Thứ Năm – Tuần IV Mùa Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Con Chúa là Đức Giêsu nhắc nhở chúng con hôm nay
Rằng chúng con không cao trọng hơn Tôi Tớ của Chúa và của chúng con,
là Chúa Giêsu, là Chúa và Thầy của chúng con.
Xin ban cho chúng con tinh yêu và tính nhẫn nại
Để phục vụ Chúa và mọi người
Không vì phần thưởng hay lòng biết ơn
Biết chấp nhận những khó khăn và chống đối
Như là một phần của đời sống Kitô hữu
Và đó là việc bình thường cho những môn đệ
Của Đấng vác thập giá vì chúng con,
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 13:16-20
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
3. Suy Niệm
– Bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày trong ba tuần, trừ những ngày lễ, bài Tin Mừng mỗi ngày được trích ra từ cuộc trò chuyện dài của Chúa Giêsu với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly (Tin Mừng Gioan các chương 13 đến chương 17). Năm chương này thuật lại cuộc chia tay của Chúa Giêsu, sự hiện diện của ba thoi chỉ mà chúng ta đã nói đến trước đây, được cảm nhận, những thoi chỉ ấy đan kết nhau và soạn thành sách Tin Mừng Gioan: Lời của Chúa Giêsu, lời của cộng đoàn, và lời của Phúc Âm Thánh Sử, người đã biên soạn quyển Tin Mừng Thứ Tư. Trong các chương này, ba thoi chỉ được đan kẽ nhau theo cách mà toàn bộ quyển Tin Mừng được trình bày như một tấm thảm độc đáo mang một vẻ đẹp và truyền cảm quý hiếm, rất khó mà phân biệt được lời này với lời kia, nhưng tất cả mọi lời đều là Lời của Chúa nói với chúng ta.
– Cả năm chương này trình bày cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với các bạn hữu của Người, vào buổi tối hôm Người bị bắt và bị xử tử. Đó là một cuộc trò chuyện thân mật, còn đọng lại trong ký ức của Người Môn Đệ Chúa Yêu. Chúa Giêsu dường như muốn kéo dài đến mức tối đa cuộc gặp gỡ cuối cùng này, khoảnh khắc của sự thân mật tuyệt vời này. Điều tương tự cũng xảy ra ngày hôm nay. Có cuộc trò chuyện và lại nối tiếp trò chuyện. Có cuộc trò chuyện hời hợt với những từ ngữ và lời nói cho thấy sự trống rỗng của kẻ ấy. Và có cuộc trò chuyện đi vào sâu thăm của trái tim và tồn tại trong ký ức. Tất cả chúng ta, thỉnh thoảng có những khoảnh khắc này, sống thân thiện với nhau, chúng mở rộng trái tim và tạo thành sức mạnh trong những lúc khó khăn. Chúng giúp chúng ta tin tưởng và vượt qua nỗi sợ hãi.
– Năm câu của bài Tin Mừng hôm nay đưa ra hai kết luận từ việc rửa chân (Ga 13:1-15). Chúng nói về (a) việc phục vụ là đặc điểm chính của những người đi theo Chúa Giêsu, và (b) danh tính của Chúa Giêsu là sự mặc khải của Chúa Cha.
– Ga 13:16-17: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Chúa Giêsu vừa mới rửa chân cho các môn đệ xong. Ông Phêrô cảm thấy bối rối và không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho mình. “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13:8). Và chỉ cần rửa chân là đủ; không cần phải rửa cả thân người (Ga 13:10). Giá trị biểu trưng của cử chỉ rửa chân bao gồm việc đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai Tôi Tớ, Đấng hiến thân mình cho người khác và từ khước vị Vua Cứu Thế vinh quang. Món quà của chính thân mình, người tôi tớ của tất cả mọi người là chìa khóa để hiểu được cử chỉ rửa chân. Hiểu biết được điều này là căn nguyên hạnh phúc cho người ta: “Biết được những điều này, bạn sẽ được chúc phúc nếu bạn đem chúng ra thực hành.” Nhưng có một số người, ngay cả trong số các môn đệ, đã không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai Tôi Tớ. Họ đã không muốn làm tôi tớ cho người khác. Có lẽ, họ muốn một Đấng Thiên Sai, vị Vua và Quan Án vinh quang, theo như suy nghĩ chính thức bấy giờ. Chúa Giêsu nói rằng: “Thầy không nói về tất cả các anh em đâu; chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ áo lại giơ gót đạp con!” Tác giả Gioan nói về Giuđa, kẻ mà sự phản bội sẽ được loan báo ngay sau đó (Ga 13:21-30).
– Ga 13:18-20: Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin Thầy là Đấng ấy. Vào dịp dân Israel được giải thoát khỏi đất Ai Cập dưới chân núi Sinai, Thiên Chúa đã mặc khải danh Thiên Chúa cho ông Môisen: “Ta sẽ ở với ngươi!” (Xh 3:12). “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 13:14). “Đấng Hiện Hữu (TA LÀ) sai tôi đến với anh em” (Xh 3:14). Danh xưng ĐỨC CHÚA (Đấng Giavê, Ga 3:15) nói lên sự chắc chắn tuyệt đối về sự hiện diện tự do của Thiên Chúa ở bên cạnh dân của Người. Theo nhiều cách và nhiều lần cùng một danh xưng “Ta Là” này được Chúa Giêsu xử dụng (Ga 8:24; 8:28; 8:58; 6:20; 18:5,8; Mc 14:62; Lc 22:70). Chúa Giêsu là sự hiện diện của gương mặt tự do của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Tôi tớ thì không trọng hơn chủ của mình. Làm thế nào để tôi biến cuộc đời mình thành tôi tớ lâu dài cho người khác?
– Chúa Giêsu biết cách sống chung với những kẻ không đón nhận Người. Còn tôi thì sao?
5. Lời nguyện kết
Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng,
Qua muôn ngàn thế hệ
Miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
Vâng con nói: “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
Lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.”
(Tv 89:1-2)