Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XXI Thường Niên (C)

Lectio Divina: Chúa Nhật XXI Thường Niên (C)

Date: Chủ Nhật 21 Tháng Tám, 2022
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm C

Cánh cửa hẹp và ơn gọi các dân ngoại  

Lc 13:22–30 

 

1.  Bài Đọc

 a)  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha, chúng con đến trước nhan thánh Người, bởi vì chúng con không biết làm thế nào để thưa chuyện cùng Cha, xin Cha hãy giúp chúng con dùng những lời mà Đức Giêsu, Con Cha, đã thay mặt chúng con mà công bố.  Xin Cha hãy giúp cho chúng con biết lắng nghe thông điệp nghịch lý trong bài Tin Mừng này:  “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được”.  Đây là lời mà Cha đã lặp lại cho những ai lắng nghe Tin Mừng của Con Cha.  Xin Cha hãy giúp chúng con hiểu thấu.  Để chúng con có thể đọc và suy gẫm những lời ấy, để chúng con có thể cảm thấy như có ngọn lửa đốt cháy trong lòng chúng con.  Chúng con khẩn cầu Cha, xin hãy ban Thần Khí Cha cho chúng con.  Và lạy Đức Maria, Mẹ của chiêm niệm, xưa Mẹ đã giữ những Lời và các sự kiện của Chúa Giêsu trong lòng Mẹ trong một thời gian dài, xin hãy ban cho chúng con biết suy gẫm Lời Chúa, biết lắng nghe và để các lời ấy thấm nhập vào trong lòng của chúng con.

b)  Phúc Âm: 

 22 Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem.  23 Có kẻ hỏi Người rằng:  “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?”  Nhưng Người phán cùng họ rằng:  24 “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp; vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được.  25 Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng:  ‘Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi.’  Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng:  ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới.’ 26 Bấy giờ các ngươi mới nói rằng:  ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi.’  27 Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng:  ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới.  Hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta!’  28 Khi ấy các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng.  29Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa.  30 Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết.”

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để lắng nghe một cách nhiệt thành tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta cần sự thinh lặng và nội tâm an tĩnh.  Chúng ta cần tạo ra trong tim của chúng ta “một góc nội tâm yên tĩnh, nơi chúng ta có thể liên lạc được với Thiên Chúa” (thánh E. Stein) và có thể thiết lập được mối cảm thông sâu xa giữa chúng ta và Lời Chúa.  Nếu chúng ta không đứng trước mặt Thiên Chúa trong thinh lặng, trong thinh lặng và ngắm nhìn dung nhan Người, chúng ta sẽ nắn nót lên những ngôn từ nhưng chúng ta sẽ không nói được gì cả.

2.  Suy Gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng:

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này được tìm thấy trong phần thứ hai của Phúc Âm theo thánh Luca nơi thành Giêrusalem, đối tượng của cuộc hành trình hiện hữu và thần học của Chúa Giêsu, được đề cập đến nhiều lần trong đó ba đoạn sau đây là một phần của chương trình phụng vụ sau lễ Phục Sinh:  Lc 9:51 (Chúa Nhật XIII Thường Niên, năm “C”), Lc 13:22-30 (Chúa Nhật XXI Thường Niên, năm “C”), và Lc 17:11 (Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, năm “C”).  Việc công bố một cuộc hành trình, được đặt tại phần đầu của sách Phúc Âm, giúp người đọc ghi nhớ rằng họ cũng đang trên một cuộc hành trình hướng về Giêrusalem cùng với Chúa Giêsu.  Cuộc hành trình hướng về thành thánh là chủ đề chạy suốt toàn bộ phần thứ hai của sách Phúc Âm (Lc 9:51 – 19:46) và hầu hết những gì được nói đến được trình bày bằng các động từ của sự chuyển dịch giới thiệu với người đọc về Chúa Giêsu và các môn đệ Người như những người hành hương hay những người có cuộc sống rày đây mai đó.  Cuộc hành trình của Đức Giêsu hướng về thành thánh không chỉ nói theo nghĩa của một cuộc hành trình thuộc về địa dư, mà còn tương ứng với một cuộc hành trình thần học và tâm linh.  Cuộc hành trình loại này cũng liên quan đến các môn đệ và độc giả của Tin Mừng:  đi trên “cuộc hành trình” của Chúa Giêsu làm cho chúng ta giống như những người du mục có nhiệm vụ là đi rao giảng Tin Mừng.

Trên cuộc hành trình này, Đức Giêsu phải đối diện với các cuộc xung đột với thế giới người Do-Thái, và trong đoạn Phúc Âm Luca 13:10-30 bao gồm ba phân đoạn:  13:10-17 (việc chữa lành người phụ nữ tàn tật), 18-21 (dụ ngôn hạt cải và nắm men trong bột) và trong các câu 22-30 (bài giảng về cửa hẹp).  Đoạn cuối là đoạn Tin Mừng phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta trong Chúa Nhật này.  Nó bắt đầu với cuộc hành trình như là một bối cảnh cho Lời của Chúa Giêsu khi Người “đi rảo qua các đô thị và làng mạc … vừa giảng dạy” (câu 22).  Đó là đặc tính của thánh sử Luca khi viết về sứ vụ của Chúa Giêsu như là một cuộc hành trình.

Giờ đây, ở một giai đoạn trên cuộc hành trình hướng về Giêrusalem này, có người đã đặt một câu hỏi với Chúa Giêsu: bao nhiêu người sẽ được cứu rỗi?  Câu trả lời của Đức Giêsu không hề đề cập đến con số bao nhiêu người sẽ được cứu rỗi nhưng chứa đựng một sự thúc đẩy và một lời cảnh cáo, “cố gắng”, chỉ về một thái độ giả định:  “vào bằng cửa hẹp”.  Hình ảnh này nhắc nhớ lại trong tâm trí của các môn đệ và cộng đoàn của Luca về nhu cầu cần phải giải quyết mối bận tâm của họ với sự ràng buộc nặng nề mà cuộc hành trình đức tin đòi hỏi.  Ngay sau đó, Chúa Giêsu đưa ra lời giảng dạy đích thực và thích hợp với dụ ngôn liên đới tới hình ảnh cánh cửa hẹp, dụ ngôn về người chủ nhà khi đã vào nhà rồi đóng cửa lại, sẽ không cho phép bất cứ một ai bước vào (câu 25).  Chi tiết này gợi đến trong tâm trí về đoạn kết của dụ ngôn mười người trinh nữ trong Phúc Âm Mátthêu 25:10-12.  Những ví dụ này cho chúng ta biết rằng thì giờ sắp gần hết khi chúng ta phải dấn thân để nhận được ơn cứu rỗi trước khi cánh cửa đóng lại vĩnh viễn và không thay đổi.

Sự chia sẻ làm việc ngay cả trong thời gian mới bắt đầu hình thành đời sống cộng đoàn, giống như tại bữa tiệc ly của Chúa (“chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài”) và sự công bố Lời Chúa (“Ngài đã giảng dạy tại các quảng trường của chúng tôi”), nếu không được hỗ trợ bằng một sự cam kết suốt đời thì không sao tránh khỏi nguy cơ bị kết án chỉ trích.  Phúc Âm Luca muốn trình bày Chúa Giêsu như một người đang tham dự bàn tiệc với những người đã mời Người, nhưng không phải tất cả những ai ngồi cùng bàn với Chúa sẽ tự động có quyền được ơn cứu độ mà Người đã công bố qua hình ảnh của một bữa tiệc.  Cũng thế, nghe lời Người giảng dạy không có nghĩa là bảo đảm tự động sẽ được cứu rỗi.  Thực ra, theo thánh Luca, lắng nghe Lời Chúa Giêsu là một điều kiện thiết yếu để trở nên môn đệ Người, nhưng như thế thì chưa đủ.  Các môn đệ cần phải thực hiện việc cam kết đi theo Thầy, tuân giữ các lời giảng dạy của Người và mang lại hoa trái qua sự kiên trì (Lc 8:15).

Những ai không thể vào qua cửa hẹp trước khi nó được đóng lại được gọi là “những kẻ làm điều tội lỗi”:  họ là những ai đã không quyết tâm thực thi kế hoạch của Thiên Chúa.  Tương lai của họ được trình bày một cách bóng bảy với sự miêu tả không được cứu rỗi của họ:  “Lúc ấy sẽ chỉ có khóc lóc và nghiến răng” (câu 28).

Một điều thú vị là việc nhắc đến các bậc tổ phụ trong kinh thánh (Abraham, Isaac, Giacóp) và tất cả các ngôn sứ: các vị này sẽ bước vào và sẽ là một phần của nước Thiên Chúa.  Nếu đối với các người cùng thời với Chúa Giêsu điều khẳng định này có thể xem như khẳng định rằng ơn cứu rỗi là đặc quyền của người Do-Thái; đối với cộng đoàn Kitô hữu của Luca, đó cũng là một lời cảnh báo không nên nghĩ rằng việc cứu rỗi là một chuyện đương nhiên.  Vương quốc mà Chúa Giêsu công bố trở thành nơi các môn đệ gặp gỡ và đến “từ đông chí tây, từ bắc chí nam” (câu 29).  Lời giảng dạy của Chúa Giêsu nói về một ơn cứu rỗi năng động có liên quan đến toàn thể nhân loại và một cách đặc biệt về những người nghèo khó và bệnh tật (Lc 14:15-24).  Hơn các thánh sử khác, thánh sử Luca nhạy cảm với việc công bố một ơn cứu độ cho toàn thế giới và nói về Chúa Giêsu như là một sự bày tỏ về lời giao ước ơn cứu độ không chỉ riêng cho dân Do-Thái, mà cho tất cả mọi người.  Lời khẳng định cuối cùng đến như là một dấu hiệu về điều kiện của ơn cứu độ đã thay đổi:  “có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết” (câu 30).  Lời khẳng định này cho thấy Thiên Chúa đã không hài lòng như thế nào và Người làm xáo trộn các cơ chế của luận lý loài người:  không có ai chắc mẩm về một vị thế đã đạt được, nhưng tất cả mọi người được mời gọi để lắng nghe liên tục vào làn sóng của Tin Mừng.

b)  Một vài câu hỏi gợi ý:

i)  Cánh cửa hẹp của ơn cứu rỗi nhắc nhớ chúng ta về sự cần thiết cho tất cả mọi người tin vào để nhận lãnh ân sủng này.  Hình ảnh không nói rằng Thiên Chúa muốn tạo khó khăn để có được ơn cứu rỗi, nhưng nó nhấn mạnh vào việc đồng trách nhiệm của mọi người, nam cũng như nữ, nỗ lực cụ thể tham gia vào cam kết này để có được ơn cứu rỗi.  Theo thánh Cyprian, bước qua cửa hẹp có nghĩa là một sự biến đổi:  “Có ai lại không muốn được biến đổi được trở nên giống hình ảnh Chúa Kitô càng sớm càng tốt không?”  Hình ảnh của cánh cửa hẹp là biểu tượng của việc biến đổi mà người tín hữu đã cam kết qua một tiến trình chậm và nỗ lực bản thân để tôi luyện chính mình và được hun đúc bởi Tin Mừng.  Nói đúng hơn, những ai không muốn cam kết chính mình cho bất cứ liên hệ đối ứng nào với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế gian thì có nguy cơ bị diệt vong.  Thông thường, chúng ta có khuynh hướng đi qua các cửa khác, trông dường như dễ dàng hơn và hữu dụng hơn, giống như những người ích kỷ, tránh né tình bạn với Thiên Chúa và liên hệ với tha nhân.  Bạn đã cam kết để xây dựng những mối liên hệ chưa hay bạn có ý định trở thành kẻ ích kỷ?  Bạn có tin rằng ơn cứu rỗi được ban cho bạn qua chiều kích quan hệ hiệp thông với Thiên Chúa và những người khác không?

ii)  Ơn cứu rỗi thì dành cho tất cả.  Mọi người đều có thể đạt được ơn ấy, nhưng đó là một món quà từ Chúa Giêsu đòi hỏi một câu trả lời xác thực và từ riêng mỗi cá nhân chúng ta.  Trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, chúng ta không thấy việc xử dụng bất kỳ một lời lẽ đe dọa nào để làm cho người ta nhận thức về ơn cứu rỗi, mà chỉ có một lời mời gọi để được nhận thức một cách đầy đủ về một cơ hội hạn hữu và không thể thay đổi của món quà của lòng thương xót và cuộc sống trước Thiên Chúa và được đối diện với Người.  Cuộc sống của bạn đang hướng tới điều gì và hướng tới ai?  Bạn sẽ xử dụng sự tự so của bạn như thế nào?  Bạn có sẽ tiếp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để đồng chịu trách nhiệm cho sự cứu rỗi của bạn không, hay là bạn đã quy hàng để bị đào thải và diệt vong?

iii)  Nếu chúng ta xem xét câu hỏi của một người đã hỏi Chúa Giêsu:  “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?”  Không ai có thể nghĩ mình là người được đặc quyền.  Ơn cứu độ thuộc về tất cả và tất cả được mời gọi để nhận lãnh.  Cánh cửa của ơn cứu rỗi có thể sẽ bị đóng lại đối với những người mong đợi bước vào với hành ký cồng kềnh của những mâu thuẫn cá nhân.  Bạn có cảm thấy ước muốn bước vào và là một phần của “đám đông vô hạn từ đông chí tây sẽ ngồi tại bàn của nước Thiên Chúa” không?  Và nếu bạn cảm thấy mình là phần tử rốt hết (nhỏ bé, chất phác, tội lỗi, bị áp bức ….) nếu bạn sống với tình yêu và niềm hy vọng, hãy đừng tuyệt vọng.  Đức Giêsu nói rằng kẻ rốt hết sẽ trở nên trước hết.

3.  Cầu Nguyện

 a)  Thánh Vịnh 117:1-2  

Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA!
Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!

Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn đời.

Ngợi khen Chúa!

b)  Lời nguyện kết:

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con cảm nghiệm được cuộc sống của Lời Chúa mà chúng con đã nghe; đã vỡ; chúng con nài xin Chúa, những gút thắt của sự lưỡng lự của chúng con, những ngụy biện, những “nếu như” và “giá mà” của chúng con đã ngăn trở chúng con không nhập vào ơn cứu rỗi thông qua cánh cửa hẹp.  Giả dụ rằng chúng con có thể tiếp nhận mà không sợ hãi, không quá nhiều nghi ngờ, Lời Chúa mời gọi chúng con tự cam kết chính mình và làm việc sốt sắng với cuộc sống đức tin của chúng con.  Lạy Chúa, nguyện xin qua Lời Chúa chúng con đã nghe Chúa Nhật này, ngày của Chúa, nguyện xin chúng con không bị ràng buộc bởi sự bảo đảm sai lầm về ơn cứu rỗi của chúng con và nguyện xin Lời Chúa mang lại cho chúng con niềm vui, sức mạnh, thanh tẩy, và cứu rỗi chúng con.  Và lạy Đức Maria, gương mẫu cho những ai lắng nghe và gương mẫu của sự im lặng, xin Mẹ giúp chúng con được sinh động và chân thật, để hiểu rằng, theo như Lời Chúa, bất cứ điều gì khó khăn sẽ trở nên dễ dàng, bất cứ điều gì mờ mịt sẽ trở nên sáng sủa.

4. Chiêm Niệm

Chiêm niệm là cao điểm của bài đọc Kinh Thánh sau khi đã suy gẫm và cầu nguyện.  Chiêm niệm để nhập vào, qua việc lắng nghe Lời Chúa, trong một mối quan hệ đức tin và tình yêu với Thiên Chúa, Đấng là sự sống và là sự thật và là Đấng đã mặc khải qua Đức Kitô cho chúng ta biết dung nhan Người.  Lời Chúa lộ mở ra khuôn mặt ẩn náu trong mỗi trang của Kinh Thánh.  Nó đủ để nhìn trong sự ngưỡng mộ, được mở ra dưới ánh sáng, hãy để nó thấm nhập vào chúng ta.  Đó là kinh nghiệm xuất thần trước vẻ đẹp và sự tốt lành.  Hãy nối dài đời sống hằng ngày của bạn với môi trường này về kinh nghiệm thông tri với Thiên Chúa bằng việc lắng nghe Lời Người, và giữ gìn hương vị của vẻ đẹp trong cuộc đối thoại với những người khác trong bất cứ công việc nào bạn làm.

 

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …