Home / Event / Lectio Divina: Gioan 6:16-21

Lectio Divina: Gioan 6:16-21

Date: Thứ Bảy 13 Tháng Tư, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thứ Bảy – Tuần II Mùa Phục Sinh

 

  1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,

Trong thời đại của chúng con, chúng con cũng cần có những người

Tràn đầy Thần Khí của yêu thương và phục vụ

Những người chú tâm đến nhu cầu của người dân.

Xin Chúa hãy cho họ nghe được cả những tiếng khóc âm thầm

Của những kẻ quá rụt rè để nói lên

Sự nghèo đói và đau khổ của họ

Và những người ấy rộng tay giúp đỡ không cân nhắc

Những anh chị em của Chúa Kitô của họ;

Vì Người là Chúa của chúng con đến muôn đời.

  1. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 6:16-21 

Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Caphárnaum bên kia Biển Hồ.  Trời đã tối mà Đức Giêsu chưa đến với các ông.  Biển động, vì gió thổi mạnh.

Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền.  Các ông hoảng sợ.  Nhưng Người bảo các ông:  “Thầy đây mà, đừng sợ!”  Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

  1. Suy Niệm

   Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại đoạn kể về con thuyền trong cơn biển động.  Chúa Giêsu đang ở trên núi, các môn đệ ở trên biển và dân chúng đang ở trên đất liền.  Theo cách tường thuật câu chuyện, ông Gioan cố gắng giúp cộng đoàn khám phá ra mầu nhiệm bao trùm con người của Chúa Giêsu.  Ông làm điều đó bằng cách nhắc nhớ lại các văn bản từ Cựu Ước nói về cuộc Xuất Hành.

  Vào lúc ông Gioan viết sách này, chiếc thuyền nhỏ bé của cộng đoàn đã phải đối mặt với một cơn gió ngược chiều cả về phía những tín hữu Do Thái cải đạo đã muốn làm giảm mầu nhiệm của Chúa Giêsu so với các ngôn sứ và nhân vật của Cựu Ước, lẫn từ phía các tín hữu dân ngoại, những người đã cho rằng có thể có một liên minh giữa Chúa Giêsu và Đế Chế La Mã.

  Ga 6:15:  Chúa Giêsu đi lên núi.  Trước sự việc bánh hóa ra nhiều, dân chúng kết luận rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế người ta đang mong đợi, bởi vì dựa theo hy vọng của người dân thời ấy, Đấng Cứu Thế sẽ lặp lại cử chỉ của ông Môisen:  cho dân chúng của ăn trong sa mạc.  Vì lý do này, theo tư tưởng chính thức, đám đông cho rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêssia, và vì điều này, họ muốn tôn Người lên làm Vua (xem Ga 6:14-15).  Yêu cầu này của người dân là một cám dỗ đối với Chúa Giêsu cũng như với các môn đệ.  Trong sách Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu bắt buộc các môn đệ phải lên thuyền và đi sang bờ hồ bên kia (Mc 6:45).  Người muốn tránh cho họ khỏi bị tì ố với ý thức thống trị.  Đây là dấu hiệu cho thấy rằng “men của nhóm Hêrôđê và của những người Biệt Phái” rất là mạnh mẽ (Mk 8:15).  Chúa Giêsu đối mặt với cơn cám dỗ bằng lời cầu nguyện trên núi.

–  Ga 6:16-18:  Tình trạng của các môn đệ.  Trời đã tối.  Các môn đệ đã đi xuống bờ của biển hồ; các ông lên thuyền và chèo thuyền về hướng Cápharnaum, ở phía bên kia hồ.  Ông Gioan cho biết rằng trời đã tối mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến.  Một mặt, ông nhớ lại cuộc Xuất Hành: vượt biển giữa những khó khăn.  Mặt khác, ông nhớ đến tình cảnh của các cộng đoàn trong Đế Chế La Mã: với các môn đệ, các ông đang sống trong bóng tối, với cơn gió ngược chiều và biển động, và Chúa Giêsu dường như vắng bóng!

–  Ga 6:19-20:  Tình hình thay đổi.  Chúa Giêsu đi trên mặt nước của biển sự sống đến với các ông.  Các môn đệ sợ hãi.  Như khi xảy ra trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau, họ đã không nhận ra Người (Lc 24:28).  Chúa Giêsu đến gần các ông và bảo rằng:  “Thầy đây mà, đừng sợ!”  Đối với những ai biết chuyện trong Cựu Ước, ở đây một lần nữa, ông nhắc lại một số dữ kiện rất quan trọng:  (a) Ông nhắc lại đám đông, được Thiên Chúa bảo vệ, vượt qua Biển Đỏ mà không sợ hãi.  (b) Ông nhắc lại rằng Thiên Chúa, khi gọi ông Môisen, Người công bố tên mình rằng:  “Ta là!” (xem Xh 3:15). (c) Ông cũng nhắc lại Sách Tiên Tri Isaia trình bày sự trở về từ thời kỳ lưu đày như một cuộc Xuất Hành mới, trong đó Thiên Chúa xuất hiện lặp lại nhiều lần rằng:  “Ta là!” (xem Is 42:8; 43:5,11-13; 44:6,25; 45:5-7).

–  Đối với dân chúng trong Kinh Thánh, biển là biểu tượng của vực sâu, của sự hỗn loạn, của sự dữ (Kh 13:1).  Trong Sách Xuất Hành, dân chúng đối diện, đi ngang qua, và chinh phục biển để hướng tới tự do.  Thiên Chúa rẽ biển bằng hơi thở của Người và đám đông băng qua biển là vùng đất khô (Xh 14:22).  Trong cách đoạn khác, Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa chinh phục biển cả (St 1:6-10; Tv 104:6-9; Cn 8:27).  Chinh phục được biển cả có nghĩa là áp đặt khả năng giới hạn của con người và ngăn chặn nó nuốt chửng tất cả trái đất với những cơn sóng của nó.  Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu mặc khải thiên tính của Người qua cách thống trị và chinh phục biển cả, ngăn không cho con thuyền và các môn đệ của Người bị sóng biển cuốn đi.  Cách gợi lên hoặc nhắc lại Cựu Ước này, của cách dùng Kinh Thánh, đã giúp cộng đoàn nhận thức rõ hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu và trong các sự kiện của cuộc sống.  Đừng sợ!

–  Ga 6:22:  Các ông đã đến nơi các ông định đến.  Các ông muốn rước Chúa Giêsu lên thuyền, nhưng điều đó không cần thiết, bởi vì thuyền đã tới bờ nơi các ông định đến.  Các ông đã đến bến bờ mong muốn.  Sách Thánh Vịnh viết rằng:  “Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng.  Họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.” (Tv 107:29-30).

  1. Một vài câu hỏi cá nhân

  Đi lên núi:  Tại sao Chúa Giêsu lại tìm cách ở một mình để cầu nguyện sau khi đã hóa bánh ra nhiều?  Kết quả lời cầu nguyện của Chúa là gì?

 Ngày nay người ta có thể nào đi trên mặt nước của biển sự sống không? Bằng cách nào?

  1. Lời nguyện kết

Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA,

Kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.

Tạ ơn CHÚA, gieo vạn tiếng đàn cầm,

Kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt.

(Tv 33:1-2)

 

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …