Home / Event / Lectio Divina: Gioan 6:1-15

Lectio Divina: Gioan 6:1-15

Date: Thứ Sáu 2 Tháng 5, 2025
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thứ Sáu – Tuần II Mùa Phục Sinh

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,

Đức Giêsu, Con của Chúa, đã ban của ăn

Cho những kẻ đi theo người vào trong sa mạc

Và họ đã lãnh nhận no thỏa.

Nguyện xin cho chúng con có thể nhận biết và tin tưởng rằng

Người có thể lấp đầy sự trống rỗng của chúng con

Không chỉ với những quà tặng đáp ứng nhu cầu tạm thời của chúng con

mà với chính bản thân Người,

Và nguyện xin cho chúng con đón nhận Người cách sốt sắng

Vì Người là Chúa của chúng con muôn đời.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 6:1-15 

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria.  Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật.  Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 

Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái đã gần tới.  Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người.  Người hỏi Philípphê:  “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?”  Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm.  Philípphê thưa:  “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.  Một trong những môn đệ là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng:  “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người.”  Chúa Giêsu nói:  “Cứ bảo người ta ngồi xuống.”  Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. 

Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tùy thích.  Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ:  “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi.”  Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng:  “Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian.”  Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

3.  Suy Niệm

   Phần đầu chương sáu của sách Tin Mừng Gioan cho ngày hôm nay đặt trước chúng ta hai dấu lạ hoặc phép lạ: việc hóa bánh ra nhiều (Ga 6:1-15) và việc đi trên mặt nước (Ga 6:16-21).  Tiếp đến là cuộc đối thoại dài về Bánh Sự Sống (Ga 6:22-71).  Ông Gioan đã đặt sự kiện này gần với ngày lễ Vượt Qua (Ga 6:4).  Tâm điểm của sự kiện là sự đối đầu giữa Lễ Vượt Qua cũ và Lễ Vượt Qua mới xảy ra trong Chúa Giêsu.  Cuộc đối thoại về bánh sự sống sẽ làm sáng tỏ về Lễ Vượt Qua mới xảy ra trong Chúa Giêsu.  

  Ga 6:1-4:  Tình trạng.  Trong lễ Vượt Qua vào thời cổ đại, vô số người vượt biển Đỏ.  Trong lễ Vượt Qua mới, Chúa Giêsu đi ngang qua biển hồ Galilêa.  Một số đông người đi theo ông Môisen.  Một đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu trong cuộc xuất hành mới này.  Trong cuộc xuất hành đầu tiên, ông Môisen đi lên núi.  Chúa Giêsu, ông Môisen mới, cũng đi lên núi.  Đám đông đi theo ông Môisen là người có những dấu lạ tuyệt vời.  Đám đông đi theo Chúa Giêsu bởi vì họ đã thấy những dấu lạ mà Người đã làm để chữa các người bệnh.

–  Ga 6:5-7:  Chúa Giêsu và ông Philípphê.  Thấy đám rất đông dân chúng, Chúa Giêsu tìm gặp các môn đệ vì sự đói khát của đám đông.  Người hỏi Philípphê:  “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?”  Trong cuộc xuất hành đầu tiên, ông Môisen đã tìm được thức ăn cho những người dân đang đói.  Chúa Giêsu, ông Môisen mới, sẽ làm điều tương tự.  Nhưng ông Philípphê, thay vì nhìn vào tình huống dưới ánh sáng của Kinh Thánh, ông lại nhìn nó theo hệ thống xã hội và thưa lại rằng:  “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút!”  Một đồng tiền là mức lương tối thiểu cho một ngày.  Ông Philípphê nhận thức được vấn đề và nhận biết sự bất lực hoàn toàn của mình để giải quyết nó.  Ông phàn nàn, nhưng không đưa ra một giải pháp nào. 

–  Ga 6:8-9:  Ông Anrê và cậu bé.  Ông Anrê, thay vì phàn nàn, đi tìm một giải pháp.  Ông tìm thấy một cậu bé có năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá:  Năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá là khẩu phần ăn hàng ngày của người nghèo.  Cậu bé trao khẩu phần ăn một ngày của mình cho người khác!  Lẽ ra, cậu có thể nói:  “Năm ổ bánh và hai con cá, để cho bằng ấy người ăn ư?  Chẳng thấm vào đâu!  Chúng ta hãy chia những thứ này cho riêng chúng ta, giữa hai hoặc ba người” nhưng thay vào đó, cậu đã có can đảm cho đi năm ổ bánh mì và hai con cá để nuôi năm ngàn người (Ga 6:10).  Ai làm điều này, thì hoặc người ấy là kẻ ngốc hoặc người ấy có đầy niềm tin.  Tin rằng, vì tình yêu Chúa Giêsu, tất cả mọi người đã sẵn sàng để chia sẻ thức ăn của mình như cậu bé đã làm!

–  Ga 6:10-11:  Bánh hóa ra nhiều.  Chúa Giêsu bảo người ta ngồi xuống đất.  Rồi Người hóa bánh ra nhiều, khẩu phần ăn của người nghèo.  Văn bản viết rằng:  “Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tùy thích.”  Với câu văn này, được viết vào năm 100 sau Công Nguyên, ông Gioan gợi nhớ lại cử chỉ của Bữa Tiệc Ly (1Cr 11:23-24).  Bí tích Thánh Thể, khi được cử hành đúng đắn, sẽ hướng dẫn người ta chia sẻ như nó đã thúc đẩy cậu bé chia sẻ tất cả phần ăn của mình.

–  Ga 6:12-13:  Mười hai thúng đầy bánh vụn còn dư.  Con số mười hai gợi lại toàn thể dân chúng Israel với mười hai chi tộc.  Ông Gioan không cho biết rằng cá có dư không.  Ông muốn gợi nhớ lại chiếc bánh là một biểu tượng của Bí Tích Thánh Thể.  Tin Mừng Gioan không mô tả về Bữa Tiệc Thánh Thể, nhưng lại mô tả việc bánh hóa ra nhiều, biểu tượng cho những gì sẽ xảy ra trong cộng đoàn qua việc cử hành Bữa Tiệc Thánh Thể.  Nếu trong số các Kitô hữu có sự chia sẻ thật sự và đúng đắn, thì sẽ có nhiều thức ăn dư đầy và mười hai thúng dư ra dành cho nhiều người khác!

–  Ga 6:14-15:  Họ muốn tôn Người làm vua.  Người ta diễn giải cử chỉ của Chúa Giêsu nói rằng: “Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian!”  Trực giác của người dân thì công bình.  Thật vậy, Chúa Giêsu chính là ông Môisen mới, Đấng Thiên Sai, là Đấng mà người dân đang mong đợi (Đnl 18:15-19).  Nhưng trực giác này đã bị làm lệch lạc bởi ý thức hệ thời ấy muốn có một vị vua oai hùng, một ông vua mạnh mẽ và thống trị.  Đây là lý do, khi nhìn thấy dấu lạ, người ta tuyên bố Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và muốn tôn Người lên làm vua!  Chúa Giêsu đã nhận ra những gì có thể xảy ra, và Người trốn đi lên núi một mình.  Người không chấp nhận trở thành Đấng Mêssia theo cách này và chờ đợi dịp thuận tiện để giúp người ta tiến lên một bước xa hơn.

4.  Một vài câu hỏi cá nhân

  Trước vấn đề đói kém trên thế giới, bạn sẽ hành động như ông Philípphê, như ông Anrê, hay như cậu bé?

 Người ta muốn một Đấng Thiên Sai như vị vua oai hùng và quyền lực.  Ngày nay, nhiều người đi theo các nhà lãnh đạo nổi tiếng.  Bài Tin Mừng hôm nay nói gì với chúng ta về điều này?

5.  Lời nguyện kết

CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,

Tôi còn sợ người nào?

CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,

Tôi khiếp gì ai nữa?

(Tv 27:1)

Check Also

Thánh Têrêsa – Thầy Dạy Về Cầu Nguyện (Phần I: Lịch Sử)

Date: Time: - “Theo tôi thì tâm nguyện không gì khác hơn là một mối …