Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật VI Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật VI Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 11 Tháng 2, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Đức Giêsu chữa lành người phong cùi

Đưa nhũng kẻ sống bên lề trở lại trong xã hội con người

Mc 1:40-45

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ sáu Thường Niên tuần này cho chúng ta biết cách Chúa Giêsu đón nhận người phong cùi như thế nào. Vào thời bấy giờ, kẻ phong cùi là những người bị xã hội loại trừ nhất, bị tất cả mọi người xa lánh. Kẻ ấy không được tham gia vào bất cứ việc gì. Trong thời xa xưa, vì thiếu thuốc men hiệu quả, vì sợ lây lan và việc cần thiết bảo vệ đời sống xã hội, đã khiến cho người ta xa lánh và loại trừ người phong cùi. Ngoài ra, trong số những người dân riêng của Chúa, bảo vệ món quà của đời sống là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng nhất, họ nghĩ rằng loại trừ những người phong cùi là một nhiệm vụ thiêng liêng vì đó là cách duy nhất bảo vệ cho cộng đoàn khỏi sự lây lan hiểm nghèo. Vì thế, tại Israel, người mắc bệnh phong cùi bị cảm thấy ô uế và không chỉ bị xa lánh bởi xã hội mà còn ngay cả bởi Thiên Chúa nữa (xem Lv 14:1-32). Tuy nhiên, dần dần khi các phương cách chữa trị có hiệu quả hơn được tìm ra và hơn hết cả là nhờ vào kinh nghiệm thông tri sâu sắc cho chúng ta qua Đức Giêsu về Thiên Chúa là Cha chúng ta, những người bị phong cùi đã bắt đầu được chấp nhận và tái hòa nhập như anh chị em trong xã hội loài người.

Mặc dù qua hai ngàn năm của Kitô giáo, việc loại trừ và gạt bỏ ra ngoài lề xã hội một số hạng người vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, cho dù trong xã hội hay trong Giáo Hội. Ví dụ, những người bị bệnh AIDS, những kẻ di cư, người đồng phái luyến ái, người ly dị, v.v. Ngày nay, trong xã hội của các bạn và trong Giáo Hội, những loại người nào đang bị hắt hủi và xa lánh? Với những câu hỏi này trong tâm trí, chúng ta hãy đọc và suy gẫm Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này.

b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mc 1:40: Tình trạng bị bỏ rơi và bị hắt hủi của người bị bệnh phong cùi

Mc 1:41-42: Chúa Giêsu đón tiếp và chữa lành người bị phong cùi

Mc 1:43-44: Đưa những người bị hắt hủi vào lại trong xã hội huynh đệ

Mc 1:45: Người bị phong cùi loan truyền việc lành nhân đức Chúa Giêsu đã làm cho anh và Chúa Giêsu trở thành kẻ bị loại trừ

c) Phúc Âm:

40 Khi ấy, có một người bị bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch.” 41 Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay lên đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh.” 42 Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: 44 “Anh hãy ý tứ và đừng nói gì cho ai biết, mà hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môisen để minh chứng mình đã được khỏi bệnh.” 45 Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a) Trong đoạn Phúc Âm này, bạn đã thích điều nào nhất, và điều nào đã động chạm đến bạn nhất? Tại sao?

b) Đoạn Tin Mừng này diễn tả việc người phong cùi bị hắt hủi như thế nào?

c) Chúa Giêsu đã tiếp đón, chữa lành và phục hồi người bị bệnh phong cùi như thế nào? Hãy cố gắng quan sát kỹ lưỡng từng chi tiết.

d) Hôm nay, làm thế nào chúng ta có thể bắt chước được thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ bị xa lánh?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

Bối cảnh thời bấy giờ và ngày nay:

Cho dù vào những năm của thập niên 70, khi Máccô đang viết sách này, hay là ngày nay trong thời đại chúng ta, điều đã và vẫn còn rất quan trọng để nắm giữ một số tiêu chuẩn hoặc mô hình để biết làm thế nào sống và công bố Tin Mừng của Chúa, và làm cách nào để thực hiện nhiệm vụ Kitô hữu của chúng ta. Trong các câu từ 16 đến 45 của chương thứ nhất, thánh Máccô trong việc thu thập dữ kiện cho tám phân đoạn, đã mô tả cách Chúa Giêsu công bố Tin Mừng. Mỗi phân đoạn chứa đựng một tiêu chuẩn cho cộng đoàn vào thời ấy, để sau đó người ta có thể duyệt xét lại sứ vụ của riêng mình. Tin Mừng của Chúa Nhật này cụ thể hóa tiêu chuẩn thứ tám: “phục hồi phẩm giá cho những người bị xã hội ruồng bỏ”. Đây là sơ đồ toàn bộ để làm sáng tỏ những gì sau đó:

ĐOẠN TRÍCH

CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA GIÊSU

MỤC TIÊU CỦA TIN MỪNG

Mc 1:16-20

Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên của Người

Thiết lập cộng đoàn

Mc 1:21-22

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Chúa

Tạo ra lương tâm công chính

Mc 1:23-28

Chúa Giêsu trục xuất thần ô uế

Chiến đấu chống lại quyền năng của sự dữ

Mc 1:29-31

Chúa chữa lành bà nhạc mẫu của ông Phêrô

Khôi phục lại sự sống qua sự phục vụ

Mc 1:32-34

Chúa chữa lành kẻ bệnh tật và những người bị quỷ ám

Ân cần với những người sống bên lề xã hội

Mc 1:35

Chúa Giêsu trở dậy để cầu nguyện lúc trời còn tối

Luôn trong sự hiệp nhất với Chúa Cha

Mc 1:36-39

Chúa Giêsu tiếp tục công bố Tin Mừng

Không để cho những thành công ngăn cản chúng ta

Mc 1:40-45

Chúa Giêsu chữa lành một người phong cùi

Phục hồi phẩm giá cho những kẻ bị ruồng bỏ

 

Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:

Mc 1:40: Tình trạng bị bỏ rơi và bị hắt hủi của người bị phong cùi.

Một người bị phong cùi tiến đến gặp Chúa Giêsu. Anh ta là kẻ loại ra ngoài xã hội, kẻ ô uế! Anh ta bị xua đuổi xa khỏi xã hội loài người. Bất cứ ai đến gần y sẽ bị xem như ô uế. Nhưng người bị phong cùi đã có đủ can đảm. Anh đã phá vỡ các lề luật tôn giáo để có thể tiếp cận Chúa Giêsu. Anh nói: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch!” Hay là: “Ngài không cần phải chạm tới người tôi! Nếu Ngài chỉ muốn thì đã đủ để chữa lành cho tôi!” Câu này cho thấy các tệ nạn: 1) Sự quái ác của căn bệnh gọi là phong cùi đã làm cho anh ta trở nên ô uế; 2) Điều tai hại của nỗi sống cô đơn mà anh ta bị lên án bởi xã hội và tôn giáo. Nó cũng cho thấy người ta đã có đức tin mãnh liệt vào quyền năng của Chúa Giêsu.

Mc 1:41-42: Bằng việc đón tiếp và chữa lành người bị phong cùi, Chúa Giêsu mặc khải khuôn mặt mới của Thiên Chúa

Thương cảm một cách sâu xa, Chúa Giêsu đã chữa lành cả hai điều tệ hại. Trước hết, để chữa lành điều tai hại của nỗi sống cô đơn quạnh quẽ, Chúa đặt tay lên người cùi. Cũng như thể Chúa nói với anh ta rằng: “Đối với Ta, anh không phải là người bị hắt hủi. Ta xem anh như người anh em!” Thứ hai, Chúa đã chữa lành căn bệnh được gọi là phong cùi và nói: “Ta muốn. Anh hãy khỏi bệnh!” Để có thể đến gần tiếp xúc với Chúa Giêsu, người bị phong cùi đã phá bỏ những luật lệ có sẵn. Để cho Chúa Giêsu có thể giúp đỡ người bị hắt hủi này và vì thế mặc khải khuôn mặt mới của Thiên Chúa, Chúa đã vi phạm lề luật tôn giáo và động chạm đến người cùi. Vào thời bấy giờ, bất cứ ai động chạm vào một người cùi thì sẽ trở thành ô uế dưới con mắt của những người có thẩm quyền về tôn giáo và trước luật pháp thời ấy.

Mc 1:43-44: Đưa những người bị hắt hủi vào lại trong xã hội huynh đệ

Chúa Giêsu không những chỉ chữa lành, mà Người còn muốn người đã được chữa lành có thể sống chung với những người khác. Đưa người ấy trở lại với xã hội. Vào thời ấy, để cho một người bị phong cùi được trở lại sống trong cộng đoàn, người ấy phải có lời minh chứng đã được khỏi bệnh bởi một thày tư tế. Vì vậy lề luật đã được ghi chép về việc thanh tẩy cho một người đã từng bị phong cùi (Lv 14:1-32). Việc này vẫn còn xảy ra ngày nay. Bệnh nhân rời khỏi bệnh viện với một lá thư có chữ ký của bác sĩ của phân khoa điều trị. Chúa Giêsu giúp đỡ người bị phong cùi có được giấy tờ xác nhận của người có thẩm quyền để cho anh ta có thể tái gia nhập vào xã hội bình thường. Vì thế Người thúc bách các người có thẩm quyền minh chứng rằng người ấy đã được khỏi bệnh.

Mc 1:45: Người bị phong cùi loan truyền việc lành nhân đức Chúa Giêsu đã làm cho anh và Chúa Giêsu trở thành kẻ bị loại trừ

Chúa Giêsu đã cấm người bị bệnh cùi đừng nói gì về việc lành bệnh của anh ta. Nhưng người ấy đã nói. Người bị phong cùi đã bắt đầu cao rao và loan truyền câu chuyện khắp mọi nơi, vì thế mà Chúa Giêsu không còn có thể công khai đi vào bất cứ thành nào được, mà phải ở lại ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ. Tại sao Chúa Giêsu lại đi sống ở những nơi vắng vẻ? Chúa Giêsu đã động chạm vào người bị phong cùi. Vì thế, chiếu theo luật lệ thời ấy, Chúa bấy giờ đã trở nên ô uế và phải sống xa lánh tất cả mọi người. Người không thể đi vào bất cứ thành nào. Nhưng thánh Máccô ngụ ý rằng dân chúng đã bất chấp lề luật chính thức, bởi vì người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người! Một việc hoàn toàn đảo ngược!

Tin có giá trị gấp đôi mà Máccô muốn truyền đạt cho các cộng đoàn của thời ấy và cho tất cả chúng ta là: 1) Công bố Tin Mừng có nghĩa là làm chứng tá cho kinh nghiệm cụ thể mà người ta có về Chúa Giêsu. Người bị phong cùi đã công bố điều gì? Anh ta công bố với những người khác việc nhân lành mà Chúa Giêsu đã làm cho anh ta. Chỉ thế thôi! Và chính là việc làm chứng này đã tạo cơ hội cho người khác chấp nhận Tin Mừng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu công bố. Những ai không có kinh nghiệm về Chúa Giêsu thì sẽ chẳng có gì để công bố cho người khác. 2) Đem Tin Mừng đến cho người khác, người ta không cần phải lo sợ vi phạm những quy tắc về tôn giáo mà đã đi ngược với kế hoạch của Thiên Chúa; và đem lại sự thông tri, đối thoại và một đời sống của tình yêu khó khăn. Ngay cả khi một thái độ như vậy có thể tạo ra khó khăn cho người ta như nó đã làm cho Chúa Giêsu!

Lời chú giải thêm:

Tám chỉ tiêu để đánh giá sứ vụ của Cộng đoàn

Chế độ lưỡng nô lệ đã đánh dấu tình trạng người dân vào thời Chúa Giêsu: ách nô lệ của nghi thức tôn giáo, duy trì bởi các người có thẩm quyền về tôn giáo của thời ấy, và ách nô lệ chính trị của Hêrôđê, duy trì bởi Đế quốc La Mã và được hỗ trợ bởi hệ thống tổ chức toàn bộ của sự khai thác và đàn áp. Bởi vì tất cả những điều này, nhiều người đã bị loại trừ bởi tôn giáo và bởi xã hội. Do đó, điều này đi ngược lại tình huynh đệ mà Thiên Chúa ước mơ cho tất cả mọi người! Và đó chính là trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu đã bắt đầu thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Nhật tuần này là một phần của sự tập hợp văn học rộng lớn hơn (Mc 1:16-45). Ngoài phần mô tả về việc chuẩn bị cho Tin Mừng (Mc 1:1-13) và việc rao giảng (Mc 1:14-15), thánh Máccô đã tập hợp tám hoạt động của Chúa Giêsu để mô tả sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người và để chỉ vẽ ra sứ vụ của cộng đoàn phải nên như thế nào (Mc 1:16-45). Đây cũng là sứ vụ mà Chúa Giêsu nhận lãnh từ Chúa Cha (Ga 20:21). Máccô đã tóm gọn lại những câu chuyện đã được truyền khẩu trong các cộng đoàn và liên kết chúng lại với nhau như những viên gạch cũ trong một bức tường mới. Tám phân cảnh này là tám tiêu chuẩn dành cho cộng đoàn để kiểm soát và sửa đổi cho dù họ có đang thực hiện sứ vụ của họ cách tốt đẹp. Chúng ta hãy nhìn xem:

i) Mc 1:16-20: Thiết lập cộng đoàn.

Việc đầu tiên mà Chúa Giêsu làm là kêu gọi người ta đi theo Người. Việc làm căn bản của sứ vụ là tập hợp người ta chung quanh Chúa Giêsu để thành lập cộng đoàn.

ii) Mc 1:21-22: Tạo dựng lương tâm công chính.

Điều trước tiên người ta trông thấy là sự khác biệt giữa cách giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật Sĩ. Một phần của sứ vụ là tạo dựng lương tâm công chính ở người ta, ngay cả khi phải đối mặt với các người có thẩm quyền về tôn giáo.

iii) Mc 1:23-28: Chiến đấu lại quyền năng của sự dữ.

Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm là trục xuất thần ô uế. Một phần của sứ vụ là chiến đấu lại quyền năng của sự dữ đã hủy hoại sự sống và khiến người ta tha hóa với chính mình.

iv) Mc 1:29-31: Khôi phục lại đời sống qua sự phục vụ.

Chúa Giêsu chữa lành bà nhạc mẫu của ông Phêrô, và bà khỏi bệnh và bắt đầu đi tiếp đãi. Một phần của sứ vụ là chăm sóc những người bệnh tật để họ có thể khỏi bệnh và trỡ lại đi phục vụ người khác.

v) Mc 1:32-34: Ân cần với những người sống bên lề xã hội.

Sau ngày Sabbát, người ta mang đến cho Chúa Giêsu những bệnh nhân và người bị quỷ ám để Người chữa cho họ, và bằng cách đặt tay, Chúa đã chữa lành cho tất cả. Một phần của sứ vụ là ân cần với những người sống bên lề xã hội.

vi) Mc 1:35: Luôn trong sự hiệp nhất với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.

Sau một ngày làm việc cho đến mãi tận chiều tối, Chúa Giêsu đã vội vã chỗi dậy từ sớm tinh sương để Người có thể đi đến một nơi vắng vẻ và cầu nguyện tại đó. Một phần của sứ vụ là luôn ở trong sự hiệp nhất với nguồn mạch của Tin Mừng, đó là Chúa Cha, qua lời cầu nguyện.

vii) Mc 1:36-39: Duy trì nhận thức về sứ vụ.

Các môn đệ đã vui mừng với các kết quả vả mong muốn Chúa Giêsu trở lại. Tuy nhiên, Chúa đã tiếp tục với cuộc hành trình của Người. Một phần của sứ vụ là không được tự mãn với các kết quả, mà phải duy trì nhận thức về sứ vụ.

viii) Mc 1:40-45: Phục hồi phẩm giá cho những kẻ bị thiệt thòi trở về với xã hội loài người.

Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi và bảo anh ta đi trình diện cùng vị tư tế để anh có thể được chứng minh là đã khỏi bệnh và có thể được sống trong xã hội. Một phần của sứ vụ là phục hồi những người bị loại trừ để họ trở về với xã hội loài người.

Tám điểm này đã được chọn lựa khéo léo bởi Máccô, cho thấy mục đích sứ vụ của Chúa Giêsu: “Ta đến để cho tất cả được sống, và sống dồi dào!” (Ga 10:10). Cũng tám điểm này có thể dùng để đánh giá chính cộng đoàn chúng ta. Vì thế chúng ta có thể nhìn thấy Máccô đã xây dựng sách Tin Mừng của ông như thế nào. Một cấu trúc tuyệt mỹ mà tóm gọn hai điều cùng một lúc: (1) Thông tri cho mọi người về những gì Chúa Giêsu đã làm và đã giảng dạy; (2) Thành lập cộng đoàn và người ta theo sứ vụ của những người đi loan truyền và rao giảng Tin Mừng của Chúa.

6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh: Thánh Vịnh 125 (124)

Bất cứ ai tin tưởng vào Chúa sẽ không xao xuyến!

Ai tin tưởng vào CHÚA, khác nào núi Sion
chẳng bao giờ lay chuyển, muôn thuở vẫn trường tồn.

Như núi đồi bao bọc thành Giêrusalem,
CHÚA bao bọc dân Người bây giờ và mãi mãi.
Chúa sẽ không cho vương trượng ác nhân
đè nặng trên phần đất người lành,
kẻo người lành tra tay làm điều ác.
Lạy CHÚA, xin đối xử nhân hậu với người nhân hậu
và những ai lòng dạ thẳng ngay.
Nhưng kẻ ngả theo đường tà bậy,
xin CHÚA đuổi đi cùng bọn làm điều ác.
Nguyện chúc Ít-ra-en được thái bình!

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …