Mùa Vọng tuần này có nghĩa là mở cửa đời sống của chính mình cho một Đấng mà Gioan Tẩy Giả xác định là Đấng có quyền năng hơn ông.  Ý tưởng này đã được diễn đạt tốt đẹp bởi ĐGH Gioan Phaolô II:  “Hãy mở cửa cho Chúa Kitô…”  Chấp nhận Đức Kitô, Đấng đến với tôi bằng lời xác tín về sự cứu rỗi của Người.  Chúng ta nhớ lại những lời của thánh Augustinô đã từng nói: “Tôi lo sợ Chúa đã đi ngang qua”.  Việc đi ngang qua của Chúa như thế có thể nào xảy ra cho chúng ta tại một thời điểm của đời sống khi chúng ta đang bị phân tâm hay sống bề ngoài.

c)  Mùa Vọng – Thời gian dành cho nội tâm linh hồn:

Một gợi lên mầu nhiệm được tìm thấy trong các bài viết của Thánh Êlisabéth Ba Ngôi giúp chúng ta khám phá ra sự hối cải như là một thời gian và cơ hội để nhận chìm chúng ta trong Thiên Chúa, để bộc lộ chính chúng ta với ngọn lửa tình yêu biến đổi và thanh lọc đời sống chúng ta:  “Bây giờ chúng ta đang ở trong thời gian thiêng liêng của Mùa Vọng hơn bất kỳ lúc nào khác mà chúng ta có thể gọi là thời gian dành cho nội tâm linh hồn, các linh hồn mà luôn sống và trong mọi sự “dấu ẩn trong Chúa với Đức Kitô”, ngay tại trung tâm bản thân. Trong khi chờ đợi điều mầu nhiệm cao cả [Giáng Sinh]… chúng ta hãy cầu xin Người khiến cho chúng ta thật lòng trong tình yêu của chúng ta, đó là biến đổi chúng ta… thật là tốt đẹp nghĩ rằng đời sống của một linh mục, cũng như đời sống của một nữ tu dòng Cát Minh, là một mùa vọng để chuẩn bị cho sự nhập thể của Chúa trong tâm hồn!  Vua Đavít đã hát trong một bài Thánh Vịnh rằng “ngọn lửa sẽ dẫn lối đi trước Thiên Chúa”.  Không phải là tình yêu mà là ngọn lửa?  Đó cũng chẳng phải là sứ vụ của chúng ta là chuẩn bị đường lối của Chúa bằng sự hợp nhất của chúng ta với Đấng mà Thánh Tông Đồ gọi là “ngọn lửa lan tràn” sao?  Khi được tiếp xúc với Người, linh hồn chúng ta sẽ trở nên giống như một ngọn lửa của tình yêu lây lan tới tất cả các thành viên của thân thể Chúa Kitô đó là Giáo Hội”.  (Trích thư gửi Lm. Chevignard, trong Writings, trang 387-389).

 6.  Thánh Vịnh 71 (72):

 Với bài Thánh Vịnh này, Giáo Hội cầu nguyện trong Mùa Vọng để diễn tả sự trông đợi vị vua hòa bình, Đấng giải thoát người khó nghèo và kẻ bị áp bức.

Xét xử dân Ngài theo công lý

Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.

Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, được dẫn bởi những lời mạnh mẽ và mãnh liệt của Gioan Tẩy Giả, người mở đường cho Chúa, chúng con mong muốn được nhận lãnh phép rửa của Chúa trong Chúa Thánh Thần và lửa.  Chúa biết chúng con có bao nhiêu nỗi lo sợ, lười biếng tâm linh và thái độ đạo đức giả đang ở trong lòng chúng con.  Chúng con biết rằng với sự sàng sẩy của Chúa, rất ít lúa sẽ được còn sót lại trong đời sống chúng con và rất nhiều rơm trấu, sẵn sàng bị ném vào lửa không hề tắt.  Từ tận đáy lòng chúng con, chúng con xin nói:  Xin Chúa hãy đến với chúng con qua sự khiêm nhu của Chúa khi nhập thể làm người, nhân loại của Chúa có đầy đủ mọi thiếu sót và tội lỗi; xin hãy ban cho chúng con được ngập chìm vào trong nước sông Giođan đã chảy ra từ vết thương nơi nương long Chúa trên thập giá và xin hãy ban cho chúng con có thể nhận biết được Chúa chính là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ thật sự của chúng con.  Trong Mùa Vọng này, xin hãy đưa chúng con vào sa mạc của hư không, của sự hối cải, của sự cô đơn để chúng con có thể cảm nghiệm được tình yêu của Suối Trường Sinh.  Nguyện xin cho lời nói của Chúa không chỉ lưu lại trong sa mạc mà nó còn vang vọng trong tâm tưởng chúng con để cho tiếng nói của chúng con, được nhận chìm, được rửa trong sự hiện hữu của Chúa, có thể trở nên tin của tình yêu thương.  Amen

Check Also

Lịch Sử Áo Đức Bà Dòng Cát Minh

Date: Time: - Áo Đức Bà Carmelo (Cát Minh) là đặc ân Đức Mẹ hiện …