Thứ Ba – Tuần IV Mùa Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Cha của chúng con,
Thần Khí của Chúa Giêsu gọi chúng con, như Ngài đã gọi Con Chúa,
Từ bỏ bản thân cũ và thế giới cũ của chúng con
Để tự do sống cuộc sống mới và tăng trưởng.
Xin Cha tha thứ cho chúng con vì nỗi sợ hãi và do dự của chúng con,
Xin hướng dẫn chúng con khỏi những lời nói và thói quen xưa cũ,
Và khỏi những tự mãn của chúng con
Xin hãy nhận chìm chúng con vào trong Tin Mừng của Con Cha
Để tin mừng của Người trở nên niềm cậy trông
Trong thời đại của chúng con và thế giới của chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 10:22-30
Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.
3. Suy Niệm
– Các chương từ một đến mười hai của sách Tin Mừng Gioan được gọi là “Sách của các Dấu Lạ”. Trong các chương này, chúng ta có sự mặc khải dần dần về Mầu Nhiệm Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Trong phạm vi mà Chúa Giêsu thực hiện sự mặc khải này, việc trung thành và chống đối tăng lên xung quanh Người tùy theo viễn kiến hoặc ý tưởng của mỗi người có về Đấng Mêssia sắp đến. Cách mô tả này về hoạt động của Chúa Giêsu không chỉ để cho biết cách Chúa Giêsu tuân giữ lề luật như thế nào vào thời ấy, mà hơn hết cả, làm thế nào điều này nên xảy ra trong chúng ta ngày nay, các độc giả của ông. Vào thời ấy, tất cả mọi người đều trông đợi sự xuất hiện của Đấng Mêssia và họ có tiêu chuẩn riêng để nhận ra Người. Họ muốn Đấng Cứu Thế phải giống như sự tưởng tượng của họ. Nhưng Chúa Giêsu không chịu khuất phục trước đòi hỏi đó. Người mặc khải Thiên Chúa là Cha và không phải theo như người ta muốn. Người đòi hỏi sự sửa đổi trong cách suy nghĩ và hành động. Ngày nay cũng vậy, mỗi người trong chúng ta đều có sở thích riêng của mình. Đôi khi, chúng ta đọc sách Tin Mừng để xem chúng ta có thể tìm thấy một sự xác tín cho những mong ước của chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một số soi sáng liên quan đến điều này.
– Ga 10:22-24: Người Do Thái chất vấn Chúa Giêsu. Trời vào tháng Mười đã bắt đầu lạnh. Đó là dịp Lễ Cung Hiến Đền Thờ để cử hành việc thanh tẩy đền thờ do thủ lãnh Giuđa Mácabê đã thực hiện (2Mcb 4:36,59). Đó là một Lễ rất phổ biến với nhiều đèn đuốc. Chúa Giêsu đi bách bộ tại Đền Thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do Thái hỏi Chúa Giêsu: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Họ muốn chính Chúa Giêsu xác nhận để họ có thể kiểm chứng, dựa theo tiêu chuẩn của riêng họ, xem Chúa Giêsu có phải là Đấng Mêssia hay không. Họ muốn có một số bằng chứng. Đó là thái độ của những kẻ cảm thấy rằng Chúa đang chi phối tình hình. Những người mới phải trình dẫn giấy ủy nhiệm của họ. Nếu không, những người này không có quyền nói hoặc hoạt động.
– Ga 10:25-26: Câu trả lời của Chúa Giêsu: Những việc Ta làm, làm chứng cho Ta. Câu trả lời của Chúa Giêsu luôn giống nhau: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi.” Đây không phải là câu hỏi về việc đưa ra bằng chứng. Nó vô dụng. Khi một người không muốn tin lời chứng của một người nào đó, thì không có một bằng chứng nào có giá trị, sẽ làm cho người ấy đổi ý và nghĩ khác đi. Vấn đề căn bản là việc cởi mở vô tư của con người đối với Thiên Chúa và đối với chân lý. Nơi nào có sự cởi mở này, thì Chúa Giêsu sẽ được chiên của Người nhận biết. “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta.” Chúa Giêsu sẽ nói những lời này trước mặt quan Philatô (Ga 18:37). Người Biệt Phái thiếu sự cởi mở này.
– Ga 10:27-28: Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi. Chúa Giêsu nhắc lại dụ ngôn Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình và chúng biết Người. Sự hiểu biết lẫn nhau này – giữa Chúa Giêsu, Đấng nhân danh Chúa Cha mà đến, và những người mở lòng mình ra với sự thật – là nguồn mạch của sự sống đời đời. Sự kết hợp này giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật qua Chúa Giêsu vượt quá mọi đe dọa của tử thần: “Chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta!” Họ được an toàn và gìn giữ, và vì điều này, họ được bình an và tận hưởng sự tự do hoàn toàn.
– Ga 10:20-30: Tôi và Cha Tôi là một. Hai câu này đề cập đến mầu nhiệm hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha: “Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”. Những câu này và các câu khác khiến cho chúng ta suy tưởng hoặc có một cái nhìn thoáng qua về mầu nhiệm lớn lao nhất: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). “Chúa Cha ở trong Ta và Ta ở trong Chúa Cha” (Ga 10:38). Sự hiệp nhất này giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha không phải là một điều gì đó tự nhiên, mà đúng hơn đó là thành quả của sự vâng lời: “Ta hằng làm những điều đẹp ý Chúa Cha” (Ga 8:29; 6:38; 17:4). “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Chúa Cha” (Ga 4:34; 5:30). Trong thư gửi tín hữu Do Thái của thánh Phaolô viết rằng Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (Dt 5:8). “Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây Thập giá” (Pl 2:8). Sự vâng phục của Chúa Giêsu không phải mang tính chất kỷ luật, mà đúng hơn đó là điều tiên tri. Người vâng lời để được hoàn toàn minh bạch, và do đó, là sự mặc khải về Chúa Cha. Vì điều này, Người có thể nói rằng: “Chúa Cha và Ta là một!” Đó là một quá trình dài của sự vâng phục và nhập thể kéo dài 33 năm. Nó bắt đầu với lời XIN VÂNG của Mẹ Maria (Lc 1:38) và kết thúc với câu: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19:30).
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Sự vâng phục của tôi đối với Thiên Chúa, đó là điều mang tính kỷ luật hay là điều biết trước? Tôi có mặc khải điều gì về Thiên Chúa không hay tôi chỉ quan tâm về ơn cứu rỗi của chính mình?
– Chúa Giêsu không khuất phục trước những kẻ khẩn khoản muốn minh xác xem Chúa Giêsu có phải là Đấng Mêssia hay không. Trong tôi, tôi có ý nghĩ gì về thái độ hống hách và chất vấn này của các kẻ đối nghịch với Chúa Giêsu không?
5. Lời nguyện kết
Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
Xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
Cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
Và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.
(Tv 67:2-3)