Home / Event / Lectio Divina: Gioan 15:1-8

Lectio Divina: Gioan 15:1-8

Date: Thứ Tư 21 Tháng 5, 2025
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thứ Tư Tuần V – Mùa Phục Sinh

 

  1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, là Chúa Cha yêu thượng,

Chúa đã ban cho chúng con Con của Cha là Đức Giêsu Kitô,

Là cây nho sự sống thật

Và là nguồn dũng lực của chúng con.

Xin Cha giúp chúng con sống trong sự sống của Người

Như những cành nho sống kết hợp với cây nho,

Và sinh nhiều hoa trái của công lý, nhân từ và yêu thương.

Xin cho sự hiệp nhất của chúng con với Người trở nên hữu hình

Trong sự cởi mở của chúng con với nhau

Và trong sự hiệp nhất của chúng con là anh chị em,

Để Người có thể hiện diện cách hiển nhiên giữa chúng con

Bây giờ và mãi mãi.

  1. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 15:1-8 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.  Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.  Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.  Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.  Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.  Thầy là cây nho, anh em là cành.  Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.  Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo.  Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.  Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.  Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là:  anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.

  1. Suy Niệm

  Các chương từ 15 đến 17 của sách Tin Mừng Gioan trình bày cho chúng ta những giáo huấn đa dạng của Chúa Giêsu mà Thánh Sử đã tổng hợp lại và đặt trong bối cảnh tình bằng hữu và tình huynh đệ của cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người:

Ga 15:1-17:  Suy niệm chung quanh dụ ngôn cây nho

Ga 15:18 – 16:4a:  Lời khuyên về cách cư xử nếu chúng ta bị bách hại

Ga 16:4b-15:  Lời hứa về việc Chúa Thánh Thần sẽ hiện đến

Ga 16:16-33:  Suy niệm về cuộc từ biệt và sự trở lại của Chúa Giêsu

Ga 17:1-26:  Giao Ước của Chúa Giêsu dưới hình thức một lời kinh nguyện

–  Các bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai trình bày một phần sự suy nghĩ của Chúa Giêsu chung quanh dụ ngôn cây nho.  Để hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn này, điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ những từ ngữ mà Chúa Giêsu sử dụng.  Điều cũng quan trọng nữa là phải quan sát kỹ cây nho, hoặc bất kỳ loại cây nào khác, để xem nó phát triển như thế nào:  Thân cây và các cành kết hợp với nhau như thế nào, và hoa trái sinh ra từ mỗi cành như thế nào.

–  Ga 15:1-2:  Chúa Giêsu trình bày sự tương đồng về cây nho.  Trong Cựu Ước, hình ảnh cây nho chỉ về dân Israel (Is 5:1-2).  Dân Israel giống như gốc nho mà Thiên Chúa đã trồng với nhiều vun xới trên các ngọn đồi của xứ Palestine (Tv 80:9-12).  Nhưng cây nho ấy đã không xứng với những gì Thiên Chúa mong đợi.  Thay vì sinh ra những trái nho ngon ngọt, nó lại cho những trái nho chua chẳng dùng vào được việc gì (Is 5:3-4).  Chúa Giêsu là cây nho mới, cây nho thật.  Chỉ trong một câu, Người cho chúng ta sự so sánh.  Chúa nói:  “Ta là cây nho và Cha Ta là chủ vườn nho.  Mọi cành nho trong Ta mà không sinh trái, Người đều chặt bỏ, và tất cả cành nào sinh hoa trái, Người cắt tỉa để chúng càng sinh nhiều hoa trái hơn.”  Cắt tỉa thì đau đớn nhưng đó là điều cần thiết.  Nó làm thanh sạch cây nho, và như thế cây sẽ lớn lên và đơm bông kết trái nhiều hơn.

–  Ga 15:3-6:  Chúa Giêsu giải thích và áp dụng dụ ngôn.  Các môn đệ đã được thanh tẩy.  Họ đã được cắt tỉa bởi lời mà họ đã được nghe từ Chúa Giêsu.  Thiên Chúa thực hiện việc cắt tỉa trong chúng ta qua Lời của Người đến với chúng ta từ Kinh Thánh, từ những thử thách trong đời sống của chúng ta (Rm 5:4; Dt 12:6), và từ nhiều phương cách khác.  Chúa Giêsu diễn giải dụ ngôn và nói rằng:  “Thầy là cây nho, anh em là cành nho!”  Đó không phải là câu hỏi về hai điều khác nhau:  Một bên là cây nho và một bên là các cành nho.  Không!  Cây nho không tồn tại nếu không có các cành nho.  Chúng ta là một phần của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu là tất cả.  Để sinh ra hoa trái, cành nho phải kết hợp với cây nho.  Chỉ bằng cách này, nó mới có thể nhận được nhựa cây.  “Không có Ta, anh em không thể làm được gì!”  Cành nào mà không sinh hoa trái thì sẽ bị chặt đi.  Nó sẽ khô héo và sẵn sàng bị quăng vào lửa.  Nó hoàn toàn vô dụng, ngay cả cũng không làm gỗ được!

–  Ga 15:7-8:  Hãy ở lại trong tình yêu của Ta.  Gương mẫu của chúng ta là chính Chúa Giêsu sống trong mối quan hệ của Người với Chúa Cha.  Người nói rằng:  “Như Chúa Cha đã yêu thương Thầy, Thầy cũng đã yêu thương anh em. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy!”  Người nhấn mạnh rằng nếu chúng ta ở lại trong Người và thì Lời Người sẽ ở lại trong chúng ta.  Và thậm chí Chúa còn nói rằng:  “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”, bởi vì điều mà Chúa Cha muốn nhất là chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và chúng ta sinh nhiều hoa trái,  Và chúng ta nên xin điều gì?  Nếu chúng ta nên giống như Chúa Giêsu, thì điều chúng ta muốn cũng là điều Chúa Cha muốn, và Người ban cho điều đó.

  1. Một vài câu hỏi cá nhân

  Những khoảnh khắc cắt tỉa, hoặc khó khăn khác nhau trong đời tôi đã giúp tôi trưởng thành là gì?   Những khoảnh khắc gọt tỉa hoặc những giai đoạn khó khăn của cộng đoàn đã giúp chúng ta tăng trưởng là gì?

 Thứ đã giúp cho sự sống của cây nho được hiệp nhất và sinh động, có khả năng sinh hoa trái, là nhựa cây chảy qua nó.  Nhựa cây chảy qua cộng đoàn chúng ta để giúp cho cộng đoàn sinh động và có khả năng sinh hoa kết trái là gì?

–  Những điều tôi cầu xin nơi Chúa Cha có phù hợp với ý muốn và lòng ao ước của Người không, hay đó chỉ là ao ước của tôi?

  1. Lời nguyện kết

Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,

Hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!

Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!

Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ.

(Tv 96:1-2)

 

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …