Thứ Hai Tuần II Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Cha của chúng con,
Chúa không xa rời khỏi bất cứ người nào trong chúng con,
vì trong Chúa, chúng con sống, đi lại và hiện hữu
và Chúa sống trong chúng con qua Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, Chúa thật sự đang ở với chúng con,
xin Chúa sai Chúa Thánh Thần Chân Lý đến với chúng con
và nhờ Người giúp chúng con hiểu cặn kẽ hơn
về cuộc đời và sứ điệp của Con Chúa,
để chúng con có thể đón nhận đầy đủ sự thật
và sống với sự thật ấy trước sau như một.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Gioan 3:1-8
Khi ấy, trong nhóm Biệt Phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do Thái. Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị Tôn Sư Thiên Chúa ủy phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó.”
Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa.” Nicôđêmô thưa Chúa rằng: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?”
Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là Thần Linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi Trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy.”
3. Suy Niệm
- Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một phần cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô. Ông Nicôđêmô xuất hiện vài lần trong sách Tin Mừng của Gioan (Ga 3:1-13; 7:50-52; 19:39). Ông là người có địa vị trong xã hội. Ông là một thủ lãnh trong số những người Do Thái và là thành viên của tòa án tối cao, được gọi là Tổng Công Nghị. Trong sách Tin Mừng của Gioan, ông đại diện cho nhóm người Do Thái có đạo đức và chân thành, nhưng họ không hiểu được tất cả mọi điều Chúa Giêsu đã nói và làm. Nicôđêmô nghe nói về những dấu lạ và những điều kỳ diệu mà Chúa Giêsu đã làm, và ông đã được đánh động, kinh ngạc. Ông muốn đến nói chuyện với Chúa Giêsu để hiểu rõ hơn. Ông là một người có văn hóa, người nghĩ rằng mình tin vào những việc thuộc về Thiên Chúa. Ông mong đợi Đấng Mêssia với bộ Sách Lề Luật trong tay để xác minh xem sự mới lạ được Chúa Giêsu loan báo sẽ xuất hiện hay không. Chúa Giêsu làm cho ông Nicôđêmô hiểu rằng cách duy nhất đển hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa là phải được tái sinh! Điều tương tự cũng xảy ra ngày nay. Một số người giống như ông Nicôđêmô: chỉ chấp nhận những điều gì gọi là mới lạ khi chúng hợp với ý tưởng của họ. Điều gì không hợp với ý tưởng của họ thì bị chối từ và bị coi là trái với truyền thống. Những kẻ khác thì để cho mình được ngạc nhiên với sự thật và không ngần ngại nói rằng: “Tôi đã được tái sinh!”
- Ga 3:1: Một người tên là Nicôđêmô. Ngay trước cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô, Thánh Sử nói đến đức tin thiếu sót của một số người chỉ quan tâm đến các phép lạ của Chúa Giêsu (Ga 2:23-25). Ông Nicôđêmô ở trong số những người này. Ông có thiện ý, nhưng đức tin của ông vẫn còn có khiếm khuyết. Cuộc đối thoại với Chúa Giêsu đã giúp ông nhận thức được rằng ông phải tiến tới để có thể làm cho đức tin của mình vào Chúa Giêsu và vào Thiên Chúa được thêm sâu sắc hơn.
- Ga 3:2: Câu hỏi đầu tiên của ông Nicôđêmô: sự căng thẳng giữa cũ và mới. Ông Nicôđêmô là người Biệt Phái, một người danh giá trong số những người Do Thái và có lương tâm. Ông đã đi gặp Chúa Giêsu vào ban đêm và thưa với Chúa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị Tôn Sư được Thiên Chúa ủy phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó.” Ông Nicôđêmô đưa ra một ý liến về Chúa Giêsu theo những lập luận mà chính ông, Nicôđêmô, có trong lòng. Điều này rất quan trọng, nhưng chưa đủ để biết Chúa Giêsu. Những dấu lạ về việc làm của Chúa Giêsu có thể khơi dậy người ta và thức tỉnh người đó. Chúng có thể tạo sự tò mò, nhưng chúng không tạo ra được đức tin mạnh mẽ hơn. Chúng không làm cho người ta thấy Nước Trời hiện diện trong Chúa Giêsu. Vì lý do này, thật là cần thiết phải tiến tới, bước tới thêm một bước nữa. Bước này là gì?
- Ga 3:3: Câu trả lời của Chúa Giêsu: “Ông phải tái sinh!” Để ông Nicôđêmô có thể nhận thức được Nước Trời hiện diện trong Chúa Giêsu, ông ta phải tái sinh bởi trời. Bất cứ ai cố gắng tìm hiểu Chúa Giêsu chỉ từ những lập luận của Chúa mà thôi thì sẽ không hiểu được Người. Chúa Giêsu thì cao trọng hơn nhiều. Nếu ông Nicôđêmô vẫn còn nắm chặt trong tay với giáo lý của quá khứ mà thôi, thì ông sẽ không thể hiểu được Chúa Giêsu. Ông phải mở tay ra hoàn toàn. Ông phải gạt bỏ sang bên những điều chắc chắn và sự an toàn của mình và phải hoàn toàn từ bỏ chính mình. Ông phải làm sự chọn lựa giữa sự bảo đảm an toàn từ tổ chức tôn giáo với những lề luật và truyền thống của nó, và mặt khác, tự mình tiến vào cuộc phiêu lưu của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu đề nghị với ông.
- Ga 3:4: Câu hỏi thứ hai của ông Nicôđêmô: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh?” Ông Nicôđêmô đã không chịu thua và trả lời cùng câu hỏi với một sự mỉa mai: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?” Ông Nicôđêmô hiểu lời của Chúa Giêsu theo nghĩa đen và, vì điều này, ông không hiểu gì cả. Ông ấy nên nhận thức rằng Lời của Chúa Giêsu mang ý nghĩa tượng trưng.
- Ga 3:5-8: Câu trả lời của Chúa Giêsu: Để được sinh ra bởi trời, là được sinh ra bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu giải thích điều đó có nghĩa là gì: được sinh ra bởi trời hay được tái sinh. Đó là “Được sinh ra bởi nước và Chúa Thánh Thần”. Ở đây, chúng ta có một sự đề cập rõ ràng đến Bí Tích Rửa Tội. Qua cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô, Thánh Sử mời gọi chúng ta xem xét lại Bí Tích Rửa Tội của chúng ta. Ông đưa ra những lời sau đây: “Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là Thần Linh.” Những thứ được sinh bởi huyết nhục có nghĩa đó chỉ là ý tưởng của chúng ta. Điều gì phát sinh từ chúng ta thì trong tầm tay với của chúng ta. Được sinh ra bởi Chúa Thánh Thần là một điều khác! Chúa Thánh Thần giống như gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy.” Gió tự nó mà có, một hướng đi, một tuyến đường. Chúng ta quan sát hướng gió, ví dụ, gió Bấc hay gió Nồm, nhưng chúng ta không biết, cũng không thể kiểm soát được nguyên nhân tại sao gió lại di chuyển theo hướng này hoặc hướng kia. Đây là cách của Chúa Thánh Thần. “Chẳng ai làm chủ được Thần Khí” (Gv 8:8). Điều mà đặc trưng cho gió nhất, Thần Khí, là sự tự do. Gió, Thần Khí, thì tự do. Ngài không thể bị kiềm chế. Ngài tác động trên người ta và không ai có thể tác động trên Ngài. Xuất xứ của Ngài là điều bí ẩn. Con thuyền trước hết phải tìm ra đường đi của gió. Rồi nó phải đặt những cánh buồm theo con đường đó. Đó là những gì mà ông Nicôđêmô nên làm và tất cả chúng ta cũng nên làm.
- Chìa khóa để hiểu thấu đáo hơn lời của Chúa Giêsu về Chúa Thánh Linh. Ngôn ngữ Do Thái dùng cùng một chữ để nói về gió và thần khí. Như chúng tôi đã nói gió tự nó có tuyến đường, hướng đi: gió Bấc, gió Nồm. Thần Khí của Thiên Chúa có một con đường, một dự án, đã tự thể hiện trong sự sáng tạo. Thần Khí đã hiện diện trong sự tác tạo dưới hình thức của một cánh chim bay lượn trên mặt nước (St 1:2). Năm năm tháng tháng, Ngài đổi mới khuôn mặt địa cầu và sắp đặt thiên nhiên qua trình tự thời gian (Tv 104:30; 147:18). Điều tương tự cũng hiện diện trong lịch sử. Ngài khiến cho nước của Biển Đỏ rẽ ra (Xh 14:21) và Ngài ban cho người ta chim cút để ăn (Ds 11:31). Ngài đi cùng với ông Môisen, và Ngài bắt đầu chọn các người thủ lãnh trong dân (Ds 11:24-25). Ngài dẫn những thủ lãnh và bắt họ thực hiện các hoạt động giải thoát: ong Óthnien (Tl 3:10), ông Ghiđêon (Tl 6:34), ông Géptát (Tl 11:29), ông Samson (Tl 13:25; 14:6,19; 15:14), ông Saolê (1Sm 11:6), và bà Đébbôrah, nữ ngôn sứ (Tl 4:4). Ngài hiện diện trong nhóm các ngôn sứ và hoạt động trong họ với quyền năng lan truyền (1Sm 10:5-6,10), hoạt động của Ngài trong các ngôn sứ tạo ra sự ghen tị với những người khác. Nhưng ông Môisen trả lời: “Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ. Vì ĐỨC CHÚA đã ban Thần Khí của Người trên họ!” (Ds 11:29).
- Trong suốt hằng thế kỷ, niềm hy vọng đã tăng triển để Thần Khí Chúa có thể điều hướng Đấng Mêssia trong việc thực hiện dự án của Thiên Chúa (Is 11:1-9) và Thần Khí sẽ ngự xuống trên tất cả dân Chúa (Êd 36:27; 39:29; Is 32:15; 44:3). Lời hứa tuyệt vời về Chúa Thánh Thần xuất hiện theo nhiều cách khác nhau trong các ngôn sứ thời kỳ lưu đầy: thị kiến về những bộ xương khô, được sống lại bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần (Êd 37:1-14); Thần Khí Thiên Chúa đổ đầy tràn trên tất cả mọi người (Ge 3:1-5); thị kiến về Đấng Thiên-Sai-Tôi-Tớ, Đấng sẽ được xức dầu bởi Thần Khí Chúa để thiết lập nền công lý trên thế gian và loan báo Tin Mừng cho người nghèo (Is 42:1; 44:1-3; 61:1-3). Họ nhận thức được một tương lai, trong đó mọi người ngày càng được tái sinh nhờ sự tràn ngập của Thần Khí Chúa (Êd 36:26-27; Tv 51:12; xem Is 32:15-20).
- Tin Mừng theo thánh Gioan dùng nhiều hình ảnh và biểu tượng để biểu thị hoạt động của Chúa Thánh Linh. Tương tự như trong việc tạo dựng (St 1:1), trong cùng một cách Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu “như chim bồ câu, từ trời xuống” (Ga 1:32). Đó là khởi đầu của sự sáng tạo mới! Đức Giêsu công bố Lời của Thiên Chúa và truyền đạt Thần Khí của Ngài cho chúng ta (Ga 3:34). Những lời của Chúa Giêsu nói là thần khí và là sự sống (Ga 6:63). Khi Chúa Giêsu loan báo rằng Người sẽ về cùng Chúa Cha, Người nói rằng Người sẽ ban một Đấng An Ủi khác, Đấng Bảo Trợ khác, đế Đấng ấy có thể ở với chúng ta luôn mãi. Đấng ấy là Chúa Thánh Linh (Ga 14:16-17). Nhờ cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Chúa, Đức Giêsu đạt được ân sủng của Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Qua bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được nhận lãnh Thần Khí này của Chúa Giêsu (Ga 1:33). Khi Người xuất hiện với các Tông Đồ, Người thổi hơi vào các ông và nói rằng: “Hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần!” (Ga 20:22). Chúa Thánh Thần giống như dòng nước tuôn chảy từ những người tin vào Chúa Giêsu (Ga 7:37-39; 4:14). Ảnh hưởng đầu tiên từ tác đông của Chúa Thánh Thần trong chúng ta là bí tích hòa giải: “Nếu anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu anh em cầm giữ ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:23). Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta để chúng ta có thể ghi nhớ và hiểu được đầy đủ ý nghĩa Lời của Chúa Giêsu (Ga 14:26; 16:12-13). Được tác động bởi Thần Khí của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thờ lạy Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào (Ga 4:23-24). Điều này nhận ra sự tự do của Thần Khi Chúa, Đấng mà thánh Phaolô nói rằng: “Ở đâu có Thần Khí Chúa, thì ở đó có tự do” (2Cr 3:17).
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Bạn phản ứng trước những điều mới lạ tự dưng xuất hiện như thế nào: phản ứng giống như ông Nicôđêmô hay là bạn chấp nhận những ngạc nhiên của Thiên Chúa?
- Chúa Giêsu so sánh hoạt động của Chúa Thánh Thần với gió (Ga 3:8). Sự so sánh này mặc khải cho tôi điều gì về hoạt động của Thần Khí trong đời sống của tôi? Đã có bao giờ bạn có những kinh nghiệm về cảm giác mình được tái sinh chưa?
5. Lời nguyện kết
Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên
(Tv 34:1-2)