Thứ Ba Tuần V – Mùa Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Chúa Cha Toàn Năng,
Chúa có quyền năng tuyệt đối trên thế gian,
Nhưng Chúa lại tôn trọng sự tự do của loài người,
Ngay cả kẻ bách hại những người tin vào Chúa.
Xin cho chúng con nhận ra rằng đức tin của chúng con
Không bảo vệ chúng con trước sự dữ
Mà người ta đem đến cho nhau,
Nhưng Chúa muốn chúng con xây dựng theo chương trình của Chúa
Một vương quốc của công lý, yêu thương và bình an.
Xin giúp cho đức tin của chúng con được vững bền
Khi mà những nỗ lực ít ỏi của chúng con bị thất bại.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,
2. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 14:27-31a
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi.”
“Anh đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’ Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
“Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!”
3. Suy Niệm
– Tại đây trong câu Ga 14:27 của sách Tin Mừng theo Gioan, bắt đầu lời từ giã của Chúa Giêsu và tại cuối chương 14, Người kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu: “Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!” (Ga 14:31). Nhưng thay vì đi ra khỏi phòng, Chúa Giêsu tiếp tục nói trong ba chương kế tiếp: 15, 16, và 17. Nếu chúng ta đọc ba chương này, ở đầu chương 18, chúng ta thấy có câu sau đây: “Sau khi nói những lời đó, Chúa Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kídrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào” (Ga 18:1). Trong câu Ga 18:1, có sự tiếp nối của câu Ga 14:31. Sách Tin Mừng của Gioan giống như một tòa nhà đẹp được xây dựng từ từ, từng cục đá, từng viên gạch. Thỉnh thoảng, có những dấu hiệu của việc sắp xếp lại hoặc thích ứng. Theo một cách nào đó, tất cả các lời văn, tất cả các viên gạch, tạo thành một phần của tòa nhà và là Lời Chúa cho chúng ta.
– Ga 14:27: Món quà của Bình An. Chúa Giêsu truyền đạt sự bình an của Người cho các môn đệ. Cùng một sự bình an sẽ được ban cho sau khi Chúa Phục Sinh (Ga 20:29). Sự bình an này là sự tỏ lộ của Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã nói trước đây (Ga 14:21). Sự bình an của Chúa Giêsu là nguồn hoan lạc mà Người truyền đạt đến chúng ta (Ga 15:11; 16:20,22,24; 17:13). Đó là sự bình an khác với bình an mà thế gian cho chúng ta, khác với thời kỳ An Bình La Mã (Pax Romana). Vào cuối thế kỷ thứ nhất, thời kỳ An Bình La Mã đã được duy trì bằng vũ lực và sự tàn bạo trấn áp các phong trào nổi dậy. Thời An Bình La Mã bảo đảm cho thể chế bất bình đẳng giữa công dân La Mã và thành phần nô lệ. Đây không phải là sự bình an của Vương Quốc Nước Trời. Sự Bình An mà Chúa Giêsu truyền đạt là những gì trong Cựu Ước được gọi là Shalom. Đó là tổ chức hoàn hảo của toàn bộ cuộc sống chung quanh các giá trị của công lý, của tình anh em và của công bình.
– Ga 14:28-29: Lý do mà Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha. Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha để có thể trở lại ngay lập tức. Người sẽ nói với bà Maria Mađalêna rằng: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha” (Ga 20:17). Lên cùng Chúa Cha, Người sẽ trở về qua Chúa Thánh Thần mà Người sẽ sai đến (xem Ga 20:22). Nếu không về cùng Chúa Cha thì Người sẽ không thể ở lại với chúng ta qua Chúa Thánh Thần.
– Ga 14:30-31a: Thế gian có thể không biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha. Chúa Giêsu đã kết thúc cuộc trò chuyện cuối với các môn đệ. Thủ lãnh của thế gian này muốn kiểm soát số phận của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu sẽ chết. Trong thực tế, thủ lãnh thế gian, cám dỗ, ma quỷ không có năng quyền gì trên Chúa Giêsu. Thế gian sẽ biết rằng Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha. Điều này là lời chứng quan trọng của Chúa Giêsu mà có thể thúc đẩy thế gian tin tưởng nơi Người. Trong việc công bố Tin Mừng, đó không phải là vấn đề tán rộng một học thuyết, hoặc áp đặt một Lề Luật, hoặc tom góp tất cả mọi người lại trong một tổ chức. Đó là câu hỏi, hơn hết cả, về lối sống và tỏa sáng những gì loài người mong muốn và sâu thẳm trong lòng: đó là tình yêu thương. Không có điều này, thì học thuyết, Lề Luật, việc cử hành chỉ là một bộ tóc giả trên một cái đầu hói.
– Ga 14:31b: Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây! Đây là những lời cuối của Chúa Giêsu, biểu hiện quyết định của Người được vâng lời Chúa Cha và mặc khải tình yêu của Người. Trong phép Thánh Thể, vào lúc thánh hiến của lễ, tại một số quốc gia, vị chủ tế đọc lời này: “Vào ngày trước cuộc thương khó của Người, Chúa đã tự nguyện chấp nhận.” Ở một nơi khác, Chúa Giêsu nói rằng: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Tôi: là vì Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha Tôi mà Tôi đã nhận được” (Ga 10:17-18).
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Chúa Giêsu nói rằng: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Tôi đóng góp vào việc xây dựng bình an trong gia đình tôi và trong cộng đoàn tôi như thế nào?
– Nhìn vào tấm gương vâng lời của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, tôi có thể cải thiện sự vâng phục của mình đối với Chúa Cha ở điểm nào?
5. Lời nguyện kết
Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
Kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
Nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
Xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.
(Tv 145:10-11)