Home / Event / Lectio Divina: Gioan 15:26-16:4a

Lectio Divina: Gioan 15:26-16:4a

Date: Thứ Hai 6 Tháng Năm, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thứ Hai Tuần VI – Mùa Phục Sinh

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con,

Nếu chúng con thật sự tin vào Chúa và vào Con Chúa.

Chúng con không thể làm gì khác hơn là làm nhân chứng.

Xin sai Chúa Thánh Linh mạnh mẽ đến với chúng con,

Để chúng con không thể đưa ra những chứng cớ hời hợt

Vì đã không dũng cảm đứng lên cho Chúa

Vì tình yêu thương và quyền của người lân cận chúng con

Xin cho chúng con chỉ biết khiếp sợ

điều bất trung cùng Chúa và mọi người

Và không sợ hãi để ra làm chứng cho Chúa.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 15:26-16:4a 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu.

Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”. 

3.  Suy Niệm

  Từ chương 15 đến chương 17 của sách Tin Mừng Gioan, đường chân trời vượt ra ngoài thời khắc lịch sử của Bữa Tiệc Ly.  Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha rằng:  “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con” (Ga 17:20).  Trong những chương này, có việc thường xuyên nhắc đến hoạt động của Chúa Thánh Linh trong đời sống của các cộng đoàn, sau Chúa Phục Sinh.

–  Ga 15:26-27:  Hoạt động của Chúa Thánh Linh trong đời sống cộng đoàn.  Điều đầu tiên mà Chúa Thánh Linh làm là làm chứng cho Chúa Giêsu:  “Người sẽ làm chứng về Thầy”.   Chúa Thánh Linh không phải là một đấng thiêng liêng mơ hồ.  Không!  Người là Thần Chân Lý bởi Chúa Cha mà ra, sẽ được chính Chúa Giêsu sai đến và dẫn dắt chúng ta tới sự thật toàn vẹn (Ga 16:13).  Sự thật toàn vẹn là chính Chúa Giêsu:  “Chính Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống!” (Ga 14:6).  Vào cuối thế kỷ thứ nhất, có một số Kitô hữu bị mê hoặc bởi hoạt động của Chúa Thánh Linh đến nỗi mà họ không còn đoái hoài đến Chúa Giêsu nữa.  Họ khẳng định rằng giờ đây, sau khi Chúa Phục Sinh, thì không còn cần phải hướng về Chúa Giêsu thành Nagiarét nữa, “Đấng nhập thể làm người”.  Họ từ bỏ Chúa Giêsu và chỉ tin vào Chúa Thánh Linh.  Họ nói rằng:  “Giêsu là đồ khốn kiếp!” (1Cr 12:3).  Sách Tin Mừng Gioan giữ vững lập trường và không cho phép nói rằng công việc của Chúa Thánh Linh được tách rời khỏi ký ức của Chúa Giêsu Nagiarét.  Chúa Thánh Thần không thể bị cô lập với một sự vĩ đại độc lập, tách biệt khỏi mầu nhiệm Nhập Thể.  Chúa Thánh Thần kết hợp chặt chẽ vời Chúa Cha và Chúa Giêsu.  Ngài là Thần Khí của Chúa Giêsu mà Chúa Cha sai đến với chúng ta cũng là Thần Khí mà Chúa Giêsu có được với cái chết và sự Sống Lại của Người.  Và chúng ta, nhận lãnh Chúa Thánh Linh này trong Bí Tích Thanh Tẩy, nên là sự nối dài của Chúa Giêsu:  “Và các con cũng sẽ làm chứng!”  Chúng ta không bao giờ có thể quên rằng chính vào đêm trước ngày bị nộp, Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Linh, trong khoảnh khắc Người hiến thân cho anh em Người.  Ngày nay, Phong Trào Chúa Thánh Linh nhấn mạnh vào hoạt động của Chúa Thánh Thần và làm nhiều điều tốt lành.  Phong Trào nên luôn quả quyết hơn nữa, điều mà Phong Trào nên khẳng định rằng đó là việc làm của Thần Khí của Chúa Giêsu Nagiarét, Đấng vì tình yêu thương người nghèo khó và người bị thiệt thòi, nên đã bị nộp, bị bắt bớ và bị kết án tử hình và chính bởi vì điều này, Người đã hứa ban cho chúng ta Thần khí của Người theo cách mà chúng ta, sau cái chết của Người, tiếp tục công việc của Người dành cho nhân loại để mặc khải tình yêu ưu ái của Chúa Cha dành cho người nghèo và kẻ bị áp bức.   

–  Ga 16:1-2:  Các con đừng sợ.  Tin Mừng cho chúng ta biết rằng trung thành với Chúa Giêsu sẽ dẫn chúng ta đến những khó khăn.  Các môn đệ sẽ bị đuổi ra khỏi Hội Đường.  Họ sẽ bị kết án tử hình.  Điều tương tự xảy ra cho Chúa Giêsu sẽ xảy ra với họ.  Đây là lý do mà vào cuối thế kỷ thứ nhất, có một số người, để tránh sự bắt bớ, đã làm loãng đi hoặc giảm bớt ý nghĩa sứ điệp của Chúa Giêsu và biến nó thành một thông điệp Ngộ đạo:  mơ hồ, không có bất kỳ một xác định nào, và để không mâu thuẫn với ý thức hệ của Đế Quốc.  Những người này thì ứng với những gì thánh Phaolô đã viết:  “Họ sợ thập giá Đức Kitô” (Gl 6:12).  Chính thánh Gioan, trong thư của ông, đã viết về họ rằng:  “Có nhiều kẻ mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm.  Đó là kẻ mê hoặc và là tên phản Kitô!”  (2Ga 1:7).  Đòi hỏi của ông Tôma là”  “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20:25) là một biến thức khác.  Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng hứa ban cho chúng ta món quà của Chúa Thánh Linh là Đức Giêsu Nagiarét, Đấng vẫn tiếp tục có, ngay cả đến bây giờ, những dấu hiệu của sự tra tấn và đóng đinh trên Thân Thể Phục Sinh của Người.

–  Ga 16:3-4:  Họ không biết việc họ làm.  Họ làm tất cả những điều này “vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy”.  Những kẻ này không có một hình ảnh chính xác về Thiên Chúa.  Họ có một hình ảnh mơ hồ về Thiên Chúa, trong tim và trong óc.  Thiên Chúa của họ không phải là Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tập hợp tất cả chúng ta lại với nhau trong sự hiệp nhất và tình huynh đệ.  Vì lý do này, Chúa Giêsu đã buộc phải nói rằng:  “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).  Chúa Giêsu đã bị lên án bởi các giới chức có thẩm quyền tôn giáo bởi vì, theo ý tưởng của họ, Người đã có một hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa.  Trong những lời của Chúa Giêsu, không có sự thù hận hay oán trách, mà chỉ có lòng trắc ẩn:  họ là những người anh em không biết gì về Chúa Cha của chúng ta.  Đây là một “Đường” khác mà Người dạy, như chúng ta đã thảo luận trước đây, hướng dẫn chúng ta cách đặc biệt trong việc đối phó với những người thuộc về tôn giáo khác hoặc những giáo phái Kitô giáo khác đã làm nhẹ bớt lời của Chúa để không gặp bất tiện trong xã hội chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi cá nhân

  Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong lời khẳng định của Chúa Giêsu, không phải là một sự thật trên lý thuyết, mà là một biểu hiện của người Kitô hữu với sứ mệnh của Chúa Kitô.  Tôi mô tả mối quan hệ của tôi với từng ngôi trong Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào?

 Tôi sống đời mình với hoạt động của Chúa Thánh Linh trong một cách có thể trông thấy được như thế nào?

–  “Họ không biết Cha, cũng không biết Thầy” ứng với những người có đức tin sai lạc, tin vào ngẫu tượng, hoặc cho những ai hoàn toàn không biết gì về Thiên Chúa hoặc từ chối không tin vào một đấng nào cả.  Đoạn Tin Mừng này vẫn còn áp dụng cho các Kitô hữu ở Trung Đông giống như đã áp dụng khi xưa.  Nó cũng còn áp dụng cho kinh nghiệm của chúng ta trong xã hội thế tục.  Tất cả những cách chúng ta trải nghiệm về sự thiếu hiểu biết này về Chúa Cha và Chúa Con trong đời sống chúng ta ngày nay là gì và chúng ta có thể đáp ứng như thế nào?

5.  Lời nguyện kết

Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,

Ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung!

Hỡi Israel, nào hoan hỷ,

Vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi.

Con cái Sion, hãy nhảy mừng,

Vì được Chúa làm Vua hiển trị.

(Tv 149:1-2)

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …