Thứ Tư – Tuần II Mùa Phục Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Chúa của chúng con,
Chúa đã yêu thế gian – đó chính là chúng con – đến nỗi mà
Chúa đã ban cho chúng con Con Một của Chúa
Để cứu rỗi chúng con
Và ban cho chúng con sự sống đời đời.
Lạy Chúa, xin đừng luận phạt chúng con,
Xin đừng bỏ chúng con bơ vơ
Với những kế hoạch nhỏ nhoi của mình
Nhưng giờ đây xin Chúa hãy ban cho chúng con Con của Chúa ở lại với chúng con
Để cho tình yêu, công lý và hòa bình,
Luôn là thực tế mới mẻ giữa chúng con,
Dân Chúa được tái sinh trong Con của Chúa,
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 3:16-21
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Đicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.”
3. Suy Niệm
– Sách Tin Mừng của Gioan giống như một tấm vải được dệt từ ba thoi chỉ khác nhau, nhưng tương tự. Chúng được kết hợp rất tốt đẹp với nhau, đôi khi, không thể phân biệt được khi nào thì sợi này đi sang sợi kia: (a) Thoi chỉ thứ nhất là sự thật và những lời nói của Chúa Giêsu trong suốt ba mươi năm, được gìn giữ bởi những nhân chứng là những người ghi nhớ những điều Chúa Giêsu đã làm và đã dạy; (b) Thoi chỉ thứ hai là những sự thật về đời sống cộng đoàn. Bởi vì lòng tin của họ vào Chúa Giêsu và tin chắc rằng Chúa hiện diện giữa họ, các cộng đoàn được soi sáng đường đi của họ với những lời và cử chỉ của Chúa Giêsu. Điều này có một số liên quan hoặc tác động đến lời mô tả sự kiện. Ví dụ, sự xung đột của các nhóm Biệt Phái vào cuối thế kỷ thứ nhất đánh dấu cách mô tả các cuộc xung đột của Chúa Giêsu với người Biệt Phái. (c) Những lời chú giải của Thánh Sử Phúc Âm là thoi chỉ thứ ba. Trong một số đoạn văn, khó mà có thể nhận ra khi nào Lời của Chúa Giêsu dứt và Thánh Sử bắt đầu đan vào những lời chú giải của mình. Ví dụ, văn bản của bài Tin Mừng hôm nay là một sự phản ảnh đẹp đẽ và sâu sắc của Phúc Âm Thánh Sử về hoạt động của Chúa Giêsu. Người ta khó có thể nhận ra sự khác biệt khi nào thì Chúa Giêsu nói và khi nào Thánh Sử nói. Dù sao chăng nữa, cả hai đều là Lời của Chúa.
– Ga 3:16: Thiên Chúa đã yêu thế gian. Chữ thế gian là một trong những từ được dùng thường xuyên hơn trong sách Tin Mừng Gioan: 78 lần! Nó có một số ý nghĩa. Trước hết, thế gian có thể mang ý nghĩa trái đất, không gian cho loài người sống (Ga 11:9; 21:25) hoặc có thể là cả vũ trụ được tạo dựng (Ga 17:5, 24). Thế gian cũng có thể có nghĩa là những người đang sống trên trái đất này, tất cả nhân loại (Ga 1:9; 3:16; 4:42; 6:14; 8:12). Nó cũng có thể chỉ về một nhóm đông người, nhiều người, như khi chúng ta nói về “toàn thế giới” (Ga 12:19; 14:27). Ở đây, trong bài Tin Mừng của chúng ta, chữ thế gian cũng có nghĩa là nhân loại, toàn thể nhân loại. Thiên Chúa yêu nhân loại đến nỗi đã ban Con Một Người. Những ai chấp nhận rằng Thiên Chúa đến với chúng ta trong Chúa Giêsu, thì kẻ ấy đã đi qua cái chết và có sự sống đời đời.
– Ga 3:17-19: Ý nghĩa thật sự của sự luận phạt. Hình ảnh Thiên Chúa xuất hiện trong ba câu Tin Mừng là hình ảnh Chúa Cha đầy dịu dàng và không là một quan tòa nghiêm khắc. Thiên Chúa sai Con của Người giáng trần không để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Chúa Giêsu và nhận Người là sự mặc khải của Thiên Chúa sẽ không bị luận phạt, bởi vì người ấy đã được Thiên Chúa chấp nhận. Và ai không tin vào Chúa Giêsu thì đã bị luận phạt rồi. Kẻ ấy loại trừ chính mình. Và Thánh Sử nhắc lại những gì ông đã nói trong Lời Tựa: nhiều người không muốn đón nhận Chúa Giêsu, bởi vì ánh sáng của Người cho thấy sự xấu xa tội lỗi trong họ (xem Ga 1:5, 10-11).
– Ga 3:20-21: Thực hành chân lý: Trong mỗi người, có một hạt giống thiêng liêng, một nét của Đấng Tạo Hóa. Chúa Giêsu, sự mặc khải của Chúa Cha, là lời đáp trả cho lòng ước ao sâu xa nhất này của loài người. Ai muốn trung thành với những gì anh ta có trong lòng mình, thì đón nhận Chúa Giêsu. Thật khó mà tìm được một viễn kiến hiệp nhất rộng lớn hơn điều được nói trong ba câu này trong sách Tin Mừng Gioan.
– Để hoàn thành ý nghĩa của từ ngữ thế gian trong sách Tin Mừng Thứ Tư. Những lần khác, chữ thế gian có nghĩa là phần nhân loại đối nghịch lại với Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Ở đó, chữ thế gian mang ý nghĩa “kẻ thù” hay “kẻ đối nghịch” (Ga 7:4,7; 8:23,26; 9:39; 12:25). Chữ thế gian này, đối nghịch lại với việc thực hành sự tự do của Chúa Giêsu, được chỉ đạo bởi kẻ thù hoặc Satan, còn được gọi là “thủ lãnh của thế gian này” (Ga 14:30; 16:11). Nó đại diện cho đế chế La Mã và, đồng thời, cũng là những kẻ có thẩm quyền Do Thái, những kẻ đang xua đuổi các tín đồ của Chúa Giêsu ra khỏi Hội Đường. Thế gian này bắt bớ và sát hại các cộng đoàn, gây ra gian nan khốn khó cho các người tin vào Chúa (Ga 16:33). Chúa Giêsu sẽ giải thoát họ, sẽ chiến thắng thủ lãnh thế gian này (Ga 12:31). Vì thế, thế gian có nghĩa là một tình trạng bất công, áp bức, tạo ra sự thù hận và bắt bớ đối với các cộng đoàn của người Môn Đệ Chúa Yêu. Những kẻ bắt bớ là những kẻ nắm trong tay quyền lực, các người lãnh đạo, của cả Đế Chế lẫn Hội Đường. Cuối cùng, tất cả những ai nhân danh Thiên Chúa mà thực hành sự bất công (Ga 16:2). Niềm hy vọng mà Tin Mừng đem đến cho những cộng đoàn bị bách hại là Chúa Giêsu thì mạnh mẽ hơn thế gian. Đây là lý do mà Chúa nói rằng: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16:33).
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người. Sự thật này có đã thấm nhập vào trong đáy lòng bạn, vào lương tâm bạn chưa?
– Sự thật hiệp nhất rõ nghĩa hơn mà hiện hữu là sự sống Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và vì Người đã ban cho chúng ta Con Một Người. Tôi sống sự Hiệp Nhất trong đời sống hằng ngày của tôi như thế nào?
5. Lời nguyện kết
Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
Câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
Xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
(Tv 34:2-3)