Thứ Năm Tuần V – Mùa Phục Sinh
- Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con,
Chúa muốn Giáo Hội của Chúa
Rộng mở ra với mọi người và mọi dân tộc,
Vì Con Chúa đã đón chào tất cả mọi người.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tấm lòng bao dung và trái tim cởi mở.
Xin giúp chúng con buông bỏ những định kiến hẹp hòi của mình
Và ngăn chúng con khỏi các cố gắng tạo nên những người
Trong hình ảnh và giống như chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
- Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 15:9-11
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
- Suy Niệm
– Phần suy gẫm chung quanh dụ ngôn cây nho bao gồm các câu từ câu 1 đến câu 17. Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm các câu 9 đến 11; ngày mốt, phần Tin Mừng sẽ bỏ qua các câu 12 đến 17 và bắt đầu với câu 18, nói về một chủ đề khác. Đây là lý do mà hôm nay chúng tôi đưa vào một phần bình luận ngắn gọn các câu từ 12 đến 17, bởi vì trong đó nở rộ đóa hoa và dụ ngôn cây nho cho thấy tất cả vẻ đẹp của nó.
– Bài Tin Mừng hôm nay chỉ gồm ba câu tiếp nối từ bài Tin Mừng ngày hôm qua và rọi thêm ánh sáng để có thể áp dụng việc so sánh cây nho với đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn ví như cây nho. Nó trải qua những khoảnh khắc khó khăn. Đó là lúc bị cắt tỉa, một thời điểm cần thiết để có thể đơm bông kết trái nhiều hơn.
– Ga 15:9-11: Ở lại trong tình thương của Thầy, nguồn vui trọn vẹn. Chúa Giêsu ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, bằng cách tuân giữ các giới răn mà Người nhận được từ Chúa Cha. Chúng ta ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu bằng cách tuân giữ các giới răn mà Người đã để lại cho chúng ta. Và chúng ta nên tuân giữ chúng theo cùng một cách mà Chúa Giêsu đã tuân giữ các giới răn của Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” Chính trong sự hợp nhất tình yêu của Chúa Cha và của Chúa Giêsu thì nguồn vui mừng đích thực được tìm thấy: “Thầy đã nói với anh em điều này để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”
– Ga 15:12-13: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Giới răn của Chúa Giêsu thì chỉ có một: “Hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta!” (Ga 15:12). Chúa Giêsu tiến xa hơn Cựu Ước. Giới răn cổ xưa là: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19:18). Điều răn mới là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Tại đây Chúa đã truyền ra câu mà chúng ta vẫn hát cho đến tận bây giờ: “Không có tình yêu nào cao cả hơn điều này: thí mạng sống mình vì bạn hữu của người ấy!”
– Ga 15:14-15: Bạn hữu chứ không phải là tôi tớ. “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy”, đó là, thực hành tình yêu thương tột đỉnh là món quà của chính bản thân! Ngay sau đó, Chúa Giêsu cho biết thêm lý tưởng rất cao đẹp của đời sống môn đệ. Người nói rằng: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được từ Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết!” Chúa Giêsu không dấu một bí mật nào với các môn đệ của Người. Người đã cho chúng ta biết tất cả những gì Người nghe được từ Chúa Cha! Đây là lý tưởng tuyệt vời về đời sống cộng đoàn: đạt được sự minh bạch hoàn toàn, đến mức mà không có một bất kỳ bí mật nào giữa cộng đoàn và chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau, để có thể chia sẻ kinh nghiệm về Thiên Chúa và về sự sống mà chúng ta có, và bằng cách này làm phong phú cho nhau. Các Kitô hữu tiên khởi đã thành công trong việc đạt được lý tưởng này trong vài năm. Tất cả đều “đồng tâm nhất trí” (Cv 4:32; 1:14; 2:42, 46).
– Ga 15:16-17: Chúa Giêsu đã chọn chúng ta. Chúng ta đã không chọn Chúa Giêsu. Người đã chọn chúng ta. Người đã gọi chúng và giao phó cho chúng ta sứ mệnh là ra đi và sinh hoa kết trái, loại hoa trái trường tồn. Chúng ta cần Người, nhưng Người cũng cần chúng ta và việc làm của chúng ta để ngày nay chúng ta có thể tiếp tục làm những gì mà Chúa đã làm cho dân miền Galilê. Lời khuyên cuối cùng: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau!”
– Biểu tượng của cây nho trong Kinh Thánh. Người dân trong Kinh Thanh trồng nho và làm ra rượu ngon. Mùa thu hoạch nho là một bữa tiệc với đàn ca và múa hát, và điều này đã khởi nguồn cho bài ca cây nho, được dùng bởi tiên tri Isaia. Ông so sánh dân Israel như cây nho (Is 5:1-7; 27:2-5; Tv 80:9, 19). Trước ông, tiên tri Hôsê đã từng ví dân Israel như một cây nho sum sê, càng dồi dào hoa trái, thì việc thờ các ngẫu tượng càng dựng thêm lên (Hs 10:1). Chủ đề này đã được sử dụng bởi ngôn sứ Giêrêmia, người đã ví dân Israel như một cây nho tạp chủng (Gr 2:21), từ đó các cành nho bị bật gốc (Gr 5:10; 6:9). Ngôn sứ Giêrêmia dùng những biểu tượng này vì chính ông đã có một cây nho bị quân xâm lược dẫm đạp và tàn phá (Gr 12:10). Trong thời kỳ nô lệ ở Babylon, tiên tri Êzêkien đã dùng biểu tượng cây nho để tố cáo sự bất trung của dân Israel. Ông kể ba dụ ngôn về cây nho: 1) cây nho bị quăng vào mồi lửa vì vô dụng (Êd 15:1-8); 2) cây nho giả được trồng và bảo vệ bởi hai dòng nước, biểu tượng của các vị vua của Babylon và Ai-cập, kẻ thù của dân Israel (Êd 17:1-10); và 3) cây nho bị tàn phá bởi gió phương đông, hình ảnh của thời lưu đày nô lệ ở Babylon (Êd 19:10-14). Lời ví von cây nho đã được Chúa Giêsu dùng trong môt số dụ ngôn: những người làm công trong vườn nho (Mt 21:1-16); hai người con làm việc trong vườn nho (Mt 21:32-33); dụ ngôn về những tá điền gian ác, kẻ không trả tiền cho chủ vườn nho, đã đánh đập các tôi tớ và giết chết con trai của chủ vườn nho (Mt 21:33-45); cây vả không sinh trái trồng trong vườn nho (Lc 13:6-9); và cây nho cùng các cành của nó (Ga 15:1-17).
- Một vài câu hỏi cá nhân
– Chúng ta là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ. Tôi cân nhắc điều này trong mối quan hệ của tôi với những người khác như thế nào?
– Từ ngữ “bạn hữu” thực sự có ý nghĩa gì đối với bạn: Nếu bạn bước ra khỏi nhà bếp với chén cơm cuối cùng, và có một người bạn đang ngồi đó, bạn có sẽ nói với người ấy rằng đã hết cơm rồi, hay là bạn sẽ sẵn lòng chia sẻ, hoặc bạn sẽ nhường cả chén cơm cho người đó không? Nếu bạn nhường cả chén cơm, bạn có sẽ ngồi đó và nhìn có vẻ thèm thuồng và buồn bã không, hay là bạn sẽ quay trở vào bếp để ra vẻ như bạn cũng còn có thức ăn để người bạn không cảm thấy áy náy vì ăn chén cơm cuối cùng ấy không? Hãy tự hỏi, tôi đã làm gì trong quá khứ? Cảnh tượng này tóm tắt các lựa chọn của chúng ta với tư cách các Kitô hữu đối với bạn hữu của chúng ta.
– Thật là dễ dàng nhìn thấy và nghĩ về những nhu cầu như thức ăn như trong trường hợp này, đăc biệt là khi chúng được dùng rất thường xuyên trong các tài liệu tham khảo Kinh Thánh, nhưng nó không chỉ giới hạn ở điều này. Giả sử nếu tôi đang nói chuyện trong một nhóm bạn và có một người mới nhập vào, người ấy có lẽ không tự tin về ngôn ngữ mà tôi đang dùng. Tôi có sẽ nói chậm lại hay dùng những chữ dễ hiểu hơn, để người bạn vừa tham gia cuộc trò chuyện có thể hiểu thêm không? Tôi có sẽ giúp người bạn ấy không, hay là tôi vẫn tiếp tục nói, không quan tâm đến những chuyện vụn vặt như thế? Tôi có cố gắng tìm hiểu các nhu cầu của người bạn trong trường hợp này không? Hay là tôi cứ tảng lờ các nhu cầu hoặc khiếm khuyết của bạn tôi, hoặc chỉ trích họ không? Tôi có nói rằng: “Bạn hãy đến đây và tôi sẽ giúp bạn” và tận tình lo lắng cho bạn ấy, hay là tôi chỉ giới thiệu cho người ấy tên một người dạy kèm và thế là tôi đã xong việc không?
– Ai là bạn hữu của tôi? Có giới hạn nào không? Tôi có đối xử với những người trong cộng đoàn là bạn hữu khác với những người thấy ở ngoài đường không? Một người xa lạ có thể nào là bạn của tôi không? Trong câu chuyện chén cơm, nếu người ngồi ở bàn không phải là một người bạn, mà thay vào đó là tiếng gõ cửa và một người ăn xin đứng ở đó, tôi sẽ trả lời khác nhau như thế nào?
– Hãy yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Phải làm thế nào để lý tưởng tình yêu này lớn lên trong tôi?
- Lời nguyện kết
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ.
Kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
Cho mọi nước hay những kỳ công của Người
(Tv 96:2-3)