Thứ Hai – Tuần IV Mùa Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa Cha của tất cả mọi người,
Chúa đã sai Con Chúa, Đức Giêsu Kitô đến giữa chúng con
Để mặc khải cho chúng con rằng Chúa yêu thương loài người
Và tình yêu của Chúa dành cho tất cả mọi người,
Không phân biệt chủng tộc hay văn hóa.
Xin ban cho chúng con biết dành sự tôn trọng cho tất cả mọi người,
Bất kể họ đến bằng cách nào,
Và xin để cho Giáo Hội Chúa bao gồm tất cả các nền văn hóa,
Để Chúa Giêsu có thể thực sự
Là Chúa và là Mục Tử của tất cả mọi người,
Hôm nay và mãi mãi.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 10:11-18
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mác. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên.
Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên.
Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay trình bày dụ ngôn Người Mục Tử Nhân Lành. Đó là đoạn tiếp nối mà chúng ta đọc vào ngày Chúa Nhật hôm qua. Thật khó mà hiểu được phần đầu tiên nếu không có phần thứ hai. Đây là lý do mà chúng tôi muốn bình luận ngắn gọn về cả hai phần (Ga 10:1-18). Bài giảng về người Mục Tử Nhân Lành trình bày ba sự so sánh được liên kết với nhau:
So sánh thứ nhất: Chúa Giêsu nói về người mục tử và kẻ trộm cướp (Ga 10:1-5)
So sánh thứ hai: Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên (Ga 10:6-10)
So sánh thứ ba: Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành (Ga 10:11-18)
– Ga 10:1-5: So sánh thứ nhất: đi qua cửa mà vào chứ không trèo qua lối nào khác. Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng bằng việc so sánh cánh cửa: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp!” Vào thời ấy, người mục tử chăm sóc đàn chiên cả ngày. Khi màn đêm buông xuống, họ dẫn đàn chiên đến một bãi rào công cộng lớn để nhốt chiên, được bảo vệ kỹ càng khỏi những tên trộm cướp và sói rừng. Tất cả các mục tử của cùng một khu vực đã đưa chiên của họ đến đó. Một người gác cổng sẽ canh giữ chúng suốt đêm. Ngày hôm sau, vào sáng sớm tinh mơ, người mục tử sẽ đến đó, gõ cửa và người gác cổng sẽ mở. Người mục tử sẽ bước vào trong và gọi chiên bằng tên. Con chiên nhận ra giọng của người chăn dắt chúng sẽ đứng dậy và đi theo người ấy ra ngoài đồng cỏ. Chiên của những người mục tử khác nghe thấy tiếng gọi, nhưng không động tĩnh, bởi vì đó là giọng nói xa lạ đối với chúng. Thỉnh thoảng, ràn chiên có nguy cơ bị tấn công. Bọn cướp sẽ đi vào bằng một lỗ hổng bên cạnh hoặc trèo qua hàng rào của ràn chiên, bằng cách xếp các hòn đá chồng lên trên nhau, để vào cướp đàn chiên. Chúng không vào bằng cổng vì người giữ cửa đang ở đó.
– Ga 10: 6-10: So sánh thứ hai: Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Kẻ dự khán, những người Biệt Phái (Ga 9:40-41), đã không hiểu ý nghĩa của việc “đi qua cửa mà vào”. Sau đó, Chúa Giêsu giải thích: “Ta là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước Ta đều là kẻ trộm cướp.” Chúa Giêsu đang nói về những người nào trong câu nói khó nghe này? Có lẽ, Người đang nói đến các kẻ lãnh đạo tôn giáo, những kẻ đã lôi kéo dân chúng về phía mình nhưng đã không đáp ứng được các mong đợi của dân. Họ đã không quan tâm đến lợi ích cho người dân, mà chỉ chăm chút đến lợi ích cho riêng họ và vơ vét cho đầy túi. Họ lừa dối và bỏ rơi người dân vào tình trạng tồi tệ hơn. Đi qua cổng mà vào nghĩa là hành động như Chúa Giêsu đã làm. Tiêu chuẩn căn bản để phân biệt ai là người chăn chiên với ai là kẻ trộm là việc bảo vệ sự sống của đàn chiên. Chúa Giêsu khuyên người ta đừng đi theo những kẻ tự nhận mình là người chăn chiên, mà họ lại không màng đến cuộc sống của người dân. “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào!” Đây là tiêu chuẩn!
– Ga 10:6-10: Sự so sánh thứ ba: Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành. Chúa Giêsu thay đổi sự so sánh. Đầu tiên, Người là cửa của chuồng chiên. Giờ đây Người là Mục Tử của chiên. Mọi người đều biết người chăn chiên là gì và cách người ấy sống và làm việc. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ là một mục tử bình thường, mà Người là Mục Tử Nhân Lành! Hình ảnh người Mục Tử Nhân Lành đến từ Cựu Ước. Nói rằng Người là Mục Tử Nhân Lành, Đức Giêsu tự giới thiệu mình là Đấng đến để thực hiện lời hứa của các ngôn sứ và lòng mong đợi của mọi người; ví dụ lời tiên tri đẹp đẽ của tiên tri Êzêkien (Xh 34:11-16). Có hai điểm mà Chúa Giêsu khẳng định: (a) Trong việc bảo vệ sự sống của đàn chiên: Người Mục Tử Nhân Lành thí mạng mình cho sự sống của đàn chiên. (b) Trong sự hiểu biết lẫn nhau giữa người mục tử và đàn chiên: Người mục tử biết chiên mình và chiên biết người mục tử. Chúa Giêsu nói rằng người ta có một nhận thức đặc biệt và biết ai là Mục Tử Nhân Lành. Đây là điều mà người Biệt Phái không chấp nhận. Họ khinh bỉ hoặc xua đuổi các con chiên và nói rằng chúng bị nguyền rủa và là thứ không biết Lề Luật (Ga 7:49; 9:34). Họ cho rằng họ có quan điểm đúng đắn và thích hợp để phân biệt những điều thuộc về Thiên Chúa. Trong thực tế, họ là những kẻ mù lòa. Bài giảng về Mục Tử Nhân Lành dạy về hai quy tắc để chữa loại mù lòa này, điều khá thường xuyên trông thấy: (i) Chú ý đặc biệt đến phản ứng của chiên, vì chúng biết tiếng của người chăn. (ii) Phải rất chú ý đến thái độ của kẻ tự xưng là người chăn chiên để xem mối quan tâm của người ấy có phải là sự sống của đàn chiên hay không, và liệu người ấy có khả năng hiến mạng sống mình cho sự sống của đàn chiên hay không.
– Ga 10:16-18: Mục đích mà Chúa Giêsu muốn đạt đến: Một đàn chiên duy nhất và một Mục Tử duy nhất. Chúa Giêsu mở ra chân trời và nói rằng Người còn có những con chiên khác không thuộc về đàn chiên này. Chúng chưa nghe thấy tiếng của Chúa Giêsu, nhưng khi chúng nghe thấy, chúng sẽ nhận ra rằng Người là vị mục tử và sẽ đi theo Người. Đây là chiều kích Giáo Hội phổ quát.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Mục Tử – Mục Vụ. Chương trình Mục Vụ trong Giáo Xứ của tôi có phỏng theo theo sứ vụ của Chúa Giêsu là người chăn chiên không? Và trong chương trình mục vụ của tôi, thái độ của tôi là gì? Tôi có là người mục tử như Chúa Giêsu không?
– Bạn đã có kinh nghiệm bị lừa dối bởi một kẻ chăn chiên giả chưa? Làm thế nào bạn khắc phục được kinh nghiệm này?
5. Lời nguyện kết
Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
Hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?
(Tv 42:1-2)